Wednesday, 18 April 2012

CÂY THÔNG REO



Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó.
Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy
Hay:
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi
Hoặc:
Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.
Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn:
Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
Đã sa xuống thấp lại lên cao.
Chán chường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế.
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng . Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:
Năm mươi năm trước, anh hai ba
(Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam)
Hoặc trong bài "Bỡn nhân tình" :
Tau ở nhà tau, tau nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói: răng không đến?
Đến thì mi nói: đến làm chi
Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông (*)

Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi.
Cảm phục tào thơ văn của ông, hậu duệ ngày nay đã “mài”  thơ của ông ra thành những “lời vàng ngọc” như dưới đây.

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm  con gà trống sống đời tự do
Ban ngày thì ngáy o o
Quanh năm đạp mái không lo mất tiền
Xong rồi về với tổ tiên
Tắm qua một cái rồi lên bàn thờ
Lạc vào  tiên cảnh nên thơ
Khỏa thân làm dáng cho vừa sức giai
Cuộc đời ngẫm cũng chông gai
Thôi thì ta cứ đầu thai kiếp gà
......
Kiếp sau xin chớ làm người...

Thôi, làm người nữa chi cho mệt.
Một dân tộc có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt như nước Việt mà bị tụi “lạ” hà hiếp, bắt ép, coi thường như hiện nay thì quá thể lắm rồi.
Mà thôi, đừng nghe “xúi dại” làm gà, cho dù là KIM KÊ, ngõ ý làm cây thông REO vậy. Chỉ là thực vật thôi nhưng khí phách ngang trời, người đâu sánh được.
(*) Cây thông trong cách hiểu Nho-Khổng giáo là người quân tử.


PVH (st, bs)

No comments:

Post a Comment