Tuesday 3 April 2012

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC PHÁP LUẬT (Phần 2)



NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN

Điều 14 BLDS qui định: Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là những khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân không chỉ bao gồm khả năng tạo ra các quyền và gánh vác các nghĩa vụ dân sự bằng chính hành vi của mình mà còn phải tự chịu trách nhiệm về những hậu quả pháp lý do chính hành vi của họ mang lại.
Mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Pháp luật dân sự qui định mọi cá nhân đều bình đẳng về năng lực pháp luật dân sự, nhưng lại xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân không giống nhau. Việc xác định mức độ năng lực hành vi dân sự dựa vào độ tuổi và khả năng nhận thức (hiểu được hành vi và hậu quả của hành vi) để phân biệt thành các mức độ khác nhau.
- Năng lực hành vi dân sự đầy đủ:
Người từ đủ 18 tuổi trở lên có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình có quyền tự tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện.
-          Mất năng lực hành vi dân sự:
Khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích có liên quan Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định có thẩm quyền. Theo qui định của Bộ luật Dân sự việc tuyên bố mất năng lực hành vì thuộc thẩm quyền của Toà án và theo thủ tục tố tụng dân sự. Trước khi đưa vụ án ra xét xử để quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự Toà án phải trưng cầu giám định và có kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần (chứ không phải của cơ sở y tế khác) để tránh tình trạng có sai sót, nhầm lẫn trong việc quyết định.
Trong trường hợp cá nhân bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì mọi giao dịch dân sự đều do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
(còn tiếp)


Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan (cha, mẹ, vợ hoặc chồng) Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
D.N

No comments:

Post a Comment