Tuesday 30 June 2015

SỰ NỔI GIẬN CỦA MẸ THIÊN NHIÊN


Hai năm gần đây, cả thế giới vô cùng bàng hoàng khi chứng kiến những thảm họa liên tiếp xảy ra gây ra nhiều tiếc thương vô hạn cho biết bao người dân vô tội đang sống và tồn tại trên trái đất này. Cụ thể phải kể đến trận động đất mạnh 7,8 độ richter kéo theo lở tuyết ở Nepal ngày 25/04/2015 đã làm hơn 2500 người bị thiệt mạng, một thảm kịch kinh hoàng đã được lặp lại sau trận động đất sóng thần tồi tệ nhất trong lịch sử đã diễn ra ở Nhật vào ngày 11/03/2011 làm cho 16.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị mất tích. Mới đây thôi, cũng phải kể đến thảm họa chìm tàu du lịch Ngôi Sao Phương Đông trên sông Dương Tử làm toàn bộ số người trên khoang bị thiệt mạng duy chỉ có 14 nạn nhân được xác định là còn sống sót. Đồng thời, song song với thảm họa là nạn nắng nóng kinh hoàng ở Ấn Độ làm hơn 2.000 người bị thiệt mạng…Có thể nói, những hiểm họa là vô cùng khôn lường và luôn luôn rình rập xung quanh cuộc sống của chúng ta. Nó có khả năng đe dọa mạng sống con người từng ngày từng giờ mà bản thân chúng ta không thể lường trước được. 
Trái đất đang ngày bị tàn phá một cách nặng nề và có khả năng bị biến mất khỏi vũ trụ. Con người đang dần dần bị giết chết bởi chiến tranh, bởi sự phẫn nộ của Mẹ Thiên Nhiên và nói đúng hơn là chúng ta đang bị giết chết bởi lòng tham vô đáy, sự ích kỷ hẹp hòi giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên…Sự nóng lên cuả Trái đất, dân số đông đúc, nạn ô nhiễm, săn bắt trộm và hoạt động khai thác mỏ là một trong số những tác động của con người khiến Trái đất ngày một tàn tạ và hủy hoại quá nghiêm trọng. Đây là tất cả những gì minh chứng cho những tác động của loài người đối với thiên nhiên. Và quy luật cuộc sống tất yếu không sớm thì muộn cũng phải xảy ra với loài người , kết quả là chúng ta phải chịu trách nhiệm với những gì chúng ta đã làm. Thượng đế luôn luôn công bằng và bình đẳng. Hãy dẹp bỏ những cái được gọi là chủ nghĩa cá nhân, mà thay vào đó hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường, bởi bảo vệ môi trường  tức là bảo vệ mạng sống và sức khỏe của chính mình.
NT

Monday 29 June 2015

“Chạy trường’ cho con



Thoạt đầu nghe đến chữ ‘chạy”, ai cũng bất ngờ vì thường chỉ có “chạy việc” cao hơn tí ‘chạy chức, chạy quyền” cao hơn nữa là “chạy tội, chạy án”, chứ có ai “chạy trường” bao giờ, đằng này lại ‘chạy trường’ cho con vào lớp 1..Nghe có vẻ buồn cười, nhưng lại là tình trạng chung của xã hội lúc bấy giờ. Thường làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con cái mình là số 1, được học ở trường điểm của thành phố, của tỉnh vì thế mà lúc con chập chững ở lớp Lá thì ba mẹ đã chạy đôn chạy đáo sẵn sàng  lao vào cuộc chiến tìm ‘đường” để chạy trường trái tuyến cho con, có ba mẹ đã tìm đường lúc con nghĩ hè lớp Chồi, trời Huế bắt đầu bước vào mùa nóng cực điểm nhưng cũng không nóng bằng quá trình “chạy trường” cho con, nhiều phương pháp điển hình trong quá trình ‘chạy trường” cho con như sau”

-     Chuyển hộ khẩu cho cả gia đình, ví dụ có nội ngoại hay bà con gì đó, để sau này hợp thức hóa giấy tờ nhỡ may có thanh tra về, có nhiều tình tiết buồn cười xảy ra là có nhiều cha mẹ nhập hộ khẩu nhưng không ở đó, thỉnh thoảng chỉ tạt ngang thôi, vậy là bị cảnh sát khu vực kiểm tra đột xuất, không lưu trú tại nơi đăng ký nhập hộ khẩu, thế là tức tốc dọn cả gia đình về ở, chồng thì ở nhà nội, ba mẹ con lếch thếch lôi nhau về nhà ngoại, không biết con sau này có trở  thành thiên tài vì được học ở trường chuẩn, lớp chọn hay không nhưng ba mẹ thì cứ lục đục hoài vì “một cảnh mà hai quê”.. tuy nhiên không phải nhập hộ khẩu cho cùng tuyến là con mình có thể yên tâm đàng hoàng được vô học, mà phải nhờ người quen nào đó làm trên “Sở” xin thêm cho, không thì sẽ bị đẩy qua trường khác không “chuẩn” bằng;
-     Nếu cha mẹ công tác tại cơ quan nhà nước nào đó thì làm cái đơn tranh thủ lúc “sếp”, “sếp” ở đây là các bác lãnh đạo của thành phố hoặc của Tỉnh xuống cơ quan làm việc, thì cầm đơn qua xin bút phê, ký tắt dưới đơn để xin chạy trường trái tuyến cho con, vì thế có lần, cô hiệu trưởng của trường X, trường nổi tiếng của Huế đã nói rằng “tôi không biết ông A này là ai” và chị đó đã cầm đơn ra về và tìm đường khác;
-     Cuối cùng là “có tiền là chạy được trường”, và số tiền tỉ lệ thuận với danh tiếng của ngôi trường mà các bậc phụ huynh muốn con em vào, nghe phong phanh la 32 triệu cho một suất trái tuyến vào Trần Quốc Toản, Lê Lợi và Quang Trung.. còn những trường khác như An Cựu, Xuân Phú.. thì cái giá là 5 triệu, và có trường hợp phụ huynh phải mất 2 lần tiền mới chạy được “đại học chữ to” cho con vì tìm người chưa đúng.. và vì thế mà một vị cán bộ cấp côi có đến 7 em học sinh được gởi trong cùng một lớp…

Thiết nghĩ, trẻ có thông minh hay không, là thiên tài hay không, học ở cấp 1 chưa có thể nói lên được điều gì cả, vẫn biết là nếu con được học trong môi trường tốt thì sẽ tốt hơn  …tuy nhiên để lao vào cuộc chiến khốc liệt như vậy thì cha mẹ nên suy nghĩ, tính toán, xem xét và cân nhắc lại, có thể tạm chấp nhận “chạy trường” cho con trong trường hợp hộ khẩu ở huyện, không cùng đường để đưa đón con cái…tuy nhiên cái cần nhất cho con trẻ đó chính là kỹ năng sống, hãy cho con được làm quen, được rèn luyện những kỹ năng của cuộc sống như học bơi, học vẽ, đi tham quan, học ngoại khóa, cung cấp cho con những kiến thức cuộc sống thực tiến qua các hoạt động thiết thực hàng ngày, chứ không phải là cố gắng chạy đua cho con được vào trường điểm, lớp chọn để rồi sau cả ngày học ở lớp, cha mẹ chạy vội tới trường đút vội cho con cái bánh, ổ bánh mỳ, uống tạm miếng nước cam để cho con tới lớp phụ đạo Văn, Toán, Anh cho kịp giờ…Đừng biến con thành công cụ để nhồi nhét cũng như là công cụ để biến ước mơ của cha mẹ thành hiện thực, cái quan trọng là hãy để cho con có một tuổi thơ đúng nghĩa!


 TH

MƠ MỘT MÁI ẤM


Sinh ra và lớn lên tại một miền quê nghèo, bố mẹ mất sớm, anh chị em Bo được đưa vào nuôi dạy tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Tại đây, Bo đã gặp rất nhiều bạn có hoàn cảnh giống mình. Người thì mất bố, người thì mất mẹ, người thì mất cả bố lẫn mẹ, có người thì chẳng biết bố mẹ mình là ai...gia đình không đủ khả năng nuôi dưỡng nên đã gửi vào đây. Vì đồng cảnh ngộ nên các bạn ở đây rất yêu thương và chia sẻ cho nhau.  Ở đây, mỗi người mỗi hoàn cảnh ai cũng thật quá đáng thương!
Các em thường bảo rất nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ... còn có những em lại nói với giọng thật buồn: em chẳng biết bố mẹ mình là ai, được sinh ra và lớn lên như thế nào... rồi lớn lên em sẽ đi về đâu khi không người thân thích. Những lúc chị em tâm sự với nhau về hoàn cảnh, mỗi người đều mang một tâm trạng buồn thật khó tả.
Khi vào đây, mặc dù được những thầy cô bảo mẫu tận tình chăm sóc nhưng các em vẫn cảm thấy thiếu thốn hơi ấm của gia đình, thiếu vòng tay yêu thương và che chở của bố mẹ. Dù không ai nói ra nhưng tất cả các em đều mơ về một ngôi nhà hạnh phúc, nơi đó có ba, có mẹ đủ đầy, có đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương của đấng sinh thành...
Tại đây, có một số em chẳng biết ba mẹ mình là ai, gốc gác ở đâu. Vì các em được gia đình đưa vào khi còn rất bé nhưng chẳng bao giờ đến viếng thăm. Có em thì chỉ có bố hoặc mẹ thì họ cũng bỏ lại em một mình để về nơi an nghỉ. Đến lúc trưởng thành,, các em ra đời tự lập cứ một mình lủi thủi sống qua ngày. Nhìn những bạn bè xung quanh cùng trang lứa sống trong vòng tay yêu thương của gia đình, được quây quần bên mâm cơm nóng hổi, các em lại thấy chạnh lòng. Và trong lòng lại có suy nghĩ: ước gì...mình cũng có một gia đình! Ước mơ này quả thật giản dị đối với nhiều người nhưng sao lại quá khó khăn cho những phận người bất hạnh!

PTM

Saturday 27 June 2015

Phường Thủy Xuân


 Tiếp nhận địa bàn năm 2011 (trước đó năm 2010 Xã Thủy Xuân được công nhận lên Phường), chúng tôi ban đầu không ít bỡ ngỡ khi làm việc trực tiếp tại địa bàn này. Qua thời gian, công việc đi vào ổn định và được sự giúp đỡ rất lớn từ phía UBND và cộng đồng ủng hộ.

Từ năm 2011 đến nay, Phường Thủy Xuân đã thay đổi rất nhiều nhờ đức tính cần cù của người dân vượt khó vươn lên từ mảnh đất đồi núi cằn cỗi, quanh năm tuy ít ảnh hưởng của lụt lội nhưng ảnh hưởng khá nhiều của thời tiết đến cây trồng và vật nuôi nơi đây. Những mô hình làm kinh tế ở địa bàn có thể kể đến như là nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, chạm khắc, trầm hương,… Giờ đây bộ mặt mới của Phường đã thay đổi khá nhiều, đường phố được nâng cấp mở rộng (đường Điện Biên Phủ), rất nhiều quán ăn, quán cà phê, nhà hàng được đầu tư kỹ lưỡng đem đến nhiều hương vị giữ chân du khách khi đến đây.

Lao động là nguồn sống thực chất và bền vững, có lao động sẽ tạo ra của cải và vật chất để rồi mang đến tinh thần và sự hứng khởi khi hưởng những thành quả mình đạt được. Cuộc sống dù có đổi thay nhưng tinh thần của người dân Phường Thủy Xuân nói riêng và người con Huế nói chung sẽ luôn chung tay một lòng xây dựng TP Huế mãi tươi đẹp.

QH

Trẻ em lang thang ở thành phố Huế


Từ nhiều năm qua các nhà chức trách, các các nhân, tổ chức từ thiện,..đã tìm ra hướng đi đúng đắn, có chính sách giúp đỡ các trẻ em lang thang cơnhỡ trên địa bàn Thàng Phố Huế có nơi ăn chốn ở và học hành, học nghề tử tế.
Thực tế cho thấy sau những nỗ lực giúp đỡ của các nhà chức trách Nhà nước, các tổ chức dự án,… tình trạng trẻ em lang thang giảm đi đáng kể. Vừa giúp được các em có một tuổi thơ đẹp đẽ, có cuộc sống hạnh phúc hơn, đồng thời giảm bớt những trẻ em đeo bám, chèo néo khách du lịch, tạo nên một môi trường văn minh, lành mạnh và đẹp đẽ trong mắt du khách đến Huế tham quan du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em lang thang kiếm sống chưa được sắp xếp nơi ăn chốn ở, tạo điều kiện học hành, học nghề, đồng thời vì hoàn cảnh khó khăn một lượng trẻ em quay trở lại lang thang kiếm sống phụ giúp gia đìnhTheo những người lãnh đạo một số địa phương ở Thành Phố Huế: Các em hầu hết là vạn đò, mồ côi cha, mẹ, các em thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình đặc biết khó khăn. Ban ngày các em đi xin, đi bán hàng,… để kiếm sống, tối lại về tụ họp với gia đình.
Và điều quan trọng hơn nữa, vạn đò là cái nôi sinh ra trẻ em lang thang, nên đó là bài toán khó cho các nhà chức trách, các tổ chức từ thiện để giải quyết triệt để. Thiết nghỉ, không có gì là không thể làm được, vấn để có đủ kiêng nhẫn để giải quyết thấu đáo hay không? Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường văn minh, đến suy nghĩ của du khách tham quan đến Huế. Và không ai khác chính các em lại chịu thiệt thòi rất lớn trong cuộc sống so với những em khác cùng trang lứa
Vì thế, một công đôi việc, các nhà chức trách, các cá nhân, tổ chức từ thiện hãy quyết tâm, quan tâm nhiều hơn nữa, có những quyết sách táo bạo để dần đẩy lùi vấn nạn trên, đồng thời trả lại môi trường Thành phố Huế văn minh, sạch đẹp trong lòng du khách và những người con của Huế trong tương lai không xa.
HS

Friday 26 June 2015

SEN – KHÔNG CHỈ LÀ MỘT LOÀI HOA


Hằng năm vào dịp rằm tháng 4 âm lịch thì lại thấy hoa sen nở khắp các ao, hồ trong nội thành cũng như ngoại thành của Huế. Khi đi ngang qua hồ Tịnh Tâm cả một hồ sen rộng lớn với hai sắc hoa: hồng và trắng đua chen nhau nở tạo nên một cảnh tượng rất đẹp mắt và đầy thơ mộng khiến ai đi qua cũng ngoái lại nhìn. Những ngày hè nóng nực, nhóm bạn bè rủ nhau ra ngồi uống nước ở gần hồ Tịnh Tâm dưới những tán cây to che mát, thưởng thức những ly nước dừa, nước mía mát lạnh rồi ngắm nhìn sen nở thì không còn gì bằng. Những người trồng sen trong hồ chèo chiếc ghe nhỏ len lỏi trong hồ để hái những gương sen có những hạt đã chín và các búp sen tạo thành những bó nhỏ để bán cho các khách hàng có nhu cầu.
Hoa sen không nở được lâu, nhưng vào những ngày rằm lớn thì nhà nào cũng mua hoa sen về để cắm ở bàn thờ Phật, khi hoa nở có mùi hương nhẹ dễ chịu và thuần khiết.

Sen luôn là cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, các nhà thiết kế thời trang,… Sen có mặt trong các tác phẩm văn học, thơ ca, trong các bức họa, trong các bộ sưu tập thời trang và cả trong ẩm thực…. Vẻ đẹp thuần khiết của sen thì không phải bàn đến nhiều vì xưa nay đã có rất nhiều mỹ từ để dành tả về vẻ đẹp của sen. Ngoài những công dụng và lợi ích thiết thực của sen như: hạt sen, ngó sen, củ sen, lá sen, tim sen… để chế biến các món ăn, thức uống tốt và bổ dưỡng cho sức khỏe con người thì sen còn được chọn là biểu tượng của hãng hàng không quốc gia và sâu rộng hơn nữa là quốc hoa của Việt nam. Hiếm có loài hoa nào vừa có ý nghĩa về tinh thần và vật chất nhiều như hoa sen đến thế.

Khánh Linh

NGUỒN GỐC TẾT ĐOAN NGỌ


Hằng năm cứ đến mồng năm tháng 5 âm lịch, người Việt nam lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ - ngày giỗ Quốc mẫu Âu cơ, dâng cúng Tổ tiên. Nhiều người cho rằng Tết Đoan ngọ có xuất xứ từ Trung Quốc, người khác thì cho là để tưởng nhớ Khuất Nguyên. Tuy nhiên, Tết Đoan ngọ lại có nguồn gốc khác.
            Ở Việt nam Tết Đoan ngọ được mọi người gọi là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống, lâu đời, nền văn hóa phong phú. Không riêng gì ở Việt nam hay Trung Quốc mà ở Triều tiên, Hàn quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Tết Đoan Ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa Năm”. Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác. Vậy tại sao lại gọi là Tết Nửa năm, trong khi theo tính toán như lịch âm hiện nay thì “nửa năm” ở đây phải rơi vào tháng 6 âm lịch?
Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan Ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.
            Nhìn lại lịch sử, suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là dòng “văn hóa quan phương” gắn liền với hệ tư tưởng Nho giáo và hệ thống chữ Hán. Do chính quyền đô hộ thực hiện chính sách “đồng hóa”, một số phong tục, tập quán của người Việt bị bắt phải bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp với văn hóa Hán. Chính sự giao thoa và du nhập tự nhiên cùng với chính sách “cưỡng bức văn hóa” của chính quyền đô hộ phương Bắc đã tạo nên một hệ quả tất yếu đó là hình thành diện mạo văn hóa có phần “mới” của Việt Nam trong nhiều thời kì lịch sử sau đó. Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ
            Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan Ngọ từ xưa và cho đến nay là do phong tục tập quán, văn hóa dâng cúng tổ tiên, do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể.  Bởi vậy, từ nay mong rằng mọi người đừng nhầm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng.
H.S

Friday 19 June 2015

CẢM XÚC LÀ BẢN NĂNG HÃY - HỌC CÁCH CHẾ NGỰ



Con người và động vật đều giống nhau ở một điểm là đều có cảm xúc như vui, buồn, ghét, thương... vì sao lại có sự so sánh như vây!? Bạn cũng dễ nhận biết được cảm xúc của động vật ví như bạn nuôi một chú chó, khi thấy bạn đi đâu về nó chạy đến bên bạn thể hiện sự vui mừng quấn quýt bên bạn và thể hiện niềm vui mừng hơn là nó nhảy chồm lên liếm mặt. Hoặc khi bạn chọc nó tức nó cũng thể hiện cảm xúc như là sủa, gầm gừ và có thể hơn nữa là nó cắn bạn. Liếm mặt, cắn phải chăng đó là sự thể hiện thái quá của cảm xúc của động vật. Người viết tin rằng những hành động trên sự sự quá đà về cảm xúc của động vật, Bạn cũng nên biết rằng theo thuyết tiến hóa con người cũng là động vật nhưng là động vật tiến hóa và trong cây tiến hóa thì con người được xếp vào vị trí cao nhất. Con người cũng hơn động vật ở chỗ là biết tư duy, biết hành động một cách chính chắn, biết nhận định đúng sai và hơn nữa là biết kiềm chế bản thân hay nói cách khác là chế ngự cảm xúc chứ không để nó thể hiện một cách bản năng như động vật.
Dẫu biết rằng trong xã hội hiện đại hay tạo ra những strees cho con người, vì vậy những lớp tập Yoga, những lớp học thiền định mở ra rất nhiều để những người bị strees hay những người không biết kiềm chế bản thân vào tập để giảm áp lực công việc hay để nhìn nhận lại bản thân của mình. Nhưng các bạn nên hiểu rằng những lớp đó chỉ giải quyết cho bạn bề nổi của vấn đề, còn chính bạn tự rèn luyện mới là điều quan trọng.
Trong 3 định luật của Newton có một lực gọi là phản lực, tức là khi bạn tác động một lực lên vật thì vật đó cũng sẽ tác động lại bạn bằng lực bạn tác động lên nó. Cho nên bạn không biết kiềm chế cảm xúc của mình thì ngoài việc bạn làm ảnh hưởng đến người khác thì chính bạn cũng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của mình, cũng như trong đạo phật có nói gieo nhân nào thì gặp quả đó.
Trong cơ quan hay môt tập thể, khi cấp trên ra 1 quyết địng có lợi cho công việc chung nhưng lại ảnh hưởng đến lợi ích của 1 số cá nhân trong đó có bạn. Bạn bất bình với quyết định trên và bạn bắt đầu nói xấu cấp trên với những từ ngữ mà bạn không nên thể hiện như “tên khốn”, “hắn ta”, thằng não phẳng”, “điên nặng”, “mặt bự” với những đồng nghiệp cùng chung nỗi niềm. Đó là bạn mất đi sự kiểm soát cảm xúc của mình và bạn đang thể hiện phần bản năng của loài vật. Bạn nên hiểu mọi sự việc đều có nguyên nhân và lý do hãy nhìn một cách tổng quát, đừng vì tính ích kỷ của mình , đừng đánh mất sự kiểm soát bản thân mà ảnh hưởng đến công việc chung cũng như làm xấu hình ảnh của mình và cấp trên trong mắt người khác. “Ghen ăn tức ở” hay dân mạng thường gọi là chủ nghĩa GATO xuất hiện ngày một nhanh và nó đã trở thành một bệnh truyền nhiễm từ khi có internet và mạng xã hội. Kiểm soát cảm xúc cũng có nghĩa là tự kiểm soát hành vi để không tự hạ thấp mình khi cùng "buôn dưa lê" và cười cợt trên nổi đau khổ "thầm kín" của đồng nghiệp khi người này vừa mới post lên internet niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đã "bị dân mạng soi".
          Hơn cả việc chế ngự và kiểm soát cảm xúc của bản thân, việc "tự vấn lương tâm" mới là điều tuyệt đỉnh nhất và có vai trò dẫn dắt cho những hành động kia. Ví như bạn coi cấp trên là "lũ tồi", "tụi không ra gì nhưng làm phách", "nhóm bất minh"...nhưng bạn có bao giời tự hỏi: vì sao mình giỏi và tài năng như vậy mà không được cất nhắc trong công việc? Hay bạn luôn cho rằng: dẫu sao tổ chức này toàn những người dỏm, không phù hợp với ta…!Việc tự vấn lương tâm là điều quan trọng vì khi đó bạn nhận định được đúng sai của vấn đề để tự sửa chữa mình. Bạn cũng nên biết rằng người xưa có câu “thiên ngoại hữu thiên” vì vậy đừng nên nghĩ mình là số 01 và ai cũng thấp kém hơn mình. Quay lại việc so sánh giữa người và động vật, dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiển. Nhưng con người cũng tiến hóa từ động vật mà thành nên chúng ta sống làm sao cho phần “người” nhiều hơn phần “con” thoát khỏi bản năng của động vật hay nói sâu hơn là biết cách chế ngự cảm xúc và hành vi.

          Trong nhà phật có nói nếu gạt bỏ được “hỉ, nộ, ái, ố”  thì bạn có thể gạt bỏ được “tham, sân, si” và đi đến “chân thiện mỹ”. Nếu bạn không kiểm soát được cảm xúc hay nói cách khác là bạn không tự vấn bản thân và chỉnh sửa bản thân và tư duy theo kiểu “sếp tồi” “đồng nghiệp thấp kém” và “Ta là số 01” thì chắc chắn bạn sẽ bị đào thải ra khỏi tập thể và trong cơ quan bạn sẽ bị buộc thôi việc một cách chắc chắn trong tương lai gần. Và cũng với kiểu tư duy như vậy bạn cũng chẳng cần phải kiểm soát hay chế ngự cảm xúc gì và bạn là người đang sống theo bản năng- khoa học cũng không có cách chữa.
DN 

Wednesday 17 June 2015

CHƯƠNG TRÌNH DẠY BƠI CHO CÁC EM NHỎ TẠI TRƯỜNG TIỀU HỌC QUẢNG PHƯỚC 2 THÔN PHƯỚC LÝ XÃ QUẢNG PHƯỚC.







Ngày 15 tháng 06 chúng tôi về dự lễ tổng kết chương trình dạy bơi cho các em nhỏ thuộc trường tiểu học Quảng Phước 2 thuộc xã Quảng Phước. Xã Quảng Phước thuộc một trong những xã thấp trũng của Huyện Quảng Điền và cũng là một vùng có nhiều ao hồ vì trước đây xã này nuôi tôm nên việc đào ao rất nhiều. Với đặc thù như vậy nên tình trạng trẻ em đuối nước rất dễ xảy ra vì thế để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như cách thoát đuối nước đuối với trẻ em là một điều rất cần thiết. Áp dụng với địa hình sẵn có nên trường Quảng Phước 2 đã tổ chức lớp dạy bơi mở cho các em nhỏ, nhà trường đã tổ chức tập bơi cho các em tại một con lạch nhỏ của xã. Nhà trường cũng cho biết lý không chọn hồ nuôi tôm để dạy bởi vì hồ nuôi tôm sâu dễ là các em nhỏ bị ngợp nước khi bơi và nước hồ không sạch như ở tại các con lạch luôn có nước lưu thông. Để nâng cao hiệu quả cũng như kỹ năng bơi cho các cháu nhà trường đã tổ chức liên tục các buổi học cho các cháu dù là trời mùa này rất nóng. Tuy trời rất nóng nhưng các cháu nhỏ cùng các thầy cô hướng dẫn rất năng nổ và nhiệt tình trong việc học cũng như dạy. Các cháu nhỏ ở đây không có thời gian học cố định cũng như không có buổi học để tránh cái nắng mùa hạ vì do các cháu học theo giờ lên xuống của thủy triều. Đôi khi các cháu học sớm từ 6h đến 7h30 sáng hoặc từ 1h đến 2h30 chiều vì lúc này thủy triều lên cao nhất thuận tiện trong việc dạy và học. Đối với những cháu học sớm thì còn nhận được không khí mát mẻ của thiên nhiên, nhưng đối với các cháu học buổi chiều thì gặp nhiều khó khăn trong thời tiết mùa hè. Nhưng cho dù học sớm hay muộn thì các cháu nhỏ đều tỏ ra thích thú trong việc học bơi này. Nhìn những gương mặt rạng nụ cười của các em nhỏ vùng các trắng chúng tôi thấy hân hoan vì làm được việc ý nghĩa mà TTKKTL đã và đang tài trợ.

Monday 15 June 2015

CÁC LỚP BƠI Ở THỊ XÃ HƯƠNG TRÀ


Hôm nay, ngày 12 tháng 6 năm 2015, chúng tôi gồm bốn nhân viên: Linh, Hằng, Nhật Hoàng, Vinh  đi thăm các lớp bơi của Trường Thuận Hòa 2 và Vân Quật Đồng thuộc thị xã Hương Trà.

Với số lượng 80 em học sinh của Trường Thuận Hòa 2, nhằm tranh thủ nhiều thời gian để cho các cháu làm quen với nước và luyện tập, các thầy hướng dẫn đã  tổ chức dạy 4 suất/ngày gồm hai buổi sáng và chiều. Như vậy mỗi suất học gồm 20 em được 4 thầy giáo hướng dẫn. Cách tổ chức lớp học như vậy đã theo đúng quy định tập bơi.  Các bài khởi động tay chân và kỹ thuật bơi được thực hiện trên ngay trên bờ dưới thời tiết nắng nóng. Các em tập trung theo từng hàng ngang và tuân theo từng hướng dẫn của giáo viên, thỉnh thoảng được các thầy sửa sai, uốn nắn các động tác để các em có thể thực hiện tốt khi xuống nước. Do lớp học bơi tại trường Thuận Hòa 2 được thực hiện 5 ngày nên hiện nay các em được phát phao bơi khi xuống nước để luyện tập kỹ các động tác quạt chân. Vốn được sinh ra trên vùng đầm phá và quá quen với việc lội nước nên đa số các em rất dạn dĩ chứ không “nhát nước” như các em ở các trường tiểu học thành phố. Bất chấp thời tiết nắng nóng mùa hè, các em tỏ ra rất thích thú và hào hứng với chương trình học này, những gương mặt đen nhẻm nhưng rạng rỡ và tươi vui.


Chuyển sang khu vực bơi của trường tiểu học Vân Quật Đông, tình hình lớp học bơi cũng như vậy. Tại đây, chương trình bơi chỉ mới được khởi động 3 ngày nên nhiều em chưa thể quạt nước tốt như ở trường Thuận Hòa 2.  Tuy nhiên, các em cũng tỏ ra mạnh dạn và tập trung luyện tập. Trong quá trình đi thăm lớp  tại đây đã xảy ra một sự cố nhỏ. Do đây là một vùng nghèo, bố mẹ đi làm nghề nên các em thường tự đi đến khu vực bơi và hôm nay một em đã bị tai nạn sau khi học xong suất đầu tiên. Do đường sá ở đây có rất nhiều xe cộ qua lại mà các em thường chạy qua đường không quan sát kỹ nên bị xe tông phải. Tuy không nghiêm trọng chỉ bị xây xát nhẹ nhưng cũng được các thầy đến nơi và tận tình sơ cứu. Các thầy cho biết họ sẽ đặc biệt quan tâm và hướng dẫn thêm cho em sau này, giúp em vượt qua kỳ thi bơi sắp tới. Sự việc xảy ra ngoài mong muốn nhưng cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm và quan tâm của các thầy hướng dẫn.

KL-TH 

Friday 12 June 2015

Kiềm chế cảm xúc…


Một buổi chiều có quá nhiều cảm xúc khác nhau, vui có, buồn cũng có, tức giận cũng có, nhớ cũng có, quên cũng có tuy nhiên đọc đâu đó câu nói hay  “Người khôn ngoan là người biết làm chủ và kiểm soát cảm xúc của mình”, đặc biệt trong cái thời tiết nóng như điên như dại ở xứ Huế này… tuy không phải là người khôn ngoan mà là người sống thực với cảm xúc của chính mình, nhưng qua thời gian ngẫm lại, chiêm nghiệm ra mới thấy nếu cứ sống như vậy thì sẽ mất nhiều hơn được…

Thiết nghĩ, cảm xúc là "chất keo" kết nối mọi người với nhau, gặp những tình huống khó khăn, căng thẳng trong công việc và mối quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp, bạn đừng vội vàng quyết định bất cứ điều gì, hãy cố gắng tìm một không gian yên tĩnh để trấn tĩnh lại. Bởi mọi quyết định vội vàng của bạn sẽ chỉ làm mọi chuyện khó khăn thêm.  Vì thế, cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Đừng bao giờ chỉ nhìn nhận vấn đề theo một hướng, để rồi bạn sẽ chỉ nhận thấy sai lầm ở người khác mà không nhận ra những hạn chế ở chính mình. Khi gặp những rắc rối, bất đồng trong công việc, tâm trạng của bạn có thể rất căng thẳng. Hãy thư giãn để tinh thần được thoải mái, giảm stress và phiền muộn.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi cuộc sống của bạn là một con đường thẳng, không một chút gồ ghề, mọi thứ sẽ trở nên nhàm chán. Vì vậy hãy học quản lý cảm xúc bằng cách ghi lại suy nghĩ của bạn: Viết ra giấy những gì bạn cảm thấy khó chịu, hoặc viết vào nhật ký. Bạn có thể viết tất cả những gì bạn nghĩ ngay lúc đó. Viết cũng là cách để bạn giải tỏa cảm xúc và nhìn nhận lại mình. Khi bạn bình tâm lại, hãy xem lại những gì bạn viết, chắc hẳn bạn sẽ tự biết cách giải quyết vấn đề. Và hãy nhớ rằng việc thay đổi tình hình nằm trong tay bạn nhé J.
Và để làm chủ cảm xúc của chính mình bằng cách hãy nở một nụ cười bạn nhé, dù là cười tươi thật sự hay một nụ cười nhẹ bởi vì “nụ cười là phương tiện chuyển tải tất cả những thông điệp mà bạn muốn nói”.

TH

Wednesday 10 June 2015

CƠM CỦA NGƯỜI NHÀ QUÊ


Người nhà quê đơn giản từ tính cách cho đến chính cuộc sống của họ. Cũng chính vì vậy mà họ mới có thể sống nhờ vào mảnh ruộng và rau lá quanh nhà. Thứ cần nhất là gạo mà gạo thì có sẵn rồi. Mỗi đợt mùa vào thì phơi cho “hén” (khô) rồi đóng bao và cất vào cái chạn trên mái tránh chuột, ẩm mốc. Khi nào ăn thì đong ít chục lon đem đi xay mà ăn. Mà họ toàn ăn thứ gạo Khang Dân rẻ tiền chứ không ăn gạo thơm như người thành phố, gạo vừa thơm vừa dẻo mà cứ kêu dở, nuốt không vô. Thỉnh thoảng về thăm quê, được mời cái loại gạo vừa nở vừa khô vừa nhạt ấy mà lại thấy vừa miệng. Có lẽ lâu lâu đổi món thì ngon hơn chăng, mà tại sao ta không đổi thử nhỉ?
Ngoài gạo ra thứ đến là rau. Rau đủ loại, mùa đông thì rau khoai, cải, mùa hè thì rau muống là chính, còn rau dền, tần ô, rau ngót, rau bí,…Đặc biệt là rau tập tàng (chắc ngày xưa gọi là rau thập tàng nhỉ?) : Rau khoai, rau dền, rau muống, lá lốt, rau ngót, bác bác, rau sâm, rau trai, cỏ hôi, đọt cây vông, vài ngọn ngò tây cho thơm nữa… Nói tóm lại là rau lá quanh vườn đều có thể ăn được. Thứ này là nấu canh với vài con cá giếc nhỏ thì khỏi chê, nước cứ ngọt như đường. Mà nào đã ăn không, hàng ngày còn cắt, bó rồi đem ra chợ bán, được vài chục nghìn thì mua cá mua tôm, bổ sung chất đạm cho cả nhà. Nhiều người còn biết cất lại ít chút, tiết kiệm hàng ngày, lâu lâu đem ra cũng làm được khối việc. Mà về quê thấy mấy giàn mướp giàn bầu còn đẹp hơn cả mấy chậu bông của nhà giàu ở thành phố nữa. Xanh mướt, mát rượi cả một vùng.
Đâu phải chỉ rau và trái thôi, thi thoảng còn đi tát cá, bắt ốc, câu ếch,… Thứ này là đúng loại tự nhiên 100%, ở thành phố có tiền mua cũng không được mà còn bị lừa nữa. Nào là cá rô đồng hấp gừng, cá trê nướng dưa môn, ốc hấp sả, ếch nấu cháo,…toàn món đơn giản mà thèm chảy nước miếng. Còn gà vịt thì ngon hết biết, cái loại gà kiến chạy bộ, vịt ăn ốc ngoài hồ thịt cứ ngọt lừ.
Nói vậy chứ bữa ăn của người nhà quê không phải luôn luôn là một thực đơn hoàn chỉnh như của người thành phố. Ngày thì nhiều món mà có ngày cực kỳ đơn giản chỉ một món duy nhất, vậy mà họ không kêu ca phàn nàn gì, vẫn ăn rồi làm việc, khi nào có khách thì làm gà vịt thết khách. Lại hiếu khách vô cùng.
Ai chê cơm của người nhà quê khổ vì họ mới chỉ nhìn qua. Ngồi xuống bưng bát cơm lên nhìn khuôn mặt rạng ngời chất phác của mọi người xung quanh mới thấy hạnh phúc. Bát cơm hạnh phúc – đó luôn là bát cơm ngon nhất từng ăn.

A.D


Monday 8 June 2015

“Đã nói ít hơn và làm nhiều hơn”

“Đã nói ít hơn và làm nhiều hơn”

Chiều nay, đi làm về với tâm trạng và nhiều cảm xúc lẫn lộn, đầu óc không định hướng vì thiếu ngủ…(tối hôm qua “đêm trắng” với bệnh phổ biến mùa hè của con), rồi cộng thêm cái nóng như thiêu như đốt hơn 40 độ C ở cái xứ Huế khắc nghiệt, rồi vì những lý do công việc ngớ ngẩn…không có tâm trạng ngắm cảnh hay con người, tuy nhiên rất bất ngờ và thấy vui vui trong lòng khi đi ngang qua Đập Đá, vui bởi vì:



Dự án cải tạo Đập Đá hay còn gọi là “đập ngập lụt”

Cuối cùng, dự án đã được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 2 năm, như vậy là người dân vùng Vỹ Dạ nói riêng và người dân Huế nói chung đã thoát khỏi cảnh lo lắng và cảnh bị chia cắt giao thông khi mùa lũ tới, an toàn giao thông đường bộ qua cầu Đập Đá sẽ được bảo đảm hơn, tuy nhiên vẫn còn có nhiều luồng ý kiến trái chiều như “công trình này can thiệp vào quy trình tự nhiên của lũ lụt, chăc chắn dân phía dưới Đập Đá sẽ ngập sâu…” và “ Huế làm thì ít mà nói thì nhiều..”…

Để thay đổi tư tưởng đã ăn sâu trong máu trong thịt của người dân chắc chắn là rất khó, cần phải có nhiều hành động thiết thực hơn nữa, tuy nhiên phải nhìn nhận vào thực tế là Huế bây giờ đã bớt nói nhiều và làm nhiều hơn rồi. Vì thế, cứ tiếp tục hy vọng, hy vọng nhiều hơn nữa nhé mọi người…

Kết thúc một buổi chiều với nhiều cảm xúc lẫn lộn như thế này đây J

TH


Friday 5 June 2015

MẮM RUỐC – ĐẶC SẢN XỨ HUẾ


Khi nhắc đến ẩm thực xứ Huế, không khi nào người ta quên nhắc đến hương vị mắm ruốc của các món ăn ở nơi đây. Nếu bạn có cơ hội đến thăm Huế một lần thì chắc hẳn bạn sẽ được nếm qua hương vị đặc sắc ấy. Tất nhiên, sẽ không quên mua tặng bạn bè người thân đặc sản nổi tiếng này. Có thể nói, nó một trong những yếu tố làm nên những thứ rất riêng của vùng đất xứ Huế.
Trong các bữa cơm hàng ngày của người Huế cũng không bao giờ thiếu hương vị này. Khẩu vị của vùng đất cố đô xưa nay luôn mặn mà hương vị mắm ruốc. Gia vị nào cũng có thể thiếu chứ mắm ruốc thì phải luôn có sẵn trong căn bếp của mỗi gia đình. Trong một mâm cơm, ngoài món cá kho thì nhất định phải có món canh rau. Mà món canh rau nhất định phải được nấu với nước ruốc. Đối với người lớn tuổi, nếu nếm thử món canh rau mà không có mùi hương của ruốc thì họ chẳng còn hứng thú để thưởng thức các món ăn còn lại.
Và chắc chắn một điều nữa, mắm nêm là một món cũng không kém phần hấp dẫn của ẩm thực Huế. Dù là người Huế gốc hay là dân từ nơi khác tới, các bạn trẻ đều rất yêu thích món này. Tùy theo cách pha chế, mắm nêm được sử dụng để ăn kèm cho đủ loại món ăn khác nhau. Từ món rau luộc đến món bún lẩu, đặc biệt là món bún mắm nêm được ăn kèm với thịt cộng với rau sống.
Ngoài mắm nêm còn có mắm tôm và mắm rò. Hai loại mắm này cũng ngon và đặc biệt không kém. Món mắm rò thì giá thành rất rẻ nên dù giàu hay nghèo người ta cũng có thể thưởng thức được. Còn mắm tôm thì giá thành có phần hơi đắc nên thường được dùng để bán cho khách du lịch, hay thỉnh thoảng được bày trong các mâm cỗ ngày lễ ngày tết.
Là người con của Huế, dù đi xa ở tận phương trời nào. Tôi tin rằng, mọi người luôn luôn hướng về quê hương yêu dấu. Và tất nhiên, là chẳng bao giờ quên hương vị đặc trưng này của xứ mình.

TN

Wednesday 3 June 2015

NHỌC NHẰN MƯU SINH MÙA NẮNG NÓNG

Những thời gian vừa qua, nhất là kể từ đầu tháng năm đến nay, thời tiết nắng nóng liên tục, có những ngày nhiệt độ cao nhất lên đến 40- 41 độ C đã đe dọa sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo làm nghề lao động chân tay như: bốc vác, thợ nề, buôn bán hàng rong, nhặt ve chai, chở hàng….

Thời tiết nắng nóng gay gắt đã khiến cho rất nhiều người dân rất ngại khi phải đi ra đường, nhất là vào thời gian buổi trưa nên các đường phố vắng hơn thường nhật và cuộc sống nhường như cũng hối hả hơn, ai ai cũng muốn nhanh chóng về nhà để tránh nắng, nhưng đối với những người lao động nghèo làm nghề lao động chân tay thì họ vẫn miệt mài làm công việc của mình vì cuộc sống mưu sinh. Dưới cái nắng gần 40 độ C, không khí oi bức như lửa đốt, nhiều gia đình đang tìm mọi cách để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng nếu đi dọc theo các tuyến đường quanh thành phố chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những người lao động này đang phơi mình dưới nắng nóng, bất chấp công việc vất vả, cực nhọc để làm việc cũng chỉ vì miếng cơm manh áo thường ngày. Những công việc nặng nhọc như bốc vác, phụ nợ nề… tưởng chừng chỉ dành riêng cho nam giới, nhưng chúng ta vẫn thấy có rất nhiều phụ nữ đang làm công việc này, nhìn những người phụ nữ đang làm việc vất vả dưới cái nắng thiêu đốt của mùa hè, chắc hẳn chúng ta sẽ không khỏi chạnh lòng.

Mặc dù  biết không khó khăn nào có thể ngăn cản sự cần cù của họ, nhưng vẫn mong sao cái nắng mùa hè bớt đi sự gay gắt, trở nên dễ chịu và mát mẻ hơn, lau khô gương mặt và tấm áo nhọc nhằn ướt đẫm mồ hôi để những người lao động nghèo đỡ vất vả hơn.


XQ

Monday 1 June 2015

Đôi Điều Về Phật Giáo Nhân Ngày Phật Đản



Vậy là đã bước vào tháng 4 âm lịch, tháng có ngày lễ Phật Đản. Nhân ngày lễ này sắp tới xin được viết chút ít gì đó về tôn giáo này, tôn giáo được xem như là đa số dân Việt chúng ta đang tín ngưỡng theo
.
Những ngày này đi ra các trục đường chính ở Huế không thiếu hình ảnh của những lá cờ Phật giáo bay phấp phới bên cạnh lá cờ Tổ quốc và hình ảnh những cánh sen ửng hồng trong nắng hạ. Có thể không nói quá khi nói Huế là kinh đô của Phật giáo vì đi nơi đâu cũng thấy chùa và Phật tử.

Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, ngay từ đầu Công nguyên, điều này được thể hiện qua truyện cổ tích Chư Đồng Tử(ở Hưng Yên) học đạo của một nhà sư Ấn Độ. Nó ăn sau bám rễ vào nước ta đôi lúc đã phát triển tới cực thịnh và được coi như là quốc giáo như đời nhà Lý, nhà Trần. Đến đời nhà Hậu Lê thì Nho giáo được coi là quốc giáo và Phật giáo bắt đầu thoái trào. Sau này Nguyễn Huệ lên ngôi có làm 2 điều mà rất ảnh hưởng tới Phật giáo đó là chấn hưng nền Phật giáo và chuyển đổi chữ quốc ngữ sang chữ nôm vì chúng ta không  phải là người Tàu.

Thuở còn cắp sách đến trường tới tiết đọc truyện( cấp 1) chúng ta thường nghe những câu truyện khi những người bần cùng,đói khát,đau khổ không còn lối thoát cần sự giúp đỡ thì bỗng nhiên hiện lên ông bụt giúp đỡ người đó ngay. Thực ra bụt ở đây chính là Buddha( bậc giác ngộ, ông Phật), nó được phiên âm từ tiếng Ấn sau dần ta đọc chệch thành bụt.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam gồm 2 dòng phái chính là Tiểu Thừa( bánh xe nhỏ) và Đại Thừa (bánh xe lớn). Vào các chùa Tiểu Thừa và Đại Thừa rất dễ nhận biết đó là khi vào chánh điện Tiểu Thừa thì thờ mỗi vị Phật Thích Ca còn Đại Thừa thì thờ nhiều vị khác hơn.

Đại Thừa du nhập vào nước ta qua đường Trung quốc tạo nên 3 tông phái chính đó là:
 -Thiền tông chủ trương giác ngộ bằng cách tĩnh tâm ( Việt Nam cũng tạo nên một tông phái thiền cho mình bởi Phật hoàng Trần Nhân Tông với phái Trúc Lâm).
-Tịnh Độ tông chủ trương tu dựa trên tha lực của Phật A Di Đà hay các đức Phật, Bồ Tát khác. Tức là chỉ cần tụng danh các đức Phật, Bồ tát lên. Kiểu tu này khá đơn giản không cầu kỳ về hình thức nên được phổ biến ở Việt Nam ta.
-Tông phái thứ ba là Mật tông. Nó chủ trương dựa vào phép tụng niệm các mật chú và kết hợp thêm nhiều thứ khác( như thiền Quán tưởng) để đạt đến trình giác ngộ, tránh luân hồi.

Mọi người trước khi trở thành Phật tử chính thức thì thường phải làm lễ Quy Y Tam Bảo( gồm 3 thứ Phật, Pháp, Tăng). Người sau khi Quy Y rồi sẽ sống một cuộc sống tránh ngũ sát giới( không: giết người- sát sinh,trộm cướp, tà dâm,nói sai sự thật và uống rượu) và sẽ được mang trên mình một cái tên do chủ trì chùa mà người đó Quy Y đặt cho gọi là Pháp Danh.

Nói về ăn chay những người theo Phật giáo thường ăn chay 2 ngày gọi là nhị chay (ngày 15 và mùng 1 âm lịch) ngoài ra còn có tứ chay,thập chay,nhất nguyệt chay, tam nguyệt chay hay lâu dài suốt đời là trường chay.

Vào các ngôi chùa trên đỉnh các công trình thường có các bánh xe 8 cạnh tượng trưng cho bát chánh đạo và 12 cạnh thì gọi là thập nhị nhân duyên. Đó là những thứ cơ bản nền tảng xây dựng nên lý thuyết Phật giáo. Hay ở những ngôi chùa miền bắc miền trung có cánh cổng Tam quan tượng trưng cho Tam quán ( quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã)

Nguyên vọng cơ bản của Phật và những người theo đạo Phật là được giải thoát đau khổ của sự luân hồi. Theo quan niệm của đạo này thì chúng ta đau khổ bởi chữ “nghiệp” và đau khổ phải luân hồi từ cõi này qua cõi khác. Chúng ta đang sống đây là cõi người ngoài ra còn có 5 cõi khác nữa là cõi Atula, cõi Trời, cõi Ngạ Quỷ, cõi Súc Sinh, cõi Địa Ngục. 6 cõi này gọi chung là Lục Đạo Luân hồi. Những người có phước báo lớn  có thể lên được cõi Trời và cõi Atula khi đầu thai nhưng đến lúc nào đó hết phước báo thì vẫn bị chết và đầu thai sang cõi xấu hơn như thường. Đạo Phật mong muốn giải thoát con người tới một cõi khác tức cõi của Phật A Di Đà làm giáo chủ. Muốn được điều đó thì phải có phước vô lượng sài mãi không hết. Một trong những cách thức tạo nên phước vô lượng là phước sinh là bởi tâm tạo phước , giúp đỡ kẻ khác nhưng không mưu cầu báo đáp (tâm không vọng tưởng).


Nhật Hoàng