Thursday 24 March 2016

HỌC VĂN Ở TRƯỜNG


          Thời đi học, ban đầu tôi không thích học văn, vì đó là môn học cần sự trau chuốt và óc quan sát. Là gốc nông dân, tôi không có kỹ năng đó, và óc quan sát thì chỉ ở mức thấy toàn "đuôi trâu""luống cày".
          Được về Huế học, tôi bị ép phải học văn để ít nhất viết cho ra câu không bị què, bị cụt. Ba tôi nói: "Muốn làm được việc phải viết rõ, đủ. Con thấy đi cày mà trâu bị què, chân cụt thì răng mà có lúa mà ăn". Từ đó tôi để ý học văn, với suy nghĩ đơn giản là: học văn như đi cày, làm sao để có lúa mà ăn. Đơn giản là thế!.
          Cho tới khi tốt nghiệp cấp 2, trình độ làm văn của tôi ngày càng tiến bộ.  Theo lời phê của cô mà tôi tạm ghi lại: Từ câu văn không có chủ ngữ, bỏ quên vị ngữ, quá nhiều trạng ngữ, hô ngữ bị thừa, dấu câu đánh lung tung, nội dung chủ ngữ và vị ngữ không ăn nhập nhau...đến thành quả rực rỡ nhất là bài văn trước khi thi tốt nghiệp cô dạy Văn đã cho 6 điểm và phê: "Có ý". Tôi mừng rơn!
          Vào cấp 3, tuyáuwsc học thiên về các môn tự nhiên nhưng tôi được chọn vào học "lớp ưu" nên được các giáo viên  dạy giỏi của từng bộ môn kèm cặp. Tại đây tôi được gặp thầy L.T, người có phong cách dạy rất độc. Vào lớp thầy nói: " Cả bài văn bài thơ, các trò họn cho thầy 2-3 chữ thôi rồi tự đó mà phân tích,  viết racảm nhận". Thời gian rãnh thầy hút thuốc cũng rất độc: mỗi điếu Mai, Đà Lạt...thầy chỉ rít 2 hơi là tàn...Tôi thích học với thầy, vì không bị gò bó chi hết, có thể viết ra những điều mình thích. Thế mà kết quả lại bất ngờ đến làm tôi "hơi bị xấu hổ một tuần". Bài phân tích "Tâm trạng Kiều trước lầu Ngưng Bích" của tôi được thầy chọn là bài văn mẫu mực cho đọc trước toàn khối và đội tuyển văn của trường trước khi đội này đi thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh.
          Sau đó thì tôi không dám viết trau chuốt nữa, sợ bị "chọc quê". Tôi hỏi thầy giúp cho kỹ năng đọc nhanh. Thầy có chiêu đọc để hai mắt hai bên trang giấy và cử thế cho lướt xuống cuối trang. Giống như chụp scan ngày nay vậy. Thầy nói: "Sau này thông tin ngày càng nhiều, đọc sao hết, phải có cách để "quét" và chốt "thông tin chính". Và thầy cũng là người dạy chữ Hán đầu tiên của tôi. Từ đó, tôi yêu văn học và yêu đọc.
          Học văn ở trường từ khi có thầy L.T kèm cặp hồi đó đối với tôi là niềm vui vô hạn. Nhiều kiến thức được nhớ cho tới mãi sau này.
          Có lần, đi phiên dịch tiếng Nhật cho đoàn công tác của tỉnh tại Bộ KHĐT; khi cao hứng tôi đọc lại mấy vần thơ cách mạng:
"Còn gì đẹp trên đời hơn thế
Người với người sống để yêu nhau".

"Giặc Mỹ phá thì ta xây lại
Lấp hố bom mà dựng lò cao
Nhà máy tựa hang sâu vững chãi
Ta tựa lòng ta rất đỗi tự hào"

"Ôi chiếc mũ dễ thương như ...
chẳng làm đau chiếc lá trên cành
mà..
Làm run sợ cả lầu năm góc".

"...Nguyện là con của mọi nhà
Là anh của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất, cù bơ."

"Thơm hơn hương nhụy hoa nhài
Sạch hơn nước suối ban mai giữa rừng"

"Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"
....
          Cùng đi trong đoàn, có anh nay đang giữ trọng trách lớn của tỉnh nhà cũng cao hứng ứng họa mấy vần thơ "tếu" rồi chọc tôi: "Ồ, cậu lý thuyết quá".
          Từ đó tôi đi vào thực tế nhiều hơn. Vì vậy, khác anh nông dân là tôi ngày xưa: tôi nay đã nhìn thấy đường chân trời.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)



No comments:

Post a Comment