Ba tôi là người miền Trung, mẹ tôi người
Đồng bằng Sông Cửu Long nên có thể nói quê ngoại tôi ở miền Tây. Thời
tôi còn ở độ tuổi măng non mỗi lần hè về là lại được cho về quê ngoại chơi theo
như kiểu ba tôi thường bảo là “đi cho đỡ mất gốc ngoại”. Thời đó phương tiện đi
lại không nhanh gọn như bây giờ. Muốn đi thì phải mua vé tàu (vì đi máy bay giá
gấp 3 4 lần giá tàu) đi mất gần 2 ngày mới tới ga Sóng Thần (ga Sài Gòn) rồi lại
bắt xe từ bến xe Miền Tây ở Sài Gòn về quê Ngoại, con đường đi bằng xe cũng
cách trở mất thời gian lắm bởi phải đi qua mấy chuyến phà mới tới nơi mà chờ được
chuyến xe cũng phải có thời gian vì cứ 2 tiếng mới có chuyến xe một lần. Có khi
vào chơi 10 ngày mà di chuyển trên đường không cũng đã mất 4 ngày rồi. Không
như bây giờ đặt vé may bay bay đi Sài Gòn mất tầm 2 tiếng rồi ra bến hầu như
lúc nào cũng có chuyến xe về, các hãng xe như Phương Trang vào ra bến tấp nập
không nghĩ đã thế những chiếc phà ngày nay đã được thay bằng những chiếc cầu dây
văng dài ngoằng làm cho con đường trở nên ngắn hơn.
Nhớ thuở trước mỗi lần vừa đặt chân tới nhà ngoại là liền được “thết
đãi” một bụng nước dừa. Bởi gần như đi đâu cũng thấy cây dừa. Cây dừa mọc bao
quanh những cánh đồng lúa vàng ươm rộng mênh mông, chốc chốc lại có vài đàn cò
sà xuống đậu trên cánh đồng trông rất yên bình và ấm cúng đến lạ. Nhưng bây giờ
về cảnh tượng đó cũng khó có thể tìm thấy nữa. Bây giờ người ta chuyển qua nuôi
tôm và cá gần hết, người ta không còn mặn mà với cây lúa nữa vì cây lúa không
đem lại tài chính nhiều cho họ như con tôm, con cá. Những ngày còn cắp sách đến
trường tôi vẫn thường được bảo rằng Đồng bằng Sông Cửu Long là “vựa lúa của Việt
Nam” hay “bát gạo Châu Á” , nghe sao mà tự hào thế nhưng bây giờ khi về đây
chính những con người đang tạo ra niềm tự hào thế nhưng xem chừng cũng không mặn
mà lắm với những mỹ từ như thế vì những khó khăn khi gắn bó với cây lúa cũng
quá nhiều do đất bị nhiễm mặn vì nước biển dâng; thiếu nước tưới tiêu và nhiễm
mặn vì phía nước bạn Trung Quốc xây đập ngăn nước ở đầu sông Mekong, việc thu
mua lúa gạo của thương lái với giá thấp chưa hợp lý; sự trợ giá cho gạo của
Chính phủ chưa sâu sát….vv.
Đặc điểm của người quê ngoại tôi là thích “lai rai” xị đế buổi chiều, cả
ngày lao động mệt mỏi thế nào không biết nhưng chiều về thường làm ít mồi nhẹ rồi
rủ thêm ít bạn chén chú chén anh rứa là vui. Có lẽ cái chất phóng khoáng của
người dân nơi đây được đến từ điều kiện ưu đãi của thiên nhiên nên họ ít lo
nghĩ gì nhiều. Ngay đến những nhà ở họ cũng ít khi xây kiên cố, chỉ xây nhà cấp
4 có lẽ vì vậy ngành tôn hoạt động ở đây khá mạnh.
Nhớ những năm lên 6 lên 7 mỗi lần đi ngang cây cầu khỉ nhìn xuống bờ
kênh thì thấy con còng bò đỏ cả bờ kênh tôi thường hay nhảy xuống để bắt còng. Con
còng thường đào những cái hang thông nhau rất khó bắt. Muốn bắt nó phải chặn cửa
hang này đến cửa hang khác mà dí nó bắt mới được. Nay thì việc tìm được đôi ba đàn còng cũng đã rất khó rồi bởi những con kênh bây giờ không còn tự nhiên như ngày
xưa nữa.
Dẫu biết rằng xã hội ngày càng đi lên rồi sẽ có nhiều điều đổi thay về
con người cũng như vùng đất, cơ sở hạ tầng nhưng mong sao sẽ không có nhiều biến
động quá làm thay đổi đi những thứ vốn dĩ là thương hiệu, hình ảnh quen thuộc
nơi đây như con còng lội đỏ bờ kênh, bông lúa vàng cả mảnh đất quê, giọng hoài
lang ai đượm màu chân quê… để sau này di sản để lại cho con cháu chỉ còn là
hình ảnh xuất hiện trong những bài thơ, lời bài hát dân ca hay chỉ trong một bộ
phim về phương nam xa xưa nào đó.
Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Anh Văn
No comments:
Post a Comment