Nhiều khi chuyện cũ muốn quên đi cũng
không được. Có những chuyện theo ta suốt cả cuộc đời. Tự hỏi, nếu được kể ra
vài việc mà bản thân nhớ được từ hồi còn nhỏ tới nay, chắc tôi sẽ kể ngay ra những
câu chuyện sau đây mà không cần đắn đo soát lục trí nhớ.
Chuyện thứ 1: Là người
đam mê trái bóng, thời ở quê mỗi khi có việc liên quan tới quả bóng tròn là tôi
cố tới tham gia cho bằng được. Một hôm, thấy các anh trong xóm lăn "quả
bóng tròn" bằng sắt nặng trịch, tôi cũng tham gia. Tối về khoe với "mạ"
rằng: hôm nay cùng các anh chơi vui lắm, có quả bóng tròn và nặng lắm. Mạ tôi hỏi
han cụ thể sau đó kết luận "bom bi" đó con, nên tránh xa, riêng mạ sẽ
báo cho các phụ huynh biết.
Sáng sớm hôm sau tôi trốn mạ, dậy sớm ra chỗ chơi lăn "bóng sắt",
có một số anh lớn đang cầm bi tròn lăn qua lăn lại. Tôi hô to " bom đó, nổ
chết chừ". Các anh khựng lại một chốc, sau khi hiểu ra điều tôi muốn nói,
ai nấy đều chạy biến, bỏ lại mấy cục bi tròn trên nền cát. Sau này nghĩ lại tôi
thấy mình khi đó cũng hơi liều, nhưng khá có trách nhiệm. Và coi đó là "việc
làm thiện" có ý nghĩa đầu tiên của
cuộc đời. Việc này đã trôi vào dĩ vãng cùng với chiến tranh, bom đạn.
Chuyện thứ 2: Sau
chiến tranh, được về Huế học là niềm vui lớn, vì tất cả đều mới mẻ, chỉnh chu không
giống làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Tôi có chơi với một nhóm bạn thích
giúp người khác đặt biệt là người già cả neo đơn. Chúng tôi hẹn nhau một tuần sẽ
cùng tới nhà một cụ già không con cái trong phường, nơi các bạn đang sống để
giúp các ông bà dọn dẹp nhà cửa, làm vườn và trồng rau xanh... Thỉnh thoảng nấu
giúp ông bà một nồi cơm, với củi khô gom được khi dọn vườn. Hoạt động này của
chúng tôi mặc dù là tự phát và không cho ai ngoài nhóm biết, nhưng không biết bằng
cách nào được nhà trường ghi nhận và phát động thành phong trào cho toàn liên đội
noi theo. Phong trào "Trần Quốc Toản" hình thành từ đó. Trường tôi học
là một trường trong thành nội luôn dẫn đầu phong trào Trần Quốc Toản toàn
thành phố mấy năm liền.
Chuyện thứ 3: Cách
đây hơn 15 năm, một lần gần Tết tôi bàn với gia đình là bớt ít thu nhập có được
mua quà tết tặng người nghèo mà mình biết. Ngoài một vài hộ nghèo sống chung khu phố, tôi cùng
vợ đi tìm một cụ già neo đơn sống một mình trên con thuyền nhỏ trước chùa Thiên
Mụ.
Đây là cụ già tôi đã gặp rất nhiều lần
khi đưa các bạn Nhật thăm cảnh chùa bằng thuyền du lịch. Chiều 30 Tết, khi tới
các nhà gần bến Thiên Mụ hỏi thì được biết bà cụ hiện đang neo thuyền ở bến đối
diện. Xuôi về hạ lưu một chặng, chúng tôi hỏi một gia đình vạn đò đang neo thuyền
chuẩn bị đón Tết, thì được người chồng sẵn sàng chở vợ chồng tôi qua bờ bên kia
để thăm cụ già. Chuyến đò cả đi và về khoảng 45 phút, và chúng tôi đã trao được
quà. Chúng tôi muốn hậu tạ người đưa đò tốt bụng nhưng không biết bằng cách nào
cho tế nhị. Vợ tôi đề nghị tặng anh chị và các cháu đòn chả và cuộn nem chúng
tôi mua để dùng tết đang treo trên xe. Tôi cho là ý kiến hay. Nhưng cũng phải
"năn nỉ" mãi thì vợ chồng anh "vạn đò" mới nhận cho. Chúng
tôi cảm nhận được sự tốt bụng của đôi vợ chồng "vạn đò" cùng đàn con
nheo nhóc sống trên con thuyền chật chội. Chắc anh chị và các cháu giờ đây đã
yên ổn định cư tại một căn nhà kiên cố rộng rãi đưỡ xây dựng theo chương trình
tái định cư dân vạn đò do thành phố Huế triển khai, và cũng đang mở lòng giúp đỡ
nhiều người nghèo khó khăn khác.
Chuyện thì rất cũ nhưng chắc tình cảm
lồng trong đó thì không bao giờ phai nhạt trong ký ức những người liên quan.
Phan Văn Hải
Tổng
Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật
gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)
No comments:
Post a Comment