Monday, 9 July 2012

NHỮNG BÀI HỌC ĐIỆP BÁO



Trong chiến tranh cũng như hòa bình, công tác điệp báo, hoạt động ngầm để thu thập thông tin của đối phương có ý nghĩa rất quan trọng. Nói như nhà tình báo chiến lược huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, Việt Nam chỉ có tình báo tự vệ, chưa có tình báo chiến lược chủ động cho phản công. Đó chỉ là một cách nói của một nhân cách lớn.
Hãy đi sâu vào tình hình ở Việt Nam về vấn đề này.

Thời nhà Trần, để bẻ gãy tất cả các hướng tấn công của giặc Mông – Nguyên, vua tôi nhà Trần ắt hẵn đã sử dụng nghiệp vụ gián điệp, thám báo để biết chính xác  tin tức kẻ địch, từ đó mới chủ động bày binh bố trận ngênh đón kẻ thù. Chiến thắng Bạch Đằng là một dấu son chói lọi của việc sử dụng có hiệu quả thông tin thám báo thời bấy giờ.

Trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật sử dụng điệp viên, tình báo đã lên tới một tầm cao mới, góp phần rất lớn vào thắng lợi chung của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất tổ quốc. Huyền thoại của chiến sĩ tình báo P.X.A đã được một nhà văn nước ngoài cất công tìm hiểu viết nên cuốn “Điệp Viên Hoàn Hảo” - “ Perfect Spy”, đó cũng là một niềm tự hào cho làng tình báo VN trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc.

Tìm hiểu chiến lược bảo mật, chống gián điệp đối phương của các triều đại và nhà nước trước đây, chúng ta thấy luôn luôn có một sự cảnh giác rất cao về việc phòng ngừa ngoại quốc sử dụng công tác điệp báo hoặc phòng ngừa sự gây xáo trộn xã hội khác qua việc sự dụng các lực lượng nằm vùng, chờ thời cơ.

        Chúa Nguyễn đã cẩn trọng khi có chính sách cho di dân người Hoa đi ra khỏi đất Phú Xuân vì cho rằng nhóm người này sinh sống quá gần kinh thành (Khu phố   cổ Bao Vinh). Nhóm người Minh Hương chạy trốn nhà Thanh ngày đó  đã được  chúa Nguyễn cho định cư tại Gia Định, Đồng Nai rất xa kinh thành Huế.
Chế độ Ngô Đình Diệm  ở miền Nam, từ năm 1956, đã buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất.

Thế nhưng, với thông tin vừa phát hiện người Trung Quốc đóng bè nuôi cá tại vùng Cam Ranh, gần quân cảng chiến lược thì nhiều người rất lo âu. Nếu liên kết và xâu chuổi một số thông tin khác lại với nhau thì thấy chúng ta thấy một số cấp quản lý đã hơi thiếu cảnh giác trong một thực thể nhà nước thống nhất. Có thể liệt kê sơ như sau:
- Cho người nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, gần biên giới những khu vực nhạy cảm;
- Để người nước ngoài trúng thầu một công trình tại vị trí có tầm chiến lược quân sự ở Đông Dương và Châu Á;
- Nhiều khu phố ngoại quốc đã mọc lên theo chân các công nhân nước ngoài tới làm việc tại các nơi doanh nhân nước họ trúng thầu;
- Nhiều người ngoại quốc tới làm ăn sinh sống lâu dài  tại nước ta theo visa du lịch mà chính quyền địa phương không quản lý được;
...
Xu thế hữu nghị, hòa bình và cùng hợp tác phát triển là xu thế chủ đạo chính của nhân loại ngày nay.
Tuy nhiên, bài học Mỵ Châu, Trọng Thủy vẫn còn đó. Hãy thận trọng, sự cảnh giác không bao giờ là thừa cả!
  
PVH

No comments:

Post a Comment