Monday, 30 July 2012

NGƯỜI THẦY BỊ TÀN TẬT MỞ LỚP DẠY HỌC CHO TRẺ EM NGHÈO Ở THÔN THANH LAM – THỊ TRẤN PHÚ ĐA – HUYỆN PHÚ VANG



Thôn Thanh Lam thuộc thị trấn Phú Đa - huyện Phú Vang – tỉnh Thừa Thiên Huế, là thôn có diện tích khá lớn và dân cư đông đúc hơn so với các thôn khác, nhưng nếu hỏi về thầy Nguyễn Trai thì cho dù là trẻ em hay người già đều biết rất rõ và sẵn sàng đưa giúp chúng ta đi đến tận nhà thầy. Điều này không phải do thầy là một người nổi tiếng hay giàu có nhất trong làng mà đơn giản là thầy là một tấm gương cho người dân trong làng học hỏi noi theo về nghị lực sống phi thường cũng như trong việc giúp trẻ em nghèo trong làng xóa mù chữ. Thầy Nguyễn Trai năm nay đã ngoài 50 tuổi, bị tàn tật ở chân nên đi lại rất khó khăn, thầy đã lập gia đình và có một con nhỏ đang học lớp 4, hiện gia đình thầy đang sống với người mẹ già năm nay đã ngoài 80 tuổi bị tai biến cách đây 6 năm trong căn phòng rộng khoảng 10m2. Cuộc sống của gia đình thầy rất khó khăn do bản thân thầy là trụ cột trong gia đình lại bị tàn tật và hay đau ốm nên không làm việc được,, mọi việc trong gia đình đều trông cậy vào người vợ của thầy. Trước đây khi còn là một cậu bé thì thầy Trai cũng giống như bao đứa bé bình thường khác là hàng ngày ngoài giờ học ở trường và phụ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình, còn tranh thủ thời gian rãnh rỗi để chơi đá bóng cùng các bạn. Tuy nhiên thật bất hạnh cho thầy và gia đình khi vào năm thầy đang học lớp 9 thì đôi chân của thầy bổng nhiên bị căng cứng lại, không co giản nên không thể đi lại được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của những người thân trong gia đình. Mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình thầy lúc đó rất khó khăn, cơm không có mà ăn, nhưng gia đình vẫn cố gắng gom góp tài sản và vay mượn của hàng xóm để đưa thầy đi trị bệnh. Sau gần 4 năm đưa thầy đi trị bệnh ở nhiều nơi tiêu tốn không biết bao nhiêu tài sản nhưng vẫn không mang lại kết quả, gia đình đành đem thầy về nhà để chăm sóc. Tưởng chừng cuộc sống của thầy từ đây coi như là chấm hết, nhưng với nghị lực sống phi thường thầy đã không chấp nhận cuộc sống mình lại kết thúc như vậy. Để có thể đi lại được như bây giờ thì hàng ngày thầy cố gắng chịu đựng sự đau đớn để luyện tập, sau hơn một năm kiên trì luyện tập, thầy đã có thể tự mình đi lại được, tuy bước đi rất khó nhọc nhưng thầy có thể tự lo sinh hoạt cho bản thân chứ không cần phải nhờ người khác giúp đỡ như trước đây. Mặc dù thầy có thể đi lại được nhưng do những bước đi khá nặng nề và yếu nên thầy cũng không thể phụ giúp bố mẹ các công việc khác trong gia đình. Vào thời đó, do điều kiện kinh tế của phần lớn các gia đình ở trong làng điều rất khó khăn, do phần lớn diện tích đất đai ở trong làng chủ yếu là đất cát nên trồng lúa không có hiệu quả, vì thế đa số người dân ở đây chủ yếu trồng khoai, sắn, chăn nuôi gà, vịt... nên nguồn thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống gia đình và lo cho con cái đi học, số trẻ em trong làng không được đến trường chiếm tỷ lệ khá cao. Với mong muốn giúp trẻ em nghèo trong làng không có điều kiện được đi học được biết chữ, vào năm 1998 thầy đã mạnh dạn mở lớp để dạy chữ cho những em không có điều kiện để đến trường mặc dù thầy chỉ học xong chương trình lớp 9. Ban đầu vì nhà quá nhỏ không có chỗ để dạy học cho các em nên thầy đã mượn căn chòi giữ vườn của một người hàng xóm để mở lớp và nhờ những người thân trong gia đình lấy tre để làm bàn, ghế cho các em, còn sách vở thì thì đi xin đồ cũ của những em ở trong làng và các làng lân cận. Lúc mới mở lớp chỉ có 3-4 em đến học, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lớp học này đã có hơn 20 em theo học nên căn chòi không còn đủ chỗ ngồi cho các em. Với việc làm đầy ý nghĩa của mình nên vào năm 2005 thầy được hội tự thiện “ Vì tương lai trẻ em” tài trợ xây dựng cho phòng học với diện tích rộng 35m2, trong đó 25m2 được sử dụng để làm phòng học còn lại khoảng 10m2 được sử dụng làm nơi ở cho 4 người trong gia đình thầy.  Hiện nay lớp học của thầy có 24 em đang theo học với Chương trình học từ lớp 1 đến lớp 4, vì đa số các em đang theo học ở lớp học này đều có hoàn cảnh rất khó khăn nên cho dù cuộc sống của gia đình mình vẫn đang gặp nhiều khó khăn nhưng thầy vẫn không yêu cầu phụ huynh các em đóng bất kỳ khoản tiền nào. Mặc dù biết thầy không hề đòi hỏi nhưng do tất cả phụ huynh các em đều biết được hoàn cảnh đáng thương của thầy nên thỉnh thoảng đem tặng thầy ít lúa, khoai, sắn.... mà gia đình trồng được và giúp gia đình thầy các công việc như cuốc đất trồng khoai, sắn..., và thu hoạch khoai, sắn. Do điều kiện kinh tế của bản thân thầy và các em đều khó khăn như vậy nên cho dù phòng học được trang bị 1 bóng đèn điện và 1 quạt máy nhưng do không có tiền để trả tiền điện hàng tháng nên mặc dù về mua mưa phòng học rất tối, còn về mùa hè thì rất nóng nhưng thầy vẫn không thể bật đèn và quạt cho các em sử dụng, cho dù bản thân thầy cũng muốn sử dụng đèn và quạt để giúp các em có điều kiện để học tốt hơn, nhưng với hoàn cảnh của trò và thầy như hiện này thì cho dù muốn cũng không thể làm gì khác được.
Tuy điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, bản thân lại bị tàn tật đi lại rất khó khăn và thường xuyên bị đau ốm nên mọi việc nặng nhọc trong gia đình như trồng trọt, chăn nuôi gà, vịt, chăm sóc mẹ già bị bệnh đều do một tay người vợ gánh vác nhưng thầy vẫn quan niệm rằng “ thầy sẽ cố gắng duy trì lớp học này để giúp trẻ em nghèo trong làng biết đọc, viết và biết tính toán để sau nay có một tương lai tốt đẹp hơn đến lúc nào mà đôi mắt thầy không nhìn thấy được cho dù đôi chân không thể đi lại được”. Với tấm lòng của một người thầy bị tàn tật như vậy, theo chúng tôi rất cần sự chung tay giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm và của cộng đồng để giúp thầy có điều kiện để làm được việc đó tốt hơn.

X.Q

No comments:

Post a Comment