Tuesday, 3 May 2016

THI NHÂN



          Tiếng Việt có nhiều cái hay, người học toán giỏi mà áp dụng "phép qui nạp" cho tiếng Việt thì chắc sẽ bị "hố" nhiều nhiều. Ví dụ "mèo mun" thay cho mèo đen, "ngựa ô" thì phải là con ngựa đen, "thơ cũng có nghĩa là thi" nhưng "nhà thơ" chứ không phải là "nhà thi" và "thi nhân" chứ không phải là "thơ nhân".
          Cách đây gần 30 năm, nhà tôi đón một vị khách đặc biệt. Ông là bạn của ba tôi thủa tóc còn để chỏm, cùng con nhà nông, cùng tham gia Thiếu sinh quân chống Pháp, cùng quê Hương Thủy, Thừa Thiên. Ông mới được "thong thả" sau vụ án "bình về thơ ca" mạnh mẽ ở miền Bắc. Tới nhà tôi, ông như một nông dân chính hiệu: mũ lá cọ, áo quần nâu sòng, mang bị cói, đi guốc gỗ, ăn xôi bốc tay, uống rượu nút lá chuối.
          Đêm đầu tiên, ông và cha tôi đọc  và nói chuyện thơ cả đêm. Tôi mấy lần tỉnh giấc thấy hai ông còn chén tạc, chén thù, ngâm thơ.
          Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi làm thơ, thế mà khi gặp "bạn thơ" ông cũng mạnh dạn đọc thơ của ông, không e ngại rằng trước mình là một "thi sĩ" nổi tiếng, rất nổi tiếng của cả nước. Mấy ngày sau, tôi thấy trong nhà treo vài bài thơ do cha tôi viết, được bác nhà thơ chọn lọc ra và một nhà thơ/ họa sĩ tên Hải Bằng viết thư pháp. Tôi từ đó tôi gọi cha tôi là nhà thơ XÓM - và những bạn thơ tới chơi trong nhà là XÓM THƠ.
          Rồi có tối, bác nhà thơ nói với tôi khi cả hai chuẩn bị đi ngũ: "Cháu à, bác là nhà văn, nhà thơ đây, nhưng là người Huế nên mấy cái dấu câu đánh bị sai. Cháu đọc tập bản thảo này rồi chỉnh sửa lại cho bác với nghe". Tôi hoang mang lắm. Đó là cuốn "Tuổi thơ dữ dội" sau này được dựng thành phim vang bóng một thời. Đọc chỉ vài trang thôi thì tôi say mê đọc một mạch cho đến cuối truyện, xong thì ngũ khèo, sức mô mà "xem dấu" cho bác nhà thơ này.
          Khoảng một tuần sau, nhà tôi chật ních người tới nghe đọc thơ. Nhiều người đề nghị đọc lại bài "Lời mẹ dặn", yêu cầu đó được lập lại nhiều lần. Người đọc thơ khóc, người nghe thơ cũng nước mắt lưng tròng, tôi lơ ngơ không hiểu mô tê chi cả...
          Sau gần 60 năm ra đời, mong đọc giả tìm và thấu hiểu nội dung của bài thơ , để rõ tấm lòng của một người rất yêu mến nhân dân, đất nước và dân tộc này, nhưng đã chịu nhiều điều oan trái do bị hiểu nhầm.
         
          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)


No comments:

Post a Comment