Saturday, 21 May 2016

Mùa Phật Đản


 Đến hẹn lại lên những ngày giữa tháng 4 âm lịch Huế lại nhộn nhịp với mùa Phật Đản. Đi ra đường những dịp này đâu đâu cũng thấy hoa Sen, một loại hoa tượng trưng cho sự tinh khiết gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn và cũng tượng trưng cho Phật giáo. 

Ngày lễ Phật Đản là ngày kỷ niệm đức Phật sinh ra. Ngày lễ này ở một số nước được coi như là ngày lễ chính thức (như Thái Lan, Mianma, SriLanka, Miến điện ..vv), tức là ngày lễ quan trọng của quốc gia, mọi người được nghỉ. Còn ở Việt Nam thì không được xem như ngày lễ quan trọng và chắc chỉ có duy nhất ở Huế là được xem như ngày lễ lớn có tác động sâu rộng tới nhiều tầng lớp khác nhau. Cứ đêm về những ngày 13 14 15 âm lịch thì các chùa lại tổ chức cho xe hoa rước Phật, gọi là xe hoa bởi các xe được bắt đèn và bắt hoa rất rực rỡ có khi lại có xe làm sân khấu cho người đứng hẵn lên trên để tái hiện cảnh đức Phật được sinh ra. Nhà nào có con nhỏ thường chở con đổ ra đường để xem xe hoa, rất là náo nhiệt, chẳng khác gì lắm một lễ hội Carnaval đường phố.

Vào ngày lễ này các Phật tử thường vinh danh Tam bảo ( Phật, Pháp, Tăng) qua các hình thức như đến chùa dâng hoa Phật, nghe kinh thuyết giảng, thực hành bố thí, thực hành ăn chay, làm việc thiện..vv. Cứ thế cứ tập tành dần cho con người ta quen với sinh hoạt đạo phật và làm con người ta dịu tính lại bớt.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam của chúng ta từ rất sớm, có thể nói khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Đạo phật đã gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc, lắm lúc hưng thịnh nhiều khi suy tàn, nổi trôi theo mệnh nước buồn vui. Nhưng có một điều có thể khẳng định thứ tôn giáo Phật này không ít thì nhiều cũng góp phần cải tạo xã hội và kiểm soát hành vi con người nơi đây bởi tư tưởng “luật nhân quả”. “Gieo quả nào, gặt quá nấy” hay “gieo ác gặp ác, gieo gió gặp bão, gieo thiện được hạnh thông” cũng làm cho con người ta biết sợ và bớt hung hãng làm bậy đi nhiều. Trong cuộc sống con người đôi lúc luật hành chính nhân gian chưa hoàn thiện hay có những con người đứng trên luật khi họ làm sai thì họ cũng chẳng sợ gì và sẵn sàng làm mọi điều sằn bậy chỉ để tư lợi cho cá nhân họ vì không ai có thể đụng vào họ nhưng may ra có “luật nhân quả” thì có thể làm cho họ sợ ít nhiều vì ít nhất họ còn sợ có một thế lực vô hình nào đó đang giám sát họ. Chính vì vậy mà nói Phật giáo có khả năng cải tạo xã hội là vậy và cũng có thể nói mỗi con người nên có một tôn giáo để theo, không nên là vô thần vì như thế sẽ không biết sợ là gì.

Tính thêm năm nay đã là Phật Đản thứ 2560. Hy vọng triết lý nhân quả của đạo Phật sẽ được nhân rộng hơn nữa, được nhiều người hiểu hơn nữa để con người ai ai cũng có “Phật tính” để xã hội này không còn những hành động “phi nhân”, bất chấp hậu quả và dư luận nữa.

Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Kinh tế Du Lịch

No comments:

Post a Comment