Có một dịp đến Quảng Lợi, tôi được tận mắt chứng
kiến một vùng đất cát, tuy không trắng lắm như ở các vùng khác nhưng nó cũng là
thứ cát màu trắng của vùng đầm phá Tam Giang.
Dọc hai bên đường, người dân bán dưa hấu. Từng
quả dưa tròn to, xanh tươi, bắt mắt. Được một đồng nghiệp giới thiệu đây là dưa
nhà do bà con Quảng Lợi trồng (không phải dưa Trung Quốc), tôi vội xuống xe mua
liền ba trái, cái dành tặng cho người thân, cái làm món giải khát cho các con.
Vừa rẻ lại an tâm vì tận mắt nhìn thấy ruộng dưa hai bên đường, ngay sau lưng
cô gái xinh đẹp bán dưa, tôi vui mừng với thành quả của chính người dân nơi
đây.
Nhưng, ngoài cái vẻ xanh mọng mượt mà ấy, nếm
cái vị dưa hấu ngọt ngọt chua chua tôi mới thấy vị khác lạ của vùng đất này. Vẫn
là vị ngọt thường trực của dưa hấu nhưng nó có pha vị chua chua nhẹ, nhẹ như kiểu
ai đó lỡ tay vắt vài giọt chanh vào. Té ra toàn bộ dưa hấu tại đây đều có pha vị
chua như vậy. Một người dân cho biết sỡ dĩ có vị chua ấy là do đất trồng là đất
cát pha. Cái đất cát màu trắng nghèo dinh dưỡng chỉ trồng được một số loại cây
mà thôi. Mà đến cả củ khoai ở đây cũng có vị chua như vậy. Cái vị chua nhẹ khiến
cho cái vị ngọt trở nên thanh hơn, tinh khiết hơn, khác hẳn cái kiểu ngọt lừ
như dưa hấu nơi khác.
Những tưởng cái vị dưa hấu ấy, cái nghèo của
vùng đất cát trắng khiến cho người ta chán chê, nhưng không, “ăn hoài đâm nghiện”
nhiều người ở đây chỉ thích ăn thứ dưa hấu ấy cũng như không thể rời xa vùng
cát trắng nghèo mà rất đỗi thân thương.
No comments:
Post a Comment