Wednesday, 29 April 2015

40 NĂM, TỪ CẬU BÉ ĐẾN NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH



Mới đó mà đã 40 năm, thời gian trôi đi thật nhanh. Đối với khoảng thời gian này thì mỗi người có cảm nhận khác nhau, có thể là chậm, có thể là nhanh. Ý chính của bài viết này không bàn về "thuộc tính tương đối của thời gian" mà chỉ nêu những cảm nhận cá nhân của người viết, từ thời là một cậu bé và nay là người đã trưởng thành.

Hồi đó, thật là ghét Mỹ, vì đi học được dạy phải như vậy, phải sống và sinh hoạt phần lớn dưới hầm là do Mỹ ném bom, chiếc máy bay phản lực Mỹ bị rơi nằm gần cây cổ thụ giữa làng nhìn mà sướng rơn lên, "cho mi chết vì thả bom ồn quá"!.
Nay thì không thấy ghét, vì người Việt ta thường suy nghĩ hướng về tương lai nhiều hơn, mà tương lai hợp tác của Việt Nam và Mỹ là hết sức tươi sáng, dù có nhiều bất đồng và bị phá bỉnh; và rồi bạn bè, người thân của gia đình tôi sống bên ấy cũng tốt đẹp cả đó thôi. Rồi bậc phụ huynh nào cũng ao ước con em mình được tiếp cận nền giáo dục bên Mỹ đó.

Hồi đó thật là sợ mấy ông thầy tu chùa Từ Đàm. Nhà bà cô ruột của ba ở gần đó, nên hết chiến tranh là bà con tìm thăm nhau xem ai còn sống chết ra sao?.  Đến tối cùng mấy người em đi tới chùa Từ Đàm, vào cổng chùa bước lên chính điện là cậu bé là tôi hoảng hồn bỏ về ngay. Thì người nhà quê trong chiến tranh biết chi đến lễ phật, đọc kinh Phật, ...theo các nghi thức trang nghiêm như thế đâu. Thế mà nay cảm thấy Phật giáo là điểm tựa cho tâm hồn của nhiều người bị trào lưu thị trường làm chao đảo, kéo theo thiết chế xã hội bị xáo trộn, khung giá trị nhân bản bị đảo tung, đồng tiền lên ngôi.  Rồi ngày Tết ngày lễ Phật, ma chay... thân gia được dịp gặp quí thầy và thấy thêm gần gũi và tin tưởng vào tương lai của nền Phật giáo nước nhàdường như vẫn đồng hành cùng dân tộc để đi tới dẫu rằng giáo hội cũng mang tiếng thị phi trần đời.

40 năm mới hiểu được  rằng: sự yêu ghét chính là sự trải nghiệm và sự cảm nhận chân thực chứ không phải là do giáo dục mà có được, mặc dù giáo dục có vai trò quan trọng trong sự hình thành nhân cách và hành vi cá nhân. Sự yêu ghét có lẽ là vùng ngang bướng nhất của con người, khó ai giải thích được. Và vì vậy, đồng loại thì rồi sẽ đồng cảm và tha thứ cho lỗi lầm của nhau, vì con người vốn hay sai lầm do không quản trị được sự yêu ghét nhiều lúc thái quá.

40 năm rồi, từ hồi giang sơn thu về một mối có lẽ cảm nhận duy nhất không thay đổi là “sợ”. Bây giờ vẫn "sợ". Vốn là hồi đó khắp xóm làng ăn mừng chiến thắng, cậu bé nhà quê chưa cảm nhận được sự “vĩ đại” đó, chỉ thấy sợ tiếng ồn của phèng la múa lân (nhức tai hơn tiếng bom xưa, sợ đến chết kiếp khi ông địa chỉ tay vào mặt tôi và vẫy quạt chào. Có lẽ là do hồi đó cậu bé vùng quê còn quá quê mùa thô kệch. Nay cũng man mác sợ mỗi khi đến  dịp này, nơi nơi làm lễ mừng thống nhất, bao nhiêu tiền của phải bỏ ra để tổ chức, sợ người nghèo tủi thân vì họ không được dự phần vào niềm vui chung, sợ cho những người từng mang vinh quang về cho dân tộc buồn phiền vì sự lãng phí xa hoa của hình thức. Nếu giảm bớt đi lễ hội rình rang, nước ta chắc chắn không òn nghèo và có người còn lo ăn từng bữa. Mặt khác còn có nhiều người buồn – như lời ông VVK trước khi mất không lâu ( 2008) thì ta có quan tâm tới tình cảm của toàn thể người dân VN phía này phía kia hay không? Ta nên tổ chức ngày hội vui một cách vô tình khô khan như vậy hay không?

Giang san về một mối là niềm vui chung, niềm vui tột cùng của khát khao thống nhất; nhưng đừng khơi dậy nỗi buồn riêng mà lỗi không phải do mỗi cá nhân tự gieo cho mình! Ai ơi, nên thương lấy mình và thương nhau nhiều hơn!

PVH

No comments:

Post a Comment