Wednesday, 8 August 2012

KÍCH CẦU



Khi tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm dưới 5%, chính phủ đang sử dụng chính sách kích cầu, ngõ hầu đưa kinh tế  tăng trưởng khả quan hơn trong những tháng cuối năm. Do toàn bộ hệ thống ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng dưới 1% (kế hoạch mục tiêu là 15%) trong 6 tháng đầu năm, nên chính sách kích cầu của chính phủ đưa ra để cải thiện bức tranh kinh tế quốc gia là rất cần thiết.
Vậy “kích cầu” là biện pháp đẩy mạnh chi tiêu ròng của chính phủ (hay còn gọi tiêu dùng công cộng) để làm tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Biện pháp kích cầu cụ thể có thể là “giảm thuế hoặc “tăng chi tiêu” hoặc cả hai. Kích cầu thường chỉ được dùng khi nền kinh tế lâm vào trì trệ hay suy thoái, đang cần vực dậy. Kích cầu đặc biệt hay được sử dụng khi nền kinh tế rơi vào trạng thái bẫy thanh khoản, khi mà tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng lên đến mức báo động thì ý nghĩa của kích cầu được quan tâm hơn bao giờ hết.

Mặt trái của kích cầu là nhiều khi phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và hậu quả lạm phát trong tương lai.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, việc kích cầu bằng cách tăng chi tiêu công có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa đó là việc thực hiện phải bảo đảm:  đúng lúc, trúng đích vừa đủ.

-Đúng lúc tức là phải thực hiện kích cầu ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. Nếu thực hiện sớm quá, kích cầu có thể làm cho nền kinh tế trở nên nóng và tăng áp lực lạm phát. Nhưng nếu thực hiện chậm quá, thì hiệu quả của kích cầu sẽ giảm. Việc thực hiện kích cầu đúng lúc càng phải được chú ý nếu các quá trình chính trị và hành chính để cho một gói kích cầu được phê duyệt và triển khai là phức tạp. Thường thì chính phủ phải đệ trình quốc hội kế hoạch kích cầu và phải được cơ quan lập pháp tối cao này thông qua. Và, không phải lúc nào công việc này cũng suôn sẻ.
-Trúng đích tức là hướng tới những chủ thể kinh tế nào tiêu dùng nhanh hơn khoản tài chính được hưởng nhờ kích cầu và do đó sớm gây ra tác động lan tỏa tới tổng cầu hơn; đồng thời hướng tới những chủ thể kinh tế nào bị tác động bất lợi hơn cả bởi suy thoái kinh tế. Thường thì đó là những chủ thể kinh tế có thu nhập thấp hơn. Người có thu nhập cao thường ít giảm tiêu dùng hơn so với người có thu nhập thấp trong thời kỳ kinh tế quốc dân khó khăn. Việc hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp để họ không phải giảm tiêu dùng hay thậm chí còn tăng tiêu dùng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất và thuê mướn thêm lao động.
-Vừa đủ tức là gói kích cầu sẽ hết hiệu lực khi nền kinh tế đã trở nên tốt hơn. Nếu gói kích cầu quá bé thì kích thích sẽ bị hụt hơi và tổng cầu có thể không bị kích thích nữa, khiến cho gói kích cầu trở thành lãng phí. Ngược lại gói kích cầu lớn qua tạo ra tác động kéo dài khiến cho nền kinh tế đã hồi phục mà vẫn trong trạng thái tiếp tục được kích thích thì sẽ dẫn tới kinh tế mở rộng quá mức, lạm phát tăng lên. Điều này càng được chú ý nếu ngân sách nhà nước và dự trữ ngoại hối nhà nước quá “mỏng”.
Tại Việt Nam, nếu quan sát có thể thấy chính phủ đã sử dụng đồng thời hai loại biện pháp cụ thể là “giảm thuế” và “tăng chi tiêu ngân sách nhà nước”, biện pháp thứ hai được cho rằng có hiệu suất kích thích tổng cầu cao hơn.
Về giảm thuế, chính phủ đã có nghị quyết để giảm và giản thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh với tổng số tiền lên tới 29.000 tỉ đồng.
Về tăng chi tiêu công, chính phủ cân nhắc để đẩy mạnh chi tiêu công 6 tháng cuối năm, phấn đấu giải ngân trung bình 20.000- 30.000 tỉ mỗi tháng. Dường như thấy từng đó vẫn chưa đủ độ để đạt được mục đích tăng trưởng kinh tế như dự tính, chính phủ còn đề nghị cho ứng trước 30.000 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu chính phủ năm 2013 để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành và các dự án sẽ hoàn thiện trước tháng 6/2013 theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chính sách nào cũng có sự khiếm diện. Liệu chính sách kích cầu lần này có lập lại kịch bản kích cầu của năm 2009 không?

Câu trả lời đang nằm ở phía trước.
  
PVH

No comments:

Post a Comment