Wednesday 27 May 2015

GÓC NHÌN TRẺ THƠ



Trẻ thơ thường nhìn cuộc sống xung quanh với nhãn quan toàn màu hồng và trong veo.
Có thể đó không phải vì cuộc sống vốn như vậy mà là tâm hồn của trẻ em thực ra là như thế đó.
Thế mà câu chuyện dưới đây thì hoàn toàn khác.
Tôi quen biết một cháu học tại một trường trung học nổi tiếng của thành phố. Được vào học trường này là niềm tự hào của học sinh và biết bao phụ huynh.
Cháu kể rằng, "bây giờ tụi cháu thi xong học kỳ hết rồi, nên lên lớp chỉ chơi là chính chứ không học gì cả. Vừa rồi lớp ồn quá nên cô giáo dạy môn Công dân ra một bài viết 1 tiết với chủ đề: Suy nghĩ của em về ngôi trường thân yêu của mình".
Tôi hỏi: "Cháu viết những gì?"
Cháu trả lời: Các bạn giỏi văn thì chắc là viết hay, ca ngợi ngôi trường mà các bạn đang học, còn cháu thì không, cháu không giỏi văn, cháu chỉ viết về sự thực và mong thầy cô sẽ hiểu được mong ước của cháu.
"Có chuyện gì chưa tốt trong trường nổi tiếng này chăng?" Tôi hỏi với vẻ quan tâm.
"Dạ có chứ! Ví dụ trường tiểu học mà cháu học trước đây tuy nhỏ thôi nhưng các lớp chơi với nhau rất chan hòa, nước sạch được uống thoải mái chứ không như ở trường này. Trường này, học sinh nào khát nước mà vào phòng giáo viên uống là bị hạ hạnh kiểm, các bạn trong lớp trong trường không thân với nhau lắm, ai biết nhóm nấy thôi!".
"Rồi trường học thì nóng quá, các buổi họp trường mấy ông đâu đó về nói chuyện gì tụi cháu không hiểu được, lại bắt học sinh đứng ngoài nắng, không như trường tiểu học trước  trồng rất nhiều cây xanh, còn đại biểu về thăm trường thì nói ngắn gọn để các cháu có thời gian chay nhảy vui chơi trong sân trường đày cây xanh".
"Trường này rất nhiều rác, cháu tự tay đi nhặt rác bỏ vào thùng nhưng nhiều quá làm không hết, các bạn khác thấy vậy ít khi ra tay làm giúp, trường cũ của cháu thì sạch hơn nhiều, mát hơn nhiều, học sinh  tự giác bảo vệ môi trường hơn nhiều"...

Tôi hỏi cháu: "Thế cô giáo đã chấm và trả bài chưa?"
Cháu trả lời: "Chưa, nhưng điểm số không quan trọng với cháu, cháu chỉ mong ý kiến của mình được các thầy cô lưu tâm".

Thế ra, tâm hồn con trẻ đâu phải hoàn toàn trong veo như vốn có và trẻ con đâu phải vô tình như người lớn chúng ta thường nghĩ.

PVH

No comments:

Post a Comment