Tục mừng tuổi đầu xuân không biết đã du
nhập vào nước ta và trở thành một mỹ tục đẹp từ bao giờ. Chỉ biết, hàng năm
chuẩn bị đón xuân là người người, nhà nhà lại chuẩn bị tiền lẻ để mừng tuổi.
Bắt đầu từ thời điểm giao thừa đến mồng một, mồng hai… tết, gia đình, người
thân lại quây quần, đoàn tụ, chúc tụng và mừng tuổi nhau. Đầu tiên là cháu con
mừng tuổi ông bà, cha mẹ mong được sống lâu trăm tuổi... Sau đến ông bà, cha mẹ
mừng tuổi lại con cháu, mong con cháu chăm ngoan, học giỏi. Không chỉ có vậy,
khi khách đến thăm hỏi vào những ngày Tết cũng không quên lì xì cho con cháu
của gia chủ kèm theo lời chúc phúc đầu năm. Như vậy, đầu năm mới nhận phong bao
lì xì là nhận tình yêu thương và lời chúc may mắn, hạnh phúc trong cả năm.
Theo tục lệ, phong bao lì xì thường màu đỏ
một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội, tượng trưng cho tài lộc
- người ta nhận được hay cho đi càng nhiều bao lì xì thì người ta càng tin rằng
mình đã phát tài phát lộc...
Tuy nhiên, ngày xưa mừng tuổi chỉ là tiền
hào, tiền xu mang tính chất tượng trưng, tiền càng lẻ càng tốt. Bởi họ quan
niệm tiền lẻ thể hiện sự sinh sôi nảy nở, làm ăn phát đạt trong năm mới. Thế
nhưng, hiện nay trong nền kinh tế thị trường người ta không còn sử dụng tiền
xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi mà thay vào đó là những
đồng bạc xanh, đồng bạc đỏ, thậm chí cả những đồng đô la mệnh giá cao. Tiền
mừng tuổi cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà mừng
tuổi đầu xuân còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân rất sâu xa. Ngoài
kiểu mừng tuổi để “buôn danh” còn có kiểu mừng tuổi để trả nợ. Đến nhà giàu họ
mừng tuổi con mình nhiều thì nhất thiết mình phải mừng tuổi con họ bằng hoặc
nhiều hơn, nếu không sẽ cảm thấy bứt rứt, không yên… Chính vì quan niệm như vậy
mà nhiều khi tiền dành dụm, tích cóp vợ chồng con cái nhịn ăn, nhịn mặc, chi
tiêu dè xẻn cả năm nhưng lại tiêu tốn hết vào việc mừng tuổi. Tệ hại hơn, việc
mừng tuổi đầu xuân nhiều khi đã trở thành lệ bắt buộc. Nhiều người không có
tiền phải chạy vạy, đi vay để mừng tuổi cho đẹp mặt. Có lẽ vì vậy mà tâm lý sợ
tết, lo đến tết vẫn là hiện tượng phổ biến của nhiều gia đình nghèo
khó hiện nay.
A.D
No comments:
Post a Comment