Tôi đã từng nghe một lời bài hát rằng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Thật đúng vậy, sống trên đời mỗi chúng ta cần phải có một chữ “Tâm”. Bởi có Tâm mới làm nên sự nghiệp. Vậy chữ Tâm ở đây có nghĩa là gì?
Ø Tâm là trái tim bằng xương bằng thịt.
Ø Tâm là ý thức của con người.
Ø Không chỉ là ý thức, “Tâm” còn là thế giới bên trong, cái chủ quan, tâm hồn, tình cảm, ý đồ, tinh thần, tâm lý. “Tâm” không chỉ là lý mà còn là tình.
Ø Tâm còn biểu hiện là sự cảm thông, biết chia sẽ với người khác lúc hoạn nạn, khó khăn. “Tâm” là tâm tính, tâm can, tâm tư, tâm khảm, là toàn tâm toàn ý cho công việc, cho sự nghiệp, lý tưởng của mình.
Ø Và ngoài ra còn rất nhiều ý nghĩa khác nhau nữa nhưng chung quy lại thì “Tâm” chính là phẩm chất của một con người.
Và cũng từ chữ “Tâm” nếu ghép với những chữ khác ta cũng có rất nhiều nghĩa như: tà tâm, lãnh tâm, ác tâm, nhị tâm, nhẫn tâm…để chỉ những kẻ độc ác, vô cảm, phản trắc. Xã hội nào cũng đề cao chữ Tâm, đề cao đạo đức, bởi vì chữ Tâm, đạo đức là gốc của sự hài hoà, vững bền, phát triển. Những danh nhân được tôn vinh đều là những người có tâm trong sáng, cao cả. Và cũng có thể nói rằng: Cái Tâm là cội nguồn gốc rễ cho mọi sự thành công của mỗi một chúng ta. Thật vậy, bất kỳ một công việc nào cũng cần có “cái Tâm” dù là việc lớn hay việc nhỏ. Cái Tâm ở đây chính là tinh thần trách nhiệm trong công việc mình làm, trách nhiệm với việc mình được giao phó. Tinh thần trách nhiệm ấy được thể hiện qua cách chúng ta thực hiện công việc, bất kể hoàn cảnh hay cảm xúc nào cũng phải tuân theo cam kết, và lúc nào cũng muốn công việc của mình hoàn thành một cách tốt đẹp. Đó chính là “có Tâm” trong công việc. Vì thế chúng ta không cần phải nói cho mọi người biết rằng là chúng ta đang làm việc “có Tâm”. Bởi vì Tâm nó đã thể hiện qua hoạt động, hành vi và qua cách ta sống mà tất cả mọi người đều nhìn nhận được.
Và phần thưởng cuối cùng dành cho những người có Tâm trong công việc chính là sự thành công.
Trong mỗi chúng ta, ai cũng chọn cho mình một công việc trước hết là để kiếm sống, sau đó là làm giàu. Trong đó sẽ có người thành công, có người thất bại, có người hài lòng với công việc hiện tại, có người lại bất mãn với công việc mình đã lựa chọn....Chung quy lại thì bất cứ ai cũng mong muốn mình sẽ thành công trên mỗi con đường mà chúng ta đi. Nhưng mỗi chúng ta lại có những suy nghĩ khác nhau, những hành động khác nhau để đạt được mục đích đó. Và những người đi đến đích sớm nhất và thành công nhất sẽ là những người biết dựa vào chữ Tâm để tiến bước. Và nhà thơ Nguyễn Du cũng đã từng nói “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”.Thật đúng vậy, dù bạn có tài, dù bạn giỏi hơn người khác nhưng bạn thiếu đi “cái Tâm” thì tài năng ấy cũng trở nên vô dụng đối với xã hội bởi vì tài năng ấy chỉ để phục vụ cho những mục đích thấp hèn và vị kỷ. Chẳng hạn như hiện nay một số công ty, nhà cung cấp vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi “chữ Tâm” đã tạo ra những sản phẩm gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng như: ớt bột có chứa chất gây ung thư, thịt lợn nhiễm bệnh... vẫn được bán tràn lan trên thị trường.
Trong nhịp sống hối hả như hiện nay, việc giữ Tâm luôn tĩnh lặng, sáng suốt, an lạc là một việc làm rất khó. Bởi vì, chúng ta đang sống, đang tương tác với xã hội này, mà xã hội thì luôn luôn vận động và lôi cuốn con người vào guồng máy vật chất. Mọi chuyện dù lớn hay nhỏ đều tác động ít hay nhiều đến với chúng ta. Có đôi lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và khi hoàn cảnh đưa đẩy ta bàng hoàng nhận ra, hình như mình đã không còn là mình và mọi chuyện đang không nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa. Những lúc ấy nếu không vững tâm thì thật là tai hại. Ta sẽ có những sai lầm, mà thời gian thì không bao giờ trở lại để sửa những sai lầm.
Như các cụ ta vẫn nói “sống có đức mặc sức mà ăn”. Tuy câu nói này nghe có vẽ rất đơn giản nhưng nó lại chứa đựng một ý nghĩa rất to lớn, đúng đắn và sâu sắc. Hơn bao giờ hết, câu nói này rất phù hợp và cần được nêu cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt là với những bạn trẻ đang từng bước xây dựng sự nghiệp tương lai như chúng ta.
P.T.M
No comments:
Post a Comment