Friday, 6 May 2011

LÒNG THƯƠNG

Trên đường phố chúng ta gặp nhiều cảnh ngộ thương tâm: một bà già với gánh hàng nặng trĩu trên tấm lưng còng, một em bé bán vé số nhỏ bé và nhem nhuốc, một người bán chai bao mệt mỏi đang dựa vào gốc cây, người phụ nữ với đứa con tật nguyền đang xin ăn ở chợ,… Tất cả đều gợi cho chúng ta lòng thương cảm và là lý do để sẵn lòng giúp đỡ họ.
Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp đó có nhiều trường hợp chỉ là cảnh tạm thời mà chúng ta thấy, còn mặt khuất sau giờ làm việc của họ lại trái ngược hẳn. Một người bán chai bao với tấm nón rách, xe đạp cà tàng, nét mặt đen đúa với bộ đồ xấu xí trở về căn nhà khá khang trang, sáng sủa và trong nhà dựng một chiếc xe tay ga đỏ chót. Người phụ nữ ngồi đếm lại số tiền đi xin được cũng khoảng 80 - 90 nghìn sau khi trả tiền thuê mượn đứa con tật nguyền của người đàn bà khác...Người đàn ông xin ăn mù và tật nguyền ở chân chẳng bao giờ bị ngã…. Và thu nhập của họ nhiều khi còn cao hơn những người lao động chân chính khác mà lại nhàn nhã hơn.
Mỗi người có một nghề và mỗi cách sống khác nhau và không ai có quyền cấm cản họ. Nhưng nếu như vậy thì khác nào họ đang lừa gạt, bóc lột những người khác, những người nhẹ dạ cả tin. Mặc dù sự giúp đỡ họ nhận được từ mỗi người chúng ta không nhiều nhưng vô tình chúng ta đã tiếp tay cho các hành động của họ, để cho các hoạt động này tiếp tục tái diễn và phát triển. Có một thời gian rộ lên thông tin có thật về một ngôi làng ở Thanh Hóa chuyên đi ăn xin trong những tháng rỗi rãi sau vụ mùa. Điều này làm mất mỹ quan thành phố và làm mất lòng tin vào con người vốn có trong mỗi người chúng ta.
Trên thực tế, nhóm người này còn tạo ra nhiều tệ nạn xã hội khác như bóc lột sức lao động trẻ em, trộm cắp, rượu chè…thậm chí nhiều người còn sử dụng số tiền kiếm được vào ma túy. Những người này đã đánh mất lương tâm và lòng tự trọng khi chọn cho mình loại nghề nhàn rỗi này. Ở đây chúng ta không đề cập đến những người thực sự mất khả năng lao động và không còn cách gì khác ngoài việc phải ngồi đầu đường xó chợ xin ăn sống qua ngày.
Vì vậy, nên chăng các hoạt động từ thiện hay những tấm lòng hảo tâm nên đến đúng địa chỉ, đúng người và tốt nhất nên đến những trung tâm nhân đạo mà ở đó có những định hướng giúp đỡ cho những người nghèo về lâu về dài và để những giúp đỡ đó thực sự có ích đối với họ. Còn kiểu giúp đỡ hàng ngày, giúp đỡ tức thì như chúng ta vẫn thường làm đối với người nghèo chỉ như muối bỏ bể mà thôi và đôi lúc không khéo chính chúng ta đã làm hại họ, khuyến khích họ phát triển cái công việc thiếu đạo đức này.
Tự căn bản trong mỗi người đều có lòng thương người nhưng nó nên được đặt đúng chỗ, đúng nơi nó cần đến để cho thế giới quanh ta đẹp hơn, sạch hơn.

Xin có 2 câu chuyện được tải từ Internet về để mọi người “thưởng thức”:
Câu chuyện thứ nhất: Cô gái nhảy và người ăn xin
Vương Tú Phong, Truyện ngắn Trung Quốc

Trong căn phòng nhỏ đẹp đẽ ở ngoại ô có một cô gái xinh đẹp.Một hôm, có một người ăn xin đi qua. Ông ta ăn mặc rách rưới cùng mái tóc bạc trắng, trông rất đáng thương. Cô gái động lòng trắc ẩn, cho ông 10 đồng. Cô hỏi người ăn xin :" Mỗi ngày trừ lúc đi ăn xin thì ông làm gì?"
Người ăn xin nói: "Trang điểm".
"Trang điểm?" Cô gái kinh ngạc :"Đi ăn xin mà cũng cần trang điểm sao?".
"Đúng vậy, tôi trang điểm, đánh phấn để già yếu hơn một chút, cùng khổ hơn một chút, như thế khiến người khác càng động lòng, thì tôi càng có thể xin được nhiều tiền hơn. Còn cô, ngoài lúc đi làm thì cô làm gì?"
Cô gái nói: "Trang điểm".
Người ăn xin cũng gật đầu, nhưng không tỏ ra lạ lắm, vì ông hiểu, rất nhiều các công ty hiện nay đều bắt nhân viên của mình phải trang điểm, ông hỏi :"Cô làm ở đâu?".
"Làm ở sàn nhảy. Tôi trang điểm để trẻ hơn một chút, cao sang hơn một chút, các khách sang trọng mới thích tôi, mới thưởng cho tôi nhiều tiền".
Nghe cô gái nói vậy, người ăn xin lập tức móc 10 đồng ra trả lại.
Cô gái kinh ngạc hỏi :"Sao thế, ông không cần sao?".
Người ăn xin nói :"Đúng vậy, không cần, vì đội ngũ của chúng tôi có nguyên tắc : Không được xin tiền của người cùng nghề".

Câu chuyện thứ hai: Ăn xin tri thức

Tôi xách túi đồ nhãn hiệu Levi’s ra khỏi Plaza rồi đứng lại ở cửa chờ bạn. Một tay ăn mày chuyên nghiệp phát hiện ra tôi, sán tới đứng trước mặt. Câu chuyện của tôi chỉ có thế thôi. Thế nhưng tay ăn mày đã dạy tôi một bài học kinh tế còn sâu sắc hơn một khoá học tại chức kinh tế ở trường. Tôi kể câu chuyện này chính bởi ý nguyện của tay ăn mày đó.

- Xin anh… cho tôi ít tiền đi! – Tôi đứng đó chả có việc gì nên tiện tay vứt cho hắn đồng tiền xu, rồi bắt chuyện cùng nhau.

Ăn mày rất thích kể lể.

- Tôi chỉ ăn mày quanh khu mua sắm này thôi, anh biết không? Tôi chỉ liếc một phát là thấy anh ngay. Đi mua Levi’s ở Plaza chắc chắn nhiều tiền…

- Hả? Ông cũng hiểu đời phết nhỉ! – Tôi ngạc nhiên.

- Làm ăn mày, cũng phải ăn mày cho nó có khoa học. – Ông ta bắt đầu mở máy.

Tôi ngẫm nghĩ một lát, thấy thú vị bèn hỏi:

- Thế nào là ăn mày một cách khoa học?

Tôi nhìn kỹ ông ta, đầu tóc rối bù, quần áo rách nát, tay gầy giơ xương, nhưng lại sạch sẽ.

Ông ta giảng giải:

- Ai chẳng sợ và ghét ăn mày, nhưng tôi tin anh không ghét tôi, tôi đoan chắc điều đó. Đấy là điểm tôi khác biệt với những thằng ăn mày khác.

Tôi gật đầu đồng ý, đúng là tôi không ghét ông ta, nên tôi đang nói chuyện với ông ta đấy thôi.

- Tôi biết phân tích SWOT, những ưu thế, bất lợi, những cơ hội và nguy cơ. Đối mặt với những thằng ăn mày là đối thủ cạnh tranh của tôi, ưu thế (Strengths) của tôi là tôi không làm người ta phản cảm, lánh sợ. Cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats) thì chỉ là những yếu tố điều kiện bên ngoài thuộc về hoàn cảnh, có thể là dân số ở đây đông hay vắng, thành phố có quyết định chỉnh trang đô thị, dẹp hè phố chăng…

- …???

- Tôi đã từng tính toán rất cụ tỉ (cụ thể và tỉ mỉ) rằng, khu vực thương mại này người qua lại đông, mỗi ngày khoảng mười nghìn người, nghèo thì nhiều lắm, nhưng người giàu còn nhiều hơn. Trên phương diện lý luận thì giả như mỗi ngày tôi xin được mỗi người một đồng xu một nghìn đồng, thì mỗi tháng thu nhập của tôi đã được ba trăm triệu đồng. Nhưng thực tế thì đâu phải ai cũng cho ăn mày tiền, mà một ngày làm sao tôi đi xin được mười nghìn lượt người. Vì thế, tôi phải phân tích, ai là khách hàng mục tiêu của tôi, đâu là khách hàng tiềm năng của tôi.

Ông ta lấy giọng nói tiếp:

- Ở khu Plaza này thì khách hàng mục tiêu của tôi chiếm khoảng 30% số lượng người mua sắm, tỉ lệ thành công khoảng 70%. Lượng khách hàng tiềm năng chiếm khoảng 20%, tỉ lệ thành công trên đối tượng này khoảng 50%. Còn lại 50% số người, tôi chọn cách là bỏ qua họ, bởi tôi không có đủ thời gian để tìm vận may của mình với họ, tức là xin tiền họ.

- Thế ông định nghĩa thế nào về khách hàng của ông? – Tôi căn vặn.

- Trước tiên, khách hàng mục tiêu nhé. Thì những nam thanh niên trẻ như anh đấy, có thu nhập, nên tiêu tiền không lưỡng lự. Ngoài ra các đôi tình nhân cũng nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của tôi, họ không thể mất mặt trước bạn khác phái, vì thế đành phải ra tay hào phóng. Rồi tôi chọn các cô gái xinh đẹp đi một mình là khách hàng tiềm năng, bởi họ rất sợ bị lẽo đẽo theo, chắc chắn họ chọn cách bỏ tiền ra cho rảnh nợ. Các đối tượng này đều thuộc tầm tuổi 20-30. Nếu tuổi khách hàng nhỏ quá, họ không có thu nhập, mà tuổi già hơn, thì họ có thể đã có gia đình, tiền bạc bị vợ cầm hết rồi. Những ông chồng đó biết đâu có khi đang âm thầm tiếc hận rằng không thể ngửa tay ra xin tiền của tôi ấy chứ!

- Thế thì mỗi ngày ông xin được bao nhiêu tiền?

- Thứ hai đến thứ sáu, sẽ kém một chút, khoảng hai trăm nghìn. Cuối tuần thậm chí có thể 4-500 nghìn.

- Hả? Nhiều vậy sao?

Thấy tôi nghi ngờ, ông ta tính cho tôi thấy:

- Tôi cũng khác gì anh, tôi cũng làm việc tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng từ 11h đến tối 7h, cuối tuần vẫn đi làm như thường. Mỗi lần ăn mày một người tôi mất khoảng 5 giây, trừ đi thời gian tôi đi lại, di chuyển giữa các mục tiêu, thường một phút tôi xin được một lần được một đồng xu 1 nghìn, 8 tiếng tôi xin được 480 đồng một nghìn, rồi tính với tỉ lệ thành công 60% [(70%+50%)÷2] thì tôi được khoảng 300 nghìn.

Chiến lược ăn mày của tôi là dứt khoát không đeo bám khách chạy dọc phố. Nếu xin mà họ không cho, tôi dứt khoát không bám theo họ. Bởi nếu họ cho tiền thì đã cho ngay rồi, nếu họ cho vì bị đeo bám lâu, thì tỉ lệ thành công cũng nhỏ. Tôi không thể mang thời gian ăn mày có giới hạn của tôi để đi lãng phí trên những người khách này, trong khi tôi có thể xoay ngay sang mục tiêu bên cạnh.

Trời, tay ăn mày này có đầu óc quá đi, phân tích như thể giám đốc kinh doanh hoặc giám đốc tiếp thị vậy.

- Ông nói tiếp đi! – Tôi hào hứng.

- Có người bảo ăn mày có số may hay xui, tôi không nghĩ thế. Lấy ví dụ cho anh nhé, nếu có một thanh niên đẹp trai và một phụ nữ xinh đẹp đứng trước cửa shop đồ lót mỹ phẩm, thì anh sẽ chọn ai để ăn mày?

Tôi ngẫm nghĩ rồi bảo, tôi không biết.

- Anh nên đi đến xin tiền anh thanh niên kia. Vì đứng bên anh ta là một phụ nữ đẹp, anh ta chẳng lẽ lại không cho ăn mày tiền. Nhưng nếu anh đi xin cô gái đẹp, cô ta sẽ giả vờ là ghê sợ anh rồi lánh xa anh.

Thôi cho anh một ví dụ nữa: Hôm nọ đứng ở cửa siêu thị BigC có một cô gái trẻ tay cầm túi đồ vừa mua từ siêu thị, một đôi nam nữ yêu nhau đang đứng ăn kem, và một anh chàng đóng bộ công chức chỉnh tề, tay xách túi đựng máy tính xách tay. Tôi chỉ nhìn họ ba giây, sẽ không ngần ngừ bước thẳng tới mặt cô gái trẻ xin tiền, cô gái cho tôi hẳn hai đồng xu, nhưng ngạc nhiên hỏi tôi tại sao chỉ xin tiền có mỗi cô ta. Tôi trả lời rằng, cái đôi tình nhân kia đang ăn, họ không tiện rút ví ra cho tiền, anh kia trông có vẻ lắm tiền, trông như sếp nhưng vì thế trên người họ thường không có sẵn tiền lẻ. Còn cô vừa mua sắm ở siêu thị ra, cô tất còn ít tiền thừa, tiền lẻ.

Chí lý, tôi càng nghe tay ăn mày nói càng tỉnh cả người ra.

- Cho nên tôi bảo rồi, tri thức quyết định tất cả!

Tôi nghe sếp tôi nói bao lần câu này, nhưng đây là lần đầu tôi nghe một thằng ăn mày nói câu này.

- Ăn mày cũng phải mang tri thức ra mà ăn mày. Chứ ngày ngày nằm ệch ra ở xó chợ, cầu thang lên đường vượt giao lộ, xin ai cho được tiền? Những người đi qua giao lộ, chạy qua cổng chợ đều vội vàng hoặc cồng kềnh, ai ra đấy mà chơi bao giờ, ra đấy xin chỉ mệt người. Phải trang bị tri thức cho chính mình, học kiến thức mới làm người ta thông minh lên, những người thông minh sẽ không bao giờ ngừng học hỏi kiến thức mới. Thế kỷ 21 rồi, bây giờ người ta cần gì, có phải là cần nhân tài không?

Có lần, có một người cho tôi hẳn 50 nghìn, nhờ tôi đứng dưới cửa sổ gào: “Hồng ơi, anh yêu em”, gào 100 lần. Tôi tính ra gọi một tiếng mất 5 giây, thời gian cũng tương tự như tôi đi ăn mày một lần, nhưng lợi nhuận đạt được chỉ 500 đồng, còn kém đi ăn mày, thế là tôi từ chối.

Ở đây, nói chung một tay ăn mày một tháng có thể đi xin được một nghìn hoặc tám trăm lần. Người nào may mắn thì cùng lắm đi xin được khoảng hai nghìn lần. Dân số ở đây khoảng ba triệu, ăn mày độ chục anh, tức là tôi cứ khoảng mười nghìn người dân mới ăn mày một người. Như thế thu nhập của tôi ổn định, về cơ bản là cho dù kinh tế thế giới đi lên hay đi xuống, tình hình xin tiền của tôi vẫn ổn định, không biến động nhiều.

Trời, tôi phục tay ăn mày này quá!

- Tôi thường nói tôi là một thằng ăn mày vui vẻ. Những thằng ăn mày khác thường vui vì xin được nhiều tiền. Tôi thường bảo chúng nó là, chúng mày nhầm rồi. Vì vui vẻ thì mới xin được nhiều tiền chứ.

Quá chuẩn!

- Ăn mày là nghề nghiệp của tôi, phải hiểu được niềm vui do công việc của mình mang lại. Lúc trời mưa ít người ra phố, những thằng ăn mày khác đều ủ rũ oán trách hoặc ngủ. Đừng nên như thế, hãy tranh thủ mà cảm nhận vẻ đẹp của thành phố. Tối về tôi dắt vợ và con đi chơi ngắm trời đêm, nhà ba người nói cười vui vẻ, có lúc đi đường gặp đồng nghiệp, tôi có khi cũng vứt cho họ một đồng xu, để thấy họ vui vẻ đi, nhìn họ như nhìn thấy chính mình.

- Ối ông cũng có vợ con?

- Vợ tôi ở nhà làm bà nội trợ, con tôi đi học. Tôi vay tiền ngân hàng mua một căn nhà nhỏ ở ngoại thành, trả nợ dần trong mười năm, vẫn còn sáu năm nữa mới trả hết. Tôi phải nỗ lực kiếm tiền, con tôi còn phải học lên đại học, tôi sẽ cho nó học Quản trị kinh doanh, Marketing, để con tôi có thể trở thành một thằng ăn mày xuất sắc hơn bố nó.

A.D

No comments:

Post a Comment