Những
ngày qua dư luận xôn xao cái đề án lạ lùng của Sở GDĐT Tp HCM “Đề án thí điểm chương trình sách giáo
khoa điện tử lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học tại TP. HCM” Mục đích cuối cùng của đề án
này là…trang bị máy tính bảng cho học sinh bậc tiều học!
Theo đề án này thì các học sinh lớp 1,2,3 cấp
tiểu học tại Tp HCM sẽ học hoàn toàn trong những lớp học thông minh. Mới thoáng
qua nghe có vẻ hữu ích và rất lý tưởng, nhưng bất cập ở chỗ số tiền chi phí cho
đề án này là 4000 tỷ. Riêng phần chi phí hạ tầng mảng công nghệ đã ngốn hết 730
tỷ, các trường thì mỗi trường xây dựng một phòng học trực tuyến tốn gần 1 tỷ.
Thế nhưng, để mỗi em học sinh sử dụng máy tính bảng để học thì phụ huynh phải
chi ra từ 3-5 triệu đồng!
Thử hỏi sau khi đề án này thực hiện thì chất
lượng giáo dục có cải thiện được không? Và vì sao phải áp dụng cho học sinh lớp
1,2,3 mà không phải là các lớp học lớn hơn. Và cũng thử hỏi với giá trị chiếc
máy tính bảng như vậy cùng với lứa tuổi của các cháu thì chiếc máy sẽ tồn tại
nguyên vẹn trong thời gian bao lâu!? Ngoài ra, chưa tính đến ảnh hưởng của máy
tính bảng đến sức khỏe cũng như tâm sinh lý của các cháu ở độ tuổi này.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vận động
mọi người hạn chế cho trẻ em tiếp xúc quá sớm và quá nhiều với công nghệ, thì
giáo dục nước ta lại dũng cảm làm ngược lại. Hay chăng, đề án này có những “bàn
tay đen” tham gia hay có những toan tính lợi ích khác? Và cũng mới đây trên
VTV1 cũng có bàn đến văn hóa đọc, văn hóa đọc ngày càng ít thì Sở GDĐT Tp HCM
lại làm ngược!
Các năm qua, hàng loạt các thí điểm từ đổi mới sách giáo khoa
đến đổi mới phương pháp giảng dạy, các cháu tiểu học đã chịu nhiều áp lực từ
các thay đổi trên . Và nếu đề án này
được thực hiện thì chắc chắn sẽ này sinh nhiều hệ lụy. Hãy khoan tính đến việc
khuất tất trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc thiết bị. Riêng
chuyện mỗi cháu học sinh thêm một máy tính bảng thì thêm một nỗi lo cho các bậc
cha mẹ. Khi máy tính đến tay các em thì khó có thể kiểm soát được cái sản phẩm
công nghệ kia nó dùng để học hay chơi game lướt web.
Nên chăng phải
thay đổi lại cách tư duy giáo dục và đặc biệt là lứa tuổi bậc tiểu học. Ở lứa
tuổi hồn nhiên ấy kiến thức công nghệ không bằng kỷ năng sống và ứng xử xã hội.
Nói cách khác, đề án giáo dục tiểu học phải là đề án kích cầu văn hóa chứ không
nhằm kích cầu… máy tính bảng!
No comments:
Post a Comment