Friday, 15 June 2012

LÃNG PHÍ & TIẾT KIỆM



Nguồn gốc của sự giàu có và thịnh vượng chắc chắn có yếu tố tiết kiệm.
Nguồn gốc của sự nghèo khó, có bóng dáng của sự lãng phí.

Đất nước ta còn nghèo, nhưng nhìn vào hiện tượng mua sắm và tiêu dùng hàng hiệu thì thế giới phải trố mắt ngạc nhiên. Không phải chỉ là các đại gia chợi trội, nhiều công dân với thu nhập bình bình cũng có khuynh hướng tiêu dùng hàng đắt tiền để thể hiện “đẳng cấp”. Nhiều người dùng điện thoại chủ yếu để gọi, trả lời cuộc gọi và nhắn tin, với chức năng từng đó một điện thoại khoảng 500 ngàn là xài tốt rồi, nhưng người “sành điệu” có nhu cầu mua điện thoại giá gấp 5 gấp 10, mục đích là thể hiện đẳng cấp hoặc làm “le” với thiên hạ.

Ông bà ta nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thì nhiều người lại nghĩ ngược lại, vì vậy dù không cần phải làm đẹp từng xăng-ti-mét nhưng lại mua sắm những thứ không cần thiết, đắt tiền trang bị từ tai cho tới ngón chân. Đối với một số người người hành động mua sắm này được lặp lại một cách liên tục và thường xuyên (tất nhiên đây là những người có tinh thần bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý).

Chúng ta có thể thấy được sự lãng phí đáng kinh ngạc ở tầm mức lớn hơn (vĩ mô):
- tàu mới mua về thì cũng là lúc tới thời hạn thanh lý vì không thể đăng kiểm trong nước do hết đát sử dụng;
- nhà máy xi-măng thì nhập toàn công nghệ lạc hậu- đồ phế thải của người ta;
- đường lớn xây xong đi chưa được bao lâu thì ổ voi ổ gà xuất hiện hằng hà sa số;
- cầu xây mới xong thì lại phải sửa chữa vị lún hoặc mặt cầu bị rạn và rách như bánh tráng;
- đập thủy điện chưa hết thời gian bảo hành lại có nguy cơ phải tháo nước để xử lý rò rĩ;
- nhà máy tầm cỡ châu lục lại thỉnh thoảng phải tạm dừng máy để duy tu (một cách liên tục);
- người ăn lương thì nhiều mà người làm thực sự không bao nhiêu (khoảng 30%);

Còn lãng phí thời gian thì không thể tính hết; lãng phí chất xám thì chắc cũng nhất nhì thiên hạ. Với sự lãng phí đó, đất nước ta không nghèo thì mới lạ.

Ở xứ ta, chỉ có người nghèo mới có ý thức tiết kiệm và tìm cách tránh lãng phí. Bài học từ lãnh tụ qua những câu chuyện “ Viên gạch hồng” hay “Ăn cơm nắm”, “Cách vắt áo quần sau khi giặt” là bài học lớn về tiết kiệm và chống lãng phí từ gương sáng Bác Hồ.

Cứ nhìn vào bất cứ một gia đình trung bình nào của Việt Nam ta thấy các cách thức tiết kiệm được áp dụng rất triệt để:
- Mở vòi nước rỉ nhỏ, không bao giờ mở xòa mạnh;
- Điện ánh sáng và quạt...chỉ bật khi thật cần thiết;
- Chất đốt luôn được tận dụng từ lá cây, ngọn cỏ, bã mía, củi mục nhặt ở ngoài đường;
- Đi đoạn đường gần thì không bao giờ dùng xe máy;
- Cơm và thức ăn bao giờ cũng nấu ở mức vừa phải, không bao giờ dư thừa;
- Áo quần chỉ mua khi thấy thật cần thiết: Tết, Lễ, Cưới hỏi;
.....

Quan điểm tiêu dùng của dân ta là « ăn chắc, mặc bền”.
Mong nhà nước ta trong hoạt động quản lý vĩ mô cũng thấm nhuần phương châm đó, ngõ hầu tránh lãng phí, đưa lại cuộc sống hạnh phúc và bền vững cho trăm họ.


PVH

No comments:

Post a Comment