Nhật Bản nổi tiếng bởi tinh thần Samurai – võ sĩ đạo. Đó là tinh thần thượng võ, cao thượng, hào hiệp, bảo vệ lẽ phải và người yếm thế. Sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn và giữ tròn chữ trung, tín.
Tinh thần đó hiện nay vẫn được duy trì, song, trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập thế giới từ sau cách mạng Minh Trị - người Nhật bổ sung thêm tinh thần Kaizen.
Kaizen theo tiếng Nhật có nghĩa là “cải thiện”, “nâng cấp cái sẵn có”, không bằng lòng với điều sẵn có vốn được cho rằng đã rất hoàn hảo.
Người Nhật vốn rất ham học hỏi, thời Minh Trị Thiên Hoàng, ông đã có chính sách gửi những người ưu tú đi học hỏi kinh nghiệm ở các nước Phương Tây, sau đó áp dụng điều đã học được vào việc tái kiến thiết kinh tế, xã hội, chính trị nước nhà. Chính bởi tinh thần đó, chỉ trong vòng 30-35 năm từ năm 1868, nước Nhật đã bắt kịp các tư bản phương Tây về kỹ thuật, và vượt một số nước về phương diện quân sự. Năm 1904, chiến tranh Nhật – Nga ở cảng Lữ Thuận cho thấy người Nhật đã tự tin và tiến bộ như thế nào về kỹ thuật.
Tinh thần Kaizen chắc đã hình thành từ lâu đời nhưng trong điều kiện bắt buộc phải phát triển nhanh chóng để không bị thôn tính bởi ngoại bang, người Nhật bị thúc ép phải cố gắng miệt mài hơn bao giờ hết từ sau cách mạng Minh Trị.
Học hỏi từ Phương Tây nhưng phải làm tốt hơn Phương Tây. Mỗi một cá nhân Nhật bản hình như được cài sẵn gene Kaizen trong người từ khi mới ra đời. Trong tư tưởng của họ, không có cái gì là toàn mỹ, vì vậy khi nào cũng có có cơ hội để cải thiện và bổ sung cái cho rằng đã “toàn mỹ” đó. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại bài báo dưới đây để biết thêm thông tin:
Tất nhiên, không phải ý tưởng Kaizen nào trong mỗi công ty, nhà máy, tổ chức, doanh nghiệp... cũng đều được áp dụng, nhưng điều đó không làm nãn lòng người Nhật. Trong bất cứ hoàn cảnh nào người Nhật vẫn suy nghĩ, tìm tòi để cải thiện tình trạng vốn có của vấn đề mà họ quan tâm.
Hình như người Nhật luôn có đề án Kaizen trong mỗi tuần làm việc. Họ báo cáo lên cấp trên, trong khi chờ đợi hồi âm, họ lại suy nghĩ tới vấn đề khác cần phải được Kaizen để có thể có một Kaizen mới báo cáo trong tuần tới.
Ơ Nhật Bản mỗi một doanh nghiệp, tổ chức...... thường có một Ban Kaizen, Ban này thường tổng hợp ý kiến của nhân viên, tuyển chọn hoặc đề nghị phát triển ý tưởng Kaizen có giá trị thực tiển cho đến khi áp dụng được. Ban Kaizen thường có hồi âm cho nhân viên đã gửi báo cáo Kaizen.
Hàng năm, một buổi tổng kết về các Kaizen thường được tổ chức, những Kaizen được tuyển chọn để áp dụng vào thực tế sẽ được khuyến lệ, có thể phần thưởng không lớn nhưng với việc này người có ý tưởng sẽ rất vinh dự khi được vinh danh trước toàn thể nhân viên của tổ chức.
Nhiều khi chúng ta tưởng tượng một ý tưởng Kaizen phải là gì ghê gớm lắm, phải có trình độ cao lắm mới làm được, thực ra thì chỉ cần có óc quan sát và một tinh thần Kaizen kiểu Nhật Bản, nếu chuyên tâm ai cũng sẽ có ý tưởng Kaizen.
Ví dụ:
- Điều chỉnh các tư thế ngồi làm việc hoặc các tư thế đứng khi thao tác máy;
- Điều chỉnh lại qui trình công việc theo một thứ tự hợ lý và tiết kiệm thời gian hơn;
- Bố trí, bày biện, sắp xếp lại nơi làm việc để không mất thời gian khi tìm kiếm tài liệu hoặc vật dụng văn phòng phẩm;
- Kinh nghiệm lập kế hoạch công việc sao cho khoa học và logic phù hợp với các bộ phận khác trong tổ chức...
- Phân loại rác, giữ gìn vệ sinh chung và tiết kiệm điện nước trong văn phòng ngày qua ngày vàng tiết kiệm hơn;
- Cách thức tồn tại trong thiên tai thảm họa, và những kinh nghiệm thực tế cần phải cải tiến hơn.
- Cách nghe điện thoại và trả lời khách hàng...
Những việc liệt kê trên, rất đơn giản nhưng nếu ai cũng nói dễ và không chuyên tâm thì sẽ không bao giờ làm được đến nơi đến chốn. Và những việc tưởng chừng ít giá trị đó, khi áp dụng thường mang lại hiệu quả lớn một cách không ngờ.
Người Nhật, từng cá nhân sau đó là cả dân tộc đã làm được điều đó, trong tâm thức họ luôn có tinh thần Kaizen. Vì vậy, hàng hóa, sản phẩm có xuất xứ từ Nhật luôn được sự yêu chuộng và sự tín nhiệm của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Từ tinh thần Samurai tiến tới tinh thần Kaizen quả là một bước tiến dài.
Người Nhật đã làm được, còn người Việt chúng ta thì sao?
PVH
No comments:
Post a Comment