Thường thì dự báo kinh tế phải do các học giả, chuyên gia kinh tế và các học viện, cơ quan nghiên cứu kinh tế tiến hành.
Mặt ưu điểm của các dự báo là có căn cứ cơ sở dữ liệu và sử dụng nhiều mô hình để dự báo với sai số thấp.
Mặt nhược của dự báo này là do còn phụ thuộc vào đơn vị chủ quản, phần lớn được nhà nước cấp ngân sách, nên nhiều khi các dự báo thường đi sát với chính sách của chính phủ và nghị quyết phát triển kinh tế xã hội trong năm do quốc hội thông qua (thường gọi là kỳ vọng). Đó chính là sự tác động khách quan vào kết quả dự báo.
Với hiện trạng đó, dự báo của các chuyên gia độc lập được cho là khách quan nhất. Họ ít bị ràng buộc bởi điều nói ra ở trên, ngoại trừ uy tín của họ sẽ bị sụt giảm nếu dự báo trật lất kéo dài từ năm này qua năm khác.
Bài viết này cũng là một dạng dự báo không phải của chuyên gia, chỉ là sự ghi lại các ý kiến của những người bạn giữ chức vụ quản lý kinh tế một vài doanh nghiệp trong nước, liên doanh và daonh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
Dự báo về phát triển G D P của năm 2012, phần lớn cho rằng, với hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam có thể đạt mức phát triển 6-6,5%, tuy nhiên nếu chính phủ điều chỉnh để kiểm soát tốc độ phát triển từ 5 đến dưới 6% là hợp lý nhất, vì còn phải tập trung để chống lạm phát. Nếu được, chỉ số đạt 5,7% là con số đẹp nhất.
Do mục tiêu của năm 2012 vẫn là kiềm chế lạm phát, chính phủ đã nêu kỳ vọng kiểm soát chỉ số lạm phát dưới 10%, nếu được là khoảng 9%. Đạt được điều đó là một vấn đề rất nan giải, nên ghi nhớ lạm phát của năm 2011 được ghi nhận là 18%.
Nếu thách thức phải tăng G D P như nêu trên được gạt bỏ, để khống chế được lạm phát như kỳ vọng, đa số ý kiến cho rằng cần chú ý thêm tới những vấn đề sau: Trả nợ nước ngoài, chi trả lương thêm sau khi điều chỉnh, tác động của các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kiểm soát giá điện và xăng dầu, kiểm soát tỉ giá hối đoái...Vì chỉ cần một yếu tố trong các yếu tố đã nêu biến động thì sẽ làm cho mức lạm phát tăng cao.
Trước hết về trả nợ nước ngoài, ý kiến trích dẫn từ báo chí cho rằng năm 2012 Việt Nam phải chi khoảng 20% tiền ngân sách để trả nợ nước ngoài. Đây là một tỉ lệ rất lớn. Một lượng lớn vốn thay vì được đầu tư sản xuất kinh doanh làm ra của cải vật chất cho xã hội lại đội nón đi ra xứ người. Điều này cho thấy khả năng tích lũy từ trước đến nay của nền kinh tế nước ta là khá mỏng, vì vậy tiềm lực của nền kinh tế, cái sẽ được coi là lực lượng chủ chốt để khống chế lạm phát lại không được mạnh như kỳ vọng.
Thứ hai, việc nhà nước sẽ điều chỉnh tăng lương năm 2012 dễ làm cho bội chi ngân sách tăng lên, trong khi các nguồn thu ngân sách gần như đã được tận dụng hết. Việc vay ngân nước ngoài đề bù thường được tính tới, việc này các năm trước đã làm, nhưng sẽ để lại hệ quả là gây lạm phát cho các năm sau. Và năm nay lạm phát sẽ có một phần tác động của bội chi ngân sách để chi trả tăng lương trong các năm trước.
Thứ ba, tác động của việc các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước. Năm 2009, đứng trước tình hình khủng hoảng của tài chính thế giới chính phủ VN đã đưa ra gói kích cầu tương đương khoảng 8 tỉ usd gần bằng 10% G D P hồi đó. Các đơn vị được hưởng lợi là các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Tuy nhiên, do quản lý vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn, doanh nghiệp tư nhân lớn chưa mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều doanh nghiệp tìm cách chạy vay vốn ưu đãi để đảo nợ hơn là đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, một số còn nợ dây dưa chưa trả được.... do chưa có một báo cáo nào đánh giá toàn diện về hiệu quả việc sử dụng vốn kích cầu này nên các ý kiến đều thống nhất đây cũng là một “di sản” ảnh hưởng tới tình hình kiềm chế lạm phát hiện nay.
Thứ tư, kiểm soát giá điện và xăng dầu năm 2012 rất cam go và khó dự đoán. Mới đầu tháng 3 giá xăng dầu đã tăng 10%, các chính sách áp dụng để kiểm soát không tăng giá loại nhiên liệu này đã hết. Như vậy, giá xăng đầu có tăng hay giảm trong thời gian tới không còn nằm trong tầm kiểm soátcủa nhà nước VN nữa, nó phụ thuộc vào sự tăng giảm của giá dầu thế giới. Tình hình Iran và Syria gần đây cho thấy một sự lo ngại ngày càng lộ dần. Do Việt Nam đang sở hữu một số lớn nhà máy nhiệt điện, do có sự tương thông về tính năng sử dụng, khi xăng dầu tăng giá thì chắc chắn điện cũng sẽ tăng giá, chỉ lâu hay mau mà thôi. Đa số ý kiến cho rằng, ở VN khi giá cả đã tăng vùn vụt, sau đó có giảm thì giảm nhỏ giọt, vì vậy qui luật cho thấy giá cả xăng dầu và điện trong năm 2012 sẽ tăng nhiều so với 2011. Sự tác động tăng CPI và lạm phát sẽ rất lớn, ảnh hưởng tới nền kinh tế là cực kỳ nhiều vì sự lan tỏa việc tăng gia mặt hàng này rất rộng.
Cuối cùng, kiểm soát tỉ giá hối đoái cho thấy có nhiều tín hiệu tích cực. Trong các tháng gần đây, tỉ giá ổn định, tỉ giá ngân hàng và chợ đen tương đương nhau, không có cơn sốt mua ngoại tệ. Nhà nước đang mua ròng ngoại tệ các tháng qua. Với tầm nhìn rộng hơn, nhà nước đã có sự điều chỉnh chỉ đạo Chính sách tài khóa và Chính sách Tiền tệ sát sao, song hành với nhau hơn. Đây chính là niềm hy vọng, đa số các ý kiến cho rằng điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát năm 2012.
Kết luận của buổi bàn luận đa số bạn bè tham gia đã nêu dự báo như sau cho kinh tế Việt Nam năm 2012:
G D P tăng 6,2%
Lạm Phát ở mức 12-15%.
Các bạn thống nhất sẽ ghi nhớ các dự báo hàng năm để xem xét và học hỏi đào sâu thêm kỹ năng dự báo để mỗi cuộc gặp gỡ giao lưu càng có thêm ý nghĩa.
PVH
No comments:
Post a Comment