Wednesday, 8 February 2012

VIẾT SAO CHO DÂN DỄ HIỂU

         Việc này Bác Hồ đã nói từ lâu rồi.
Thường khi viết xong bài báo nào, Người thường đưa cho các nhân viên phục vụ, bảo vệ xung quanh đọc để chỉnh lại sao cho họ dễ hiểu nhất. Đó là cách làm việc của Người hơn 60 năm trước.

Hồi đó, dân mình chỉ đọc được tin chính thống trên các báo hàng ngày tổng cọng chỉ có mấy tờ thôi. Nay thì báo ngày, tạp chí,...tổng cọng lên tới  hơn700 tờ. Chưa kể tới các trang blog đủ chủng loại.

Dân Việt thường hiếu đọc, như vậy cũng là hiếu học, học mọi lúc mọi nơi. Cứ thấy các bác đi xích lô, xe ôm, người bán hàng xén...đọc sách báo khi chờ khách hàng, mới thấy việc ham đọc của người Việt ta là có thật, không thua kém người Nhật, người Nga...

Tuy nhiên, sau khi đọc, người ta có hiểu hay không lại là chuyện khác.
Việc hiểu một văn bản, ngoài cách trình bày và dùng ngôn từ cũng như kỹ năng của người viết còn phải tùy thuộc những vấn đề sau thuộc về người đọc:

1) Kinh nghiệm sống của người đọc;
2) Kiến thức tổng hợp của người đọc;
3) Trình độ văn hóa (không phải văn minh) của người đọc, thường được coi là thâm niên đi học của người đọc- điều này là quan trọng nhất.

Trong khi dân tình đang chịu hậu quả của lạm phát phi mã mà bài viết của các chuyên gia cứ phân tích nào là CPI tăng- giảm, nào là tình hình tiền bơm gần đây của NHNN qua OMO, nào là lạm phát do cầu kéo, lạm phát do chi phí đẩy, tác động tỷ giá...thì  đại đa số quần chúng không hiểu được là cái chắc.

Trong khi tình hình thực tế đòi hỏi phải sửa đổi luật đất đai, tu chính hiến pháp...mà các tinh hoa Việt còn mãi tranh cãi với nhau “tri thức với trí thức là gì” thì đại bộ phận quần chúng không phải tầng lớp trí thức không thể gia gia bàn luận được vì không hiểu họ bàn để làm chi là một điều rất thực tế.

Trong khi nhân dân, với truyền thống dân tộc Việt từ ngàn đời thường dị ứng với những lời đao to búa lớn, mà truyền thông, báo chí cứ rao giảng những bài học luân lý bằng những từ ngữ cao siêu thì họ sẽ khó lòng thấm được bằng những đoản văn gọn gàng của “ Quốc văn giáo khoa thư” hay “ Luân lý giáo khoa thư” ngày xưa.

Ô hay, vậy thì viết sao cho dân dễ hiểu xem ra không phải là chuyện dễ dàng.
Ước sao việc viết lách có thể quay lại như ngày xưa, người dân dễ đọc, dễ hiểu, dễ thấm, dễ nhớ và dễ thực hành...

Mong lắm, mong lắm thay...

PVH

No comments:

Post a Comment