Friday, 20 January 2012

CÂU CHUYỆN CUỐI NĂM

         Tôi có một số người bạn Nhật. Là chỗ quen biết hơn 10 năm qua.
Họ là những người yêu mến Việt Nam và định cư ở Việt Nam nhiều hơn bản quốc trong suốt thời gian qua.

Bên lý rượu sa kê sản xuất tại Huế cùng các món nhậu khoái khẩu của quán ven đô, chúng tôi nói đủ chuyện trên trời dưới đất.

Rồi cũng quay lại chủ để muôn thủa là tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam hiện tại.
Tôi tóm tắt lại tình hình thu thập được thông  qua sách báo mà mình đọc được và mong nhận được sự bình luận của hai người bạn đáng kính và rất thận trọng trong phát ngôn.
Một số ý kiến tiêu biểu sau của họ làm cho tôi suy nghĩ mãi:

- Kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, nền kỹ nghệ của Việt Nam có vấn đề. Tôi được Công ty mẹ giao tìm kiếm một số công ty của Việt Nam có thể sản xuất áo mưa để xuất sang Nhật. Tại Tp HCM tôi đã đi một số cơ sở, thấy sản phẩm làm ra khá tốt, trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên điều tôi bất ngờ nhất là giá xuất xưởng của sản phẩm khá cao, cao hơn cả Đài Loan và Hàn Quốc là hai nơi tôi đã tới điều tra. Qua tìm hiểu sâu mới biết là nguyên liệu phần lớn phải nhập từ nước ngoài và trả bằng ngoại tệ, giá nhập cũng không rẽ chút nào. Giá nguyên liệu cao đã làm cho sự chi phí nhân công rẽ không thể kéo giá sản phẩm xuống được.
Đó là mới nói tới làm áo mưa, các thứ khác như chai đựng rượu cũng phải nhập từ Nhật về, chai rượu sản xuất tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật Bản...đó chỉ là những ví dụ nhỏ. Cứ theo đã này Việt Nam khó phát triển bền vững được.

- Tôi có nghe nhân viên nhà máy nói lại về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng - Hải Phòng. Theo luật của Nhật thì đây là vụ án dân sự, liên quan tới các quyền về đất đai, phải có phán quyết của tòa án công minh qua các cấp xét xử độc lập. Tôi không có thông tin để phán xét đúng-sai của vụ cưỡng chế, chỉ có thể nói rằng: nếu quan chức Việt Nam cứ hành xử với người dân và cai quản xã hội với một tâm thế như vậy, Việt Nam mãi là trẻ con, đất nước này không thể thành người lớn được, xin bạn đừng buồn vì lời nói thật này.

Phải thân nhau lắm người Nhật mới bộc lộ suy nghĩ thật, vốn được dấu kín trong lòng với rào chắn ngôn ngữ được thiết kế để rào đón và phong cách xã giao hết sức lịch sự, tinh tế.

Thực trạng mà hai người bạn Nhật đề cập trên không biết sẽ kéo dài đến bao lâu? Hay là phải đợi khi nào nước Việt ta thực sự  trưởng thành trở thành người lớn thật sự trước con mắt của người nước ngoài, như nhận xét của hai người bạn Nhật nói trên thì vấn đề mới được cải thiện?

Hy vọng là mình chưa say để nghe sai lời của hai người bạn thân thiết, và sự tường thuật lại nội dung trao đổi là chính xác.

PVH

No comments:

Post a Comment