LBT: Khi lạm phát gia tăng thì chất lượng sống của người dân bị giảm rõ rệt, đó là vì vật giá gia tăng trong khi thu nhập thì thụt lùi hoặc lương tăng không đủ bù tăng giá. Người nghèo thì không hiểu hết các chỉ số kinh tế của báo chí hàng ngày; với họ”chỉ số” giá cả ở chợ là thiết thực và cụ thể, dễ nhiểu nhất. Ở thời điểm này, người chịu tác động của lạm phát nhiều nhất là người nghèo (theo chuẩn qui định của nhà nước). Đó là người nông dân chăn nuôi - trồng trọt không có lời, là ngư dân phải cho thuyền nằm bờ vì không có tiền mua xăng dầu giá cao; là người buôn bán nhỏ hiện nay nhiều hơn cả người mua; là người làm dịch vụ tự do không có cơ hội để phục vụ; là nhiều tầng lớp khác chưa liệt kê hết, sau đó mới đến nhóm nhận lương hưu ít ỏi và người làm công ăn lương. Bài viết dưới đây là tâm sự của một người đi chợ, từ đó mới biết lạm phát, bão giá đã tác động như thế nào đến đời sống của tất cả các từng lớp lao động chân chính. Tất nhiên, có tầng lớp không chút mảy may bị ảnh hưởng của lạm phát. Đường link dưới đây cũng cho ta biết sự phân hóa xã hội trong thu nhập.
Ngày trước với một bữa cơm tươm tất dành cho 4 người thì khoản tiền để chi rơi vào 50 đến 60 ngàn đồng. Bây giờ cùng với số tiền đó chỉ biết thở dài và đắn đo. Giá cả tăng hằng ngày chứ không mang tính thời điểm nữa, nhẹ thì tăng 5 đến 10% cao thì đến tận 50%. Giá cả không có dấu hiệu ngừng tăng hay giảm xuống. Đi chợ, mặc cả là một điều giúp mình cân đo đong đếm. Trước đây mình là thượng đế nhưng với thời điểm hiện nay thì lời mặc cả được đáp trả bằng cái lắc đầu lạnh lùng và khi quay đi cũng chẳng còn một lời chèo kéo nào nữa. Nhiều lúc cũng phải tặc lưỡi chi ra số tiền vượt mức vì bữa cơm ấm cúng tươm tất sau một ngày vất vả.
Trước đây, cứ mỗi sáng tôi thường xách giỏ đi chợ, cố gắng tranh thủ đi sớm để có đồ ăn tươi ngon cho gia đình. Nhưng từ Tết Nguyên Đán đến giờ tôi không dám đến chợ sớm nữa, thậm chí là sợ đi chợ sớm, vì sợ gặp các bà bán hàng gọi mua “mì xưa”(mở hàng) như trước và vì không đi chợ sớm nên cũng không mua được đồ tươi ngon nữa mà hạ thấp hơn một chút: con tôm nhỏ hơn, con cá, miếng thịt nào rẻ rẻ,….
“Ăn đi con, ăn cả vỏ cho có canxi”. Tôi nói với đứa con gái 4 tuổi mặt đang méo xệch vì nuốt không trôi cái vỏ tôm cứng. Thú thật là tôm nhỏ quá khiến tôi không thể nào lột vỏ được và nếu có lột thì còn gì mà ăn. Chồng tôi thì bảo : "Mẹ mình hồi này nấu ăn kém quá !”. Tôi cười bảo: "Bữa ni đồ ăn đắt đỏ quá mua không nổi nữa".
Cả hai vợ chồng tôi đều đi làm, hai con đang đi học. Giống như mọi gia đình bình thường khác thu nhập đủ sống qua ngày. Tuy vậy, kể từ ngày có lạm phát, rồi giá xăng tăng, giá điện cũng tăng và theo đó mọi thứ đều tăng giá, 4 chữ: "cơm - áo - gạo - tiền" cứ xoắn lấy tôi khiến cho tôi suốt ngày cứ mãi nghĩ, không tập trung làm việc được. Chồng tôi cũng vậy, cả hai cứ gặp nhau là buồn thiu chẳng nói nên lời.
Kể từ hồi lạm phát ập đến, ngoài là người nội trợ tôi còn là nhà tâm lý bất đắc dĩ và trong từng bữa ăn tôi vừa ăn vừa dò xét xem ánh mắt của mỗi thành viên trong gia đình để xem mỗi người cảm nhận từng món ăn như thế nào. Hễ một ai trong gia đình thay đổi nét mặt là y như rằng tôi phải tìm lý do để thuyết phục mọi người khen đồ ăn tôi nấu và mỗi thay đổi trên gương mặt các con và chồng tôi là những bài tập mà tôi bắt buộc phải giải ngay. Con ơi, ráng lên. Mai mốt hết tăng giá mình đổi món ngon hơn... Hay khi nào lương tăng thì mẹ con mình lại đi chợ sớm nhé.
Nhưng khi nào là khi nào đây!?
A.Đ
No comments:
Post a Comment