Tuesday, 25 October 2011

Nỗi Niềm “Mưa Huế”

Huế đã bắt đầu vào mùa mưa. Là dân Huế chính gốc không ai là không thấm thía hết hai từ “Mưa Huế”. Mưa Huế có đặc trưng là mưa dầm dề, mưa “thối đất, thối trời, mưa tối tăm mặt mũi, mưa dai dẳng triền miên…
Theo Sách địa chí Thừa Thiên Huế (NXB Khoa học Xã hội, 2005) cho biết chế độ mưa của Thừa Thiên - Huế mang nhiều đặc điểm khác hẳn với Bắc bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Nếu khí hậu cả nước đều chia thành hai mùa khô và mưa thì vùng lãnh thổ Thừa Thiên - Huế chỉ có hai mùa: mưa và ít mưa.
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 với những cơn mưa xối xả, gây ngập lụt kinh hoàng và kéo dài đến khoảng cuối tháng 12 với cơn mưa dầm lê thê. Khi tiết trời bắt đầu chuyển lạnh (thường là sau 23-10 âm lịch), mưa không còn ào ạt mà chuyển sang dầm dề ngày này sang ngày khác, tháng nọ qua tháng kia và có năm đến 43 ngày không thấy mặt trời (mùa đông 2007).
Mưa dầm kéo dài từ khoảng cuối tháng 11 đến tháng 4 năm sau thì tiếp nối bằng những cơn mưa dông mùa hạ sấm chớp đùng đùng. Mùa hè đến với những cơn nắng gay gắt (do Thừa Thiên - Huế cũng nằm trong vùng bức xạ nhiệt dồi dào và nền nhiệt cao), dân gian gọi là “nắng bể đầu”, nhưng chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể xảy ra lũ lụt. Dân gian Huế đã truyền tụng hai câu thơ bất hủ về đất trời xứ Huế: Tứ thời giai hạ thị - Nhất vũ biến vi đông (Bốn mùa đều là mùa hạ - Chỉ một cơn mưa là biến thành mùa đông).
Và mưa Huế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm hồn người Huế .
Ai đó đã từng nói rằng, thiên nhiên là một phần của tâm hồn con người, là nơi trú ngụ của những trái tim đa sầu, đa cảm và thanh cao. Vậy thì mưa Huế là một phần của tâm hồn người Huế vậy. Con người Huế luôn mang trong mình một nét hiền hòa, sâu lắng. Đặc biệt là con gái xứ Huế. Hay có một bài hát nào đó có câu diễn tả về con người Huế “Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”. Có thể nói rằng thiên nhiên Huế đã làm cho con người Huế có những nét đặc trưng riêng; làm cho du khách đã một lần đến Huế không sao quên được “Mưa Huế” và con người nơi đây.
Huế vào mùa mưa thường đi kèm với cái lạnh. Có những ngày mưa dài lê thê. Từ sáng đến tối hầu như mưa không lúc nào ngớt. Đi kèm mưa là cái lạnh rét luồn vào da thịt, làm tím tái những khuôn mặt, bàn tay, đôi chân trần đang tất tả mưu sinh trên đường phố.
Trong cơn mưa, hình ảnh những chú xích lô, xe thồ, người bán hàng rong, dân chài lưới ven sông vẫn tất tả ngược xuôi, bất chấp cái lạnh tê người và mưa như xối xả vào mặt để mưu sinh; đó là một sự đấu tranh mãnh liệt, nhẫn nhịn nén khó khăn vào lòng để vươn lên trong cuộc sống. Có lẽ rằng thời tiết Huế đã rèn luyện cho con người Huế cái đức tính kiên trì, chịu thương chịu khó hơn những người dân các xứ khác.
Huế của chúng ta đời sống của người dân đa số còn sống trong cảnh nghèo nàn. Đặc biệt là những người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Có lẽ một phần cũng do thời tiết “khắc nghiệt” gây nên. Vào những tháng nắng nóng thì “nắng cháy da cháy thịt” và cháy cả ruộng đồng. Nhưng đến khi mưa xuống thì mưa triền miên, mưa dai dẳng ngập cả đường đi, ngập cả cánh đồng...Gây rất nhiều bất lợi cho người dân Huế.
Và “Trong cái khó, ló cái khôn”, ý tưởng đưa "mưa Huế" thành sản phẩm du lịch đã được đưa ra trong hội thảo khoa học quốc tế "Xây dựng thương hiệu du lịch Huế" tại TP Huế từ tháng 2-2011. Tiếp nối những ý tưởng đó, hiện nay, cơ quan chuyên môn tỉnh TT-Huế đang thu nhận ý kiến của các chuyên gia về ý tưởng lấy "mưa Huế" làm sản phẩm du lịch. Đây được coi là ý tưởng độc đáo, lãng mạn, có tính khả thi, có thể giúp Huế biến cái bất lợi thành cái có lợi. Đây cũng sẽ là nét độc đáo và mới lạ nhất tại Festival Huế 2012 sắp tới.
Có lẽ với những người dân “chân lấm tay bùn” thì mưa Huế làm cho họ cảm thấy lo lắng. Nhưng với giới văn nghệ sĩ thì mưa Huế làm cho họ có thêm nhiều cảm xúc trong tác phẩm của mình, đặc biệt là trong sáng tác thơ và nhạc. Và cũng đã có rất nhiều tác phẩm thơ ca viết về “Mưa Huế” để những người con xa Huế khi nghe những ca khúc này lại nhớ Huế không nguôi.
Dưới cái nhìn của những người nghệ sĩ thì Huế có nét đẹp gì đó rất mờ ảo.Theo nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì: "Phải ngắm Huế trong màn mưa mờ ảo mới thấy tận cùng nội tâm của người Huế mình". Nhưng với những người dân bình thường như chúng ta thì nghe nói đến “mưa Huế” là thấy “ớn lên tận cổ”.
Nói tóm lại, ‘Mưa Huế” vừa đem đến cho người dân những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, sinh hoạt và đi lại. Nhưng đó có lẽ cũng là một đặc điểm riêng biệt cần được khai thác để “mưa Huế” là đặc sản của Huế dành cho du khách khi đến thăm Huế.

Phan Thị Mến

No comments:

Post a Comment