Monday 29 August 2016

TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH DẠY BƠI TẠI SỞ GIÁO DỤC HUẾ


Sáng ngày 26/08/16 tại Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thừa Thiên Huế đã diễn ra buổi tổng kết chương trình dạy bơi hè năm 2016. Đến tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo, đại diện Trung tâm Khuyến khích Tự lập, tổ chức NCA Việt Nam, Hue Help, Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức, Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng Y học và Giáo dục toàn diện – Change Hải Phòng và đại diện các trường tiểu học.
          Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo đã trình bày các hoạt động đã triển khai trong năm 2016 với những kết quả đạt được hết sức khả quan. Có hơn 4.000 học sinh của 43 trường tiểu học tham gia học bơi đã hoàn thành khóa tập bơi với những kỹ năng cơ bản để phòng tránh đuối nước, hơn 98% học sinh nắm được các động tác của các kiểu bơi và đa số các em đều bơi được ít nhất 5m. Trong toàn khóa học có đến 100%  học sinh nắm được các kỹ năng cứu đuối, một số em có thể bơi được từ 20 đến 30 mét. Và đặc biệt trong quá trình dạy bơi thì giáo viên đã phát hiện được một số em có năng khiếu bơi lội nhằm khuyến khích các em phát huy năng khiếu của mình. Ngoài việc thông báo kết quả đã đạt được thì lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo cũng đã trình bày rõ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình giảng dạy để rút kinh nghiệm cho khóa dạy bơi năm 2017.
          Tiếp theo bài phát biểu của lãnh đạo Sở Giáo Dục và Đào Tạo là bài phát biểu của đại diện Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng Hải Đức, Trung tâm Tư vấn và Ứng dụng y học và Giáo dục toàn diện – Change Hải Phòng. Đại diện của 2 trung tâm này đã chia sẽ cùng tất cả mọi người những hình ảnh dạy bơi của Trung tâm trong năm 2016 và họ cũng đã chia sẽ những kinh nghiệm, những thuận lợi và khó khăn…. trong quá trình giảng day. Tiếp sau  đó là đại diện các trường TH số 2 Hương Toàn, TH Hồng Thái, TH Số 1 Phú Đa, TH Số 1 Quảng An và đại điện các trường TH huyện Nam Đông cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm trong công tác dạy bơi. Tiếp đến là phần thảo luận của các đại biểu về việc nhân rộng mô hình, tổ chức tập huấn cho cho giáo viên, đầu tư hồ bơi trong khóa bơi hè năm 2017.
          Kết thúc buổi tổng kết, đại diện Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thừa Thiên Huế đã  thay mặt cho BGH các trường, phụ huynh học sinh và tất cả những người được hưởng lợi từ dự án cám ơn Trung tâm Khuyến khích Tự lập tại Huế, tổ chức Nav, Hue Help, công ty Cổ phần My Way Việt Nam đã tài trợ dự án bơi cho học sinh.
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Monday 22 August 2016

CHƯƠNG TRÌNH DẠY BƠI TẠI VINH THÁI.



Ngày 13/8/2016 vừa qua, được sự phân công của Ban Điều Hành, chúng tôi đã có mặt ở chân cầu Trường Hà thuộc xã Vinh Phú để tham dự lớp học bơi của các em học sinh các khối tiểu học 3, 4, 5. Trùng hợp hôm nay là đợt thi kết thúc khóa học bơi 10 ngày sau một thời gian học tập vất vả và siêng năng. Vinh Thái là một xã nghèo lại xa xôi nên điều kiện cơ sở vật chất của trường vẫn còn khó khăn để trang bị cho các em một nơi tập bơi đàng hoàng, tươm tất. Vì lý do đó mà nhà trường đã quyết định chọn chân cầu Trường Hà thuộc xã Vinh Phú cách trường học là 5km. Và cứ thế mỗi sáng sáng chiều chiều, phụ huynh phải đèo các em trên xe máy mỗi ngày để di chuyển đến địa điểm học bơi. Tuy vất vả là thế nhưng họ vẫn không quản ngại đường xa cốt để cho con em có điều kiện được học bơi một cách nghiêm túc và đầy đủ. Trao đổi với cô Phan Thị Hồng – hiệu trưởng trường chúng tôi được biết: “Do bơi trên sông nước nên trước khóa học 2 ngày, các thầy cô giáo nơi đây đã cố gắng làm vệ sinh bãi bơi bằng việc vớt hàu và rong rêu để bảo đảm điều kiện vệ sinh tốt hơn cho các em tập bơi.” Chương trình bơi bao gồm 2- 3 suất vào buổi sáng và 1 suất buổi chiều. Trong 1,2 ngày đầu do điều kiện nắng nóng oi bức lại bơi giữa trời trong điều kiện không có mái che nên có một số em bị cảm và ốm. Tuy nhiên các em vẫn cố gắng nỗ lực tối đa để theo kịp khóa học một cách nhanh nhất có thể. Và trong buổi thi đầu tiên, chúng tôi được biết tỷ lệ đạt là 100% so với mục tiêu đề ra. Hy vọng rằng với tất cả những gì mà tập thể thầy và trò đã và đang làm được sẽ giúp cho các em rèn luyện thể chất thật tốt và trang bị thêm các kỹ năng bơi lội cần thiết nhằm phòng tránh và ngăn chặn tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Thursday 18 August 2016

KHẢO SÁT LỚP BƠI TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚ MỸ 2


Ngày 09/08/2016 được sự phân công của Ban Điều Hành, tôi cùng với một đồng nghiệp nữa đã về khảo sát lớp bơi tại Hồ Nuôi Tôm Mỹ Lam – Phú Mỹ. Đi một đoạn đường dài khoảng gần 10 cây số thì chúng tôi đến được địa điểm này. Ở đây có đặc điểm đặc biệt là ao hồ rất nhiều, để tới được lớp bơi chúng tôi phải băng qua con đường nhỏ và hẹp, có vẻ cũng hơi nguy hiểm một chút nếu không quen đi qua đây.
 Dưới trời nắng chang chang, các học sinh được các thầy hướng dẫn tập bơi tại hồ. Từng động tác bơi các em được thầy chỉ dẫn rất tận tình. Qua tìm hiểu được biết các em mới chỉ được học trong 3 ngày, nhưng tôi thấy một số em đã có thể bơi được một đoạn cũng tương đối dài. Hình như bản năng bơi đã sẵn trong mỗi em nên khi được các thầy hướng dẫn các em tiếp thu rất nhanh.
Mỗi ngày nhà trường chia ra học 5 suất học kéo dài từ sáng đến chiều. Tổng cộng có 3 thầy hướng dẫn ở dưới hồ, một thầy quản lý chung ở trên (có thể là thầy hiệu trưởng hoặc là thầy hiệu phó), thêm một cô y tế kèm theo để đề phòng tai nạn bất ngờ xảy ra thì có thể xử lý kịp thời.
Hồ đang sử dụng để dạy bơi cho các em lúc trước đã được sử dụng để nuôi tôm, chiều sâu của hồ khoảng 1,2m. Lượng nước trong hồ hiện tại đã được thay mới, hàng ngày các thầy vẫn cho nước chảy thêm vào hồ bằng hệ thống nước bên cạnh. 100 em học sinh học bơi trong đợt này được chọn trong độ tuổi từ lớp 3 đến lớp 5. Trước khi lớp bơi diễn ra thì trước đó nhà trường và phụ huynh đã có một bản thỏa thuận rõ rệt , nhà trường đã phổ biến hoạt này cho phụ huynh để họ hiểu hơn lợi ích của việc học bơi.

Thầy hiệu phó nhà trường thông qua chúng tôi muốn gửi lời cám ơn đến Chương Trình, vì đã tạo điều kiện cho các em nơi đây được có cơ hội được bổ sung thêm kỹ năng bơi để tránh những tai nạn đuối nước có thể xảy ra.

Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế 

Monday 15 August 2016

LỚP HỌC BƠI TẠI LÀNG DƯƠNG NỔ - PHÚ DƯƠNG



Làng Dương Nổ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, cách TP Huế khoảng 8km. Dương Nổ là một làng do người Việt khai phá xây dựng từ khá sớm. Và đây cũng là nơi mà Bác Hồ đã từng sinh sống với cha từ thuở nhỏ. Cách đây từ nhiều thế kỷ, Dương Nổ là làng quê sầm uất, giàu có và là mảnh đất có truyền thống văn võ. Đình Dương Nổ khá nổi tiếng bởi kiến trúc bản sắc văn hóa và là một di tích tiêu biểu cho mô hình làng cổ Việt Nam. Là một trong những địa phương nằm trong chương trình tập huấn dạy bơi cho trẻ em các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Mất khá nhiều thời gian để đến ngôi đình cổ của làng – nơi tổ chức lớp học bơi, cuối cùng chúng tôi cũng đã được người dân địa phương chỉ đường và vừa đến nơi thì lớp học bơi cũng đang diễn ra một cách sôi nổi và hào hứng. Trong ngày đầu tiên khai mạc, lớp học bơi đã thu hút sự tham gia khoảng 200 các em học sinh khối 4 và khối 5 và được chia ra thành 2 buổi sáng và chiều. Dưới cái nắng gay gắt và chói chang của mùa hè nhưng cả thầy và trò đều tập luyện một cách hăng say và nhiệt tình để có thể bắt kịp chương trình bơi ngắn hạn hoàn thành dự kiến trong vòng 10 ngày. Mặc dầu thời gian gấp rút, nhưng hy vọng rằng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và một tinh thần học tập siêng năng, chăm chỉ của tập thể thầy và trò sẽ giúp các em rèn luyện thêm thể lực và quan trọng nhất là trang bị thêm kiến thức và kỹ năng bơi lội cần thiết nhằm tránh tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em hiện nay.
Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Wednesday 10 August 2016

Lớp Học Bơi Của Trường Phú Đa 3


Sáng thứ 7 chúng tôi băng qua những con đường làng để đến với bến đò Viễn Trình nơi đang có lớp học bơi của trường tiểu học Phú Đa 3. Phú Đa là một trong những địa bàn xã nghèo có truyền thống cách mạng của tỉnh Thừa Thiên Huế và là nơi thấp lũ nên cũng có thể nói biết bơi giỏi cũng là một lợi thế sinh tồn tại nơi đây.
Chạy một lúc nghe thấp thoáng đằng xa có tiếng trẻ con cười nói là chúng tôi biết sắp đến nơi có các em đang học bơi. Tiến đến gần nơi tập bơi thì là một quang cảnh khá rộng rãi bởi nơi tập bơi là được thực hiện trên một con phá, trên bờ có 2 chòi dã chiến được lập tạm, một cho giáo viên và một cho các em học sinh để thay quần áo và tránh nắng.
Trên đầu thì nắng chang chang dưới thân thì ngâm trong nước mặn nếu không có sức khỏe ổn định thì quả thật cũng khó mà tiến hành dạy và học bơi được. Nhưng thầy và trò nơi đây có vẻ không cảm thấy mệt và vất vả mấy mà vẫn hăng say dạy và học vẫn cười và vẫn vui.
Khi được hỏi khó khăn nào trong công tác dạy và học bơi thì được thầy Hiệu trưởng nơi đây cho biết chủ yếu là địa bàn học bơi. Nơi đây là phá nhưng là vùng trũng nên nước nơi đây khá nhớp cũng như dưới này khá trơn khiến các em học bơi khi lên thường chợt chân chảy máu nên cũng rất tội nghiệp và khó khăn cho các em. Mà quả thật vậy, khi học xong lên bở chúng tôi quan sát có rất nhiều các em phải mang tất để tập bơi nhằm tránh chợt chân.
Vậy là chương trình bơi đã thực hiện được 3 năm, rồi sẽ có nhiều em biết bơi hơn để mỗi mùa lũ về lại không còn nghe em nào chết vì đuối nước. Bơi để sống sót, bơi để mưu sinh, bơi để cứu người khác và bơi để biết đất nước ta có sông có biển...!
Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Kinh tế du lịch


Monday 8 August 2016

LỚP HỌC BƠI TẠI BẾN ĐÒ VIỄN TRÌNH - PHÚ ĐA

Được sự phân công của BĐH, ngày 04/08/16 chúng tôi đã có mặt tại lớp học bơi của Trường tiểu học Phú Đa. Phú Đa là một địa bàn nằm cách khá xa so với Trung tâm Thành phố, là một vùng toàn đất cát nên đời sống của người dân nơi đây khá nghèo nàn và thiếu thốn cả về cơ sở vật chất lẫn cơ sở hạ tầng. Chính vì điều kiện không đủ để trang bị một lớp bơi đàng hoàng cho các em như ở thành phố nên nhà trường đã bố trí một lớp bơi "dã chiến" để đáp ứng nhu cầu dạy và học. Lớp bơi của các em trường tiểu học Phú Đa được tổ chức tại Bến đò Viễn Trình. Hôm nay là buổi học thứ hai của các em Trường tiểu học Phú Đa1, Phú Đa2 và Phú Đa 3. Một buổi học của các em được chia làm 2 ca, mỗi ca tập bơi trong khoảng một tiếng đồng hồ. Mỗi ca học được chia thành 7-8 nhóm, mỗi nhóm 5 em và do 1 thầy phụ trách.
Mặc cho cái nắng gay gắt của mùa hè, mặc cho điều kiện vật chất còn thiếu thốn, cả thầy và trò vẫn hăng say tập luyện. Đồng hành cùng các em học sinh trong các buổi học là các bậc phụ huynh. Bởi địa điểm học bơi cách nhà các em khá xa, vì vậy, các bậc phụ huynh phải sắp xếp công việc để đưa các em đến địa điểm quy định.
Tuy nhiên, địa điểm học bơi của các em cách khá xa khu dân cư, xung quanh lại không có cây cối chỉ toàn đất cát nên rất nóng, không có khu vực để cho các bậc phụ huynh cũng như các em ngồi nghỉ ngơi. Vì vậy, nhà trường đã dăng bạt, che dù tạm để làm chỗ tránh nắng.
Đồng hành cùng các em hôm nay còn có Thầy Hiệu Phó của Trường tiểu học Phú Đa. Mặc dù dưới cái nắng gay gắt, thầy vẫn kiên nhẫn ngồi dõi các em và các thầy tập luyện. Theo chia sẻ của thầy, thì lớp bơi này diễn ra trong điều kiện vật chất và cơ sở hạ tầng không có nên rất tội cho các em học sinh cũng như các thầy dạy bơi. Mực nước tại đây khá thấp, dưới mặt nước thì bùn khá nhiều nên khi các em học bơi, quẫy đạp thì nước rất bẩn, mùi bùn bốc lên. Thầy e ngại rằng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh. Một vấn đề nữa là nước ở đây là nước lợ, sau khi học bơi xong, các em lại không có nước sạch để tắm nên cũng rất tội cho các em học sinh cũng như giáo viên huấn luyện.
Mặc dù theo chia sẻ của Thầy thì lớp học bơi này diễn ra trong điều kiện thiếu thốn, nhưng cả thầy và trò Trường Tiểu học Phú Đa sẽ cố gắng hoàn thành khóa huấn luyện trong 10 ngày này theo chương trình của Sở Giáo Dục Huyện đề ra.
Hy vọng rằng, các em cố gắng vượt qua mọi khó khăn để sau khi kết thúc khóa học hầu hết các em đều có thể biết bơi, trang bị cho mình các kiến thức cần thiết để tránh tình trạng đuối nước ở trẻ em. Đây là ước muốn lớn nhất của những nhà hảo tâm khi thực hiện chương trình dạy bơi này.
Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế

Saturday 6 August 2016

Xe đạp ơi

 (Ảnh minh họa)
Nếu đã trải qua thời học sinh, thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần ngồi trên chiếc xe đạp hoặc sở hữu một chiếc xe đạp cho riêng mình. Hạnh phúc nhất là khi bước vào ngôi trường cấp 3 được bố mẹ mua cho chiếc xe đạp để đi đến trường.

Cách đây hơn 10 năm xe máy không nhiều như bây giờ, xe đạp điện thì hầu như chưa có. Với chiếc xe đạp ta có thể đi đến nơi đâu mà mình mong muốn. Nhớ ngày trại vào cuối năm lớp 12, địa điểm tổ chức trại cách trường hơn 10 cây số. Vậy là bọn lớp tôi dậy thật sớm hẹn gặp nhau tại trường, rồi từ đó cùng nhau vượt quãng đường dài để đến địa điểm mà trường đã định sẵn. Cứ hai bạn đi trên một chiếc xe đạp, rồi người nọ người kia thay nhau chở. Cuối cùng cũng đến nơi mà mình muốn đến, dù rất mệt nhưng vui không thể diễn tả nỗi.

Ngày trước, bố mẹ tôi rồi những người lao động nghèo trong xóm tôi vẫn đi làm trên chiếc xe đạp cũ kỹ thế đó. Nhưng ai nấy cũng nuôi nấng con cái thành tài. Khi cuộc sống có khấm khá hơn, họ có thể sắm nhiều chiếc xe máy đắt tiền nhưng họ vẫn luôn giữ chiếc xe đạp trong nhà để làm kỷ niệm. Hình như họ muốn nhắc nhở con cháu họ rằng, không bao giờ được quên những khoảnh khắc gian khổ mà ông bà cha mẹ nó đã từng trải qua. Biết quý trọng quá khứ, giúp chúng ta ngày càng trưởng thành hơn.

Hiện tại trên những tuyến đường, thỉnh thoảng tôi mới được thấy một vài chiếc xe đạp lưu thông. Hình như lúc bấy giờ ít thấy các em học sinh đi học bằng xe đạp, đa số đều được cha mẹ mua cho chiếc xe đạp điện khi bước vào ngôi trường cấp 3 hay được bố mẹ đưa đón bằng xe máy tận nơi. Cha mẹ chăm sóc con cái kỹ lưỡng như thế cũng là điều tốt, nhưng đôi khi cũng có mặt trái của nó, làm cho con cái ít biết khả năng sống tự lập, lúc nào cũng lệ thuộc vào cha mẹ.

Chiếc xe đạp hiện tại vẫn được những người lớn tuổi dùng để đạp xe tập thể dục vào buổi sáng, đạp xe giúp cho sức khỏe ngày càng tốt hơn dẻo dai hơn. Hy vọng chúng ta với sức khỏe và tuổi trẻ tràn đầy, hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt để làm được nhiều việc có ích cho xã hội.


Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế

Tuesday 2 August 2016

LỄ TRAO HỌC BỔNG CHÂU TRỌNG NGÔ NĂM 2016





Sáng ngày 30/07/2016, Trung tâm Khuyến khích Tự lập Huế (TTKKTL) đã tổ chức lễ trao học bổng “ Châu Trọng Ngô” cho 183 em học sinh nghèo vượt khó.

Chương trình trao học bổng “Châu Trọng Ngô” là một chương trình được TTKKTL tổ chức hàng năm thể hiện tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ và động viên các em học sinh nghèo vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập. Đồng thời, đây cũng là dịp nhằm vinh danh và tri ân Thầy Châu Trọng Ngô, một nhân sĩ đã góp phần sáng lập nên TTKKTL tại Huế.
183 em học sinh được nhận học bổng lần này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đã có nhiều nỗ lực cố gắng vươn lên để đạt thành tích cao trong học tập. Mỗi suất học bổng bao gồm vở và một phần quà trị giá 500 nghìn đồng.
Đáp lại tình cảm của những người làm nên chương trình phát học bổng, em Trịnh Hồng Đoan Trang, học sinh lớp 7 Trường Trung Học Cơ Sở Chu Văn An đã đại diện cho 183 em được nhận học bổng chia sẻ: “ Chúng em xin gửi lời cám ơn sâu sắc đến thầy Châu Trọng Ngô và Trung tâm Khuyến khích Tự lập đã trao học bổng, học bổng này sẽ giúp gia đình chúng em trang trải một phần chi phí khi bước vào năm học mới. Đây là món quà tinh thần và là nguồn động viên để chúng em tiếp tục nỗ lực học tập. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu và sự quan tâm của thầy Châu Trọng Ngô và TTKKTL.”
Tuy chỉ là món quà nhỏ nhưng đó là tấm lòng của những người làm chương trình mong muốn gửi đến tất cả các em và động viên các em cố gắng phấn đấu hơn nữa trong những năm học tới. Hy vọng, món quà này sẽ góp phần khích lệ các em không ngừng cố gắng để thành công trên con đường học tập của mình, không phụ lòng mong mỏi của các bậc phụ huỳnh, nhà trường và xã hội.


Nguyễn Hoàng Quang Vinh
Cử nhân Anh Văn