Wednesday 27 July 2016

TẬP HUẤN CHO GIÁO VIÊN BƠI TẠI XÃ QUẢNG LỢI


Ngày 23/07/2016 theo phân công của Ban Điều Hành chúng tôi đã đến thăm lớp tập huấn bơi dành cho giáo viên tại bến đò Cồn Tộc, xã Quảng Lợi, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dưới trời nắng chói chang của tháng 7, 58 giáo viên đến từ 20 trường thuộc 3 huyện của tỉnh đã thi thực hành huấn luyện bơi cho học sinh. Mượn học sinh từ địa bàn sở tại, mỗi giáo viên tập huấn cho khoảng 2-3 học sinh trên bờ và dưới nước bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Do số lượng giáo viên đông nên buổi thi này được chia làm nhiều đợt với 4 giảng viên hướng dẫn và chấm thi. Mặc dù quá trình thi diễn ra dưới nước và dưới cái nắng gắt của mùa hè nhưng các giáo viên đã tỏ ra nghiêm túc, hợp tác với học sinh. Thêm vào đó, thương thầy cô, các em học sinh cũng nhiệt tình tuân thủ sự chỉ bảo của thầy hướng dẫn khiến cho buổi thi kết thúc đúng thời gian và đảm bảo chất lượng.
Việc tổ chức tập huấn cho giáo viên thể dục các kỹ năng trước khi các giáo viên đứng lớp là điều thực sự cần thiết. Điều này giúp đảm bảo chất lượng các lớp học bơi cho các em học sinh, giúp các em nhanh chóng nắm bắt các bài học và thuần thục kỹ năng bơi nhanh chóng. Tại các địa bàn có nhiều ao hồ, đầm phá, sông nước, do bận mưu sinh nên nhiều hộ gia đình đã không quan tâm đến việc trang bị kỹ năng sống tối thiểu bao gồm kỹ năng bơi lội cho các em khiến nhiều trường hợp đuối nước thương tâm đã xảy ra. Với sự hỗ trợ của TTKKTL, dự án dạy bơi đã đến nhiều phường xã trong tỉnh, góp phần trang bị cho học sinh kỹ năng sinh tồn, giúp các em có thể tự bảo vệ mình trước các biến cố không mong muốn.

Đinh Thị Thúy Hằng
Cử nhân Anh Văn

Tuesday 26 July 2016

Một buổi sáng cùng các anh ở tổ xe ôm tự quản cửa Đông Ba




Ngày 25/07 ngày đầu tuần của tuần cuối tháng.Chúng tôi đến làm việc với tổ xe ôm tự quản ở ngay cửa thành Đông Ba. Khi đến nơi nhìn thấy các anh mặc trên mình bộ áo quần mới mà chúng tôi tặng các anh trong lòng cũng nao nao vui mừng.

Tổ xe ôm tự quản được thành lập đến nay cũng hơn 14 năm rồi cũng có người đã nghỉ, có người mới vào, nay chỉ còn lại 09 người lần lượt là anh Hùng, anh Hoãn, anh Cường, anh Sơn anh, anh Sơn em, anh Lang, anh Chút, anh Thảo và anh Mau là  tổ trưởng.

Các anh hằng ngày ngoài việc chạy xe ôm, xích lô ra thì lúc không có khách lại làm việc cộng đồng như phân luồng giao thông tránh cho cửa Đông Ba bị kẹt xe. Đây là công việc rất ý nghĩa đấy thưa các bạn. Bạn nào ở Huế có lẽ sẽ biết vào giờ tan tầm học sinh đi học về rất đông, người người nhà nhà chen lấn nhau đi đã thế đôi lúc lại bắt gặp phải một vài tài xế xe ô tô, xe taxi, xe ben cỡ nhỏ thiếu ý thức cũng chen lấn vào thế là kẹt xe. Có thể mất hơn 30p để đi được đoạn đường 10m. Chính tôi cũng từng nhiều lần bị kẹt xe như vậy, giữa trưa hè nắng rát phải đứng đợi để đi từng li từng li.


Ấy thế mà các anh mặc kệ cái nắng nóng ngày hè hay trời mưa âm ỉ với cái lạnh tê tái của mùa đông, cứ như thế các anh tình nguyện phân luồng giao thông giúp mọi người có thể lưu thông an toàn và thông thoáng mà chẳng đòi hỏi điều gì. Có hôm lượng xe lưu thông nhiều dẫn đến kẹt xe 4, 5 lần trong một ngày.Tất cả mọi thứ hỗ trợ cho việc phân luồng giao thông cả tổ điều tự góp tiền để làm, từ dùi cui đến băng tay rồi cả bảng tên tổ mặc dù chiếc áo các anh mặc đã sờn vai, chiếc quần đã bạc màu các anh cũng chẳng màng. Hiểu được sự khó khăn của các anh Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập chúng tôi đã tặng cho các anh trong tổ xe ôm tự quản mỗi người một bộ áo quần để động viên các anh tiếp tục duy trì những việc làm ý nghĩa đó.

Lê Viết Hoàng Ân

Thursday 21 July 2016

TẬP HUẤN PHƯƠNG PHÁP DẠY BƠI CHO GIÁO VIÊN 2016


Tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em vô tội, và tình trạng này đang ngày càng có chiều hướng gia tăng trong những năm trở lại đây, đặc biệt là vào dịp hè. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, đã có rất nhiều trẻ em tử vong do đuối nước và nó xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em cũng như giúp các em có được những kỷ năng cần thiết để tự thoát hiểm khi gặp sự cố trong môi trường nước. Vào năm 2014, Trung tâm Khuyến khích Tự lập (TTKKTL) và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế (SGD&ĐT) đã ký thỏa thuận hợp tác về Chương trình phổ cập bơi cho học sinh tiểu học trong thời gian 10 năm.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được từ chương trình phổ cập bơi năm thứ 1 (2014-2015) và chuẩn bị cho chương trình dạy bơi năm thứ 2 (2015 -2016) dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 08/2016. Trong thời gian từ ngày 14/07/2016 - 23/07/2016 tại Trường tiểu học số 2 Quảng Lợi và Bến đò Cồn Tộc, Chương trình đã tổ chức khóa tập huấn phương pháp dạy bơi cho các giáo viên đến từ các trường thuộc huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang. Các giáo viên tham gia khóa tập huấn này không chỉ được đào tạo các kỷ năng về bơi lội mà còn được đào tạo thêm một số kỷ năng về cứu hộ, sơ cấp cứu… khi gặp các trường hợp đuối nước. Trước khi kết thúc khóa tập huấn, các giáo viên sẽ phải hoàn thành một bài kiểm tra chất lượng cuối khóa, nếu vượt qua sẽ được cấp chứng chỉ và sẽ được tham gia vào hoạt động tiếp theo của chương trình là trực tiếp dạy bơi cho các em học sinh ở các bể bơi mở như ao, hồ, sông, đầm phá…, năm nay TTKKTL sẽ tài trợ kinh phí để dạy bơi cho 1000 em học sinh tiểu học ở huyện Phú Vang.
Song song với công tác tập huấn phương pháp dạy bơi cho giáo viên thì công tác lựa chọn địa điểm để tổ chức dạy bơi cho học sinh cũng rất được chúng tôi chú trọng vì nó liên quan đến vấn đề sức khỏe và sự an toàn của các em học sinh. Chương trình phổ cập cho học sinh không chỉ giúp trang bị cho các em những kỹ năng tự ứng phó khi gặp sự cố trong môi trường nước, mà còn đem đến cho các em một sân chơi bổ ích trong thời gian nghỉ hè.  Với sự chuẩn bị chu đáo này thì chúng tôi hy vọng chương trình phổ cập bơi năm nay sẽ thành công tốt đẹp.

Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý


Tuesday 12 July 2016

NGHỀ BÁN VÉ SỐ


            Bắt gặp hình ảnh ông cụ đang rao “Ai mua số không, số đây” khi trời hè nóng oi ả. Nhóm chúng tôi kêu ông cụ lại mua ủng hộ ông vài tấm vé số.
            Thoạt nhìn, ai cũng ngỡ ông khoảng chừng 65-70 tuổi, cái tuổi đó còn có thể lao động để kiếm tiền mưu sinh cho cuộc sống hằng ngày đối với những người dân khổ cực. Ấy thế mà trò chuyện trao đổi với ông mới biết ông tên thật là Nguyễn Phi Sáu, hiện đang sinh sống ở tại ngã ba Vạn Cù thuộc xã Hương An, huyện Hương Trà tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm nay đã 86 tuổi, vợ mất cách đây cũng đã tầm 8 năm con, con cái tuy khá đông song tất cả đều đã lớn và ra riêng tự lập cuộc sống cho mỗi người. Hằng ngày, ông bắt tuyến xe bus từ cầu Hương Cần vào khoảng lúc 7h sáng từ chuyến xe bus Sịa - Huế, đến chiều khoảng 3h sau khi trả số về cho đại lý ông lại bắt xe bus Huế - Sịa để lại di chuyển về nhà. Theo tìm hiểu nhóm chúng tôi, hằng ngày ông thu nhập được từ tiền vé số khoảng 50.000 đến 80.000 đồng, “Lúc trước sức khỏe còn có thì đi được xa bán được nhiều, chứ bây chừ già rồi bán như rứa là có thể sống qua ngày rồi chú ơi”, tâm sự của cụ Sáu. Hiện tại ông sống cùng đứa cháu nội, do bố mẹ nó cũng khổ cực nên gửi sang ông nhờ ông chăm lo giúp. Khổ cực là vậy song hai ông cháu vẫn nương tựa vào nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Ông còn tâm sự với chúng tôi: không mong gì cả chỉ mong có sức khỏe để ngày nào cũng có thể lên về Huế đi bán vé số kiếm tiền lo toan cho cuộc sống.
            Nói đôi ba chuyện, ông chào chúng tôi rồi lại tiếp tục trên con đường với công việc bán vé số của mình. Dõi theo bước chân của ông, hy vọng ông ngày càng giữ được sức khỏe như bao người khác, thầm mong cho ông gặp nhiều may mắn trong cuộc sống này.
Duy Tùng.

Cử nhân Môi Trường.

Saturday 9 July 2016

DỰ LỄ KHỞI ĐỘNG DẠY BƠI HÈ 2016 CHO HỌC SINH TIỂU HỌC


Ngày 08/07/2016, tại sở Giáo Dục tỉnh TT Huế, đã tổ chức lễ khởi động dạy bơi hè 2016 cho học sinh tiểu học của các trường thuộc huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang. Đến tham dự có ông Đặng Phước Mỹ phó GĐ sở GD, ông Phan Văn Hải trưởng phòng GD của sở GD, ông Nguyễn Thọ Trường giám đốc công ty cổ phần My Way và đại diện các phòng giáo dục của các huyện nói trên.
            Cũng trong buổi lễ, Ông Đặng Phước Mỹ đã bày tỏ cảm ơn Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập đã quan tâm và hỗ trợ cho sở để thực hiện dự án “Phòng tránh đuối nước cho các em học sinh”. Qua sự hỗ trợ của TT và sự thành công trong công việc dạy bơi cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh nên công ty My Way cũng muốn dựa trên nền tảng có sẵn mà TT đã tạo ra để hỗ trợ một phần kinh phí giúp các em phòng tránh đuối nước cho các em học sinh.
Tiếp theo là ông Phan Văn Hải trưởng phòng GD tiểu học thuộc sở GD đã phát biểu và triển khai nội dung dạy bơi đến các thầy cô của các trường. Nội dung triển khai bao gồm những bước như:
-          Mỗi trường lập danh sách 3 giáo viên để đi đào tạo kỹ năng bơi ( thời gian đào tạo là 06 ngày) và yêu cầu những giáo viên được cử đi đào tạo phải là những giáo viên tâm huyết.
-          Các trường phải chọn những địa điểm thích hợp để đại diện sở về chọn lọc.
-          Kết hợp với phụ huynh và cán bộ địa phương để hoàn thành tốt chương trình dạy bơi cho các em.
Ngoài những nội dung trên thì lãnh đạo sở cũng yêu cầu các trường phải thực hiện tốt các bước sau:
-          Phải tuyên truyền cho phụ huynh của các em học sinh biết và hiểu rõ nội dung và tầm quan trọng của việc dạy bơi
-          Các trường phải chọn những giáo viên có trách nhiệm cao và tâm huyết
-          Xây dựng kế hoạch dạy bơi cho trường mình
-          Tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tham gia hoạt động dạy bơi
-          Bảo quản tốt dụng cụ dạy bơi.
-          Thực hiện tốt các báo cáo trong công tác dạy bơi của trường mình
-          Ngoài ra, khi hoàn thành khóa bơi thì nên cấp giấy chứng nhận cho các em học sinh.
Lãnh đạo sở cùng các thầy cô giáo đã bàn bạc và thống nhất sẽ tập huấn dạy bơi tại bến đò Cồn Tộc thuộc xã Quảng Lợi vào ngày 14-15 tháng 07. Sau khi hoàn thành khóa tập huấn sẽ bắt đầu triển khai dạy bơi vào ngày 18-23 tháng 07 và trường được chọn đầu tiên trong việc dạy bơi là trường tiểu học số 02 Quảng Lợi.

Buổi lễ khởi động dạy bơi kết thúc lúc 9h30 sáng cùng ngày.

Nguyễn Đức Nhân
Cử nhân Luật

Friday 8 July 2016

NHÀ VỆ SINH SẠCH TẠI CHỢ AN CỰU VÀ ĐÔNG BA


Nhà vệ sinh là một yêu cầu tối thiểu giúp cho môi trường sống của chúng ta giảm bớt đi tình trạng ô nhiễm bởi chính chất thải của chúng ta. Tại thành phố Huế ngày nay, nhà vệ sinh tại các khu chợ vẫn còn rất thiếu, nhếch nhác, chật chội và đặc biệt là bốc mùi khai. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sức khỏe của các tiểu thương cũng như người dân đến trao đổi mua bán. Nắm bắt được điều này nên kể từ năm 2013, Trung tâm Khuyến khích Tự lập chúng tôi đã hợp tác với Ủy ban Nhân dân thành phố Huế triển khai dự án cải thiện môi trường chợ trong thành phố. Theo thỏa thuận hợp tác thì hàng năm chúng tôi sẽ tài trợ 50% kinh phí để xây dựng 1 nhà vệ sinh cho một khu chợ trong thành phố Huế. Và đến thời điểm này, chúng tôi đã xây dựng được 2 khu nhà vệ sinh cho chợ Đông Ba và An Cựu. Vừa qua, trong một lần đi khảo sát 2 khu nhà vệ sinh này thì chúng tôi nhận thấy Ban quản lý chợ đã thực hiện rất tốt việc bảo trì, bảo quản các công trình. Khu vực này luôn có nhân viên chùi dọn thường xuyên nên các công trình đến nay vẫn không có dấu hiệu xuống cấp và cũng không phát hiện mùi khai ỏ khu vực xung quanh nhà vệ sinh. Không chỉ Ban quản lý chợ thực hiện tốt việc bảo trì mà ý thức của các tiểu thương trong việc sử dụng nhà vệ sinh sạch cũng rất tốt. Các tiểu thương luôn chấp hành đúng các qui đinh của việc sử dụng nhà vệ sinh sạch mà Ban quan lý chợ đã đề ra. Với những gì mà Ban quản lý, các tiểu thương ở chợ đã làm được thì chúng tôii hết sức vui mừng và đây cũng sẽ là một động lực lớn để chúng tôii thực hiện các công trình tiếp theo.
Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Tuesday 5 July 2016

CHƠI FACEBOOK - ĐƯỢC VÀ MẤT


Có thể thấy, hiện nay thì thời đại công nghệ đang lên ngôi. Đặc biệt, trong những năm gần đây thì mạng xã hội là một món ăn tinh thần không thể thiếu của các bạn trẻ Việt Nam nói riêng và các bạn trẻ trên thế giới nói chung. Không những thế, Facebook không những chỉ thu hút giới trẻ mà cả những người trung niên hay thậm chí cả những người lớn tuổi. Mạng xã hội không chỉ tồn tại tại các thành phố mà ngay đến những người "nhà quê" chân lấm tay bùn, quanh năm ruộng đồng cũng biết đến facebook và tham gia mạng xã hội này. Điều này có thể thấy, facebook là mạng xã hội rộng lớn nhất và được nhiều người dùng sử dụng nhất hiện nay. Vậy thì, thông qua facebook, mỗi chúng ta được gì mà tất cả mọi người đều yêu thích đến vậy?
Có thể thấy rằng, với những tính năng đa dạng, nguồn thông tin phong phú, người dùng mạng xã hội dễ dàng tiếp nhận, chia sẻ và chọn lọc thông tin một cách có hiệu quả, vượt qua trở ngại về không gian và thời gian. Chính vì dễ dàng tiếp cận cũng như thông qua facebook chúng ta có thể kết nối được với tất cả bạn bè, người thân; những người có khoảng cách cả về không gian lẫn thời gian một cách rất dễ dàng. Hơn nữa, thông qua mạng xã hội này chúng ta cũng có thể học hỏi lẫn nhau thông qua các chia sẻ kiến thức từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau; các bạn trẻ cùng chí hướng làm từ thiện thì kết thành từng nhóm để cùng nhau tổ chức hoạt động từ thiện, giúp cho những người nghèo khổ, bệnh tật...Thông qua mạng xã hội, mỗi chungs ta có thêm cơ hội để đến với nghề nghiệp do các bạn bố phương chia sẻ....
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Có lợi thì ắt sẽ có hại. Cũng giống như chơi facebook cũng vậy, nếu chúng ta không biết cách chọn lọc để tiếp nhận thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta quá sa đà vào mạng xã hội sẽ tốn rất nhiều thời gian vô ích. Những căn bệnh như bệnh nghiện facebook, bệnh vô cảm, hay thói quen phán xét một vấn đề nào đó... dần dần tồn tại trong mỗi con người. 
Thực tế cho thấy, mạng xã hội đang ngày càng có một vị thế quan trọng trong đời sống của mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ. Mạng xã hội là một mạng tuy rất rộng lớn, nhưng mỗi chúng ta tự biết cách chọn lọc cho mình những thông tin hữu ích thì rất bổ ích cho mỗi người dùng. Được hay mất là do mỗi người dùng tự quyết định!

Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế