Monday 30 May 2016

Bệnh thành tích


Thành tích là kết quả đạt được vớsự cố gắng nỗ lực trên nhiều phương diện, tuy nhiên trào lưu bây giờ, nó là căn bệnh trầm kha mà nguyên căn do ai cũng chạy đua theo "thành tích", bệnh thành tích trong cơ quan, trong sản xuất và đặc biệt trong giáo dục, tôi nhớ ngày xưa, để đạt học sinh giỏi là khó lắm chứ không phải như bây giờ, bây giờ một lớp có 50 em học sinh thì phải đến hơn 40 em phải đạt học sinh giỏi, còn lại là học sinh khá, nhưng liệu chất lượng thì thế nào?

Tôi có chị bạn làm cùng cơ quan, con chị đó năm nay không được học sinh giỏi bởi vì không đi học thêm tiếng Anh của cô giáo bộ môn Anh Văn, cái này tôi hiểu quá rõ, mỗi lần đến kỳ thi, các em đi học thêm sẽ được cô cho làm bài kiểm tra và chất lượng bài kiểm tra đó chắc chắn tương đương với bài thi vào ngày mai, thậm chí giống hoàn toàn đến 99%, cả cô và trò vô tình bị cuốn vào cơn lốc "bệnh thành tích", sở gởi công văn về trường, trường truyền xuống các cô giáo chủ nhiệm và cô giáo bộ môn, vậy cứ chạy theo thành tích, giáo dục mà chỉ tập trung số lượng chứ chất lượng thì bỏ qua, tôi băn khoăn liệu chất lượng giáo dục sẽ như thế nào?

Trong cơ quan cũng vậy, toàn báo cáo thành tích, nhận xét tốt, sai chỉ rút kinh nghiệm không hề thấy sửa sai bao giờ, cuối cùng vẫn được đánh giá tốt loại A, tăng lương và xét thưởng ầm ầm, như vậy sẽ xuất hiện tình trạng cửa quyền, mọi người đều im lặng với kết quả ảo bởi vì "hở môi thì răng sẽ lạnh", còn đâu những lời phê bình trung thực? Còn đâu những người biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân? Cứ chẳng bao giờ nhìn thẳng vào chính bản thân, chính năng lực của mình để sửa sai, để tự hoàn thiện bản thân mình.

Mỗi người chúng ta hãy nói không với "bệnh thành tích" để có một nền giáo dục hay một môi trường làm việc hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn!

Đinh Thị Thúy Hằng
Cử nhân Anh Văn


Thursday 26 May 2016

ĐẤT & LÚA


          Việt Nam vẫn có tỉ lệ nông dân cao trong tổng thể lực lượng lao động. Đến năm 2020, khi chúng ta đạt mục tiêu công nghiệp hóa giai đoạn đầu tiên, tỉ lệ nông dân và người sống ở vùng nông thôn chắc chắn sẽ cao hơn so với những nước phát triển khác trong vùng Đông Nam Á.
          "Chỉ thị 100", "khoán 10"; "khoán hộ"; "đổi mới"... đã mở đường cho người nông dân làm chủ thửa đất của mình để qua đó làm ra nhiều của cải hơn cho xã hội, cũng là cho bản thân. Điểm sáng của "đổi mới" chính là đặt lợi ích thiết thực của nông dân, hài hòa với lợi ích của tập thể, nhà nước.
          Với sản lượng lúa gạo đạt cao kỷ lục trong những năm gần đây, có thể nói tiềm lực tận dụng thế lợi từ cây lúa đã được khai thác tối đa tới giới hạn. Vì vậy, nhà nước cần có một chính sách hoàn toàn mới, có thể gọi là "Đổi mới phase 2"  hay "Giai đoạn đổi mới tăng tốc" để vượt qua khoảng cách tụt hậu về nông nghiệp với các nước tiên tiến và bắt kịp trào lưu thời đại của khoa học kỹ thuật áp dụng cho nông nghiệp.
          - Cách mạng về giống cây trồng và vật nuôi,
          - Cách mạng về hợp tác hóa, chuyên canh cánh đồng thửa lớn;
          - Cách mạng về hệ thống lưu thông phân phối nông nghiệp;
          - Cách mạng về hệ thống tín dụng để thúc đẩy đầu tư cho nông nghiệp;
          - Cách mạng về chính sách "nông nghiệp - nông dân - nông thôn";
          - Nâng cao hiệu quả việc quản lý và sử dụng đất nông nghiệp;
          - Ưu tiên nhiều hơn cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...
          Viết đến đây, xin nghiêng mình khâm phục những người đã cả cuộc đời cống hiến cho nông nghiệp, trên mảnh đất chân lấm tay bùn để phát triển cây lúa, nâng cao năng suất lúa, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội... được phản ánh qua 2 bộ phim chiếu trên truyền hình được khán giả hoan nghênh đó là : " Bí thư tỉnh ủy" & " Gia phả của đất"...

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Saturday 21 May 2016

Mùa Phật Đản


 Đến hẹn lại lên những ngày giữa tháng 4 âm lịch Huế lại nhộn nhịp với mùa Phật Đản. Đi ra đường những dịp này đâu đâu cũng thấy hoa Sen, một loại hoa tượng trưng cho sự tinh khiết gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn và cũng tượng trưng cho Phật giáo. 

Ngày lễ Phật Đản là ngày kỷ niệm đức Phật sinh ra. Ngày lễ này ở một số nước được coi như là ngày lễ chính thức (như Thái Lan, Mianma, SriLanka, Miến điện ..vv), tức là ngày lễ quan trọng của quốc gia, mọi người được nghỉ. Còn ở Việt Nam thì không được xem như ngày lễ quan trọng và chắc chỉ có duy nhất ở Huế là được xem như ngày lễ lớn có tác động sâu rộng tới nhiều tầng lớp khác nhau. Cứ đêm về những ngày 13 14 15 âm lịch thì các chùa lại tổ chức cho xe hoa rước Phật, gọi là xe hoa bởi các xe được bắt đèn và bắt hoa rất rực rỡ có khi lại có xe làm sân khấu cho người đứng hẵn lên trên để tái hiện cảnh đức Phật được sinh ra. Nhà nào có con nhỏ thường chở con đổ ra đường để xem xe hoa, rất là náo nhiệt, chẳng khác gì lắm một lễ hội Carnaval đường phố.

Vào ngày lễ này các Phật tử thường vinh danh Tam bảo ( Phật, Pháp, Tăng) qua các hình thức như đến chùa dâng hoa Phật, nghe kinh thuyết giảng, thực hành bố thí, thực hành ăn chay, làm việc thiện..vv. Cứ thế cứ tập tành dần cho con người ta quen với sinh hoạt đạo phật và làm con người ta dịu tính lại bớt.

Phật giáo du nhập vào Việt Nam của chúng ta từ rất sớm, có thể nói khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Đạo phật đã gắn liền với chiều dài lịch sử của dân tộc, lắm lúc hưng thịnh nhiều khi suy tàn, nổi trôi theo mệnh nước buồn vui. Nhưng có một điều có thể khẳng định thứ tôn giáo Phật này không ít thì nhiều cũng góp phần cải tạo xã hội và kiểm soát hành vi con người nơi đây bởi tư tưởng “luật nhân quả”. “Gieo quả nào, gặt quá nấy” hay “gieo ác gặp ác, gieo gió gặp bão, gieo thiện được hạnh thông” cũng làm cho con người ta biết sợ và bớt hung hãng làm bậy đi nhiều. Trong cuộc sống con người đôi lúc luật hành chính nhân gian chưa hoàn thiện hay có những con người đứng trên luật khi họ làm sai thì họ cũng chẳng sợ gì và sẵn sàng làm mọi điều sằn bậy chỉ để tư lợi cho cá nhân họ vì không ai có thể đụng vào họ nhưng may ra có “luật nhân quả” thì có thể làm cho họ sợ ít nhiều vì ít nhất họ còn sợ có một thế lực vô hình nào đó đang giám sát họ. Chính vì vậy mà nói Phật giáo có khả năng cải tạo xã hội là vậy và cũng có thể nói mỗi con người nên có một tôn giáo để theo, không nên là vô thần vì như thế sẽ không biết sợ là gì.

Tính thêm năm nay đã là Phật Đản thứ 2560. Hy vọng triết lý nhân quả của đạo Phật sẽ được nhân rộng hơn nữa, được nhiều người hiểu hơn nữa để con người ai ai cũng có “Phật tính” để xã hội này không còn những hành động “phi nhân”, bất chấp hậu quả và dư luận nữa.

Nguyễn Trần Nhật Hoàng
Cử nhân Kinh tế Du Lịch

Friday 20 May 2016

NHÀ VỆ SINH CHỢ AN CỰU – THÀNH PHỐ HUẾ


Khu nhà vệ sinh ở chợ An Cựu – Thành Phố Huế đã được đưa vào hoạt động cuối năm 2013 cách đây cũng hơn 2 năm dưới sự tài trợ của Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập và Ban Quản Lý Chợ An Cựu . Thăm lại khu nhà vệ sinh này, chúng tôi thực sự hài lòng về việc giữ gìn sạch sẽ của nhân viên Ban Quản Lý Chợ và ý thức giữ gìn chung của các chị em tiểu thương và người mua bán nơi đây.
Nhân viên trông coi khu nhà vệ sinh ở chợ rất có ý thức và trách nhiệm đối với công việc của mình. Ngoài nhiệm vụ thu tiền của người dân khi đi vệ sinh ở đây, chị Bảy cũng dành thời gian dọn rửa nhà vệ sinh. Chị cho biết “Cách 2 tiếng chị lau chùi một lần để giữ gìn nhà vệ sinh cho sạch sẽ, tránh tình trạng nhếch nhác, dơ bẩn và bốc mùi hôi thối. Chị cũng khuyến khích các chị em tiểu thương ở đây giữ gìn vệ sinh chung như dội nước sạch sẽ sau khi đi, tránh tình trạng vứt đồ lung tung làm kẹt bồn cầu.”
Người dân mua bán và các chị em tiểu thương ở đây cũng rất hài lòng về mức phí thu rẻ và chất lượng đảm bảo sạch sẽ của nhà vệ sinh ở đây. Thoạt đầu thì các chị em ở chợ không mấy quan tâm gì đến giữ gìn vệ sinh chung. Nhờ có chị Bảy nhắc nhở, chỉnh đốn nên các chị đã dần dà có ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để cho người sau còn tiếp tục dùng.
Nhà vệ sinh chợ An Cựu là mô hình điển hình cho ý thức của người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp. Thiết nghĩ trong tương lai Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các chợ trên địa bàn Thành Phố Huế để người dân thành phố Huế là người trực tiếp hưởng lợi từ mô hình này.


 Nguyễn Hoàng Quang Vinh
Cử nhân Anh Văn

Tuesday 17 May 2016

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG NHÀ VỆ SINH CHỢ ĐÔNG BA – THÀNH PHỐ HUẾ


Sau thời gian được đưa vào hoạt động, nhà vệ sinh khu F chợ Đông Ba đã giải quyết một phần rất lớn về tình hình vệ sinh trong khu chợ.
Để tiến hành chi trả tiền điện nước và chi phí quản lý cho 2 nhân viên quản lý khu vệ sinh này, Ban quản lý đã đề ra mức thu 1.000 đ/lượt (tiểu tiện) và 1.500 đ/lượt (đại tiện). Nhìn chung, tình hình quản lý và chất lượng vệ sinh ở đây khá tốt, có sự theo dõi của chị Trang là người trực tiếp thu tiền từ những người được phục vụ, cũng như ý thức của người dân và tiểu thương trong chợ, cho nên khi nhóm chúng tôi đến khảo sát trực tiếp thì nhận thấy ở đây không có mùi như ngày xưa chưa được tiến hành xây dựng mới.
Từ ngoài khi đi vào có chỗ để mọi người rửa tay, bên trái dành cho nam, bên phải dành cho nữ, có bảng chỉ dẫn rõ ràng để tránh sự nhầm lẫn cho mọi người. Bên trong được xây dựng nơi đi tiêu và đi tiểu riêng biệt, có bể nước để mọi người đi xong sẽ lấy đó vệ sinh sạch sẽ nơi này.
Nhà vệ sinh khu F đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa – văn minh trong khu chợ Đông Ba. Với phương thức 1:1, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập phối hợp cùng Ban Quản lý chợ Đông Ba để tiến hành cải tạo và xây dựng mới nhà vệ sinh khu F, để sử dụng cho mục đích chung, cho cộng đồng, tiểu thương buôn bán ở chợ cũng như khách hàng khi đến mua sắm tại chợ Đông Ba.

Mặc dù là công cộng, song với ý thức của người dân rất tốt cộng thêm việc quản lý một cách có hiệu quả thì khu nhà vệ sinh đã phản ánh được tình hình vệ sinh chung trong khu chợ đối với khách hàng xa gần trong và ngoài tỉnh, cũng như tất cả ai ai khi có dịp ghé thăm ngôi chợ nổi tiếng nhất thành phố Huế của chúng ta.

Nguyễn Duy Tùng
Cử nhân Môi Trường

Monday 16 May 2016

NGƯỜI "ĐI" TRƯỚC


          Xin để động từ "đi" trong ngoặc với ngầm ý người đọc sẽ hiểu cả hai nghĩa "đen" và "bóng". Người có "Tư duy vượt thời đại" cũng có thể gọi nôm na là "người đi trước" vậy.
          Đã "đi" thì phải "đến", có đi thì mới thành đường để người sau theo đó  lần bước. Cổ nhân có câu "Ngày xưa làm gì có đường, có lộ, chẳng qua người ta cứ đi mãi rồi thành đường thành lộ mà thôi!".
          Có những người "đi" trước thiên hạ quá xa, nên phải chịu nhiều rủi ro, đàm tiếu, có khi ảnh hưởng tới cả sinh mệnh của mình. Nhà thiên văn Bruno chẳng phải đã bị tòa án giáo hội thiêu sống do đã khẳng định "Quả đất tròn và quay quanh mặt trời đó sao?". Ông Galile thì có may mắn hơn một chút, vì bị mù lòa và chỉ dám nói thầm thì câu "Dù sao quả đất vẫn quay" mà bồi thẩm giáo hội không nghe thấy. Nếu không thì ông cũng theo chân ngài Bruno rồi.
          "Người đi trước" được vinh danh rõ ràng nhất chắc có lẽ là những "thiên sứ" trong kinh Cựu Ước của giáo hội Kito giáo. Nhưng tên tuổi của các "thiên sứ" này không cụ thể, nên nhiều người không chắc họ có thực hay không nữa..
          Ở Việt Nam thì có ông Kim Ngọc, cha đẻ của khoán 10 hay "người đi trước" cả mấy chục năm của đổi mới sau này. Kết cục của câu chuyện về cuộc đời ông này đã rõ ràng. Nhưng "người đi trước" này chắc hẳn không mấy hạnh phúc và thanh thản trong giờ phút lâm chung. Ông Kim Ngọc được cả nước biết đến là cha đẻ của "khoán hộ" sau này được công nhận và đưa vào áp dụng rộng rãi, đưa Việt Nam từ một nước thiếu trầm trọng lương thực thành một cường quốc xuất khẩu và có vị thế vững chắc trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Thế nhưng có một người từng sát cánh cùng Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, ủng hộ chủ trương khoán hộ của ông thì ít ai còn nhớ và biết đến. Ông là Lê Xuân Thiết, hiện bán vé số tại phía quầy vé số khiêm tốn nằm bên con đường dẫn vào chợ Thông - Hương Long, thành phố Huế.
          Huế mình cũng có rất nhiều "người đi trước" như vậy!.
          Họ đều có chung một điểm " tầm nhìn đi trước"  và "số phận long đong".
          Thế nhưng cuộc sống rất cần nhiều, rất nhiều "người đi trước" như vậy, vì sự tiến bộ của xã hội và suy cho cùng cũng là vì lợi ích của tuyệt đại đa số người dân.

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Thursday 12 May 2016

ĐỒNG TIỀN ĐẦU TIÊN


          Nói về tiền bạc, nhân gian thường ngại ngùng, có ý tránh hoặc nếu buộc phải phát biểu  chính kiến thì đa phần nêu ra ý nghĩa tiêu cực về nó ví như "Có tiền mua tiên cũng được" hay "Nén bạc đâm toạc tờ giấy". Tôi thì thấy để cho công bằng thì phải đề cập tới nguồn tiền, tiền của một người có được do đâu mà ra?. Làm ăn chính đáng, lương thiện, trở nên giàu, có nhiều tiền...không nhẽ lại không được kính trọng?. Hình như thói đời vẫn còn có ác cảm với những người có tiền, không cần phân biệt nguồn tiền mà người đó sở hữu được.
          Tôi  còn nhớ  như in những cảm xúc lần đầu được nắm giữ những đồng tiền do mình làm ra. Khi đó  khoảng 5 tuổi, tôi học theo mấy bác  nông dân gần nhà, tự làm một bè bèo chỗ ao cạn, vớt bùn tấp lên rồi xin những gốc rau muống "cặm" lên đó. Ngày nào, buổi chiều đi chơi về tôi cũng tranh thủ ghé tát nước cho "bè rau của tôi". Khoảng một vài tuần thì bè rau xanh tốt. Tôi bứt từng cọng rau non nhất, buộc thành một bó nhỏ gọn bằng lá chuối khô. Khi bước lên bờ thì có một người hình như đi chợ chiều về thấy tôi xách bó rau non thì hỏi : "Cháu có bán không dì mua cho?". Tôi không biết trả lời ra sao thì dì đó nói tiếp "Thôi dì trả con tiền đây nì, về đưa cho mẹ nghe, đừng ăn hàng hư người đó!".
          Tôi nhìn thấy mấy đồng xu trong tay dì, loại mẹ hay cho tôi  mua quà vặt ở quán xép đầu làng thì thích lắm, nhanh tay đưa bó rau muống cho dì và nhận tiền (thực ra tôi sợ dì đổi ý không mua nữa). Ôi đồng tiền đầu tiên trong đời của mình, do mồ hôi và lao động của mình mà có được, làm tôi sướng rơn. Tôi không nhớ chuyện gì xảy ra sau đó, và nhất là việc dùng tiền để làm gì?. Cũng có thể là tôi đã đã để mất, hoặc để quên đâu đó không còn tìm ra... Tuy nhiên, tôi nhớ là khoảng một tháng sau khi bán được bó rau muống, tôi bỏ tiền trong túi thắt bà ngoại cho để đựng bi, và ngày nào cũng mang ra xem, đếm đi đếm lại. Rồi có khi đem khoe với bạn nữa. Nhưng vì thói ham chơi và mau quên tôi có thể tôi đã làm mất những đồng tiền tự làm ra  đầu tiên của cuộc đời mình.          
          Sau này, trong giấc mơ, tôi vẫn mong tìm lại được những đồng tiền đầu tiên ấy, tuy ít ỏi nhưng đầy ý nghĩa với cuộc đời tôi, nó cho  tôi sáng suốt nhận ra được bản chất thực sự của đồng tiền và những người có tiền - những người đã lao tâm khổ tứ thế nào để có được nó.   

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday 9 May 2016

CÁ SẮT


Câu chuyện về “cá gỗ” ở Việt Nam có lẽ không ai là không biết, thời buổi xa xưa do cuộc sống còn khó khăn, trong bữa ăn không đủ điều kiện nên mới làm con cá gỗ, nhìn vào cá gỗ có thể tưởng tượng làm thức ăn chính và bữa cơm từ đó sẽ phong phú giúp cái cảm giác ngon miệng được nhân lên nhiều lần.
Tại Campuchia, đất nước láng giềng với chúng ta. Người ta không sử dụng “cá gỗ” như ở Việt Nam, họ dùng “cá sắt”. Nghe có vẻ như khó tin, ấy thế mà tại các tỉnh nghèo của đất nước này, việc có đủ điều kiện để đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho phụ nữ và trẻ em nơi này là rất khó. Để cân bằng dưỡng chất và cải thiện tình trạng thiếu máu do thiếu sắt của người dân nghèo. Trong mỗi bữa ăn người ta thả cá vào nồi, đun sôi khoảng chừng 10 đến 15 phút, từ đây lượng sắt trong con cá sẽ giải phóng ra và cung cấp cho người sử dụng.
Nhờ sử dụng phương pháp này, phần lớn trẻ em và phụ nữ ở tỉnh Kandal coi cá sắt như biểu tượng cho sự may mắn đồng thời đây là phương pháp giúp bổ sung chất sắt trong mỗi bữa ăn đối với người dân vùng Kandal nghèo khổ này.
Ngẫm lại mới thấy, có những phát minh tuy không cao xa lắm song đã giải quyết nhiều vấn đề mà từ xưa đến giờ không ai làm được. Phát minh của tiến sĩ khoa học Christopher Charles đến từ Canada.

Duy Tùng.
Cử nhân Môi Trường

Saturday 7 May 2016

ẨM THỰC CHAY


Có thể thấy, ẩm thực chay là món ăn không thể thiếu trong thời đại ngày nay. Ngày nay, ẩm thực chay không chỉ phục vụ riêng cho các nhà tu hành mà là món ăn được nhiều người ưa thích, từ người già cho đến người trẻ. Bởi những món ăn chay không những giúp con người tĩnh tâm, bớt sát sinh mà những món chay giúp cho chúng ta cải thiện sức khỏe, tránh được một số bệnh tật do các món ăn từ động vật mang lại.
Đặc biệt là trong thời đại ngày nay khi mà các thức từ ăn động vật đang ngày một bị ô nhiễm nặng, nhiễm các chất độc hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của con người. Khi thì gia súc gia cầm bị dịch cấm, cho ăn các chất độc hại để tăng năng suất...Đến nay thì do vùng biển bị ô nhiễm làm cho các loại hải sản cũng bị nhiễm độc chết hàng loạt...Dần dần người dân mất đi niềm tin trong cuộc sống và tự hỏi bây giờ thì ăn gì mới không bị ngộ độc.
Cuộc sống của chúng ta ngày càng hiện đại thì các thức ăn phục vụ cho chúng ta hàng ngày dường như cũng hiện đại hơn, như các loại thịt được tẩm các chất để tươi ngon hơn, thịt thối trở thành thịt tươi...Chính những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến những người tiêu dùng. Vì vậy, trước đây, người ta thường ăn chay vào những ngày rằm, mồng một thì ngày nay, những bữa ăn chay lại xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn. Có thể nói, ăn chay là một phương thức để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho chúng ta từ những thức ăn bị nhiễm độc từ động vật, góp phần cải thiện sức khỏe của bản thân. Giúp bản thân tránh khỏi những căn bệnh của thời hiện đại như ung thư, đái tháo đường...
Giới trẻ ngày nay cũng rất ưa chuộng ẩm thực chay , bởi những thực phẩm từ thực phẩm chay cũng góp phần làm đẹp cho vóc dáng của họ giảm béo phì và lão hóa. Với những lợi ích như trên thì ăn chay là một phần văn hóa tốt trong đời sống ẩm thực của người Việt Nam ta.

Phan Thị Mến
Cử nhân Kinh tế

Friday 6 May 2016

SUY NGẪM


Một lượng cá chết khổng lồ trôi dạt vào ven biển ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nước ta trong mấy ngày qua đã gây những ảnh hưởng không hề nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của các hộ dân ven biển từ các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế đặc biệt nói riêng và đại bộ phận khách hàng người tiêu dùng nói chung cũng tỏ ra vô cùng hoang mang với hiện tượng kỳ lạ này.
Trước vấn đề cấp bách này, Đoàn công tác của bộ Tài Nguyên và môi trường đã nhanh chóng bắt tay vào việc thăm và khảo sát để tìm ra nguyên nhân của sự việc hy hữu này. Trong khi kết quả điều tra còn chưa được làm sáng tỏ thì đời sống của bà con ven biển các tỉnh miền Trung nói chung và ven biển Thừa Thiên Huế nói riêng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề chưa từng có gây cản trở đến hoạt động kinh doanh buôn bán của các hộ dân ven biển. Ngư dân thì cất thuyền không ra khơi. Các cơ sở, nhà hàng hải sản cũng như các tiểu thương của chợ đang đứng trước nỗi lo vắng khách dài dài. Điều này kéo theo hoạt động vui chơi giải trí trên biển trong thời gian này cũng bị hạn chế rất nhiều. Với tâm lý sợ bị nhiễm độc, nên việc người dân không dám ăn cá biển cũng là điều dễ hiểu nhưng việc không dám đi tắm biển qua đó cho chúng ta thấy bản chất sự việc đã quá nghiêm trọng và có tác động mạnh mẽ như thế nào đến tâm lý lo lắng bất an chưa từng có từ trước đến nay. Từ những thông tin nguồn thịt nhiễm bẩn, phù phép từ thịt ôi thành thịt tươi, tôm sú thì bơm thạch để tăng trọng, rau thì bị phun thuốc, nhiễm khuẩn đến nay việc cá chết hàng loạt không rõ nguyên nhân càng làm cho người tiêu dùng ngày càng trở nên hoang mang và bất an đến cực độ. An toàn thực phẩm ở nước ta từ lâu luôn là vấn đề cấp bách và gây bức xúc trong cộng đồng. Mặc dầu các cơ sở ban ngành luôn cố gắng nỗ lực trong việc kiểm tra giám sát chất lượng hàng hóa, thực phẩm. Tuy nhiên việc ngăn chặn vẫn còn đang bị lơi lỏng, thiếu răn đe dẫn đến hành vi lách luật, đi cửa sau và tình trạng tái phạm vẫn cứ tiếp diễn gây biết bao nhiêu nguy cơ, hiểm họa đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Vì hám lợi, làm giàu nhanh nhất có thể mà người ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm đạo đức, coi thường sức khỏe và tính mạng của con người, những kẻ này cần phải được trừng trị một cách đích đáng trước pháp luật. Bản thân từ góc độ của người tiêu dùng, là nạn nhân của hành vi chế biến không an toàn chúng ta hãy tích cực đấu tranh lên án, mạnh dạn tố cáo những sai phạm bằng những hình thức khác nhau để nhằm ngăn chặn tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang theo chiều hướng báo động và trên hết là bảo vệ sức khỏe cho cho chính mình và cho cộng đồng xã hội.

Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Thursday 5 May 2016

NGHỀ ĐÁNH CÁ TRÊN BIỂN


Trong cuộc sống này nghề nào cũng quan trọng cả, khi “nghề” đã chọn ta thì xem như đó như là chữ “duyên”, và cố gắng sống vì nó. Đối với nghề đánh cá cũng vậy, dù gặp bao nhiều khó khăn trắc trở nhưng những người ngư dân vẫn cố gắng bám biển. Một phần họ vì yêu nghề, vì cuộc sống mưu sinh và phần còn lại là muốn lưu giữ và phát triển ngành nghề truyền thống của làng quê mình.
Để sống với nghề này họ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Cuộc sống của họ là những ngày tháng lênh đênh ngoài khơi xa, thời gian được sống bên cạnh gia đình con cái rất hiếm hoi. Vào những ngày ra khơi sóng biển yên bình thu hoạch nhiều cá thì đó là niềm hạnh phúc đối với họ, với vợ con họ. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Có những khi sóng to gió lớn thì những ngư dân trên thuyền phải gặp vô vàn khó khăn hiểm trở không lường trước được, có khi ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng lòng yêu nghề đã đánh thắng nỗi sợ hãi, dù thế nào họ cũng không thể tách rời biển được.
Mỗi khi thuyền rời bến để ra khơi họ phải chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để có thể sinh sống cả tháng trên biển. Họ chuẩn bị từ lương thực đến các thiết bị y tế, và bộ đàm dùng để liên lạc với trên bờ. Ngoài ra, nhờ có bộ đàm họ có thể liên lạc với thuyền bạn khi có tai nạn bất ngờ cần sự giúp đỡ và ngược lại.
Để sinh sống với nghề này họ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để đóng thuyền, có người đã dùng cả sổ đỏ để vay nợ ngân hàng. Niềm vui của họ là khi trở về nhà với đầy ắp cá trên thuyền, đó là thành quả sau những ngày tháng lênh đênh trên biển. Cảnh tượng từng người từng người chen lấn nhau để chọn được những  mớ cá tươi ngon đem về bán vào lúc sáng sớm tinh mơ, đó thật là một bức hình thật đẹp thật tự nhiên, ai nhìn thấy cũng phải ấm lòng.
Cuộc sống của người dân miền trung chủ yếu là bằng nghề biển. Nhưng hiện nay họ đã không biết định hướng đi về đâu, gia đình họ phải sinh sống ra sao khi tình trạng cá biển chết hàng loạt, họ không thể ra khơi đánh cá. Hy vọng những ngày tháng này nhanh qua đi, sẽ có những biện pháp được đề ra để khắc phục tình trạng này, để ngư dân có thể yên tâm bám biển nuôi sống gia đình.


Trần Thiên Tú Như
Cử nhân Kinh tế

Wednesday 4 May 2016

CHỊ BÁN VÉ SỐ


Tôi gặp chị khi cùng đi bộ trên con đường đất. Trưa nắng, con đường quá dài và câu chuyện được bắt đầu để nhịp chân đôi bạn đường bớt mỏi. Chị cũng là người xởi lởi, vui vẻ và thích bắt chuyện cộng với kiểu trả lời chân chất của người ở vùng nông thôn khiến câu chuyện ngày càng đậm đà.
Chị cho biết chị làm nghề bán vé số. Mỗi ngày chị đi từ sáng đến chiều và lộ trình chị đi kéo dài từ chợ Vỹ Dạ đến Hàn Mặc Tử. Tráo qua tráo lại cũng con đường đó cho đến khi nào hết vé số hay trời đã vào chiều thì trở về để kịp trả vé lại cho đại lý. Chị bảo ngoài làm ruộng chị thích đi bán vé số như vậy. Trung bình mỗi ngày không thể tính được vì theo chị có ngày "xui" ngày "hên". Ngày nào "hên" thì bán 100-120 cái, ngày nào "xui" thì 60-80 cái và mỗi cái vé số chị kiếm được 1.100đ. Có ngày chị bán được 140 cái, đó là ngày tuyệt vời nhất. Ngày nào bán không hết thì trả lại đại lý và cũng như mọi khách hàng của mình chị giữ lại cho mình một cái sau mỗi ngày thầm mong may mắn sẽ đến với mình vào một ngày đẹp trời nào đó.
Tuy chưa lúc nào chị may mắn cả nhưng chị cũng được khách hàng tặng cho một chút may mắn khi họ trúng vé số. Lúc đó bản thân chị cảm thấy rất vui vì mình cũng là người bán mát tay, có thể đem lại niềm vui cho người khác. Và ở vùng làm ruộng của chị thì thu nhập như vậy cũng ngang ngửa với những người làm phụ hồ mà lại nhẹ nhàng hơn, chủ động hơn. Thu nhập trong ngày của mình chị dành ra 20.000đ để ăn trưa, uống nước, số tiền còn lại chị đem về nuôi con. Như vậy là đã ổn. Buổi sáng xin đi quá giang, buổi chiều cũng xin quá giang và hôm nào không xin quá giang được thì phải đi bộ. Cũng như hôm nay vậy.
Cuối con đường đất là lúc chia tay mà vẫn còn lan man trong câu chuyện của chị. Vẫn không quên mời tôi mua vé số và chúc may mắn. Trong thâm tâm tôi cũng cầu mong may mắn sẽ đến với chị, đến với người phụ nữ nghèo, chất phác và chịu khó làm ăn. Còn với tôi, con đường về nhà đã trở nên gần rất nhiều ....


Nguyễn Thị Anh Đào
Cử nhân Anh Văn

Tuesday 3 May 2016

THI NHÂN



          Tiếng Việt có nhiều cái hay, người học toán giỏi mà áp dụng "phép qui nạp" cho tiếng Việt thì chắc sẽ bị "hố" nhiều nhiều. Ví dụ "mèo mun" thay cho mèo đen, "ngựa ô" thì phải là con ngựa đen, "thơ cũng có nghĩa là thi" nhưng "nhà thơ" chứ không phải là "nhà thi" và "thi nhân" chứ không phải là "thơ nhân".
          Cách đây gần 30 năm, nhà tôi đón một vị khách đặc biệt. Ông là bạn của ba tôi thủa tóc còn để chỏm, cùng con nhà nông, cùng tham gia Thiếu sinh quân chống Pháp, cùng quê Hương Thủy, Thừa Thiên. Ông mới được "thong thả" sau vụ án "bình về thơ ca" mạnh mẽ ở miền Bắc. Tới nhà tôi, ông như một nông dân chính hiệu: mũ lá cọ, áo quần nâu sòng, mang bị cói, đi guốc gỗ, ăn xôi bốc tay, uống rượu nút lá chuối.
          Đêm đầu tiên, ông và cha tôi đọc  và nói chuyện thơ cả đêm. Tôi mấy lần tỉnh giấc thấy hai ông còn chén tạc, chén thù, ngâm thơ.
          Tôi chưa bao giờ thấy cha tôi làm thơ, thế mà khi gặp "bạn thơ" ông cũng mạnh dạn đọc thơ của ông, không e ngại rằng trước mình là một "thi sĩ" nổi tiếng, rất nổi tiếng của cả nước. Mấy ngày sau, tôi thấy trong nhà treo vài bài thơ do cha tôi viết, được bác nhà thơ chọn lọc ra và một nhà thơ/ họa sĩ tên Hải Bằng viết thư pháp. Tôi từ đó tôi gọi cha tôi là nhà thơ XÓM - và những bạn thơ tới chơi trong nhà là XÓM THƠ.
          Rồi có tối, bác nhà thơ nói với tôi khi cả hai chuẩn bị đi ngũ: "Cháu à, bác là nhà văn, nhà thơ đây, nhưng là người Huế nên mấy cái dấu câu đánh bị sai. Cháu đọc tập bản thảo này rồi chỉnh sửa lại cho bác với nghe". Tôi hoang mang lắm. Đó là cuốn "Tuổi thơ dữ dội" sau này được dựng thành phim vang bóng một thời. Đọc chỉ vài trang thôi thì tôi say mê đọc một mạch cho đến cuối truyện, xong thì ngũ khèo, sức mô mà "xem dấu" cho bác nhà thơ này.
          Khoảng một tuần sau, nhà tôi chật ních người tới nghe đọc thơ. Nhiều người đề nghị đọc lại bài "Lời mẹ dặn", yêu cầu đó được lập lại nhiều lần. Người đọc thơ khóc, người nghe thơ cũng nước mắt lưng tròng, tôi lơ ngơ không hiểu mô tê chi cả...
          Sau gần 60 năm ra đời, mong đọc giả tìm và thấu hiểu nội dung của bài thơ , để rõ tấm lòng của một người rất yêu mến nhân dân, đất nước và dân tộc này, nhưng đã chịu nhiều điều oan trái do bị hiểu nhầm.
         
          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)