Friday 30 October 2015

HOMEKOROSU - Khen cho nó chết



          Ai học thêm được một ngoại ngữ thì càng thêm có điều kiện để tiếp cận nên văn hóa nước đó.
          Cách dùng từ hoặc từ vựng, nếu nghiên cứu theo ngành "từ nguyên" sẽ mang lại nhiều điều thú vị.
          Ai cũng hiểu, tu thân có nghĩa là làm sao để loại bỏ bớt đi cái "tham, sân, si" vốn tồn tại trong mỗi con người. Khi gạt bỏ được hết 3 thứ đó, thì thành Phật.
          Người thường, chưa thành Phật thì hàng ngày phải trực diện với 3 thứ đó, 3 thứ tuy tách rời nhưng lại có quan hệ chặt chẽ với nhau.
          Người Nhật ngày nay văn minh là vậy nhưng ngày xưa họ bị coi là "chậm tiến, lạc hậu" so với Trung Hoa. Các tư tưởng lớn, cả đạo Phật đều tới từ Trung Hoa, cho nên trong quá trình phát triển của mình ngôn ngữ Nhật cũng có những từ chỉ tàn tích của "tham sân si".
          Tôi chọn một từ để minh họa cho điều này, đó chính là  tựa đề của bài viết này. 'HOME' chính là "thể rút gọn" của động từ 'HOMERU' có nghĩa là "khen tặng".
'KOROSU' có nghĩa là 'SÁT', hoặc 'GIẾT'.
          Homekorosu: có nghĩa đen là: "Khen cho nó chết". Kỳ lạ thay tiếng Việt có từ tương đương.
          Báo chí hiện nay có hiện tượng  tâng bốc nhiều cá nhân lên mây mặc dù cá nhân này không có thực tài lại mỏng đức. Phải chăng báo chí đang áp dụng chiêu thức "Tôn Tử"?

          Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Wednesday 28 October 2015

MỘT THỜI ĐỂ NHỚ


Thấm thoát thời gian trôi qua nhanh thật. Ngoảnh đi ngoảnh lại mới đó đã ra trường và đi làm được gần 10 năm. Bạn bè giờ mỗi đứa mỗi phương, đứa nào cũng đã lập gia đình và có con cái đề huề cả rồi. Giật mình nhìn lại, thì ra chúng ta cũng đã đi được nửa chặng đường đời. Ra trường, mọi người ai cũng bị cuốn theo guồng quay của cuộc sống, cơm áo gạo tiền, gia đình, nhà cửa nên cũng mấy khi mới được gặp nhau.
Nhớ hồi đó còn đi học, cả nhóm ở chung một xóm trọ, cùng ăn cùng học cùng chơi biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của thời sinh viên. Dù mỗi đứa mỗi quê, mỗi đứa mỗi hoàn cảnh và tính cách hoàn toàn khác nhau nhưng thân nhau như anh chị em một nhà bởi đứa nào cũng phải xa quê, xa gia đình để đi học Đại học.
 Tuổi sinh viên nói đã trưởng thành thì cũng chưa hẳn đã trưởng thành nhưng cũng không còn là con nít nữa, thế nhưng cái tính tinh nghịch và ham chơi thì vẫn còn tồn tại trong tính cách của mỗi đứa. Lúc học thì học cũng ghê lắm, nhưng khi chơi thì chơi cũng không ai bằng. Tôi còn nhớ như in khi mỗi mùa thi tới, cả năm trời không chịu học hành gì, đến ngày thi thì đứa nào đứa nấy đều cắm đầu vào quyển sách không rời, học quên ăn quên ngủ. Có những lúc, đang cắm cúi học im phăng phắc thì được thầy cô thông báo thi cho nhìn tài liệu, thế là cả xóm trọ la hét um xùm, túm tụm nhau lại chơi đánh bài xả xì trét... Cái thời sinh viên đúng là cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới". Nhưng đến năm cuối thì đứa nào đưa nấy đều phải học hành chăm chỉ, chuẩn bị tìm việc để khi ra trường không phải thất nghiệp. Ấy thế mà bây giờ đứa nào cũng đã có công việc ổn định. Thỉnh thoảng gặp nhau lại kể cho nhau nghe về cái thời đáng nhớ ấy.
Thời sinh viên đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai mờ. Đó là những chuỗi dài đầy ắp những kỷ niệm, buồn có , vui có. Xa rồi cái thời sinh viên nhưng nhiều lúc nhìn lại, mình đã có một cuộc đời sinh viên thật đẹp!

Phan Thị Mến
Cử nhân QTKD

Tuesday 27 October 2015

XE BUS

         

Có dịp ra Hà Nội làm việc và tham quan một số nơi mới thấy ở một nơi có nét khác biệt so với nhiều vùng khác.
Nói đến xe bus hẳn rất tiện lợi đối với mọi người sống ở Hà Nội cũng như khách thập phương đến đây. Sử dụng xe bus có thể nói về giá cả thì có lẽ rẻ hơn nhiều so với cách thức di chuyển taxi, xe ôm …Giá một lượt lên xe bus thông thường những quảng đường cố định thấp nhất là 7.000 đồng/người/lượt. Lựa chọn phương tiện xe bus còn tiện lợi về mặt thời tiết bởi ngồi trong xe chúng ta có thể tránh mưa, tránh nắng. Đi xe bus còn góp phần làm giảm ách tắc giao thông đồng thời còn bảo vệ môi trường ngày càng xanh và sạch hơn.
Mới đón khách được 2 điểm, chuyến xe bus 47A  Long Biên – Bát Tràng đã hết 26 chỗ ngồi, chỉ còn lại gần 30 chỗ đứng. Hành khách trên điểm dừng tiếp theo cứ thế lên xe theo 2 cửa trước và sau nườm nượp.
Là một trong những hành khách trên chuyến xe bus, chứng kiến cảnh thanh niên nhường chỗ cho cụ già, phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em mới thấy được người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng rất văn minh và lịch sự. Tuy quãng đường đi xe bus ngắn ngủn song với cách ứng xử có văn hóa đó mới thấy việc hình thành ý thức trong mỗi hành khách trên mỗi chuyến xe là nét đẹp văn hóa trên mỗi chuyến xe.
Nếu bạn có dịp đến Hà Nội hoặc một số tỉnh thành khác có xe bus, hãy thử một lần trải nghiệm để có thể trực tiếp quan sát và cảm nhận riêng theo mỗi cá nhân chúng ta nhé.
Chúc mọi người có 1 chuyến xe bus an toàn và vui vẻ!

Nguyễn Duy Tùng

Cử nhân Môi Trường

Monday 26 October 2015

CĂN BỆNH VÔ CẢM


“ Thương người như thể thương thân
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hay
“Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng một giống nhưng chung một giàn”
Nhắc đến câu ca dao này tôi không khỏi ngậm ngùi cho một thế hệ ông cha đã có công dựng nước, và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Nhưng tiếc thay trải qua một quá trình đổi thay lịch sử, đổi mới đất nước sau chiến tranh dường như biến xã hội con người đang đi ngược lại với những truyền thống đạo đức nhân ái, vị tha đã có từ bao đời nay của dân tộc ta. Dần dà, người ta đánh mất những gì thuộc về giá trị thực của bản thân, niềm tin yêu vào cuộc sống, về sự sẻ chia yêu thương với con người xung quanh để tự chuốc cho mình một căn bệnh có thể gọi là nan y có tên là “vô cảm “. Bệnh vô cảm được thể hiện bởi sự thờ ơ, không cảm xúc trước bất kỳ một sự vật, sự việc xung quanh. Đây có thể gọi là một dạng bệnh thuộc về tâm lý. Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước như thế này cũng là điều kiện thuận lợi cho căn bệnh này sớm lây lan một cách nhanh chóng và bùng phát một cách rộng rãi. Nó không chỉ diễn ra ngoài xã hội mà còn xâm nhập vào trong gia đình, người thân ruột thịt, anh em thù hằn vì giành giật tài sản, con cái bất hiếu chối bỏ trách nhiệm với cha mẹ già…
Đất nước phát triển kéo theo nhu cầu của con người cũng cần thiết phải được đáp ứng một cách đầy đủ về cung và cầu. Tuy nhiên quan niệm cuộc sống không biết thế nào là đủ đã khiến con người ta trở nên tham lam, ích kỷ và cũng chính trong những suy nghĩ tiêu cực đó, chữ “con” bản năng trong con người đã vô tình lộ ra, dần lấn át chữ “người” khiến chính ta đánh mất bản thân và trở nên lạnh lùng vô cảm trước cuộc đời. Trong vòng xoáy cuộc đời, con người dễ dàng  bị lung lay và bị cuốn vào  những thứ vật chất phù phiếm để đánh đổi lấy nhân cách, đạo đức vốn có của mình cốt chạy theo danh vọng, tiền tài và tự dĩ khoác lên cho mình một bộ mặt lạnh lùng, vô cảm với cộng đồng. Căn bệnh vô cảm có thể kể đến vụ hôi bia gây chấn động tại Đồng Nai biến Người Việt càng trở nên xấu xí đáng hổ thẹn trước bạn bè quốc tế,  hay là sự vô tư cười đùa thậm chí là chụp ảnh “ tự sướng “ trong đám tang của người nổi tiếng, vô cảm thờ ơ trước người gặp nạn, người tàn tật, và miệt thị và xa lánh với những người nhiễm HIV, ma túy…
Vô cảm nếu không được ngăn chặn một cách kịp thời sẽ để lại vô số những hậu quả khủng khiếp và khó lường cho xã hội, cộng đồng và đất nước. Nó biến con người trở thành kẻ vô trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hóa thậm chí là kẻ tội đồ. Và nổi cộm trong thời gian gần đây phải kể đến vụ án gây chấn động dư luận giết chết gia đình sáu người ở Bình Phước đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho bộ phận giới trẻ đang bị tha hóa, và biến chất trong xã hội hiện nay.
Xã hội đang còn đó biết bao nhiêu những số phận, kiếp người cần được giúp đỡ, sẻ chia và đồng cảm. “ Người với người sống để yêu nhau”. Một xã hội không có tình yêu, một xã hội vô cảm là một xã hội chết. Hãy nói không với vô cảm, ra sức rèn luyện bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức bản thân, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ để sớm trở thành những công dân có ích cho xã hội là cách để bài trừ căn bệnh vô cảm ra khỏi cộng đồng.

Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn

Saturday 24 October 2015

TẶNG QUÀ CHO GIA ĐÌNH NGHÈO CÓ BA NGƯỜI CON ĐẬU ĐẠI HỌC Ở THÔN TRÚC LÂM – PHƯỜNG HƯƠNG LONG



 Sau khi nhận được thông tin về một gia đình nghèo có 3 người con đều thi đậu đại học trong một năm, nghe thật là khó tin nên chúng tôi đã tiến hành khảo sát trường hợp này và sự thật là đúng như những thông tin mà chúng tôi đã nhận được. Đến thôn Trúc Lâm, phường Hương Long, thành phố Huế hỏi gia đình bà Lê Thị Ty thì từ người già cho đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết. Bà Ty làm nghề buôn bán ve chai còn chồng bà do bị bệnh thoái hóa cột sống nên hằng ngày chỉ ở nhà trông coi nhà. Bà Ty có 5 người con, người con đầu mới tốt nghiệp đại học chưa có việc làm, 3 người mới thi đậu vào đại học năm nay và một người đang học lớp 8. Với thu nhập chủ yếu dựa vào việc buôn bán ve chai mà phải lo cho người chồng bị bệnh và 5 đứa con ăn học nên cuộc sống của gia đình bà là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với bản chất của một người phụ nữ Huế, cần cù, chịu khó, đảm đang... 

Hàng ngày bà vẫn chăm lo mua bán, dành dụm để lo cho chồng và các con ăn học. Nhằm động viên, chia sẽ khó khăn với gia đình cũng như giúp các em có điều kiện để đến trường, vào ngày 22/10/2015 Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập đã trích 2 triệu đồng từ ngân sách dành tặng cho các trường hợp thương tâm để tặng cho gia đình, nhận được phần quà mà chúng tôi trao tặng bà đã rất cảm động, vì để có được số tiền này bà phải mất gần một tháng đi mua ve chai mới có được. Hy vọng số tiền này sẽ giúp bà giảm bớt gánh nặng trong việc lo tiền nộp học đầu năm cho các con, cũng như động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Xuân Quý
Cử nhân Kinh Tế

Friday 23 October 2015

Cuộc sống ảo trên Facebook


Theo thống kê có hơn 1,49 tỷ người đang hoạt động trên facebook và các mạng xã hội khác, điều này cho thấy mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống phần lớn chúng ta hiện nay, có 2 cuộc sống tồn tài song song, đó là “cuộc sống ảo” trên facebook và “cuộc sống thực” ngoài đời, có thể mỗi ngày có hơn 80 triệu bức ảnh được  đăng lên Instagram và facebook, những bức ảnh lung linh, hào nhoáng nhưng đằng sau những bức ảnh xinh đẹp đó có thể là cuộc đời thực, nó khác xa rẩt nhiều với “cuộc sống ảo” trên mạng xã hội…

Có thể hôm nay thấy bạn đang đi du lịch ở đâu đó, ngày mai thấy bạn đang ở trung tâm mua sắm lớn, rồi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng nhưng ai biết được đằng sau đó có thể một cuộc sống nợ nần bê bối…vì thế con người rất dễ sinh ra tính đố kỵ ghen ghét với người khác, đây chính là vấn nạn xã hội.. bởi mỗi khi đố kỵ sẽ chẳng bao giờ tiến bộ được, thống kế cho thấy có rất nhiều người cảm thấy mặc cảm khi người khác đăng tải những bức ảnh lên facebook, thậm chí thấy tủi thân khi người khác được nhiều lời chúc mừng sinh nhật hơn mình, mạng xã hội tạo ra sức ép cho giới trẻ buộc phải khoe một cuộc sống hoàn hảo…

Rồi cuộc sống cá nhân không còn riêng tư nữa, chuyện vợ chuyện chồng, thậm chí những chuyện thầm kín cũng không còn riêng tư, ai cũng muốn mình “được” hơn người khác, cứ “show off” lên mạng xã hội, được chồng/vợ tặng quà cũng đăng tải lên, chồng/vợ đánh nhau cũng đăng tải lên facebook, rồi thậm chí có những bà mẹ con đau ốm không đi bác sĩ mà chỉ chụp ảnh đưa lên facebook rồi nhờ các bà mẹ thông thái chẩn đoán bệnh tình, bla bla… rồi không biết bao nhiêu hệ lụy theo đó mà xảy ra….

Chúng ta phải nên ý thức rằng ngoài cuộc sống ảo trên mạng xã hội chúng ta còn cuộc sống thực ngoài đời, bàn bè thực và những lo toan đời thường là thực, đó là cuộc sống cơm áo gạo tiền…cuộc sống ảo chỉ là cuộc sổng ảo mà thôi đừng để cuộc sống ảo tạo ra sức ép cho chính mình, đừng cố chạy đua theo những giá trị ảo để nhằm chứng minh cuộc sống của mình là hoàn hảo, không có gì là hoàn hảo trên mạng xã hội, chúng ta biến cuộc đời thực của mình trở nên hoàn hảo đó mới chính là giá trị của cuộc sống!


Đinh Thúy Hằng
Cử nhân Anh Văn
Trung cấp Kế toán

HÃY SỐNG VUI


Có khá nhiều cách đối mặt với cùng một vấn đề. Tiêu cực hay tích cực - tất cả là do mình chọn lựa. Chỉ cần nhớ, cuộc đời ngắn ngủi, hãy sống vui! Hãy khiến bản thân vui vẻ bằng cách chia sẻ niềm vui cùng người khác, thay vì ở một mình, gặm nhấm nỗi cô đơn buồn bã. Chúng ta so sánh mình với người khác chỉ để thấy rằng hiện tại của ta không đủ tốt. Và bằng cách đó, ta gây áp lực không cần thiết lên chính mình. Và đó là khởi nguồn của mọi bi kịch.
Có ý chí vươn lên chinh phục những điều tốt hơn là việc đáng hoan nghênh, bởi lẽ nó là nguồn động lực để ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, cũng cần phải trân trọng cái nền tảng nơi mình đang đứng, những gì đang có trong tay. Đôi khi mình dồn sức chiến đấu vì những điều to tát, mà bỏ qua những niềm vui hàng ngày: tiếng cười của con trẻ, sự quan tâm chăm sóc của người thân, một cuốn sách hay, hay một mái nhà che chở ta khỏi sương gió nắng mưa. Đừng bao giờ quên những điều nhỏ bé mà quý giá vô cùng đó!
Cuộc sống vốn đã đủ phức tạp rồi, không cần phải trầm trọng hóa mọi thứ thêm nữa. Nếu bạn có thể làm điều gì đó để đơn giản nó, hãy làm. Nếu không, hãy để mọi thứ được tự nhiên. Nếu bạn chưa tìm thấy đam mê thực sự, hãy thử nhiều công việc khác nhau cho đến khi tìm thấy nó. Nếu bạn thích làm nhiều việc, hãy làm tất cả, lần lượt từng việc một. Chỉ có những ý nghĩ phức tạp mới khiến ta lo lắng. Hãy suy nghĩ đơn giản, làm những gì mình muốn và tận hưởng cuộc sống!
Khi xã hội phát triển, cuộc sống trở nên bận rộn, mọi người dễ bị stress hơn. Bạn đã quen cạnh tranh để giành những thứ tốt nhất. Tiền bạc, danh vọng và quyền lực trở thành thước đo hạnh phúc mà người ta sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được.
Chúng ta trở nên mong manh, dễ bị ảnh hưởng bởi người khác, dễ tổn thương, luôn căng thẳng và không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì ta có. Rốt cuộc chỉ có chúng ta là buồn bã, mệt mỏi và chán nản. Đó là khi ta cần phải nghỉ ngơi, nhìn sâu bên trong bản thân mình và tìm hiểu về bình an nội tâm.
Chúng ta nên biết cân bằng giữa thế giới nhỏ của bản thân và cuộc sống bên ngoài. Đôi khi, con người cảm thấy lạc lõng, hoặc không biết phải làm gì với cuộc đời mình, đó là khi kết nối với thế giới bên trong bị gián đoạn. Hãy dành thời gian tận hưởng không gian riêng tư và tìm hiểu thêm về bản thân mình, hãy lắng nghe cảm giác từ bên trong, hãy nhìn thấu những mong muốn của bản thân, hãy xem liệu ta đang có đang gặp bất ổn, và nếu có thì vấn đề nằm ở đâu. Càng biết rõ mình, ta  sẽ càng bản lĩnh trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.

Khánh Linh
Cử nhân Anh Văn

Trung cấp Kế Toán

Wednesday 21 October 2015

Chị lao công đêm đông quét rác


Đã từ xa xưa người làm nghề quét rác đã làm lay động lòng người thổn thức, và “tiếng chổi tre” đã đi vào kí ức của nhiều người, đặc biệt là nguồn cảm hứng cho bao thi sĩ  thơ ca sáng tác. Như Nhà thơ Tố Hữu đã từng ngậm ngùi, đồng cảm và tạc nên hình tượng người phụ nữ quét rác đêm đông mãi đến bây giờ nhiều bạn đọc không thể nào quên:
“Những đêm đông 
Khi cơn dông 
Vừa tắt 
Tôi đứng trông 
Trên đường lặng ngắt 
Chị lao công 
Như sắt 
Như đồng 
Chị lao công 
Đêm đông 
Quét rác...”

Để được sống trong một môi trường trong lành, sạch đẹp, mỗi người chúng ta phải luôn nhớ đến công ơn của những người quét rác, dọn dẹp vệ sinh môi trường. Nghề lao công luôn phải làm việc ngoài trời dù nắng gắt hay mưa rét. Càng vất vả hơn là đối với phụ nữ tay yếu chân mềm, nhưng Nhà thơ Tố Hữu lại ví “như sắt, như đồng”. Chỉ có đồng, sắt mới chống chịu được cái nóng rát da và cái rét thấu xương khắc nghiệt của miền quê xứ Huế. Nhà thơ thật sự đồng cảm nỗi cực nhọc, vất vả của chị lao công xứ Huế.Vào mùa mưa rét, lũ lụt thì chị lao công càng vất vả hơn vì càng nhiều rác, đất, bụi,…và phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt mưa gió.
Khác với sự đồng cảm của Nhà thơ Tố Hữu, nhiều người tỏ ra xem thường vai trò của người lao côngMấy khi người ta nhìn chị lao công quét rác với lòng biết ơn, chỉ nghĩ rằng họ làm cũng vì miếng cơm, manh áo. Không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ đâu, chị lao công gắn bó với biết bao nhiêu khó khăn trong công việc, ngày đêm cống hiến cho quê hương, đất nước, góp phần bảo vệ môi trường, mang lại môi trường sạch đẹp, văn minh cho đường phố ngõ hẽm, không khí trong lành cho hơi thở của mọi người thật an toàn, lành mạnh.
Chị lao công là tấm gương để những người làm những ngành nghề khác noi theo. Là người đáng được tuyên dương, khen tặng.

Hồ Sơn
Cử nhân Kinh Tế, Đại Học Kinh Tế Huế

Monday 19 October 2015

GIAO HỮU MỪNG NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 2015












        Vào chiều tối ngày 18/10, Đội Banh CESR FC đã đá giao hữu với đội tuyển Hue Foods. Do trận cầu trước đây bất phân thắng bại với thế trận CESR liên tục bị dẫn điểm và chỉ gỡ huề trong những giây bù giờ cuối cùng nên trận cầu này CESR phải tổ chức lại sơ đồ chiến thuật một cách hợp lý nhất. Đội bạn rất mạnh, đã tích lũy kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao trong mấy năm qua.

        Trận này đội bạn có ưu thế về thể lực và tinh thần ( cửa trên) nên đã dồn lên tấn công mạnh mẽ ngay từ đầu trận, CESR buộc phải đá với đội hình thấp với chiến thuật phòng thủ phản công. Do vậy, chỉ trong 10 phút đầu hiệp 1 tiền đạo cánh trái của CESR đã 3 lần bỏ lỡ cơ hội khi đối mặt với thủ môn đội bạn.

        Sau khi các vị trí trên sân đã có cảm giác tốt với trái bóng, các tuyển thủ CESR đã đẩy nhanh tốc độ trận đấu và đã ghi bàn dẫn trước 3-1, những phút cuối cùng của hiệp 1, CESR bị gỡ hòa từ  những bàn phản công nhanh của đội bạn và  cú sút phạt tuyệt đẹp trong một tình huống cố định.

        Sang hiệp 2, với lợi thế về thể lực (do hiệp 1 đá đội hình thấp, ít di chuyển) CESR đã pressing toàn sân. Đội bạn lạii quay về thế trận phòng thủ phản công và đã tận dụng được cơ hội khi thủ môn của CESR mắc lỗi vị trí.

        Tuy nhiên, do tận dụng tốt các đường chuyền "như đặt" của hàng tiền vệ, CESR cũng đã ghi thêm 2 bàn thắng, và tỉ số cân bằng 5-5.

        Vào những giây cuối cùng, CESR có thể đã đặt dấu chấm hết cho Hue Food nếu cầu thủ U50 vào sân thay người cuối hiệp 2 không bỏ lỡ cơ hội "đá ra ngoài khó hơn đá vào trong" với tình huống nhận bóng cách cầu môn trống không có 2 mét. Cầu thủ U50 này được bầu chọn là cầu thủ "ẹ" nhất của CESR trong chiều 18/10.

        Tuy nhiên, ở độ tuổi U50 mà vẫn còn chơi bóng, lịch sử túc cầu thế giới cũng chỉ ghi nhận có vài U50 chơi bóng đỉnh cao như: Miola (Camerun), Zola (Ý), Dinozop (Ý); Shinton (Anh).

        "Xuýt xoa", "tiếc nuối"...cũng là một phần của trận cầu đẹp ngày hôm qua, khán giả cũng được thưởng lãm (miễn phí) các pha bay lượn như chim của thủ môn hai đội và bóng 6 lần đập xà ngang cột dọc chia đều cho cả 2 bên.

        Trọng tài (quốc tế) Mr.SƠN "iFa" đã điều khiển tốt  trận cầu này. Mr SƠN "iFa" là người mặc áo xanh đọt chuối chụp hình lưu niệm với các tuyển thủ của CESR.


        Cảm ơn các người đẹp và các em nhỏ đại diện  cổ động viên 2 đội đã ra tới sân xem và cổ võ.


Phóng viên CESR Sport

Saturday 17 October 2015

LÀM HẾT CHỨC TRÁCH


        Từng học tiếng Nhật và làm việc trong công ty Nhật cũng như sinh sống học tập tại đất nước mặt trời mọc, tôi phần nào hiểu được văn hóa và con người nước bạn.

        Người dân nước bạn được giáo dục về lòng tự trọng và làm việc cần mẫn, hết sức trách nhiệm.

        Nhiều người bạn đồng niên làm việc trong các công ty Nhật tại Việt Nam đều than phiền rằng: tụi mình đã hết sức cố gắng để hoàn thành công việc mà không bao giờ thấy sếp Nhật khen lấy lòng một câu.

        Bạn tôi không biết rằng đối với người Nhật thì việc hoàn thành tốt công việc là việc đương nhiên rồi, chỉ khi nào làm việc hơn thế, có nhiều sáng kiến, cải thiện ( kaizen), phát minh mang lại hiệu quả cao hơn, lợi ích cao hơn thì mới gọi là "có đóng góp" và được mời  tham gia một buổi họp để nhận lời khen thưởng và phổ biến "tính mới" đó.

        Đây là tính cách tốt của người Nhật  mà người Việt cần học hỏi.

Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Thursday 15 October 2015

ANH LỚN



          Tôi là con trai đầu nhưng bước ra xã hội được gặp rất nhiều người tôi coi nhau như anh em, trong số đó tôi thầm gọi anh là anh "lớn".
          Anh không cao lớn về thân hình, có thể nói đó là người có chiều cao trung bình ở Việt Nam.
          Anh không có học vị lớn về khoa học, với anh tất cả kiến thức học được là từ những ngôi trường làng.
          Anh không có chức vụ địa vị gì cả, ngoài chức "ông ngoại" mà bạn bè hay gọi trong các buổi "lai rai".
          Anh không có tài sản kếch sù để được gọi là đại gia.
          Nhưng anh "lớn" bởi cái tình anh cư xử ở đời, nó lớn và chinh phục được nhiều người. Anh sống chân thật, hay giúp đỡ tha nhân, luôn đầy ắp niềm lạc quan yêu đời, bảo vệ lẽ công bằng. Anh hay làm cái việc mà nay hiếm tìm thấy: "Vác tù và hàng tổng". Gặp ai anh cũng hỏi han có khó khăn gì không để tìm cách giúp, giúp trực tiếp không được thì nhờ bạn bè giúp, bạn bè giúp chưa xong thì nhờ các anh em trong nhà đứng ra giúp...Có ai như anh "lớn" tôi không?. Có ai làm việc vô vị lợi như anh không? Càng tự hỏi, tôi càng cảm nhận một nhân cách "lớn" trong con người anh. Tôi rất khâm phục người Nhật, tôi cũng khâm phục anh trong sự so sánh vô biên.
         
Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);

Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Monday 12 October 2015

NIỀM VUI VÀ NỔI BUỒN CỦA GIA ĐÌNH NGHÈO CÓ BA NGƯỜI CON ĐẬU ĐẠI HỌC






          Căn nhà tạm của gia đình ông Võ Nhật Thống (52 tuổi) và bà Lê Thị Ty ( 48 tuổi) ở thôn Trúc Lâm, phường Hương Long, thành phố Huế trong những ngày này luôn có nhiều người đến chia vui khi hay tin cả ba người con của ông bà đều thi đỗ vào đại học. Hoàn cảnh của gia đình ông bà rất khó khăn, chồng bà bị thoái hóa cột sống không làm việc được nên một mình bà với nghề thu mua ve chai nhưng vẫn cố gắng để lo thuốc men cho chồng và nuôi 5 người con ăn học. Người con đầu của ông bà mới tốt nghiệp đại học sư phạm năm trước nhưng vẫn chưa có việc làm, hiện tại người con này mở lớp dạy kèm ngay tại nhà để kiếm tiền nuôi sống bản thân và giảm bớt gánh nặng kinh tế cho mẹ. Trong số ba người con thi đỗ vào đại học năm nay thì có lẽ trường hợp của cô con gái thứ hai Võ Thị Huệ là đặc biệt nhất, khi mới học xong lớp 6 thì ba bị ngã bệnh nên em phải nghỉ học để đi giữ em cho người ta kiếm tiền phụ giúp mẹ lo thuốc than cho ba và lo cho anh cùng 3 người em ăn học, sau ba năm đi giữ em và tình hình bệnh tình của ba cũng đở hơn rất nhiều nên Huệ xin mẹ cho đi học lại. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào gánh ve chai từ sớm đến tối của bà nhưng vì con quá thích đi học nên bà đành chấp nhận để cho em đi học lại và như vậy là Huệ cùng với hai người em sinh đôi học cùng một lớp. So với các bạn cùng trang lứa thì Huệ thiệt thòi hơn rất nhiều, hết giờ học Huệ phải đi làm thuê như rửa chén bát, phục vụ ở quán cà phê, dọn dẹp nhà cửa… để kiếm tiền đi học, nhưng trong những năm qua Huệ luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường, là một tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó để các bạn trong trường học hỏi, noi theo.
Trong một năm với ba người con đều thi đậu vào đại học ( Em Võ Thị Huệ đậu Trường đại học sư phạm - Huế, em trai Võ Nhật Thiện đậu Trường đại học Bách Khoa Đà Nẵng, còn em gái Võ Thị Thanh thì đậu vào khoa du lịch Đại học Huế) cùng người út hiện đang học lớp 8 và người con đầu ra trường chưa có việc làm, không biết bà sẽ xoay sở như thế nào để lo 4 người con ăn học và thuốc men cho người chồng bị đau ốm, trong khi nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào gánh ve chai của bà.
Bà Lê Thị Ty - mẹ của Huệ chia sẽ: “ Với nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào gánh ve chai, nếu thời tiết thuận lợi thì đi từ sáng đến tối có thể kiếm được khoảng 100.000đ/ngày, nhưng nếu vào mùa mưa thì đi cả ngày cũng không có đồng nào, chồng thì đau ốm, người con đầu thì chưa có việc làm và 4 người con đều đang đi học nên nhiều lần bà khuyên con nghỉ học để đi làm nhưng mỗi lần như vậy các con bà lại khóc năng nỉ mẹ cho con được đi học, thương con và thấy con quá ham học nên bà đành cố gắng để các con đi học, nhưng với ba người con cùng học đại học như thế này thì không biết tôi có thể lo nổi cho chúng học xong đại học hay không nữa
Phía trước là một chặng đường gian nan đang chờ đợi ông bà và các em, không biết họ sẽ xoay sở thể nào để vượt qua nó, nhưng nếu được các nhà hảo tâm và cộng đồng quan tâm giúp đỡ thêm thì tôi tin chắc là họ sẽ vượt qua. Đây là một trường hợp rất đặc biệt, rất cần sự chung tay giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm và của cộng đồng để giúp các em có thể thực hiện được ước mơ của mình

Nguyễn Xuân Quý
Cử nhân Kinh Tế

Friday 9 October 2015

GIÂY & PHÚT

 

Những ai chưa biết quí trọng từng phút từng giây đồng hồ trong cuộc sống nếu xem trận cầu tối 8/10 giữa tuyển Việt Nam và tuyển Iraq sẽ cảm nhận sâu sắc hơn về thời gian.
Khi tổ trọng tài báo có 5 phút bù giờ và trận đấu đang bươc vào những giây cuối cùng và tuyển VN đang dẫn 1-0 với thế trận rất tốt thì ai cũng chắc rằng đội tuyển thân yêu của chúng ta sẽ chắc thắng.
Thế mà 10 giây cuối cùng, sự việc "bất ngờ" lại đến bởi một sự kiện không ai ngờ. Còn 15 giây cuối cùng, cầu thủ VN tranh bóng và đã chuyền quả bóng đoạt được lên cánh trái vượt qua vạch giữa sân vào sâu trong phần sân đội Iraq. Tiền vệ cánh trái của Việt Nam, nếu giữ banh tốt bằng cách dốc thẳng banh dọc biên rồi giữ banh hoặc phá banh xa ngoài khung thành thủ môn Iraq thì chắc chắn khi đội bạn bắt đầu phát độnglại đường bóng tấn công từ cuối sân (sau pha bóng này) thì trọng tài chính sẽ thổi hết giờ.
Tuy nhiên, cầu thủ tiền vệ đội Việt Nam lại không đủ tỉnh táo để tính việc này, anh tưởng trận đấu còn nhiều thời gian, VN có thể gây nguy hiểm từ đường lên bóng này nên đã quyết định chuyền bóng sang bên phải. Hậu quả là đường chuyền thiếu chính xác, đội bạn cướp được bóng và phất một đường chuyền hú họa lên trên cho tiền đạo Iraq. Trong một pha tranh bóng thiếu tỉnh táo hậu vệ Thanh Hiền để bóng chạm tay, khi còn 10 giây nữa là hết giờ. Đội nhà bị thổi phạt penaty.
Bóng đã khắc nghiệt là vậy, dù là một môn giải trí lành mạnh.
Phải chăng, bài học rút ra từ trận cầu này là chúng ta nên cố gắng từng giây, từng phút, đừng để thời gian lãng phí trôi đi một cách vô ý nghĩa. Thất bại cũng chẳng sao, chỉ cần sống cho có ý nghĩa. Như trận cầu hôm qua vậy. Cuộc đời vốn công bình. "Thất bại là mẹ thành công". 
Phan Văn Hải
Tổng Giám Đốc TTKKTL từ năm 2006;
Luật gia (Chi Hội Đoàn Luật sư TTH);
Thạc sĩ Kinh Tế (Đại học Kinh tế Huế)

Wednesday 7 October 2015

XE ĐẠP ĐIỆN


Xe đạp điện là phương tiện dễ sử dụng, nhỏ gọn, hợp thời trang và giá cả cũng hợp lý nên rất được nhiều học sinh sử dụng làm phương tiện đi lại. Ngoài ra, loại phương tiện này không gây ra tiếng ồn cũng như rất thân thiện với môi trường nên xe đạp điện ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Bên cạnh những tiện ích mà nó mang lại thì loại phương tiện này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra va chạm và tai nạn giao thông. Với đa phần số người sử dụng xe đạp điện là các em học sinh cấp 2, cấp 3 chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về an toàn khi tham gia giao thông. Các em thường chạy với tốc độ cao, đi thành hàng 2, hàng 3, chở số người vượt quá qui định, lạng lách đánh võng, vượt đèn đỏ… nên khi gặp những tình huấn khẩn cấp thì các em không kịp xử lý. Đây cũng chính là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trong thời gian qua.
Để hạn chế tối đa những vụ tai nạn giao thông do xe đạp điện gây ra thì nên chăng: Mỗi bậc phụ huynh phải cân nhắc kỹ trước khi mua xe cho con em mình, các phụ huynh cần hướng dẫn cho các em về luật tham gia giao thông. Nhà trường cần đẩy mạnh phong trào tuyên truyền, giáo dục, nâng cáo ý thức tham gia giao thông cho các em. Các ban ngành thì cần có những chính sách xử phạt hợp lý đối với những học sinh vi phạm luật giao thông. Nếu làm được những điều này thì may ra tình trạng tai nạn giao thông từ xe đạp điện mới được giảm bớt, những vụ tai nạn thương tâm sẽ không còn ám ảnh chúng ta như trong thời gian qua.

Nguyễn Ích Hoàng
Cử nhân Vật Lý

Monday 5 October 2015

GÁNH HÀNG RONG



Một buổi chiều rảnh rỗi ngồi ngắm mọi người đi qua về trước đường. Xe cộ đông đúc và lề đường chật hẹp do hàng hóa và quán xá lấn ra đường.  Một người phụ nữ gánh đôi quang gánh nặng thỉnh thoảng lại nhấc cái đòn gánh lên cao hơn vai một chút cho đỡ nặng, đó là chị bán bánh canh Nam Phổ. Lại một người phụ nữ nữa hạ đòn gánh xuống đất và ngồi ghé lên nó để nghỉ ngơi, gỡ bắp non và râu bắp bán cho người đi đường. Hai gánh bắp nặng và nóng hổi. Đằng xa có tiếng rao “Bèo nậm lọc ram ít đây!”. Lần này không phải đôi quang gánh nữa mà là hai cái trẹt úp lại bưng ngang hông và một cái giỏ. Tuy nhỏ nhưng cũng có vẻ nặng vì thấy dáng chị đi lệch hẳn một bên. Rồi gánh chè nóng, trứng lộn, xe đẩy trái cây, dừa, gánh bún hến, bún nghệ, ghè đậu hủ,…
Hình ảnh người phụ nữ tần tảo mưu sinh là hình ảnh không thể thiếu trong văn hóa đường phố Huế. Sự thuận tiện và đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu của nhiều người trong một khu vực đã khiến cho loại hình dịch vụ này phát triển. Tuy không rộn ràng, tiện nghi như các nhà hàng nhưng các gánh hàng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống nhiều người và đặc biệt là những lao động phổ thông vì nó phù hợp với túi tiền của họ. Không những vậy, thỉnh thoảng lại bắt gặp những ông Tây, bà Tây ngắm nghía, chụp ảnh một cách thích thú các gánh hàng bởi nó đã trở thành một nét riêng của Huế. Ví như gánh đậu hủ. Cái ghè đậu hủ đã đặc biệt, cái vá múc nó càng đặc biệt hơn và tìm đâu ra gánh đậu hủ như vậy ở nhiều nơi khác. Gánh bắp Cồn Hến cũng đặc biệt bởi nó được bao bọc bởi một màu xanh lá chuối giúp những trái bắp luôn nóng hổi và gánh hàng bắt mắt, xanh mướt,…
Vốn nổi tiếng thơ mộng với hàng cây xanh, đường phố Huế còn được điểm tô bởi những gánh hàng rong của các o, các mệ. Nhẹ nhàng nhưng ăn sâu vào tiềm thức của người dân xứ Huế, các gánh hàng rong là một hình ảnh đẹp khó quên.

Nguyễn Thị Anh Đào
Cử nhân Kế Toán,
Cử nhân Anh Văn

Saturday 3 October 2015

CÁCH CƯ XỬ


Cư xử thế nào để được cho là khôn ngoan, là đúng mực, người biết cách cử xử, khôn ngoan nhưng nhiều lúc bị cho là ‘thảo mai” cho nên tốt nhất là hãy sống thật với mình và biết tôn trọng người khác bởi vì cư xử đúng mực đem lại hiệu quả giao tiếp cao, đem lại niềm vui cho mọi người và cho chính bản thân mình. Nhân chuyện tản mạn về cách cư xử, thời gian vừa qua rộ lên câu chuyện một bà mẹ đã đăng lên facebook lời phàn nàn về đồng phục của nhà trường: “Mẹ cháu kính đề nghị quý trường vào năm học mới thay đổi khẩn trương mẫu cà vạt cho các bé. Nếu không làm được thì dẹp đi, không chả khác nào cái ghẻ rách vắt lên cổ các cháu!”.). Và để đáp trả lại lời “phàn nàn” của bà mẹ đó, nhà trường đã không nhận cháu bé đó vào học, phụ huynh có thể góp ý cho nhà trường, nhưng phải dùng từ như thế nào, hành văn ra sao, đó chính là cách cư xử, và phía nhà trường cũng vậy, chuyện đuổi học là việc làm gây “bức xúc” dư luận, để lại hậu quả xấu, trái với mục tiêu, quy định và phương pháp giáo dục nhưng trên hết là ảnh hưởng tới tâm hồn trẻ thơ, trẻ thơ vô tội, vì cách cư xử của người lớn mà gieo vào tâm hồn non nớt của trẻ thơ, thậm chí nhiều lúc đi đến suốt cuộc đời của con trẻ. Hay chuyện vừa xảy ra ở Thanh Hóa, một vị phụ huynh thắc mắc về các khoản thu phải đóng đầu năm và đã bị hiệu trưởng bêu tên trong buổi chào cờ đầu năm (http://www.webtretho.com/forum/f26/thac-mac-ve-khoan-thu-phu-huynh-bi-neu-ten-truoc-toan-truong-2117594), đến nỗi con của phụ huynh đó sợ hãi không dám đến trường, đâu rồi câu hát ngày xưa “lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”Chính vì vậy mà người ta sống ở đời “hơn nhau ở cách cư xử” mà thôi, có thể người ta sai và bạn mới là người đúng, nhưng việc suy nghĩ thấu đáo và cách ứng xử thông minh, chín chắn sẽ cho bạn nhiều lợi ích hơn là chỉ chứng minh được cái tôi quá lớn của mình, cư xử thế nào cho đúng mực và có văn hóa, đó là một trong những nhân tố để hoàn thiện bản thân của mỗi người.Trách người, nhưng cũng nên luôn nhìn lại chính mình cũng giúp tạo lập cách cư xử tinh tế.

Đinh Thúy Hằng
Cử nhân Anh Văn,
Trung cấp Kế toán


Friday 2 October 2015

SỰ CẦN THIẾT CỦA RAU XANH TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY


Dân gian có câu “Đói ăn rau đau uống thuốc” là câu nói đúc kết từ thực tiễn đời sống nên nó bao hàm đầy đủ các ý nghĩa, khẳng định sự quan trọng và cần thiết của rau xanh. Trong xã hội ngày nay, với lối sống tập nập vội vàng thì những bữa ăn công nghiệp hay các kiểu thức ăn nhanh cứ thế ra đời. Nhưng chưa ai khẳng định chăc chắn một điều rằng, những bữa ăn đó có cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho sức khỏe của chúng ta hay không hay tệ hơn nó có thể gây tổn hại đến sức khỏe.

Theo nhiều nguồn kiến thức từ sách vở cho rằng, rau xanh là nguồn dược liệu quý giá giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật nguy hiểm. Nhưng rau xanh ở đây phải được đảm bảo là rau xanh sạch, không bị ngấm thuốc trừ sâu hay các chất hóa học khác quá mức quy định.

Có nhiều điều cần biết khi sử dụng rau xanh, chúng ta nên đặt ra nhiều câu hỏi và tìm cách trả lời chúng.

Điều đầu tiên chúng ta nên thắc mắc, là có nên chọn rau theo mùa không? Câu trả lời là rất nên. Nếu chọn rau theo mùa, nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta. Không những tiết kiệm được túi tiền vì được mua rau với giá rẻ, mà còn đem nhiều giá trị dinh dưỡng cho bữa ăn của mỗi gia đình chúng ta vì rau mọc đúng mùa thì rất ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Bởi vậy, dân gian cũng thường hay có câu “mùa nào thức nấy”.

Ngay cả việc rửa rau quả, chúng ta cũng nên tìm hiểu để rửa như thế nào cho đúng cách, để rau quả vẫn còn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của nó. Điều đầu tiên rau quả phải được ta rửa thật sạch thật kỹ, để những bụi bẩn và những chất độc hại không còn bám trên rau quả. Theo tôi được biết, chúng ta thường hay có thói quen ngâm nước muối khi rửa rau trước lúc chế biến, nhưng thời gian ngâm phải được tiến hành đúng quy định vì nếu ngâm quá lâu sẽ mất hết vitamin tồn tại trong rau.

Ngoài ra, còn số một yếu tố nữa cũng không kém phần quan trọng chúng ta cần nên biết để tránh xa khi ăn rau quả: “Không nên dùng cà chua trước bữa cơm vì sẽ làm tăng axit cho dạ dày, không nên xào giá không chín vì có thể sẽ gây buồn nôn chóng mặt, khi chế biến không nên trộn lẫn cà rốt với củ cải vì trong cà rốt có chứa enzyme có thể phá hủy vitamin C, và một điều nữa là không nên nấu rau xanh quá lâu vì nitrat trong rau sẽ biến mất”.


Trần Thiên Tú Như
Cử nhân kế toán

Thursday 1 October 2015

CÁI TÂM…CÁI TÌNH


Đất nước tôi sau biết bao nhiêu năm oằn mình hứng chịu biết bao đau thương và mất mát  trong chiến tranh, gánh chịu không biết bao nhiêu những hậu quả nặng nề của thiên tai lụt bão, giờ đây đã đổi thay đến không ngờ. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khiến nhu cầu cuộc sống con người ngày một được nâng cao, điều kiện cơ sở vật chất vì thế cũng được đáp ứng một cách tối đa.
 Câu nói “ăn no mặc ấm” giờ không còn phù hợp nữa mà thay vào đó là cuộc sống “ăn ngon mặc đẹp” tôi cho là phù hợp hơn với hoàn cảnh xã hội lúc này. Và cũng chính vì vậy mà tư tưởng của một con người hiện đại cũng khác xa rất nhiều so với thế hệ ông bà tổ tiên thời xưa. Cuốn theo cái guồng máy công nghiệp ấy dần dần con người ta bỗng thiếu đi một chút cái tình. Cuộc sống lúc nào cũng tất bật, bận rộn với công việc cơm áo gạo tiền, làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền để phục vụ nhu cầu bản thân mà thiếu đi tình cảm ấm áp, thân thương gần gũi của gia đình. Không những vậy con người ta dường như đang dần cô lập , tách biệt với chính mình và với mọi người xung quanh. Cuộc sống nhà lầu, xe hơi khiến cho họ luôn sống trong sự hoài nghi, vô tâm và lãnh cảm. Nhà nào chỉ biết đóng cửa nhà nấy chứ không có khái niệm “tình làng nghĩa xóm” như trước đây. Mất đi cái tình người ta cứ thế chạy theo thế lực đồng tiền sẵn sàng tranh chấp, lăn xả thậm chí là cạnh tranh, giành giật cốt để đạt được mục đích của mình. Cạnh tranh trong làm ăn buôn bán, cạnh tranh trong nghề nghiệp, công việc,…. Đồng ý cạnh tranh mang tính tích cực để tiến bộ, để làm giàu cho bản thân thì không có gì phải  nói nhưng cạnh tranh mang tính tiêu cực chỉ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ thêm thôi, xã hội con người ngày càng trở nên biến chất, bị tha hóa, lôi kéo làm những điều sai trái thì tôi cho rằng như vậy là không nên.
 Có làm gì hay có tính toán cái gì đi chăng nữa cũng cần giữ lại cái tình, cái bản chất đạo đức vốn có của mình và trên hết là cái tâm. Cái tâm trong công việc, cái tâm trong việc sẻ chia với những cộng đồng bị tổn thương trong cuộc sống bởi rằng cuộc đời con người rất ngắn ngủi, hãy tranh thủ từng thời khắc, từng giây từng phút để làm những việc có ý nghĩa hơn như vậy mới đáng sống, mới đáng trân trọng.


Huỳnh Thị Ngọc Thủy
Cử nhân Anh Văn