Tuesday 29 April 2014

NHỮNG NỖ LỰC LUÔN ĐƯỢC GHI NHẬN


Là người thích thể thao, đặc biệt là đá bóng, tôi có cảm nhận một việc có thể khẳng định trong đời thường: “Mọi nỗ lực luôn được ghi nhận”. Xin dẫn chứng bằng câu chuyện thể thao.

Một tiền đạo khát khao ghi bàn, sẽ luôn cố gắng rèn luyện thể lực để có sức khỏe hoàn hảo nhất trước lúc ra sân. Những cầu thủ “ham vui” sẽ bị nhận dạng dưới hàng chục triệu cặp mắt của người theo dõi. Những sát thủ hàng đầu của bóng đá thế giới luôn có cuộc sống tuân thủ chặt chẽ qui định của một cầu thủ chuyên nghiệp. Thể thao luôn ghi danh họ.

Bóng đá Anh hay ở chỗ thường có những bàn thắng ở cuối trận đấu khi ít ai ngờ tới. Vì đội đang bị dẫn bàn khi nào cũng hy vọng lật ngược thế cờ, vậy là họ nỗ lực và cuối cùng là bàn thắng đã tới.

Sức rướn của một pha đi bóng, phá bóng, tấn công hay phòng thủ đều là điểm xuất phát của một cơ hội ghi bàn, hãy xem lại pha rướn người của Tấn Tài và Thành Lương dẫn tới bàn thắng trong trận đấu tại Băng Cốc năm 2008 mới thấy chúng ta đã vô địch ĐNA năm đó có thể…bắt đầu từ pha rướn người này.

Ai còn nghi ngờ thì hãy xem lại các pha bay người của Buffon, thủ môn đội tuyển Ý. Các đầu ngón tay của anh đã từ chối bằn thắng của những tiền đạo lừng danh thế giới. Đội tuyển Italia vô địch cũng là nhờ những nỗ lực tuyệt vời của anh.

Tất nhiên, trong đời thường và thi đấu thể thao có những nỗ lực không mang lại kết quả cụ thể tức thì, nhưng nó sẽ để lại dấu ấn và mang lại dự thành công trong tương lai, vào một lúc nào đó, có thể là khi cần một sự thay đổi mang tính bước ngoặt.

Chính vì vậy, mỗi chúng ta nên nỗ lực hết sức mình, trong từng giây  từng phút,  từng sát-na một.

PVH

Monday 28 April 2014

“THAY TRỜI HÀNH ĐẠO”


Ngày xưa cổ nhân có câu nói trên, thường là nơi cửa miệng của các bậc vua chúa, được coi là thiên tử, con trời, đứng trên thiên hạ.

Mới có câu dị bản: “Vua là luật pháp và luật pháp là Vua”.

Nay, việc đó đã lùi vào dĩ vãng, xã hội đã văn minh hơn nhiều, sự liên kết mạnh mẽ hơn, thông tin cập nhật hơn, dân chủ hơn, công bằng hơn, nói chung là hơn thời xưa đử mọi mặt.

Thế mà có việc Trung Quốc ngang nhiên giữ tàu của Nhật Bản để đòi bồi thường cho sự vụ xảy ra trước thế chiến 2, nghe đâu khoản đòi bồi thường lên tới hơn 30 triệu usd.

Đó cũng là cách thay trời hành đạo, đã rất lỗi thời. Nó chứng tỏ não trạng của lãnh đạo Trung quốc bước vào thế kỷ 21 rồi nhưng còn rất mông muội như thời Tần Thủy Hoàng.

Dư luận quốc tế chắc sẽ không để yên việc này. TQ sẽ phải trả giá đắt cho việc tùy tiện áp dụng pháp luật.

Hãy chờ đó!

PVH

Friday 25 April 2014

NHỮNG ĐIỀU CẦN LÀM CHO CÁC CHÁU NHỎ VÀO NHỮNG NGÀY HÈ


Dù mới chớm vào hè nhưng thời tiết ở Huế hiện nay cũng đã khá oi bức so với cách đây khoảng hơn một tháng. Thời tiết nắng nóng cũng là nguyên nhân dân đến các dịch bệnh ở trẻ em như tiêu chảy, sởi, mụn nhọt, say nắng, sốt rét, dịch tả, bênh tay chân miệng…Hiện tại thì một số địa phương trong cả nước đang xuất hiện dịch bệnh sởi và căn bệnh này cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm cháu nhỏ…Để phòng bệnh cho các cháu vào mùa hè thì mỗi ông bố, bà mẹ chúng ta cần thực hiện những điều sau:
-Vào những ngày hè, do thời tiết rất nóng nên cơ thể các cháu rất dễ bị mất nước. Các ông bố, bà mẹ cần giữ cho cơ thể trẻ mát mẽ bằng cách tăng cường cho các cháu ăn các thức ăn mát như: sinh tố, chè đậu đen, nước chanh, nước cam, nước bột sắn dây…
- Giữ gìn vệ sinh ăn uống bằng cách rửa tay trước khi ăn, cho các cháu ăn chín, uống nước sôi để nguội.
- Hạn chế chở các cháu ra đường bằng xe gắn máy vì trẻ sẽ hít nhiều bụi bặm dễ gây viêm hô hấp.
- Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho các cháu ăn các thức ăn giàu chất dinh dưỡng, các loại vitamin và khoáng chất.
-Vệ sinh không gian sống thoáng mát. Tăng cường diệt muỗi, diệt bọ gậy nhằm hạn chế muỗi phát triển.
N.IH

Wednesday 23 April 2014

Trách nhiệm, lòng tự trọng và văn hóa từ chức



Những ngày gần đây dư luận cả nước đang nóng lên với dịch sởi và vị tổng tư lệnh ngành ý tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bởi những hình ảnh bệnh nhi đang nheo nhóc heo hắc với bênh sởi và những câu nói của bà bộ trưởng Kim Tiến.

Bệnh sởi gây ra bởi một loại vi rút thuộc họ paramyxovirus. Vi rút sởi thường mọc trong các tế bào nằm sau cổ họng và phổi. Sởi là bệnh ở người và cho đến nay chưa thấy xuất hiện ở động vật. Độ tuổi mắc bệnh sởi thường từ 5 tới 10 tuổi và đa phần những người sinh trước 1957 thì miễn dịch tự nhiên với sởi vì lúc bấy giờ bệnh sởi rất phổ biến. Trên thế giới xuất hiện rất nhiều đại dịch sởi trước và sau khi xuất hiện vaxin MMR (1988) như Mỹ 1989-1991 với hơn 55.000 ca bệnh và 123 ca tử vong, Pháp 2010 với  5.090 trường hợp ,bulgaria 4/2009-2010 với 24000 trường hợp mắc bệnh và 24 ca tử vong, Congo 134.000 ca năm 2011 và 74.000 năm 2012.

Theo công bố chính thức thì cả nước ta đầu năm đến nay có 7000 trẻ đang măc bênh  và 112 trẻ đã tử vong do sởi, một con số đáng để người đứng đầu nghành phải hành động quyết liệt và có những công bố cần thiết để ngăn chặn tình hình thì đây bà Kim Tiến lại có những phát ngôn rất ngây ngô vô cảm và đẩy trách nhiệm “Việc Hà Nội có công bố dịch hay không là thuộc thẩm quyền của UBND TP, ngành Y tế không có thẩm quyền bắt phải công bố hay không công bố dịch!" hay ““Chúng tôi mà có con cháu mắc sởi, không bào giờ dại cho vào đây” (bệnh viện)

Dạo một vòng quanh các trang quảng cáo rao vặt và trang mạng facebook ta sẽ dễ dàng nhận ra không ít các lời quảng cáo về thuốc gia truyền và phương thức cổ truyền để chữa trị bệnh sởi. Rất hỗn loạn thông tin.điều này chứng tỏ người ta đang mất niềm tin vào hệ thống y tế và đang có hành động tiêu cực “mình tự cứu mình tốt hơn”. Và đồng thời cũng có không ít lời của cộng đồng mạng và những người của công chúng yêu cầu bà quan Kim Tiến từ chức bởi khả năng giải quyết khủng hoảng và sự lý công việc. Vấn đề từ chức hay không chưa nói tới mà vấn đề quan trọng đầu tiên là lương tâm và khả năng chịu trách nhiệm của người lãnh đạo. Luôn phải tự nhận thức về trách nhiệm của mình. Nếu ý thức bản thân tự nhận thấy trách nhiệm không thuộc về ai thì cũng không cần thiết phải buôn áo mão…(!?)

          Lại nói về từ chức. Trên thế giới cũng không ít các quan chức đứng đầu cấp bộ y tế phải treo ấn vì bản thân tự cảm thấy không làm tròn trách nhiệm :

Năm 2001,Bộ trưởng Y tế Croatia, Ivica Racan từ chức vì 23 bệnh nhân chế sau khi được lọc máy tại một bệnh viện của nước này.

Tháng 5/2003,Bộ trưởng Y tế Đài Loan, ông Đỗ Tỉnh Triết, từ chức vì không ngăn được dịch SARS bùng nổ ở hòn đảo này. Tổng số bệnh nhân SARS của Đài Loan ở thời điểm đó là 308, và số cả tử vong là 35. Để so sánh cùng thời điểm, ở Hong Kong có tới 1.706 ca nhiễm bệnh và 238 người qua đời vì SARS.

Tháng 11/2013,Bộ trưởng Y tế bang Punjab, Ấn Độ, ông Khalil Tahir Sindhu từ chức sau khi có 10 bênh nhân qua đời vì bệnh sốt xuất huyết Dengue. Để tưởng tượng rõ hơn về mức độ của dịch sốt xuất huyết tại Punjab, cần lưu ý là bang này có hơn 24 triệu dân, tương đương với một quốc gia nằm trong top 50 về đông dân nhất thế giới.

Vấn đề không nằm ở con số ít hay nhiều bệnh nhân tử vong. Mất một mạng người cũng là mất mát và 100 mạng người cũng là mất mát. Không có quốc gia nào quy định rõ ràng rằng khi một dịch bệnh bùng nổ, bao nhiêu bệnh nhân tử vong thì Bộ trưởng Y tế phải từ chức. Vấn đề năm ở trái tim con người với con người, sự đồng cảm giữa con người với con người và lòng tự trọng của kẻ đứng đầu.

Kết thúc bài viết này người viết  xin trích câu nói của ông Nguyễn Bá Thanh tại một cuộc họp tại Đà nẵng làm câu kết “Anh nào mệt mỏi quá thì dơ tay xin nghỉ, đã làm thì làm cho nghiêm túc….!”

                                                                                        Nhật Hoàng

Monday 21 April 2014

TRUYỆN CỔ TÍCH VÀ NHỮNG SAI LẦM PHẢI SỬA CHỮA.



            Tình cờ đọc lại truyện “ Trí khôn của ta đây” tôi nhận thấy cần phải sửa chữa lại nội dung truyện.
Nội dung truyện được tóm tắt như sau: Hổ đi về đồng bằng, thấy Anh nông dân đang cày ruộng. Thấy con trâu làm lụng vất vả lại còn bị quật roi, con hổ hỏi làm sao con trâu khỏe thế mà lại chịu khổ sở và còn để bị người đánh đập. Trâu trả lời vì người có trí khôn. Hổ lại hỏi, và muốn xem cái trí khôn của anh nông dân ra sao. Anh nông dân nói trí khôn của anh để ở nhà. Muốn xem thì phải chịu trói lại chờ anh về lấy, và nếu cần anh sẽ cho hổ một ít. Hổ đồng ý. Anh nông dân trói hổ vào gốc cây rồi chất rơm đốt. Vừa đốt vừa quát: Trí khôn của ta đây. Trâu thích chí cười lăn, va vào đá rụng mất hàm răng trên. May nhờ lửa cháy đứt dây trói nên hổ mới chay thoát được vào rừng, về sau trên lưng luôn có vằn đen. Nếu đối với người lớn thì cái giá phải trả cho việc đi tìm sự hiểu biết, phải trải qua khó khăn, đau khổ thì ắt hẳn là chuyện thường.

Nhưng đối với các em học sinh sự thấu hiểu chưa hết sự đời, khi đọc chuyện này liệu các em có đặt câu hỏi:
-         Vì sao, con hổ chỉ đáng bị đối xử như vậy? Trong khi nó chỉ muốn biết cái nó chưa hiểu, nó tò mò. Hay vì, con hổ tỏ lòng trắc ẩn trước con trâu khốn khổ.

Phải chăng sự ham hiểu biết, lòng trắc ẩn lại bị đối xử như vậy! Vì sao anh nông dân lại lừa con hổ, và dùng đến bạo lực để trả lời cho câu hỏi của một con hổ ngây thơ và thân thiện. Thậm chí, con trâu còn cười trước cảnh đau khổ của con hổ bị trói và đốt. Một nụ cười vô cảm thậm chí là vô tri, đó có phải là con trâu khoan hòa, từ ái, một người bạn của nông dân chân lấm tay bùn từ ngàn xưa?
Và cuối cùng, anh nông dân đã vi phạm pháp luật, vì không biết bảo vệ môi trường, không biết bảo vệ động vật hoang dã. Phải chăng câu chuyện này đã quá đát, cần phải thay đổi nội dung truyện cho phù hợp hơn.


D.N

Friday 18 April 2014

ĂN TRỘM


            Vụ nữ sinh ăn trộm sách tại một hiệu sác ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mấy ngày vừa qua đã làm xôn xao cả dư luận.

            Đúng là hành động ăn trộm của em học sinh A là đáng chê trách, bởi hành động đó khó có thể giải thích và bào chữa riêng cho mình được. Tuy nhiên, hành động của em không đến nỗi bảo vệ và nhân viên tại siêu thị này lại trói em và đeo tấm bảng "Tôi là người ăn trộm", trong khi em còn đang là học sinh THCS. Sự sỉ nhục này sẽ theo em đến cuối cuộc đời. Hiện tại đi học em phải được gia đình chở đi để tránh em có thể có những hành động dại dột không đáng có. Hành động và cách cư xử của những người trong siêu thị thật là đáng chê trách. Đã sỉ nhục người khác rồi bắt người nhà của em A nộp phạt gấp 10 lần mới tha. Hiện tại công an đang vào cuộc để điều tra và xử lý theo pháp luật.


D.T

Wednesday 16 April 2014

HUẾ - THÀNH PHỐ FESTIVAL


Những ngày này Huế đã và đang khoác lên mình những chiếc áo mới với đủ những màu sắc và âm sắc thật tuyệt làm sao. Khác xa với vẻ đẹp trầm lắng và hiền hòa trước đó. Tất cả các con đường đều được trang trí đèn điện lung linh, âm thanh rộn ràng, dòng người cũng hối hả và tấp nập hơn bao giờ hết. Bởi lẽ Huế đang vào mùa Festival.

Cứ đến hẹn lại lên, 2 năm một lần Huế lại tấp nập và rộn ràng như bây giờ. Khi hoàng hôn buông xuống, Thành phố Huế sáng rực lên  trong ánh đèn điện rực rỡ, dòng sông Hương trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết, đắm mình trong ánh điện lung linh. Huế mới tuyệt làm sao! Mỗi mùa Festival về, Huế trở nên rộn ràng và lòng người cũng thế, bao người con xa Huế lại nhớ Huế không nguôi khi không thể trở về để cùng Huế chung vui.

Thành công qua 7 lần tổ chức, Festival Huế đã trở thành một thương hiệu mang trong mình tầm cỡ quốc gia và tính quốc tế cao. Năm nay, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội tụ” Festival Huế lần này là nơi hội tụ văn hóa của các nước trên thế giới và các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam đã quy tụ về Huế, tạo nên một lễ hội hoành tráng nhưng vẫn giữ được nét truyền thống. Lễ hội đã thu hút rất đông các du khách trong nước cũng như nước ngoài đến tham dự.

Qua những lần tổ chức Festival, Huế lại được dịp học hỏi và hội nhập với những nền văn hóa của nước bạn từ đó sẽ tạo nên một Huế hiện đại hơn nhưng vẫn mang trong mình một nét đẹp truyền thống rất riêng.


 P.T.M

Monday 14 April 2014

NHẬT KÝ THÀNH PHỐ


Sáng hôm nọ trên đường đi làm, phải len xe máy trong dòng người tấp nập trên con đường sát ngay sau bệnh viện TW Huế, tình cờ gặp một chị đội nón đứng khóc ròng. Khi xe chạy chậm, tôi nghe chị nói: Nồi bánh canh mấy trăm ngàn mới bán được vài tô thì bị mấy chú trật tự tới úp nồi đi rồi, không biết tối nay mấy con ăn gì nữa?
Tôi cho xe lên vệ đường để nghe rõ chuyện hơn thì được biết là thành phố ra quân lập lại trật tự vệ sinh lòng lề đường. Cấm buôn bán hàng quà trên phố nếu chưa được phép, ai vi phạm sẽ bị cưỡng chế hoặc xử phạt nghiêm. Nồi bánh canh bị hất chắc là bị xử phạt nghiêm rồi. Tôi ủng hộ chủ trương của thành phố, nhưng cách làm thì còn phải tính đến chuyện mưu sinh của người dân. Tìm được điểm hài hòa lợi ích hai bên thật là khó, nhưng nếu quyết tâm và ngồi lại với nhau thì chắc chắn sẽ làm được, hơn việc dứt khoát hất đi nồi bánh canh là công sức, tài sản của người nghèo đô thị.
Tôi chỉ còn cách an ủi chị vài lời, và biếu một ít tiền để động viên chị.
Trời mưa nhỏ, trời sẽ lạnh nhưng sao thấy nóng bức trong người quá chừng.

PVH

Friday 11 April 2014

ĐỪNG QUÊN ĐIỀU NHỎ!


Nay thì người Việt chúng ta bị báo chí nước ngoài bêu xấu như là: ăn cắp vặt, ăn tham, xả rác, vòi vĩnh đòi hối lộ.
Tham nhũng là ăn cắp có sách vở trường lớp, có bè có cánh và qua được bao nhiêu con mắt thanh tra, ăn cắp vặt chưa đạt trình độ như vậy. Ăn cắp vặt tuy giá trị món quà có thể là không lớn, nhưng tác hại của nó thì vôn cùng;  như lời một danh ngôn nước ngoài từng biết: “dám ăn cắp một quả trứng, thì có thể cả gan ăn cắp cả một con bò”. Vì vậy đừng coi nhẹ và bỏ qua cho ăn cắp vặt, cần phải lên án mạnh mẽ về hành vi và đạo đức, phải dạy cho con trẻ biết tôn trọng của cải của người khác. Nhiều người rao giảng văn hóa nhưng lại không chế ngự được lòng tham khi đi siêu thị ở nước ngoài và đáng tiếc bị bắt quả tang ăn cắp vặt. Một bà tổng giám đốc một công ty lớn ở Huế cũng bị bắt quả tang ăn cắp vặt ở sân bay Bangkok và sau đó phải về vườn. Đó, đừng tưởng ăn cắp vặt là chuyện vặt vãnh.
Chúng ta chưa được giáo dục thấu đáo về bảo vệ môi trường. Xả rác, ăn không hết thức ăn…là những hành vi gây hại cho môi trường đáng bị lên án. Nhưng cũng do nền giáo dục chúng ta thiếu dạy tận gốc rễ mọi vấn đề một cách thực chất, dễ đi sâu vào lòng người, nên con người trong xã hội chúng ta khi đi sang một xã hội khác biệt chút ít về văn hóa thì thường lóng ngóng lơ ngơ và bị cho thiếu kỹ năng. Phải chi nền giáo dục chúng ta cũng có chương trình sống thân thiện với môi trường và kiểm tra việc thực hiện tại tận thôn xóm láng bản thì chúng ta đâu có bị mang tiếng với nước ngoài với chuyện tham ăn và xả rác.
Tôi nhớ lại tiệc Noel 2008, khi đó nhà hàng Nam Châu Hội Quán ở Huế có mở một buổi tiệc Buffet cho các vị khách MUỐN vừa đón Noel vừa xem tuyển Việt Nam đọ sức với người Thái Lan. Tôi thật sự xấu hổ với những người bạn Nhật cùng đi, vì khách Việt Nam phần lớn là nam thanh nữ tú, mệnh phụ phu nhân đã chen lấn giành giật nhau đồ ăn vừa mới được đưa ra. Nhưng thực ra họ ăn không hết, tôi thấy nhiều lắm họ chỉ ăn được ½ và để thừa mứa trên bàn sau tiệc Noel này.
Vụ Huỳnh Ngọc Sỹ thứ 2 đã bị báo Nhật phát giác mấy ngày qua. Đó là nhận hối lộ từ một cơ quan tư vấn của Nhật. Mục đích là cho đối tác được trúng thầu. Đành rằng, lòng tham ai cũng có, nếu nhà nước chế tài không đủ răn đe thì sẽ có thêm nhiều vụ Huyền Ngọc Sỹ nữa. Người Singapore trước đây cũng tham nhũng lắm, nay thì đã bớt đi và nghe đâu gần tiệt hẵn. Chúng ta có thể học hỏi cách làm của họ. Đừng để tiếng xấu của người Việt ngày càng lan xa và “công nghiệp làm khẩu trang bịt mặt” ngày càng phát triển trên đất nước này.
Hỡi các nhà quản lý, đừng bao giờ quên những việc nhỏ!

PVH

Tuesday 8 April 2014

KHÔNG BẰNG CẤP NHƯNG VẪN CÓ NHỮNG PHÁT MINH, SÁNG CHẾ PHỤC VỤ CHO SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP


Đa số người nông dân ở nước ta điều sản xuất nông nghiệp và chủ yếu là trồng lúa. Để giảm bớt sức lao động cho người nông dân, trong những năm gần đây đã có rất nhiều phát minh, sáng chế có tính dụng cho sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy phun thuốc trừ sâu điều khiển bằng remote hay chế được thuốc trừ sâu từ thảo dược có thể uống được và không độc hại cho con người…, những sản phẩm này ra đời không chỉ góp phần giảm bớt thời gian, sức lao động cho người nông dân mà còn góp phần giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như trước đây để thu hoạch xong 5 sào ruộng thì người nông dân phải mất từ 4 – 5 ngày, còn hiện nay nhờ có máy gặt đập liên hợp thì việc thu hoạch xong 5 sào ruộng chỉ mất khoảng 4 – 5 tiếng đồng hồ.
Vấn đề là từ trước đến nay thì phần lớn những phát minh, sáng chế mang tính ứng dụng cao trong sản xuất nông nghiệp này lại không phải do những giáo sư, tiến sĩ chuyên làm về công tác nghiên cứu phát minh, sáng chế ra mà lại do chính những người nông dân có trình độ dân trí thấp tự mày mò, sáng chế. Ví dụ như việc chế ra thuốc trừ sâu từ thảo dược có thể uống được và không độc hại cho con người do một nông dân mới học hết lớp 3 tự mày mò và chế ra.
Nếu những giáo sư, tiến sĩ có trình độ rất cao lại không phát minh, sáng chế ra được những sản phẩm mang tính ứng dụng cao để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà lại do chính những người nông dân không có bằng cấp tự mày mò, sáng chế ra thì chúng ta nên xem lại cơ chế đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ta có đúng chất lượng hay không?  
XQ

Monday 7 April 2014

Hãy chậm lại một chút để suy ngẫm...


Xã hội hiện nay phát triển một cách chóng mặt, nhờ kỹ thuật – công nghệ mà thời gian được rút ngắn một cách tối đa: máy móc công nghiệp cũng được cải tạo với công suất nhanh nhất; Internet được nâng cấp với tốc độ lan truyền đến chóng mặt;...Liệu rằng con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay, con người có nên vội vàng, gấp gáp như xã hội không? Con người bắt kịp xu thế liệu có mang lại thành công? Nhiều câu hỏi đặt ra mà tại sao ta không thử chậm lại một chút để suy ngẫm.

Hãy chậm lại không có nghĩa là chậm chạp, lạc hậu mà chậm lại để nhìn cuộc sống một cách kĩ lưỡng, tránh những ồn ào, hỗn tạp, a dua, ăn theo; tránh những lối sống gấp, sống ẩu, sống vì những mục đích hiện sinh tầm thường. Sống chậm để nhìn thế giới xung quanh đang chuyển động từ từ. Thay đổi nhỏ bé như những bước đi của đàm kiến tha mồi về tổ cũng làm ta suy ngẫm. Hay tìm ra ý nghĩa cuộc sống từ những việc nhỏ nhặt để biết được cuộc sống quý gia bao nhiêu.

Hãy chậm lại cho mình khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hi vọng cho tương lai. Để một con người còn non nớt, bồng bột trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn và trưởng thành hơn. Vội vã gây cho con người áp lực, căng thẳng và vô tình với những người xung quanh. Ta chậm một chút để chia sẻ tình thương với những con người bất hạnh xung quanh…Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông là món quà quý giá nhất với những ai đương cô đơn, bế tắc và lạc lõng.
Hãy chậm lại trước khi buông ra lời phán xét về một con người mà hãy thử nhìn kĩ xem trong con người đó sẽ có những góc khuất, đôi khi bên ngoài là vỏ che đi một tâm hồn cần bao bọc và nuôi dưỡng. Chậm lại khi buông ra những lời làm người khác tổn thương trong lúc tức giận mà hãy kiềm chế bản thân để không làm tổn thương ai khác.

Hãy chậm lại để mình không bị những cám dỗ cuốn theo vòng xoáy của cuộc đời. Đôi khi lỡ bước đi rồi mà ngoảnh lại chính mình phải hối tiếc. Đừng để hối tiếc khi quá muộn.
Chậm một chút nhưng cảm thấy thế giới xung quanh tươi đẹp và đáng sống hơn.
P.K

Friday 4 April 2014

NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN KHI DƯA HẤU ĐƯỢC MÙA


Nông dân Việt Nam ta vốn đã chịu bao nhiêu khó khăn gian khổ, dầm mưa giải nắng, chịu bao nhiêu lao nhọc, đỗ bao nhiêu mồ hôi và nước mắt mới sản xuất ra được củ khoai, củ sắn, trái bắp, quả dưa, hạt lúa, hạt đậu,… để nuôi sống hơn 90 triệu người Viêt Nam. Nhưng cuộc sống vẫn quá đỗi nghèo nàn, thiếu thốn quanh năm. Vì sao vậy? Không phải họ lười biếng. tính toán kém,... Có lẽ ai cũng biết. Nhưng đến nay vẫn chưa ai tìm ra được giải pháp để kịp thời cứu cánh, giúp đỡ họ. Chính vì thế từ xưa đến nay bà con nông dân luôn mang nỗi buồn khi mùa thu hoạch nông sản lại đến.
Hơn một tuần nay, ai cũng biết, hàng ngàn xe chở dưa hấu và các loại trái cây khác bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Hiện nay, mỗi ngày có hàng nghìn xe tải, container chở hoa quả, trong đó gần 90% là dưa hấu, với số lượng khoảng 16 ngàn tấn, từ các tỉnh miền Trung, miền Nam đổ về cửa khẩu Tân Thanh. Tuy nhiên chỉ có khoảng 300 xe, tương đương 6 ngàn tấn trái cây xuất hàng được qua cửa khẩu, còn lại phải nằm chờ ở khu vực cửa khẩu hoặc dọc tuyến quốc lộ 1A, từ huyện Hữu Lũng lên đến Tân Thanh. Nhiều xe chở hàng sau thời gian dài nằm chờ khi sang đến Trung Quốc bị hỏng đã bị trả về, đành phải quay lại trong nước bán đổ bán tháo với giá rẻ mạt ngay tại bên hông cửa khẩu Tân Thanh.Vậy là bao nhiêu nghẹn ngào, đắng cay lại đổ lên đầu bà con nông dân.

Năng suất và giá cả đầu ra là hai yếu tố song song hàng đầu ai cũng quan tâm. Thế nhưng cụm từ “được mùa mất giá” hầu như quá quen thuộc đối với bà con nông dân của chúng ta. Hằng năm cứ vào mùa thu hoạch mặt hàng nông sản nào là bà con lại chạnh lòng nghe rớt giá. Do vậy nhiều bà con năm sau không trông chờ năng suất cao nữa mà trông cho mất mùa để được giá cao lên. Nghe thì ngỡ như đùa, vì chắng mấy ai trông cho mình bị mất mùa cả. Nhưng đây là một thực trạng rất nan giải  đối với khâu giải quyết đầu ra đối với các mặt hàng nông sản ở Việt Nam đặc biệt mỗi khi được mùa.

Trước tình hình đó cần phải có một chính sách đổi mới rõ ràng, ưu đãi với bà con nông dân mới giúp họ bớt gian khổ, thoát nghèo, kinh tế đi lên, cuộc sống ổn định, góp phần xây dựng quê hương văn minh, giàu đẹp.


H.S

Thursday 3 April 2014

HỘI SÁCH


Thế là sự kiện 2 năm một lần đã được tổ chức tại TP HCM khá thành công. Cuối cùng, tiếng vang của hội sách cũng như những tác động tích cực của nó đã ảnh hưởng tới một số người ít quan tâm tới “hội sách”, trong đó có tôi. Đó là nguyên do để có cảm xúc viết bài này.
Đầu tiên là tình cờ xem nhà thơ Vi Thùy Linh trả lời phỏng vấn trên truyền hình về việc tạm hoãn sinh con để tập trung cho tham gia hội sách tháng 3/2014 và giao lưu với độc giả. Theo nhà thơ, đó là một sự kiện quan trọng không thể bỏ qua, vì 2 năm chỉ có 1 lần, và để “tuột” 1 lần thì rất là tiếc.
Rồi đọc báo thấy có người rất tự hào giới thiệu một người bạn Đức đi tham quan hội sách, xem đó là niềm tự hào của thành phố. Phải là một cái gì đó thanh cao và đẳng cấp thì trí thức và nghệ sĩ mới xem đó là niềm tự hào.
Tôi bổng nhớ lại cách đây 2 năm, truyền hình có đưa tin một cậu bé tiểu học đã viết sách và tham gia giao lưu với độc giả nói về đầu sách cậu ta viết ra: Tớ học tiếng Anh như thế nào? Tuy phóng sự hơi cường điệu và làm mất tính ngây thơ của cậu bé này nhưng phải chăng đó cũng là một cách để quảng bá cho “hội sách” và động viên những người đang miệt mài cày trên những trang giấy mỗi ngày để chuyển tải tri thức của mình tới độc giả.
Trong một đất nước hàng năm có hơn 6-7.000 lễ hội, thì mỗi hai năm mới chỉ có 1 lần hội sách được tổ chức ở thành phố lớn nhất phía nam tổ quốc làm cho ý nghĩa của nó thêm nổi bật.
Ước mong gì thành phố tôi đang sống cũng tổ chức hội sách được một lần, để tôi có thể thong dong đưa các con đi gặp các tác giả và mua thêm những quyển sách thích hợp cho tủ sách gia đình, làm phong phú thêm vốn sống của con trẻ và người lớn, để ngày càng yêu hơn con người, quê hương đất nước này. Ước chi!

PVH

Tuesday 1 April 2014

VỢ CHỒNG NGHÈO SỐNG TRONG CĂN NHÀ TẠM BỢ NUÔI 4 NGƯỜI CON ĂN HỌC


Gia đình ông Nguyễn Tân (54 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (60 tuổi) sống ở Làng Niêm Phò thuộc xã Quảng Thọ được xem là gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất ở trong làng, nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng, chăn nuôi heo, nuôi gà… Mặc dù điều kiện kinh tế gia đình còn rất nhiều khó khăn, phải sống trong căn nhà tạm bợ chưa đến 30m2, trong nhà không có bất cứ một thứ tài sản gì giá trị ngoài chiếc mấy chiếc giường, nhưng ông bà vẫn cố gắng làm việc để nuôi 4 người con ăn học.
Nhà nghèo, lại có đến 4 người con đều đang ăn học nên hai ông bà suốt ngày đầu tắt mặt tối với máy sào ruộng, đàn heo, đàn gà, nuôi cá lồng…, trước đây khi bà Thủy còn khỏe mạnh thì còn phụ giúp cho ông được rất nhiều việc, nhưng kể từ khi bà bị bệnh đến nay đã hơn mười năm thì không thể phụ giúp ông những công việc nặng được, mọi việc nặng nhọc trong gia đình đều do một tay ông gánh vác mặc dù bản thân ông vẫn đang bị bệnh. Tuy bà Thủy không làm được những công việc nặng nhưng bà vẫn cố gắng phụ giúp chồng các công việc như lo thức ăn cho heo, cá, gà, trồng trọt…để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Nhìn cảnh bố mẹ quá vất vã kiếm tiền để nuôi bốn chị em ăn học nên người con gái đầu sau khi học xong lớp 9 đã xin phép ông bà được nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học.
Với suy nghĩ nếu để cho con nghỉ học bây giờ thì cuộc đời của con sau này chẳng khác gì ông bà, và bản thân ông trước đây cũng rất muốn đi học nhưng vì bố mẹ mất sớm nên phải nghỉ học giữa chừng nên ông bà đã động viên các con cứ cố gắng học hành cho giỏi để sau này có một tương lai tươi sáng hơn, không cần phải bận tâm đến việc kiếm tiền giúp bố mẹ. Tuy điều kiện học tập của các em con rất nhiều thiếu thốn, ngoài thời gian học ở trường thì các em còn phải phụ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình, nhưng để không phụ sự vất vã của bố mẹ, lần lượt 3 người con đầu đều vào đại học trước sự ngỡ ngàng của bà con trong làng, riêng chỉ có người con gái út là đang theo học lớp 6.
Đầu tiên là người chị Nguyễn Thị Mai Nhia thi đậu vào Đại học kinh tế Đà Nẵng ( hiện đã đi làm gần 1 năm), tiếp theo là người con trai Nguyễn Toàn Trí đang học năm thứ 3 Trường Đại học Nông Lâm Huế ( đang học năm thứ 3) và người con gái Nguyễn Phương Như đang học năm 1 Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng. Nhìn các con lần lượt vào đại học ông bà rất vui mừng, nhưng để có tiền lo cho các con thì ông bà phải vất vã hơn rất nhiều, phải nuôi thêm gà, heo, cá…, phải thức khuya dạy sớm làm việc để kiếm tiền nộp học cho các con. Mặc dù rất vất vã làm việc kiếm tiền để lo cho các con ăn học nhưng nhìn các con học hành đàng hoàn sau này có thể thoát nghèo thì mọi mệt nhọc lại tan biến, ông bà lại tiếp tục với công việc của mình. Khi người chị đầu mới vào đại học, để giúp giảm bớt gánh nặng cho ông bà, Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập đã cùng với một số nhà hảo tâm tiến hành trao một số suất học bổng cho người con này, đồng thời tài trợ kinh phí để gia đình lắp đặt hệ thống nước sách để sử dụng.
Hiện nay người chị đầu đã ra trường và đang làm việc ở Đà Nẵng, vì có người em đang học ở Đà Nẵng nên người chị này đang phụ giúp ông bà lo cho người em này ăn học, nhưng vì mới đi làm nên thu nhập vẫn còn rất thấp lại ở nhà thuê nên có tiền trang trải chi phí cho hai chị em thì ngoài thời gian đi làm người chị này còn tranh thủ thời gian để đi dạy thêm.   
Vì nhà nghèo, mọi khoản tiền có được ông bà đều tập trung để lo cho các con ăn học và trị bệnh nên căn nhà tạm bợ đã được làm gần 20 năm nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều chỗ đã bị mộc gãy được che chắn tạm bợ bằng tôn hoặc nilong, căn nhà này có thể bị đỗ sập bất cứ lúc nào, nếu cứ tiếp tục ở trong nhà này thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới.
Đối với hoàn cảnh của ông bà như hiện thì rất khó để có tiền để sữa lại căn nhà này, vì để có tiền lo cho 4 người con ăn học thì ngoài số tiền ông bà kiếm được thì ông bà phải vay mượn thêm từ các ngân hàng, nếu sau này những người con ông bà đi làm thì ngoài việc phụ giúp ông bà lo cho các em ăn học thì còn phải dành dụm tiền để trả cho các ngân hàng nên rất khó để sữa lại căn nhà này cho ông bà, trong khi sức khỏe của ông bà ngày càng yếu đi và căn nhà thì ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
            Vì thế, chúng tôi rất mong sự quan tâm giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm để giúp gia đình ông bà có điều kiện để sữa lại căn nhà cho an toàn hơn.


X.Q