Friday 28 June 2013

CHO ĐI


          Tôi đọc được một câu chuyện đời thường mà cảm thấy tuy rất là bình dị song rất đáng để học hỏi và xin chia sẻ với mọi người. Xưa kia ở một ngôi làng, có một gia đình địa chủ rất giàu có nhưng với bản tính cực kỳ là keo kiệt và bủn xỉn. Sáng nọ có một người phụ nữ đến xin mượn một ít gạo về nấu ăn cho đứa con đang bị bệnh mà phải ăn cháo gần một tháng do gia đình hiện tại không còn gạo. Tuy vậy ông địa chủ vẫn không cho, chị đành phải ra về. Một ngày kia, có thông tin là một người giàu có sẽ về phát gạo miễn phí cho người nghèo ở làng quê này. Trong khi đó lão địa chủ đang bị bệnh, khi nghe có người cho gạo miễn phí, lão cũng cố gắng vùng dậy đi nhận quà cũng như bao người khác mặc dù lão rất mệt mỏi và bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt rất khinh bỉ. Khi nhận quà xong lão ta hỏi vợ của người thương gia kia, tại sao lại cho gạo miễn phí. Người phụ nữ đó trả lời: "Chồng tôi cho một người một bao gạo, nhưng lại nhân được một lời cám ơn, gia đình chúng tôi cần vậy là đủ lắm rồi. Con người chúng ta ai cũng cần có sức khỏe, lạc quan, chứ tiền bạc nhiều chưa chắc đã hạnh phúc". Nghe vậy lão địa chủ nghĩ lại những chuyện trước kia mà lẳng lặng ra đi không nói một lời ...

Duy Tùng.

Wednesday 26 June 2013

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT


Xã hội càng phát triển, cơ sở hạ tầng càng được nâng cấp, mở rộng nhưng kéo theo đó là nhiều hệ lụy khác: tiếng ồn, khói, bụi,… Những con đường thêng thang, rộng rãi nhưng thiếu bóng cây khiến cho người đi đường hứng trọn cái nắng chói chang mùa hè và tâm trí họ chỉ hướng đến việc trốn thoát khỏi nó càng nhanh càng tốt. Những ngôi nhà kiên cố, cao tầng, đẹp hiện đại nhưng thiếu mùi đất, không gian xanh, một thứ giúp con người tạm quên đi những xô bồ của đời sống hiện đại, để lắng đọng một chút và trở về lại là chính mình. Trẻ em bây giờ cũng vậy. Cứ mỗi Chủ nhật lại được bố mẹ đưa đi công viên nhốt trong nhà phao ồn ào chật chội, mà công viên đâu có hơn gì vì tập trung một lượng quá đông các cháu nên không gian của mỗi cháu cũng bị gò bó. Cháu trai lớn của tôi thích chơi đá banh, thả diều cũng chịu, tìm đâu ra sân rộng đón được gió lên, để được thả hồn theo những cánh diều mơ ước. Tuổi thơ của chúng nó thiếu mùi đất, thiếu hoa đồng cỏ nội làm sao có những câu văn bay bổng lãng mạn được. Ký ức đậm nét của tuổi thơ giờ chỉ còn là những thứ đồ chơi được làm sẵn, kêu inh tai với màu sắc lòe loẹt không khai thác được tư duy sáng tạo của con trẻ.
Vẫn nhớ câu hát Quê hương là chùm khế ngọt. Cho con trèo hái mỗi ngày… Vẫn hát mỗi khi vui hay ru con ngủ. Nhưng hình ảnh bông khế nho nhỏ, tim tím, biêng biếc với những chùm trái lúc lỉu, căng mọng, hương khế ngọt mà thanh ấy liệu có được tuổi thơ các cháu biết tới, để mà nhớ mãi hương vị quê hương. Những con đường rợp lá vàng bay, những dãy hàng rào chè tàu xanh mướt khiến cho bước chân ta đi êm đềm, thanh tịnh cũng không còn nữa. Đứa cháu của tôi ở thành phố học rất giỏi luôn có những bài văn hay, vậy mà khi về quê nhìn thấy con heo nó giật mình kinh hãi và lạ lẫm, vậy thì bài văn tả chú heo của nó làm sao giàu cảm xúc được nhỉ?  Tôi không hiểu làm sao mà làng Phước Tích vẫn còn lưu giữ được nét xưa ấy, nhà thờ, con đường, hàng cây…Đẹp quá, ấm cúng mà gần gũi biết bao nhiêu. Đứng giữa làng mà chợt nhớ tuổi thơ của mình với những chùm nhót, quả bứa, chay, quả bồ quân…. Tự dưng lại thấy thương các cháu bây giờ..
Vẫn biết xã hội phát triển là điều tốt nhưng vẫn cần những không gian tự nhiên, gợi mở, đậm nét quê hương. Bởi vì:
Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người.


A.D

Monday 24 June 2013

VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI


Về thể thao đỉnh cao, Việt Nam đã có tân vô địch cờ chớp/cờ Vua thế giới Lê Quang Liêm. Đó là niềm tự hào của cả dân tộc.

Báo chí nước Nga, Cu-ba nhanh chóng loan báo thông tin này làm nức lòn người hâm mộ và yêu mến môn thể thao này.

Theo dõi thông tin báo chí, giới truyền thông hình như chưa thấy hết tâm quan trọng của chức vô địch này, ví rằng nếu tuyển Nam VN vô địch SEAGAME chắc sẽ quan trọng hơn chức vô địch của Liêm.

Cái quan trọng ở chổ, đây là vô địch về đấu trí của các bộ óc cờ vĩ đại nhất thế giới trên đất Nga, nơi các kỳ thủ Kakpov, Kasparov đã khuynh đảo làng cờ Vua thế giới một thời gain dài để rồi người Mỹ phải tạo ra  siêu “Deep Blue” để đọ trí với 2 danh thủ người Nga này.

Nay Liêm đang du học nghe đâu 1 trường của Mỹ với tài trợ của trường này, và cũng nghe đâu trường này trở nên nổi tiếng sau chức vô địch của Liêm.

Nghe đâu, từ lâu Liêm và gia đình đã tự “xã hội hóa” việc rèn luyện và thi đấu của Liêm, không nhận bất cứ trợ cấp nào từ nhà nước.

Giống như Hoàng Thiên và…của làng banh nỉ, hy vọng thể thao đỉnh cao VN có nhiều người như Liêm, đạt tới quán quân thế giới bằng lộ trình “xã hội hóa”.

Nhưng để có được thành công như Liêm, không phải ai bỏ ra nhiều tiền là có thể gặt hái được! Thiên tài là hạt mầm của thành tích đỉnh cao.

 


PVH

Friday 21 June 2013

KHÔNG ĐÚNG DỊP


Hiện nay đất nước ta, trong cùng một thời kỳ, có quá nhiều việc cấp bách phải làm.
Bên đảng thì có cuộc vận động chỉnh đốn đảng.
Chính phủ thì lo tìm cách vực dậy nền kinh tế.
Quốc hội đang vật lộn với bội chi ngân sách, lấy phiếu tín nhiệm, và trên hết là thảo luận nội dung hiến pháp sửa đổi, kế đó là luật đất đai sửa đổi cũng có nhiều điểm chưa thống nhất.
Mặt trận tổ quốc thì lo phải điều hành các hội đoàn sao cho đúng định hướng, đừng để mất cân bằng nếu đưa vấn đề biển Đông lên quá nóng, hoặc khiếu kiện của nhân dân làm mất ổn định xã hội.
Trong vòng xoáy của sự việc đó, nhân dân vẫn trông chờ những quyết sách cụ thể để cuộc sống được cải thiện lên đôi chút, tuy nhiên niềm hy vọng mới lóe lên đã vụt tắt.
Gói 30 ngàn tỉ đồng giải cứu bđs, không biết bao giờ mới tới tay người nghèo.
Điện, xăng, khí đốt đang chực chờ tăng giá, CPI giảm nhưng vật giá các mặt hàng thiết yếu không giảm.
Nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào đất đai, mặt hồ, mặt biển, vậy mà luật đất đai chưa có biểu hiện sẽ giải phóng được nút thắt kinh tế.
Và nhiều việc khác nữa…
Dân vẫn phải chờ.
  

PVH

Tuesday 18 June 2013

HỘI NHẬP



Cương lĩnh của nhà nước VN là: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hình như đó cũng là tiêu chí phấn đấu của tất cả các quốc gia trên thế giới có thể chế chính trị khác Việt Nam.

Thế giới ngày nay mang bản chất hội nhập, thế nên Thomas Friedman mới gọi thế giới này là “thế giới phẳng”.

Hội nhập có 2 hợp phần lớn: kinh tế và chính trị.

Về kinh tế, nước ta đang hội nhập sâu, được ví von rằng:

+  Ký BTA với Hoa Kỳ là hội nhập 1.0

+ Gia nhập WTO là hội nhập 2.0

+ Tham gia hiệp định FTA là hội nhập 3.0

+ TTP mà Việt Nam dự định gia nhập tới đây có thể coi là hội nhập 4.0, mức tuyệt đỉnh của hội nhập kinh tế rồi đó.

 

Về chính trị, không thể nói rằng VN không có tiến trình chủ động hội nhập, cải tổ cơ cấu bộ máy nhà nước, cải cách hành chính đã được tiến hành rất đồng bộ, rộng khắp.

Tất nhiên, khi đánh giá sự chuyển biến của một vấn đề thì cần nhìn vào bản chất, sự biến đổi về chất trên cơ sở thay đổi dần dần về lượng.

Nếu tại Việt Nam,  kinh tế 10 năm qua không được cải thiện đáng kể, nếu rủi ro về chính trị được đánh giá ở mức khá cao(cho các nhà đầu  tư nước ngoài tham khảo) thì chính chúng ta phải tự xem lại quá trình hội nhập toàn diện của quốc gia xuất phát từ bản chất của chế độ.

Hội nhập sâu cuối cùng cũng chỉ nhắm tới mục đích tối cần thiết ban đầu : dân giàu, nước mạnh. Các vấn đề thuộc phạm trù chính trị theo đó sẽ được điều chỉnh dần. Kinh tế nào thì chính trị đó. Khai tâm của môn Kinh tế chính trị học thật là đơn giản.

 

Hội nhập, vì vậy sẽ còn là một câu chuyện dài. Chúng ta có nên đặt ra lộ trình về thời gian cho hội nhập lâu dài, tương đương với 4-5 kế hoạch 5 năm, hay 4-5 kỳ đại hội  hay không?

 


PVH

Monday 17 June 2013

MÙA PHƯỢNG VĨ


Lại một mùa hoa phượng nữa lại về! Khi những tia nắng đầu tiên của mùa hè rọi xuống cũng là lúc những búp phượng chúm chím thành hình rồi nhuộm đỏ cả những con đường ta từng đi qua, nhuộm đỏ cả sân trường... và tâm hồn ta cũng bắt đầu cảm thấy xao xuyến, bồi hồi nhớ lại những ký ức của tuổi cắp sách đến trường.

Không biết từ bao giờ hoa phượng được ví như loài hoa của tuổi học trò. Đấy là loài hoa luôn gắn với biết bao kỷ niệm buồn vui, tinh nghịch, gắn với những giận hờn vu vơ của tuổi học trò mới lớn. Để rồi khi không còn được ngồi trên ghế nhà trường nữa thì đấy là những nỗi nhớ da diết khôn nguôi khi mỗi mùa phượng vĩ đi qua.

Nhớ những ngày nào khi còn là những cô bé, cậu bé học sinh thì mỗi mùa phượng về lại tất bật lo bài vở để chuẩn bị cho một mùa thi cử. Còn đối với những lớp cuối cấp thì hoa phượng về lại báo hiệu một mùa chia ly. Những trang lưu bút viết vội cùng những cánh phượng hồng được ép khô trong những trang giấy để trao cho nhau lưu giữ những kỷ niệm của tuổi học trò.

Tuổi học trò ta đã đi qua gắn liền với những mùa hoa phượng đỏ! Để rồi sau bao năm tháng bươn chải, vật lộn với cuộc sống hàng ngày ta lại nhớ về một thời cắp sách đến trường; để rồi ta chợt nhận ra rằng đấy là quãng thời gian vô tư nhất, hồn nhiên nhất và vô cùng đáng quý,  nó giúp ta tạm quên đi bao nỗi muộn phiền, mệt nhọc của cuộc sống hàng ngày.

 


PTM

Friday 14 June 2013

“CẢM TÍNH”

 
Đợt lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi, kết quả đã được công khai và bàn dân thiên hạ ai cũng biết rõ việc quốc hội đánh giá từng cá nhân ra sao. Riêng tôi, có một nỗi buồn xâm chiếm, không biết tại sao, chắc cũng do cảm tính khi thấy một số vị có kết quả không được tốt như thường thấy.
“Cảm tính” ở chổ không biết lấy đâu là cơ sở để lựa chọn, đánh giá.
Xem Nadal đánh chung kết Pháp mở rộng với Ferrer-2013, tôi ủng hộ Ferrer dù biết anh khó có khả năng thắng Nadal.
Xem U23 VN đá với Myanma-2013, tôi cũng mong cho đội bạn có bàn gỡ để trận đấu kịch tính hơn.
Nói chung là tâm lý người ta thường ủng hộ người yếu thế hơn.
47 vị được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi không phải là các vị to nhất trong hệ thống chính trị ở nước ta, vậy thì vẫn có những người làm chưa tốt trách nhiệm của mình đang ung dung đứng ngoài vòng bị/được đánh giá.
Người làm nhiều việc thì chắc chắn sẽ sai nhiều hơn những người ít việc, hay chỉ có việc “nói” mà không bắt tay làm cái gì cả. Nay đưa người “làm nhiều” ra phê thì người “ít làm, ít sai” tự nhiên lại hưởng lợi hay sao?
Cứ đổ trách nhiệm lên đầu một người tất tần tật mọi chuyện từ lớn tới nhỏ, thì cứ có mà chết vì chắc chắn sẽ có việc làm không tốt. Như một tiền đạo xuất sắc được đồng đội chuyền banh liên tục trong một trận cầu chung kết thì bị bội thực bóng và kiệt lực là cái chắc.
Mà có cần phải tìm trách nhiệm của một người trong hệ thống chính trị của ta trong khi tập thể lãnh đạo là kim chỉ nam hay không?
Có cách nào đánh giá khách quan một con người hơn không?
Để cho kết quả đánh giá khả dĩ làm tâm phục người được đưa ra đánh giá hay không?
“Cảm tính” khi đánh giá và biết kết quả đánh giá có thể bị loại trừ hoàn toàn hay không?
Tất cả câu trả lời đều nằm ở phía trước của một lộ trình chưa có ai tường.


PVH

Thursday 13 June 2013

NGUỒN GỐC TẾT ĐOAN NGỌ


Hằng năm cứ đến mồng năm tháng 5 âm lịch, người Việt nam lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ - ngày giỗ Quốc mẫu Âu cơ, dâng cúng Tổ tiên. Nhiều người cho rằng Tết Đoan ngọ có xuất xứ từ Trung Quốc, người khác thì cho là để tưởng nhớ Khuất Nguyên. Tuy nhiên, Tết Đoan ngọ lại có nguồn gốc khác.
            Ở Việt nam Tết Đoan ngọ được mọi người gọi là Tết giết sâu bọ. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống, lâu đời, nền văn hóa phong phú. Không riêng gì ở Việt nam hay Trung Quốc mà ở Triều tiên, Hàn quốc cũng có Tết Đoan ngọ. Tết Đoan Ngọ còn được người Việt gọi bằng cái tên khác là “Tết Nửa Năm”. Đây được xem là tên gọi của riêng người Việt, không lẫn với tên gọi của các quốc gia khác. Vậy tại sao lại gọi là Tết Nửa năm, trong khi theo tính toán như lịch âm hiện nay thì “nửa năm” ở đây phải rơi vào tháng 6 âm lịch?
Về tên gọi Tết Nửa năm, tác giả Nguyễn Ngọc Thơ trong “Lại bàn về nguồn gốc tết Đoan Ngọ” giải thích: “Thời cổ đại, người Việt Nam dùng lịch kiến Tý, do vậy tháng mở đầu trong năm là tháng 11 âm lịch. Theo cách tính này, ngày 5 tháng năm rơi vào thời điểm nửa năm, do vậy dân gian Việt Nam rất chuộng tên gọi tết Nửa năm”.
            Nhìn lại lịch sử, suốt một nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam đã tiếp nhận văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là dòng “văn hóa quan phương” gắn liền với hệ tư tưởng Nho giáo và hệ thống chữ Hán. Do chính quyền đô hộ thực hiện chính sách “đồng hóa”, một số phong tục, tập quán của người Việt bị bắt phải bỏ hoặc thay đổi cho phù hợp với văn hóa Hán. Chính sự giao thoa và du nhập tự nhiên cùng với chính sách “cưỡng bức văn hóa” của chính quyền đô hộ phương Bắc đã tạo nên một hệ quả tất yếu đó là hình thành diện mạo văn hóa có phần “mới” của Việt Nam trong nhiều thời kì lịch sử sau đó. Tết Đoan Ngọ cũng không ngoại lệ
            Như vậy, có thể thấy, Tết Đoan Ngọ từ xưa và cho đến nay là do phong tục tập quán, văn hóa dâng cúng tổ tiên, do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo, cùng hưởng thành quả và không ai làm tác giả cụ thể.  Bởi vậy, từ nay mong rằng mọi người đừng nhầm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng.

H.S

Wednesday 12 June 2013

LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM


 
Việc tổ chức lấy phiếu tính nhiệm các chức danh chủ chốt tại kỳ họp quốc hộ lần này chắc chắn sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực, dù kết quả đánh giá của các đại biểu thế nào thì cũng phải coi đây là một mốc son của cải cách cơ quan lập pháp.

Chưa khi nào, đại biểu lại có quyền như bây giờ, quyền ảnh hưởng tới sinh mệnh chính trị của một cá nhân lãnh đạo.
Người dân sẽ giám sát công việc của đại biểu quốc hội thực chất hơn.
Các vị lãnh đạo sẽ phải thận trọng và cố gắng vì công việc nhiều hơn là hô hào và nhận  trách nhiệm suông.
Giới truyền thông chắc chắn sẽ vào cuộc một cách tỉ mỉ, chuyên nghiệp hơn để cùng người dân giám sát việc làm của các vị lãnh đạo do dân cử.
Khí thế dân chủ chắc sẽ ảnh hưởng tới cách điều hành của các các cơ quyền lực cấp dưới hoặc của cơ quan bên đảng.

Có thể cách làm của chúng ta chưa giống ai, nếu vậy Vietnammese style- cho việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được khởi đầu từ đây, giống như từ “đổi mới” đã được ghi vào từ điển báo chí như là một sự đổi thay của kinh tế, chính trị Việt Nam từ những năm 1986.

Ánh sáng của lộ trình dân chủ đã dần ló dạng và cần được duy trì theo dõi quán chiếu nghiêm mật.

PVH

Tuesday 11 June 2013

SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ



          Khám sức khỏe định kỳ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống hàng ngày, nó giúp phòng ngừa, phát hiện sớm các nguy cơ và bệnh, dễ điều trị và giảm thiểu chi phí rất nhiều so với việc phát hiện bệnh muộn.
Việc khám sức khỏe định kỳ mang lại các lợi ích như:
- Khám sức khỏe định kỳ sẽ có cơ hội để được các bác sĩ thông báo những yếu tố nguy cơ có thể gặp của từng lứa tuổi để có biện pháp phòng ngừa.
- Tạo điều kiện để các bác sĩ nắm được đặc thù sức khoẻ của từng người và có thể theo dõi dễ dàng những biến đổi (so với trước và sau này).
- Giúp phát hiện sớm những vấn đề sức khoẻ còn tiềm ẩn, khi điều trị đem lại hiệu quả nhất.
Mặc dù việc khám sức khỏe định kỳ mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân và gia đình, nhưng với những người Việt Nam thì có một thực trạng mà lâu nay vẫn còn tồn tại là rất xem nhẹ việc khám sức khỏe định kỳ, và việc này còn bị nhiều người cho là tốn thời gian không cần thiết, hầu như họ chỉ đến gặp bác sĩ khi thực sự có bệnh và yêu cầu bác sĩ cho những loại thuốc mà có thể trị được căn bệnh đó càng sớm càng tốt, không cần quan tâm đến những tác dụng phụ của nó đối với cơ thể sau này. Một số người còn cho rằng đã đi khám thì kiểu gì cũng bị bới ra bệnh, tốn kém nhiều chi phí và gây hoang mang lo lắng. Trong khi y học hiện đại là hướng người dân thực hiện lối sống “ Phòng bệnh hơn là chữa bệnh”, việc khám sức khỏe định kỳ là biện pháp hữu hiệu giúp phát hiện những bệnh nguy hiểm từ giai đoạn sớm và tư vấn phòng chống những căn bệnh thường gặp, giúp bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.

XQ

Monday 10 June 2013

PHỔ CẬP BƠI CHO TRẺ EM NGHÈO



Trong những năm gần đây, số trẻ em bị tử vong do đuối nước ở nước ta vẫn đang ở mức rất đáng báo động. Và hiện nay, Việt Nam của chúng ta cũng đang đứng trong nhóm những nước có tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước ở mức rất cao. Theo thông tin từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì từ đầu năm 2013 đến nay, trên toàn cả nước đã có hơn 200 trường hợp trẻ em bị tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự bất cẩn, vô ý của các bậc phụ huynh. Những đoạn sông, suối không cắm biển báo nguy hiểm. Những hố nước sâu quanh nhà, các hồ nước của các công trình đang thi công không có rào chắn…Và một nguyên nhân khác dẫn đến trẻ bị đuối nước đó là do các em nhỏ không biết bơi.
Ở Việt Nam nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, rất nhiều trẻ em hiện nay không biết bơi. Với mục đích là tạo một sân chơi lành mạnh cho các cháu nhỏ cũng như giúp các cháu biết một số kỷ năng bơi trong nước nên vừa qua, Trung tâm Khuyến khích Tự lập tại Huế đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án phổ cập bơi cho các cháu nhỏ con nhà nghèo trong toàn tỉnh. Dự án đã bắt đầu thực hiện từ tháng 8 năm 2012. Và đến thời điểm này, dự án đã tổ chức được 2 khóa học với 1000 em nhỏ trong thành phố Huế được tham gia khóa học bơi. Qua hai khóa học đầu tiên thì đã có đến hơn 80% các cháu nhỏ đã biết bơi. Với việc tổ chức thành công hai khóa học này thì đây là một tín hiệu đáng mừng cho những người dân Huế. Dự án không những đã đem lại một sân chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe mà điều quan trọng nhất là giúp cho các cháu biết bơi, giúp cho các cháu tránh được những nguy cơ tử vong do đuối nước.
N.I.H

Sunday 9 June 2013

BỊ BẮT



Gần đây có nhiều trường hợp bắt người ở Việt Nam, vấn đề được quan tâm ở chổ người bị bắt không ngờ mình lại phải bị tra tay vào còng trong hoàn cảnh trớ trêu như vậy.
Phải là ở một trong các trường hợp sau đây thì một người sẽ bị bắt bở một lệnh bắt được phê chuẩn:
- Vi phạm nghiêm trọng các qui định của pháp luật VN, gây hại, gây nguy hiểm, hoặc có ý đồ gây nguy hiểm cho các khách thể được pháp luật bảo vệ.
- Người không vi phạm pháp luật, nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật gồm công an, viện kiểm sát, tòa án cùng thống nhất người này cố ý vi phạm. Vì vậy mới có án oan sai, thả người và đền bù oan sai.
Tôi có một người quen vai bác. Cuối năm 1988 ông bị bắt vì tội làm trái các qui định quản lý kinh tế. Lúc đó bộ luật hình sự và tố tụng hình sự đã được ban hành và có hiệu lực. Những người thân, đồng nghiệp, am hiểu pháp luật đã đấu tranh để chứng minh bác vô tội. Và cuối cùng công lý đã thắng, bác đã được tự do và được phục hồi công việc cũng như lương bổng như trước đây.
Điều lạ là, khi bắt thì có lệnh khởi tố và lệnh giam người vì tội nghiêm trọng, còn khi thả ra, công an không cung cấp cho bác bất cứ giấy tờ gì cả, coi như là bác đi du lịch…đâu đó mới về thôi.
Họ không biết rằng gia đình bác đã chịu bao cay đắng do dư luận xã hội dội xuống. Bố mẹ của bác quá buồn mà mất sớm.
Điều bác không muốn kể cho ai nghe, cho mãi tới sau này khi đã về hưu là việc bị nhân viên trại giam  ngược đãi, biệt giam và xiềng chân để cách li dễ lấy lời khai kết thúc sớm vụ án kinh tế trọng điểm khi đó.
May là bác tôi, đã trải qua lao tù yêu nước, với đòn thù đã làm tay bác bị dị tật,  vẫn vững ý chí đấu tranh, không nhận bất cứ tội nào người ta gán ghép vô lý cho ông trong thời hòa bình.
Vậy, người bị bắt chưa chắc là đã phạm tội như lệnh khởi tố đã ghi.


PVH

Friday 7 June 2013

Biển đẹp ở Huế: Biển Hàm Rồng


Chúng tôi có dịp ghé thăm một bãi biển đẹp ở Huế, đó là biển Hàm Rồng, nằm bên kia phá Tam Giang – Cầu Hai thuộc xã Vinh Hiền (Phú Lộc), đây là một địa chỉ mà du khách đã một lần đến đều mong có dịp trở lại.

Ngồi trên bãi cát trắng, chúng ta có thể thấy phía trước là một bãi biển rộng lớn, xa xa những con thuyền đánh cá nhấp nhô đang giăng lưới đánh bắt hải sản. Khác với các bãi biển Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An, biển Hàm Rồng lại có một địa hình khá đẹp, phía sau bãi cát trắng có ngọn núi Linh Thái cao vút gần 800 mét với vô số cây cối chen chúc nhau rậm rạp, kéo dài gần 6 km theo dọc bãi biển. Biển ở Hàm Rồng trong xanh, mát dịu và dọc theo bờ biển ta có thể gặp những tảng đá lớn do thiên nhiên sắp đặt rất hoàn hảo và đẹp lạ kỳ.

Do bãi biển vẫn chưa được đầu tư đúng mức, nên một số nhà hàng khá ít mọc lên phục vụ ẩm thực về hải sản cho thực khách đến và thưởng thức. Các món ghẹ, mực, cá biển, … rất được du khách chọn lựa và khen ngon.

Đây là một điểm đến lý thú cách xa TP Huế náo nhiệt khoảng 50km về phía Nam vào mùa hè này để xua đi những ngày làm việc căng thẳng và nóng bức của thời tiết ở Huế.


Q.H

Thursday 6 June 2013

KẸT XE



Tình trạng kẹt xe do lượng người đi xe tăng lên với tốc độ mở rộng đường lộ đã có nhiều bài báo viết rồi. Nay tôi xin nói về tình trạng kẹt xe do chắn tàu hỏa.
Thành phố Huế là một đô thị nhỏ chưa tới 80 km2, và dân số dưới 400 ngàn người, đường sá liên thông, được mở rộng liên tục hàng năm cho các tuyến đường nội đô, tuy nhiên tình trạng kẹt xe do chắn tàu liên tục xảy ra.
Đó cũng là do ga Huế nằm ở trung tâm thành phố, hàng ngày có nhiều chuyến tàu Bắc-Nam đi ngang qua các con đường huyết mạch của cố đô cổ kính.
Vì chưa có cầu vượt nên mỗi lần chắn tàu được khóa ngang đường thì ý như rằng, ở hai bên đầu chắn, hàng người, xe rồng rắn ứ cục như đi trẩy hội.
Ngày nắng cũng như mưa rét, đợi tàu qua để thông chắn luôn đưa lại những điều bất cập.
-                      Tiếng còi xe, tiếng máy động cơ, tiếng ồn của đám đông ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
-                          Khói thải ra, nếu hít phải nhiều sẽ gây hiện tượng ngộp thở.
-                    Trời lạnh thì hứng cái rét thấu da, trời mưa thì ướt sũng quần áo do phải chống chân xuống đất, trời nắng thì bụi và mồ hôi quyện lại, ôi thôi rồi, mùi khó tả.
-                    Không cẩn thận thì một số người vội vàng lạng lách sẽ gây cho bạn xây xát.
-                  Nhiều khi tầu trễ, chắn kéo muộn phụ huynh sẽ lỡ giờ đưa con đi học, lỡ công việc…
Bao nhiêu chuyện phiền toái từ kẹt xe do chắn tàu hỏa gây ra.
Nhưng để cải thiện tình hình này không phải dễ dàng, nó không nằm ở ý thức người đi đường mà ở việc qui hoạch của ngành giao thông đường sắt.
Con tầu Việt Nam vẫn đi suốt bốn mùa vui lẫn buồn.

PVH

Monday 3 June 2013

GIẢI CỨU AI?


Từ ngày 1/6 tới, gói giải cứu BĐS lên tới 30.000 tỉ sẽ có hiệu lực. Ban đầu người ta tin là số tiền này sẽ hướng về người dân có thu nhập thấp, có như cầu thực sự về nhà ở. Nay nghe phát biểu của ông thử trưởng Bộ Xây dựng, cách hiểu có vẻ ngược lại. Không biết đó có phải là bản chất, lý do, nguồn gốc của quyết định tung tiền giải cứu Bất động sản để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn này hay không?

Xin đọc bài báo dưới đây.

PVH

Thứ trưởng Xây dựng: 'Thu nhập 18 triệu có thể mua được nhà'

Gia đình 2 vợ chồng đi làm tổng thu nhập 18 triệu đồng mỗi tháng, hoàn toàn có thể tham gia gói vay mua nhà 30.000 tỷ đồng, theo phân tích của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.
Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở theo Nghị quyết Chính phủ đã được "kích hoạt" sau khi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng ban hành các Thông tư hướng dẫn liên quan. Tại buổi công bố kế hoạch giải ngân 10.000 tỷ đồng cho vay mua nhà của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hôm qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã giải thích thêm về tiêu chuẩn mua nhà. 
Theo điều tra xã hội học, tại Hà Nội và TP HCM, thu nhập bình quân của gia đình là 180 triệu đồng một năm (tương đương khoảng 15 triệu một tháng). Trong khi đó, thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân hiện nay là những người có thu nhập từ 9 triệu đồng một tháng trở lên. Căn cứ trên dữ liệu này, ông Nam chỉ ra điều kiện được cho là "thu nhập thấp" để được vay mua nhà theo gói ưu đãi.
Với một gia đình có 2 vợ chồng đi làm, tổng thu nhập 18 triệu đồng, theo tính toán của ông Nam, hoàn toàn có thể tham gia gói vay mua nhà 30.000 tỷ và có phương án trả nợ tốt. "Theo cách tính của thế giới, mỗi gia đình phải dành khoảng 30% thu nhập cho vấn đề nhà ở. Do đó, hộ gia đình thu nhập 18 triệu sẽ có tối thiểu nguồn quỹ 5,4 triệu để lo việc trả nợ gốc và lãi", ông Nam cho hay. 
Giả sử gia đình này vay mua một căn hộ 50m2 với giá 600 triệu, họ phải có sẵn 20% (tương đương 120 triệu đồng) và cần vay ngân hàng 480 triệu đồng trong 10 năm. Với lãi suất 6% một năm, tiền phải trả ngân hàng bình quân khoảng hơn 25 triệu đồng, do lãi được tính theo dư nợ giảm dần.
"Tính bình quân mỗi tháng, gia đình phải trả 4 triệu gốc và hơn 2 triệu tiền lãi. Như vậy, với tối thiểu 30% thu nhập của mình, gia đình này có thể trả nợ được", ông Nam tính toán. 
Đến nay, BIDV cam kết cho vay 3 dự án nhà ở xã hội với hơn 1.000 căn hộ (tổng diện tích 118.000 m2). Cụ thể gồm các dự án chung cư cho người thu nhập thấp của Vinaconex Xuân Mai ở Hà Nội); Dự án khu chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông (Đà Nẵng) và dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại Huế do Vicoland là chủ đầu tư. Đây là những dự án sẽ bàn giao trong năm 2013-2014. Trong khi đó, các dự án nhà ở tại TP HCm đang được BIDV thẩm định.
Thứ trưởng Nam cho biết thủ tục vay mua nhà được đơn giản hóa và nếu có khó khăn là do sự nhũng nhiễu của con người chứ không phải do quy định. "Đơn xin mua bán nhà nay chỉ cần 2 xác nhận, một của UBND phường, xã nơi cư trú và hai là của cơ quan trả lương", Thứ trưởng dẫn chứng.
BIDV là ngân hàng thương mại Nhà nước đầu tiên công bố kế hoạch cho vay mua nhà của gói 30.000 tỷ. Theo đó, ngân hàng hỗ trợ tối đa 80% giá trị nhà mua. Tuy nhiên, người vay mua chủ yếu là người thu nhập thấp và hầu như không có tài sản thế chấp. Trả lời báo chí, Tổng giám đốc Phan Đức Tú khẳng định sẽ cho phép người vay thế chấp chính ngôi nhà sẽ mua làm tài sản đảm bảo
Riêng với trường hợp mua nhà ở xã hội, theo quy định hiện nay, sau khi mua 10 năm người thu nhập thấp mới được chuyển nhượng nên chưa thể làm tài sản đảm bảo để thế chấp. Đại diện BIDV cho biết, ngân hàng sẽ giải quyết khó khăn này bằng cách ký hợp đồng 3 bên giữa ngân hàng - người vay - đơn vị xây dựng nhà ở. Theo đó, nếu người vay không trả được thì phải đồng ý cho chủ đầu tư bán lại nhà cho người khác để đủ điều kiện vay vốn.
Để hỗ trợ hơn nữa cho người thu nhập thấp đủ khả năng mua nhà, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định thời gian tới sẽ "ép" giá căn hộ tại một số dự án xuống dưới 12 triệu một m2.
Thanh Thanh Lan