Tuesday 30 April 2013

ĐẦY TỚ?



Thế nào là đầy tớ?.
Theo thiển nghĩ, đầy tớ là người phục vụ người chủ, phải phục tùng mệnh lệnh của chủ triệt để, được chủ trả công theo thành tích và số lượng công việc cùng phong cách phục vụ, ít khi được phàn nàn về thái độ đối xử, trọng đãi hay không của người chủ.
Nói chung, đầy tớ là người phải làm việc theo chỉ dẫn của chủ, cấm được kêu ca, phàn nàn.
Đầy tớ, cũng là cách nói ví von của Việt Nam. Bất cứ xã hội nào ở Việt Nam cũng có loại người gọi là "đầy tớ".
Nếu bỏ qua lý luận chính trị về giai cấp tồn tại trong các phương thức sản xuất khác nhau, đầu tớ có thể là tên gọi để chỉ hạng người nô lệ, tôi tớ, nông nô, tù binh chiến tranh, vật phẩm cống nạp của chư hầu, người nghèo mất quyền tự do, người tự do nhưng không có quyền lực về kinh tế, người mạnh khỏe nhưng bị tước đoạt về quyền làm người do xã hội không có pháp luật bảo vệ quyền con người, người yếu thế bị ép buộc, khống chế làm việc theo yêu cầu của người có quyền, có tiền vì quyền lợi riêng.
Đầy tớ có thể nói là tên gọi đầy tủi nhục và mang đậm dấu ấn lịch sử.
Trước đây, có thời nhà nước giương cao khẩu hiệu "cán bộ phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Khẩu hiệu này được hiểu ra sao và cán bộ nhà nước làm tới đâu, thực hiện di huấn của Bác Hồ như thế nào rồi, thì chưa có sách vở hay công trình nghiên cứu nào ghi lại một cách đầy đủ cả.
Cán bộ có phải là đầy tớ chưa, hoặc cán bộ có cần phải là đầy tớ hay không là một việc rất nghiêm túc, cần chấn chỉnh lại cách phát biểu và cách hiểu này.
Cũng có người nói: Cán bộ là công bộc của dân! Công bộc là gì? có giống như nghĩ đầy tớ không thì không mấy người hiểu được.
Cán bộ, đơn giản chỉ cần làm đúng chức năng mà pháp luật qui định, là dân đã phúc lắm rồi.
Đừng có phấn đấu là đầy tớ, là công bộc, khó lắm thay, lắm thay!

2013.04.30
PVH

Monday 29 April 2013

CÁCH ĐỂ CÓ MÁI TÓC ĐẸP


Cách duy nhất để chăm sóc mái tóc khỏe và mau phục hồi sau nhuộm, sấy là cải thiện chế độ ăn uống bằng những thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng có lợi cho sự phat triển của tóc.
Tóc được cấu tạo bởi chất sừng keratin - một loại protein cứng. Vì thế nếu bữa ăn không được cung cấp đầy đủ protein, tóc sẽ mọc chậm và yếu hơn. Proteinđộng vật như thịt, trứng và sản phẩm từ sữa có chứa tất cả những loại axit amin cần thiết mà cơ thê không thể tự sản xuất ra được và để hình thành protein hoàn chỉnh. Còn protein thực vật có nhiều trong ccs loại cây lương thực, quả hạch, hạt ngũ cốc và các loại đậu, nhưng lại không chứa đầy đủ các axit amin cần thiết. Việc kết hợp những món ăn có chứa đạm thực vật và động vật sẽ cung cấp đầy đủ những loại axit amin cần thiết cho mái tóc.
Một chế độ giàu omega-3 là axit béo thiết yếu cho cơ thể, sẽ nuôi dưỡng và tăng độ ẩm cho những sợi tóc khô, dễ gãy, giúp da đầu hết khô, ngứa và làm giảm nguy cơ mắc bệnh vẩy nén, gàu hoặc eczema. Cá là nguồn thực phẩm giàu omega-3 nhất. Vitamin C không những chỉ giúp cơ thể hấp thu sắt tối đa mà còn rất cần thiết cho sự sản xuất collagen. Collagen cung cấp sự bền vững và khả năng đàn hồi cao cho những sợi tóc mỏng manh. Hãy bổ sung thật nhiều vitamin C cho cơ thể bằng một thực đơn nhiều rau quả, đặc biệt là cam quýt và các loại rau lá sẫm. Những loại vitamin B, đặc biệt là axitfolic, vitamin H, vitamin B6 và B12, rất cần thiết cho mái tóc phát triển khỏe mạnh. Sự thiếu hụt vitamin nhóm B có trong bơ, atiso, củ cải đường, cam, cải xanh, đậu nành, đậu xanh, súp lơ, cà rốt, chuối, ngũ cốc, bột đậu nành... Vitamin B6 có ở chuối, thịt bò, thịt lợn, thịt ga. Vitamin B12 có ở thịt bò, thịt bê, gan, sò, hàu, cá, sữa, lòng đỏ trứng, phomat. Kẽm và đồng là hai khoáng chất quan trọng làm cho một mái tóc chắc và khỏe. Sự thiếu hụt kễm có thể làm tóc chậm mọc, rụng nhiều và lắm gàu. Nếu như bị thiếu đồng, mái tóc sẽ bị bạc màu trước tuổi. Các thực phẩm giàu kẽm bao gồm tôm, cua, sò, hến, đậu phộng, đậu xanh, cà chua.
Nước cũng là "chất dinh dưỡng" cần thiết và quan trọng nhất cho mọi tế bào trong cơ thể. Thiếu nước không chỉ khiến miệng khô rát mà còn làm tóc bị "khát". Việc mất nước mãn tính có thể khiến làm cho da và da đầu khô.

D.T

Sunday 28 April 2013

TẠI SAO THẾ-CHINA?





Gần đây, thông tin về Trung Quốc của giới truyền thông không có tin tốt, như kiểu PR thời gian trước  Thế vận hội 2008.
Tin tức dồn dập bất lợi cho TQ đủ mọi lĩnh vực.
Trước hết là các hành động gây bất hòa với các nước trong khu vực về tranh chấp biển, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippin, Việt Nam, thậm chí là với cả đồng minh thân cận Bắc Triều Tiên. Hành động cứng rắng của TQ ngày càng gia tăng, không dừng lại ở giới lãnh đạo mà còn được kích hoạt sang cả dân chúng, cụ thể là việc biểu tình đập phá bài Nhật năm 2012.
Kế đến là tăng trưởng GDP và xuất khẩu của TQ không tăng như kỳ vọng. Hàng hóa TQ khó tiêu thụ ở nước ngoài nếu đề nhãn sản xuất tại TQ. Hình như tự TQ đã làm xấu hình ảnh của mình, làm cho người tiêu dùng có phản xạ tự nhiên là xa lánh hàng của họ, mặc dù hàng hóa này không liên quan tới những người quyết định chính sách.
Tiếp theo là tình hình khách du lịch nước ngoài tới TQ đã giảm mạnh trong 1 năm qua. Có hãng lữ hành quốc tế đón khách VN sang TQ đã cho biết số khách hành giảm hơn 90%. Du khách Nhật sang TQ đã giảm đi 70% trong những tháng cuối năm 2012. Tình hình du khách các nước khác chắc cũng tương tự. Như vậy hình ảnh một Trung Quốc thân thiện như từng có đã không còn tồn tại trước con mắt của du khách. Văn minh như người Nhật mà cũng bị một nhà hàng từ chối phục vụ và bị ví như loại "cầy" thì không còn lời lẽ nào miêu tả được nữa rồi.
Còn nhiều vấn đề khác ví dụ TQ in bản đồ "cuội" nhưng đó là đề tài lớn, cần có tiếng nói của các nhà chuyên môn.

PVH

Thursday 25 April 2013

SỨC MẠNH CỦA SỰ ĐOÀN KẾT



Nói đến sự đoàn kết thì tất cả chúng ta ai cũng biết đó là một sự đồng lòng, mọt sự lớn mạnh, đông đảo của một tập thể, một cộng đồng. Đoàn kết là một nhân tố hết sức cần thiết dẫn đến sự thành công, trước đây ông cha chúng ta đã biết xây dựng tình đoàn kết toàn dân để chống lại sự xâm lược của kẻ thù. Đoàn kết không chỉ hình thành cho chúng ta sức mạnh to lớn để mang lại những kết quả tốt đẹp mà nó còn là cầu nối để giúp mọi người ngày càng gần nhau hơn, biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau hơn. Tinh thần đoàn kết không chỉ được thể hiện trong chiến tranh mà còn phải được thể hiện trong đời sống hàng ngày, với xã hội ngày càng phát triển như hiện nay thì tinh thần đoàn kết càng phải được giữ vững và phát huy, vì đoàn kết sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn, đoàn kết có thể giúp ta dễ dàng vượt qua những khó khăn, thử thách. Con đường để đi đến sự thành công luôn tràn đầy sự thử thách và chông gai, vì thế chúng ta cần phải cùng nhau học tập, rèn luyện, phát huy ưu điểm của mỗi người để cùng nhau mang lại sự thành công. Trong xã hội, mọi người có đoàn kết với nhau hay không là do chính ý thức của mỗi con người, tuy nhiên với xã hội khắc nghiệt như hiện nay thì có đoàn kết thì chúng ta mới tồn tại và phát triển được. Nói như thế không có nghĩa là vì sự đoàn kết mà chúng ta phải bao che cho những có xấu, những kẻ chuyên làm những việc trái với luân thường đạo lý.
Sức mạnh của sự đoàn kết là vô cùng to lớn, ngày xưa cha ông chúng ta đã biết đoàn kết để đánh đuổi giặc ngoại xâm, thì ngày nay chúng ta cần phát đoàn kết để xây dựng đất nước ngày càng lớn mạnh và phát triển. 
Như ca dao có câu: “ Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

X.Q

Friday 19 April 2013

BÃO VÀNG





Mấy ngày qua, giá vàng thế giới giảm “kinh hoàng”, giá trong nước giảm “làng nhàng”, nhưng cũng buộc phải giảm dù không muốn vì sợ NHNN lỗ do đã ôm mấy tấn mới nhập khẩu chưa cho đấu giá hết.
Việc giá vàng giảm có nhiều người vui, nhưng cũng có triệu người buồn thối ruột.
Người vui đó là người vay vàng, nay trả lại vàng, qui ra tiền thì ít thua trước trung bình khoảng trên 10%, ai mà không thích. Các ngân hàng đầu cơ, vay vàng của dân lúc này mừng ra mặt. Vay lúc 47-48 t, nay rớt xuống 41-42 t, tính ra cũng lãi khủng lắm. Nếu Bầu Kiên chưa đi “nghỉ mát” hẵn ông phải là người vui nhất. Chơi một lúc mấy trăm lượng vàng khi giá cao gần ngất trời rồi còn gì?
Người buồn cũng nhiều lắm.
Có hai vợ chồng công chức tích cóp gần 1 tỉ - tất cả qui ra vàng, định bụng sẽ mua đám đất kha khá cất nhà làm nơi định cư lâu dài, không ngờ vàng rớt giá, trả vàng người bán đất không lấy, kiếm đâu ra gần 100 triệu bù lỗ cho vàng bây giờ. Mới than rằng, biết thế gửi ngân hàng hay qui ra usd có khá hơn không? Cũng biết đâu được. Mỹ họ đang in usd kích cầu bạt ngàn thế, không sợ à?
Chị giúp việc tháng nào cũng tiết kiệm mua vài phân vàng, khi vàng lên 48 t/lượng là khi chị tung hết tiền tiết kiệm cả cuộc đời và tiền về hưu sớm để mua vàng. Khi nghe vàng xuống 42 chị đem bán hết. Hơi buồn, nhưng hôm nay nghe xuống 41 có thể xuống nữa, chị nói mình còn may. Không biết sắp tới đây thì chị vui hay buồn, vì những người tư duy như chị có rất nhiều ở đất nước “phòng thân bằng vàng” này.
Người thân trong nhà mượn nhau tiền, vì không lấy lãi nên chị em thống nhất với nhau là qui ra vàng, khi trả thì trả vàng tương đương, không trả tiền. Nay vàng hạ, không biết chị em trong nhà sẽ thông cảm như thế nào cho nhau. Vì vàng hạ giá cũng là hiện tượng hiếm lạ mà kinh nghiệm thị trường non nớt của người còn sống trong môi trường nông nghiệp không sao lý giải nổi cái thị trường to lớn đang thay đổi hàng “sát-na” ngoài kia.
Thế mới biết, cái gì lên cao quá thì phải xuống thấp, cái gì ở thấp mãi thì rồi sẽ được lên cao. Con người tự do là phải nắm được qui luật ấy và dự báo được thời điểm của sự thay đổi.

PVH

Thursday 18 April 2013

CHÀO MÙA HÈ



Mới ngày nào còn háo hức đón mùa xuân đến, vậy mà bây giờ phải chuẩn bị chào tạm biệt mùa xuân rồi. Ngoài kia, hoa phượng đã nở rộ, tiếng ve bắt đầu kêu râm rang, báo hiệu mùa hè sắp đến. Mùa hè, mùa của sự chia ly và hội ngộ. Học sinh thì phải chia ly với trường với lớp với bạn bè thân yêu. Sinh viên thì được hội ngộ với gia đình, sau một thời gian xa cách để chu lo cho việc học hành.
Mùa hè là mùa của những cái nóng đến là khó chịu. Để chạy trốn cái nóng của mùa hè, hình như ai ai cũng tìm cho mình một địa điểm du lịch thích hợp, ở những nơi có không khí mát lành hơn. Bãi biển hay rừng xanh sinh thái là những địa điểm được mọi người ưu tiên chọn nhiều nhất. Đến những nơi đó, họ được hòa mình vào thiên nhiên với không khí trong lành, làm cho tinh thần thư thái hơn. Quên cả những nỗi buồn vui, mệt nhọc trong cuộc sống mà mỗi người phải gồng mình lên đối mặt.
Mùa hè là mùa của những ánh nắng chói chang. Nắng chói khắp đường đi lối về.  Trên những con đường làng, hai bên lề đường lúa đã mọc chín rộ. Hình ảnh bác nông dân làm đồng dưới ánh nắng gay gắt của trưa hè, với giọt mồ hôi rơi đều trên gương mặt gầy gò sạm đen nắng gió, trông thật cực khổ. Để có những hạt gạo ngon lành mang đến cho chúng ta ăn mỗi ngày. Hình ảnh ấy, chắc có lẽ vẫn khắc ghi trong ánh mắt và tâm hồn mỗi người.
Cứ như vậy, theo quy luật tự nhiên bốn mùa cứ thay đổi nối tiếp nhau. Rồi mùa hè cũng qua đi nhường chỗ cho mùa thu. Rồi sự hội ngộ, chia ly vẫn xảy ra tuần hoàn liên tục, mà chúng ta không kịp nhận ra.

T.N

Tuesday 16 April 2013

BỆNH LƯỜI



Hiện nay, trong xã hội có rất nhiều căn bệnh nan y đã cướp đi sinh mạng rất nhiều người. Nhưng ngày nay, do sự phát triển của y học thì không có gì là không thể. Các chuyên gia đã nghiên cứu ra các loại thuốc cũng như vacxin cho các bệnh và sẽ tìm ra các phương thuốc đặc trị cho những bệnh còn khó chữa. Mặc dù với sự tiến bộ của khoa học hiện nay không ngừng phát triển những loại thuốc đặc trị. Nhưng có một số bệnh nan y đang lan rộng trong mọi tầng lớp từ học sinh, sinh viên đến cả những công nhân viên chức mà không có loại thuốc đặc trị nào để chữa dứt điểm căn bệnh này. Đó là bệnh “lười” nan y.
          Đành rằng con người ai cũng có ước mơ và muốn nó thành hiện thực, nhưng thật lạ lùng họ lại mắc căn bệnh khó hiểu. Đó là họ không tự rèn luyện, làm việc để ước mơ trở thành hiện thực, mà chỉ muốn nó tự đến với mình. Nhiều người thường nhìn vào cách sống cách làm của người khác để gán ghép cho mình nào như: Bill Gate bỏ đại học mà vẫn thành tỷ phú, Đoàn Nguyên Đức không học đại học nhưng vẫn là một trong những người giàu của Việt Nam. Nhưng họ không biết rằng dù họ không học đại học hay qua trường lớp nào nhưng họ đã rất nỗ lực trong công việc cũng như tư duy để họ mới có được thành quả như hôm nay. Lười biếng là căn bệnh khó chữa nhưng rất dễ nhận biết, nó dị ứng với tất cả từ sự năng nổ đến sự sáng tạo. Tuy vậy, căn bệnh lười biếng không phải bất kỳ ai cũng có thể mắc phải, nếu chúng ta có một chế độ, một kế hoạch sắp xếp thời gian hợp lý thì bệnh lười không thể chen chân vào cuộc sống của chúng ta được. Mỗi người có một khả năng, một nhịp sinh học riêng biệt. Có người có thể tập trung cao độ nhiều giờ liền nhưng cũng có người thì không chúng ta phải có một ý chí để vượt qua những khó khăn đó. Để không bị nhiễm căn bệnh này thì chính mỗi chúng ta phải biết vượt lên chính mình để dần hoàn thiện lấy chính bản thân mình.
          Ở đâu có sự sống, ở đó có hy vọng. Một câu châm ngôn nhưng sẽ là bài thuốc hữu hiện nhất cho những ai mắc phải căn bệnh này. Bệnh lười là một bệnh khó chữa đối với mỗi con người, vì vậy, hãy hoàn thiện chính mình và nỗ lực hết sức để mang lại những gì tốt nhất cho bản thân nói riêng và xã hội nói chung.

Đ.N

Monday 15 April 2013

CHỢ TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM



Ở Việt Nam, ngoài mái đình, cây đa, bến nước, con đò, trường làng... có thể nói chợ truyền thống là nơi dân quê lưu giữ nhiều kỷ niệm nhất, từ thời ấu thơ qua trưởng thành đến khí  đầu bạc răng long.
Những hình ảnh về chợ xưa bao giờ cũng  êm đềm và thơ mộng, yên bình, đầy hình bóng thân thương của quê hương.
Chợ ngày nay đã khác trước nhiều. Không phải kể tới hàng hóa đa chủng loại hơn trước, qui mô chợ to lớn hơn trước, người bán người mua đông hẵn hơn trước... thì chợ ngày nay đang tồn tại một vấn nạn về môi trường với tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Có thể kể tới các vấn nạn và vấn đề liên quan sau đây:
1) Thiếu nhà vê sinh công cộng hợp qui chuẩn.
2) Thiếu nước sạch.
3) Không tổ chức được cơ chế thu gom phân loại rác.
4) Người kinh doanh và tới chợ mua bán chưa ý thức được vệ sinh an toàn tại chợ có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe con người.
5) Việc tổ chức chợ theo mô hình bền vững trong việc bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
6) Tại Việt Nam chưa có mô hình chuẩn về chợ đạt chuẩn tốt về môi trường (an toàn vệ sinh thực phẩm, văn minh thương mại...)
7) Thiếu một chính sách đồng bộ để cải thiện hệ thống môi trường chợ.
8) Thiếu những nghiên cứu tổng hợp mang tính học thuật về hiện trạng và các vấn đề cần cải thiện đối với chợ truyền thống Việt Nam.
9) Thiết kế và kiến trúc của chợ truyền thống Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề môi trường như: Cây xanh, nước sạch, lối đi, hệ thống ánh sáng, thu gom xử ký rác thải...
10) Đội ngũ Ban Quản lý các chợ cũng thiếu kiến thức quản lý về môi trường.
11) Người dân xung quanh chợ cũng thiếu ý thức về bảo vệ môi trường chợ và xung quanh chợ.
12) Văn minh thương mại là một vấn đề thường bị lãng quên trong tiêu chí xây dựng chợ. Đó là cải thiện môi trường kinh doanh, không nói thách quá đáng, niêm giá hàng hóa, ăn nói nhẹ nhàng, tác phong lịch sự, cân đong chính xác, trang phục nhã nhặn, kính đáo...

Cải thiện môi trường chợ truyền thống Việt Nam là một vấn đề rất khó, cần sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, với sự tham gia của tiểu thương, người dân, tìm kiếm nguồn tài trợ, phương pháp tiếp cận...
Để công việc tiến triển bền vững và hiệu quả, nên chăng cần có những dự án thí điểm, trình diễn, sau đó nhân rộng ra khi mô hình thí điểm đã được điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của từng chợ truyền thống địa phương.

PVH

Saturday 13 April 2013

BẮT CHẸT




Bắt chẹt nôm na là ép người ta phải làm một việc gì đó, mà bên bị bắt ép không thể từ chối không làm được.
Soi lại việc điều hành giá cả một số mặt hàng trên thị trường Việt Nam gần đây chúng ta thấy đâu đó bóng dáng của sự bắt chẹt.
Trước hết là giá xăng dầu. Đùng một cái giá xăng dầu tăng kỷ lục qua mọi thời đại, rồi đùng cái lại giảm cho có. Giá xăng dầu thế giới giảm sâu, giá xăng ở xứ ta coi như không nhúc nhích. Cứ lấy mốc giá xăng ở Indonexia, thu nhập bình quân đầu người ở đây gấp 2,5 Việt Nam mà giá xăng chỉ bằng 40% giá tại VN, mà họ cũng có ngành khai thác và hóa dầu như Việt Nam đó thôi. Nhà nước họ chắc chưa học được bài “bắt chẹt người tiêu dùng”, hay họ có lòng yêu nước thương nòi sâu sắc hơn?.
Thứ hai là giá thuốc trị bệnh. Chính phủ Ấn Độ vì quyền lợi của người nghèo mà đã bác bỏ sự độc quyền của một số hãng dược nước ngoài. Trong khi ở Việt Nam không biết vì lẽ gì, giá thuốc cao ngất trời – đặc biệt thuốc ngoại. Trong khi chính phủ lại như quá vô tình với các công ty dược trong nước đã sản xuất được nhiều loại thuốc công dụng ngang với thuốc ngoại. Người nghèo đâu nhiều lúc phải chịu chết.
Thứ ba là giá điện. Ngành điện hiện nay báo lỗ lũy kế trong các giai đoạn đã lên tới 30.000 tỉ đồng. Ngành này lăm le muốn tăng giá điện để bù lỗ cho việc kinh doanh ngoài ngành của họ. Chỉ có nhà nước đóng vai trò độc quyền nên họ có quyền bắt chẹt người tiêu dùng một cách vô lý như vậy đó.
Muốn chỉ ra một vài mặt hàng nữa, nhưng thôi, vì không muốn vạch áo cho người ngoài xem lưng kẻ bắt chẹt.
Để khép lại, xin lấy việc quyết định giá vàng của NHNN thời gian qua. Chênh lệch giá vàng trên mỗi lượng hiện tại là 3-4 triệu đồng. Định hướng mục tiêu quản lý vàng của NHNN bất nhất, khi nói thế này, khi nói thế nọ. Thị trường vàng thế giới, lời 1% đã là quá hời, ở VN 6-9% vẫn chưa là gì cả. Độc quyền thì bắt chẹt để thu lợi ai mà không thích.
Khi viết bài này, vàng thế giới đang chốt ở mức 1477usd/ounce, giảm kỷ lục 4,52% so với hôm qua, giá trong nước đứng phắc. Thật là một nền thị trường được điều tiết bởi “bàn tay vô hình thiên tài cở Nobel”
Hoan hô độc quyền và quyền bắt chẹt vĩ đại ở Việt Nam!.
Đó là thứ vũ khí tuyệt chiêu sẽ vô hiệu hóa bất kỳ kẻ ngoại xâm khi chúng léng phéng xâm phạm chủ quyền nước Việt ta.

PVH

Friday 12 April 2013

Tinh thần làm việc của xứ sở hoa anh đào



Nhắc đến đất nước mặt trời mọc thì nhiều người sẽ nghĩ đến những sản phẩm văn hoá tinh thần nổi tiếng khắp thế giới như: trà đạo (ocha), cắm hoa (ikebana), truyện tranh (manga) ...cho đến những sản phẩm: điện tử, xe hơi. thiết bị gia dụng...Khi đến với đất nước Nhật Bản, không chỉ kinh ngạc trước sự phát triển của các thành phố hay phương tiện giao thông mà bất ngờ hơn là cách làm việc của con người nơi đây.
Đối với người Nhật, chăm chỉ làm việc và làm hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty được xem như là chuẩn mực của xã hội xuất phát từ văn hoá ngàn đời nay của người Nhật. Họ say mê làm công việc được xem như là nghĩa vụ hướng tới sự hoàn hảo, và như muốn bức phá ra những điều quá bình thường của cuộc sống. Câu nói: “công việc làm trọn đời” luôn là khẩu hiệu nhằm nâng cao năng suất thường được các doanh nghiệp ứng dụng, giúp tạo ra hiệu quả trong công việc. Các nhân viên Nhật, nhất là những nam nhân viên có tay nghề, thường thích làm một công việc suốt đời. Họ thường trung thành với một công ty suốt cả cuộc đời trừ khi công ty phá sản hoặc sa thải.
Người nước ngoài khi nhìn người Nhật làm việc tại các công ty thường cảm nhận nặng nề vì cường độ làm việc quá cao hay áp lực công việc lớn, lại có sự phân cấp, làm theo mệnh lệnh, vâng lời và rập khuông. Nhưng nếu chỉ nhìn nhận vấn đề tới đây, thì họ không thể hiểu được những thành tựu mới mỗi ngày được sáng tạo bởi nhân viên thuộc các công ty Nhật Bản. Đối với người Nhật, chăm chỉ làm việc và làm hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty được xem như là chuẩn mực. Trong chuyên môn của mình, họ được tạo môi trường để có thể sáng tạo tốt nhất trong khả năng của mình. Đôi khi không phải là cái mới nhất nhưng đã làm ra cái tốt hơn trước đây.Để nâng cao năng lực của nhân viên, các công ty thử nghiệm nhiều phương pháp khác nhau để đề nghị nhân viên đưa ra các sáng kiến để nâng cao chất lượng.
Nhóm kiểm tra chất lượng là một trong những hoạt động đó, nhóm này bao gồm nhiều nhóm công nhân nhỏ, gặp nhau thường xuyên để phát hiện và để giải quyết các khó khăn của họ. Đây là một hoạt động có sự tham gia của nhiều cá nhân, họ tham khảo ý kiến giữa các đồng nghiệp với nhau vì mỗi một cá nhân thường không muốn tiếp xúc trực tiếp với cấp trên sẽ tạo sự gò bó trong công việc. Vì vậy, tại Nhật các công ty thường sử dụng phương pháp làm việc theo nhóm để thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ trong nhóm và các nhân viên quan tâm đến nhiều nhiệm vụ hơn là chỉ quan tâm đến một số nhiệm vụ nào đó.
P.K

Thursday 11 April 2013

DƯỚI LÀN HỎA LỰC



Nếu các “cú đấm thép” của nền kinh tế Việt Nam cứ như ngành xăng dầu, chỉ có tiến không biết lùi (hoặc giả lùi nghi binh như giảm 500đ/lít vừa qua) thì đất nước ta chắc đã vượt Nga Xô vĩ đại mất rồi.
Hiện tại ngành xăng dầu Indonexia đang lui về hậu phương “dưỡng sức” thì ở ta ngành này đang căng sức để giữ chốt “tiền tiêu”, tức giữ cho giá xăng dầu không xuống thấp 9,000 đ/lít như tại Indonexia. Do nhà nước không giảm thuế, không có chính sách ưu đãi kinh doanh, không có chính sách “làm loãng” vai trò độc quyền xăng dầu…nên hiện tại không có lực lượng nào thay ngành này giữ chốt “tiền tiêu” cả.
Tại sao vậy?
Tại vì không ai được đặc quyền giữ chốt “tiền tiêu” này ngoài ngành xăng dầu, và cắm giữ chốt này thì không mất mạng mà lại được tiền,  được nhiều là đằng khác. Hôm nay xăng dầu thế giới xoay xung quoanh mốc giá 90 usd/thùng, xăng dầu vẫn hiên ngang giữ chốt “điểm cao”.
Neesy giữ chốt tiền tiêu nằm dưới làn hỏa lực của quân địch “lạ” thì coi như “thân sống chỉ coi còn một nửa”, nhưng “dàn hỏa lực” này suy cho cùng cũng chỉ là “bức xúc, phản đối, lo lắng” của đồng bào, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước Việt ta. Hỏa lực “dư luận” đối với kẻ “tham, sân, si” hiện đang có dấu hiệu “mất luôn lương tri” thì coi như chẳng ăn nhằm gì cả. Thế mới có thơ bình loạn:
“Dưới làn hỏa lực, ta không núng,
Tăng giá, bắt chẹt ắt phải mua”.
He he…
PVH

Tuesday 9 April 2013

LÃI NGÂN HÀNG



So với các năm trước, các ngân hàng phần đông đã giảm lãi so với những năm 2011 trở về trước. Khi đó, được gọi là lãi khủng.
Nay ngân hàng do gánh nợ xấu nên phải trích lập quỹ dự phòng, và lãi vì vậy bị giảm đi. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn còn lãi, chứ chưa lỗ nặng.
Một số ngân hàng như HABUBANK, WB…đã phải chịu sáp nhập do gánh nợ của một số doanh nghiệp được gọi là quả đấm thép của nền kinh tế không đòi được trong một thời gian dài.
Về nợ xấu, hình như ngân hàng chưa cho biết con số thật sự. Người thì đoán 17% GDP, người thì đoán 10%, NHNN thì nói là 8% nay đã xuống còn 6% rồi. Chắc chắn con số 6% là không có thực. Con số 17% thì còn phải coi lại, nhưng trên 10% thì chắc chắn là có rồi. Chỉ còn minh bạch việc cơ sở tính toán có theo chuẩn quốc tế hay không mà  thôi. Thống đốc Bình nói chưa có chuẩn chính thức nào để qui định  tính toán về nợ xấu – như trả lời trước quốc hội- là trả lời lấy được, là trả lời câu giờ giống như việc ông nói về “bộ 3 bất khả thi”, mà thực chất là ông ta “bất khả tri” về “bộ 3 nổi tiếng” của kinh tế học hiện đại.
Nhưng, ngân hàng vẫn có lãi. Tuy nhiên, về lâu dài có tiếp tục thâu lãi hay không thì khó mà biết được. Căn nguyên là ngân hàng đang cho vay chủ yếu dựa vào tiền gửi của người dân. Khi lãi suất tiền gửi xuống thấp, lạm phát cao, người dân rút tiền để tìm cách khác bảo vệ tài sản của mình, thì ngân hàng sẽ không còn tiền để cho vay nữa.
Vì vậy, để tồn tại, ngân hàng phải “đi đêm” với khách hàng về lãi suất để rồi sau đó cho vay lại với lãi suất cao ngất ngưỡng và hưởng  lãi.
Vì vậy, chúng ta sẽ tự nhiên trả lời được câu hỏi vì sau ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao, chưa chịu hạ xuống theo yêu cầu của NHNN.
Vì không có quản lý minh bạch, pháp luật ngân hàng lỏng lẻo nên mới xảy ra hiện trạng này.
Siết kỷ luật ngân hàng thì may ra doanh nghiệp và người dân mới có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất hợp lý được.
Sự tù mù trong thống kê nợ xấu cũng như áp dụng lãi suất tiền gửi ngân hàng sẽ là nguy cơ gây bất ổn cho nền kinh tế lâu dài.

PVH

Monday 8 April 2013

CỐ ĐÔ VÀO HÈ



 
Là một người con của Cố đô Huế, vào những ngày hè thường phải đối mặt với cái thời tiết nóng rang và ngột ngạt. Mùa hè ở Huế vẫn là những cái nóng như thiêu như đốt, buổi sáng thì không khí trở nên oi bức khi thiếu đi những làn gió nhẹ và những cái nóng đến nức nẻ đầu khi ra đường vào các giờ buổi trưa. Nhưng bù lại ở Huế, mùa hè vẫn mang lại cảm giác dễ chịu cho mọi người do những bóng cây xanh rất nhiều dọc ven đường mát rượi. Sông Hương được các nhà thơ, nhà văn ví như gương mặt của Huế thì cây xanh chính là dáng đi của những thiếu nữ với tà áo dài tô điểm thêm một thành phố xanh, sạch, đẹp. Huế là thành phố của cây xanh với sự hài hòa của những con đường rợp bóng cây hay những khu vườn quanh năm xanh tươi hoa trái. 

Mùa hè ở Huế sẽ trở nên êm dịu hơn nhường lại sắc đỏ cho những cây hoa phượng, tô điểm thêm không khí mùa hè. Các con đường Phượng bay, hàng Me ở Huế từng đi vào dòng nhạc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn với “Mưa hồng - đường phượng bay mù không lối về”. Nay con đường phượng bay, con đường Đoàn Thị Điểm vẫn đẹp như ngày nào. Các con đường khác cũng rợp bóng hoa phượng có thể kể đến đường Đặng Thái Thân, Lê Duẩn, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu cạnh cầu Trường Tiền. Mỗi khi hè về, rất đông du khách tìm đến để được ngắm nhìn và xua đi cái nóng của những ngày hè trên đất Cố đô.

Mùa hè năm nay, người dân Cố Đô vào buổi tối và sáng sớm còn có thể hóng mát và ngắm cảnh thành phố cùng sông Hương thơ mộng khi đứng trên cầu Dã Viên mới được khánh thành cách đây mấy tháng. Các vọng lâu trên cầu càng tăng thêm vẽ đệp cho thành phố có tên Cố đô.

Q.H



Sunday 7 April 2013

THIẾU CHUYÊN GIA




          Những tranh luận về kinh tế gần đây trên báo chí cho thấy nước ta đang thiếu lực lượng chuyên gia kinh tế giỏi.
          Tranh luận đang theo chiều hướng mạnh ai nấy nói, chưa thực sự tạo thành các trường phái khác nhau, được dẫn dắt bởi các học giả tiếng tăm.
Trước hết là việc quyết địng tăng giá xăng dầu. Bên muốn tăng giá chỉ đưa ra một số lý do thiếu thuyết phục, trong khi lại không công khai hết thông tin, và tăng giá trong khi giá dầu thế giới đang giảm. Bên phản đối tăng giá không chứng minh được thiệt hại một cách  tường minh, phản biện phiến diện, cứ nhấn mạnh ở hậu quả sẽ gây ra lạm phát, tăng CPI chứ không phân tích toàn diện sự thiệt hại cho nền kinh tế về hữu hình và vô hình.
Việc nên phá giá VNĐ hay không cũng vậy. Các bên bảo vệ hay phản đối đều có lý do riêng của mình, nhưng chủ yếu là nói về xuất nhập khẩu bị tác động ra sao, lạm phát sẽ bị dẫn dắt thế nào, FDI bị ảnh hưởng hay là không…Người ta quên mất rằng, chỉ có sức mạnh sản xuất của nền kinh tế mới đảm bảo giá trị đồng tiền. Phải bảo đảm gia tăng sức sản xuất và giá trị lao động gia tăng thì đồng tiền Việt mới có giá trị và tỉ giá ổn định lâu dài cũng nhằm bảo vệ sức sản xuất đó. Ít có chuyên gai nào nêu bật ý nghĩa này khi tranh luận.
Tranh luận về giá BĐS và giải cứu bất động sản gần đây cũng khá sôi nổi. Cái buồn cười của doanh nghiệp kinh doanh BĐS là họ không có khái niệm về kinh tế thị trường, họ hình như quen với việc được nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ. Họ quên đi việc giá BĐS phải được quyết định theo qui luật thị trường là điểm gặp nhau của cung và cầu. Hiện nay “cung BĐS” đang ở trên mây, còn “cầu về BĐS” đang ở dưới đất, một số đang ở dưới hố sâu thì làm sao có thể gặp nhau được. Về việc này, TS Alan Phan đã phân tích sâu sắc và có lý hơn cả.
Còn rất nhiều vấn đề tranh luận khác như: xe chính chủ, được bắn người khi thi hành công vụ, cấp phát thẻ công dân, sửa luật đất đai…mà việc tranh luận gần đây cho thấy chúng ta đang thiếu chuyên gia giỏi một cách trầm trọng.

Hay là các người giỏi đã lui về ở ẩn hết rồi?

  PVH

Saturday 6 April 2013

ĐÁNH TRÚNG HUYỆT




Việc điều chỉnh giá xăng lên cao nhất trong lịch sử một lần nữa cho thấy sức mạnh ghê gớm của độc quyền và lợi ích nhóm.
Việc tăng giá lần này được nhận định là một cú “đánh trúng huyệt” người nghèo và hệ thống doanh nghiệp buộc phải sử dụng xăng dầu.
Lần tăng giá này, mức tăng tuyệt đối là 1.431 đ/lít, tức tăng gần 6,2% so với mức giá trước đó. Phải nói đứng về phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đó là mức tăng rất đẹp, rất tuyệt!.
Rồi đây, chắc người dân phải thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm hết sức có thể để có tiền mua xăng (bắt buộc), đó là đối với những ai không thể đi làm, di chuyển bằng xe đạp hoặc đi bộ hoặc sử dụng giao thông công cộng…Đất nước này đã sở hữu số lượng xe máy trên 33 triệu chiếc, do tiến trình đô thị hóa nhanh chóng, số người dân bắt buộc sử dụng xe máy để đi lại là rất lớn. Do vậy, họ phải mua xăng dầu với giá cao ngất trên trời mà không có lựa chọn nào khác. Vậy đứng trên góc nhìn này, chuyện gì sẽ xảy ra?
        Giả dụ thu nhập thực tế của người đi xe máy không tăng trong năm nay và họ buộc phải sử dụng xe máy để đi lại như trước đây, việc tăng giá xăng hơn 6% sẽ buộc họ phải cắt giảm chi tiêu cho nhiều khoản thứ yếu khác, trong đó có việc ăn ngon, mặc mới, mua sắm mới dụng cụ gia đình, giảm mua sách báo hoặc giải trí  mất tiền; phải có kế hoạch tiết kiệm nhiều hơn để đề phòng xăng tăng giá tiếp…
       Và chỉ từng bấy nhiêu điều thôi của hàng chục triệu người và hộ gia đình cũng đã là quá đủ cho nền kinh tế nước ta bị giảm cầu, và đó cũng là nguyên nhân làm cho sự phục hồi kinh tế càng thêm xa vời hơn.
       Như một người bệnh đang từng bước hồi phục tốt, bị một cú điểm huyệt của “kẻ ác”, bổng lăn ra nằm ngay đơ không biết khi nào mới tỉnh ra và đứng dậy được.
       Việc tăng giá xăng vừa rồi tương tự như một cú đánh trúng huyệt “nền kinh tế” Việt Nam vậy!
       Khen thay cho các nhà quản lý vĩ mô “tài ba” của chúng ta!

PVH

Friday 5 April 2013

ẨM THỰC HUẾ


Chè Huế

Xứ Huế, xứ Huế thơ mộng. Xứ Huế rất nổi tiếng với khu di tích Đại Nội được UNESCO công nhân là di sản văn hóa của thế giói, những khu lăng tẩm của các đời vua thời nhà Nguyễn, những ngôi chừa cổ kính đã tồn tại trong suốt hàng trăm năm qua… Không những nổi tiếng với các công trình di tích lịch sử mà Huế còn rất phong phú với những điểm du lịch sinh thái như suối nước khoáng nóng Thanh Tân, Vườn Quốc gia Bạch Mã,… Bên cạnh những công trình lịch sử, những khu du lịch sinh thái thì Huế cũng được thiên nhiên ban tặng một con sông rất nổi tiếng và là con sông duy nhất của Việt Nam chạy trong lòng thành phố đó là dòng sông Hương. Nếu một ai đã đến Huế, đã đi thăm các  khu di tích lịch sử, các khu du lịch sinh thái, đi thuyền rồng nghe ca Huế trên sông Hương thì xin hãy dành thêm một chút thời gian để thưởng thức những món ăn ẩm thực của vùng đất cố đô. Những món ăn ở đây rất dân dã và cũng không đắc tiền nhưng một khi bạn đã thưởng thức rồi thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ quên.
Bánh ướt: Bánh ướt được làm từ bột gạo có pha thêm một ít bột lọc và đem tráng mỏng ra. Thịt để nướng là thịt heo thái mỏng ướp với các loại gia vị và mè. Sau khi nướng thịt chín thì lấy thịt, rau thơm, giá, xà lách làm nhân để cuốn bánh. Bánh ướt được chấm với loại nước chấm được làm từ nước mắm, chanh, tỏi, ớt…
Bánh bèo: Là loại bánh được làm từ bột gạo trắng rồi đem hấp cách thủy cho vừa chín. Nhân bánh bèo được làm từ thịt tôm và giã hơi mịn, một phần da heo được chiên giòn làm tốp mỡ tăng thêm phần hấp dẫn cho khách. Khi ăn thì chúng ta chan thêm một chút nước mắm.
Bánh khoái: Bánh khoái được làm từ bột gạo xay đánh sệt với nước và lòng đỏ trứng, sau đó thêm tiêu, muối, tôm bóc vỏ, thịt bò nướng thái lát, giá sống... Khi làm bánh, người đầu bếp múc một muội bột trứng đổ vào khuôn nóng đã tráng mỡ. Khi bột chín vàng rơm thì gắp một miếng thịt bò, lát mỡ nhỏ, vài con tôm, ít giá bỏ vào. Khi thấy bánh vàng đều thì đem bày ra đĩa. Bánh khoái được chấm với nước lèo được làm từ mè, lạc rang, gan lợn, bột bán…
Cơm hến: Một tô cơm hến bao gồm có cơm, hến, chuối bào, vài lát khế chua, giá sống, đậu phộng rang, ớt…Khi ăn một tô cơm hến người bán sẽ bưng kèm với một bát nước luộc hến nóng và có mùi đặc trưng của hến.

N.I.H

Wednesday 3 April 2013

DỰ ÁN THÍ ĐIỂM



Thế rồi, dự án khai thác bo-xit tại Nhân Rai và Tân Cơ cũng được các quan chức liên quan công bố là chỉ là dự án thí điểm.
Thí điểm, nhưng tổng đầu tư lên tới 1,5 tỉ usd, gần bằng 1% GDP của Việt Nam.
Ai cũng biết, khi đã gọi là thí điểm thì có thể thành công hay thất bại. Thí điểm cũng như làm thủ nghiệm vậy. Nhà bác học Edison, để làm được bóng đèn dây tóc đã thử nghiệm không biết mấy ngàn lần, và cuối cúng đã thành công. Chí phí thử nghiệm chỉ do một mình nhà bác học chịu, trong khi cái giá phải trả cho 2 dự án nói trên là tiên thuế của toàn thể nhân dân Việt Nam mà đa số trong đó là còn nghèo với nợ công trên mỗi đầu người đã gần 900 usd.

Thí điểm này còn phi khoa học ở chổ, Tây nguyên có lợi thế so sánh vùng là trồng cà phê. Đáng lẽ với phương pháp só sánh đối chứng, người ta phải chọn 1 điểm để sản xuất bo-xit, 1 điêm còn lại là trồng cà phê hoặc cây công nghiệp như cao su, tiêu. Từ đó mới rút ra hiệu quả kinh tế của sảm phẩm nào là có giá trị nhất để phát triển.

Nay, theo phương cách thí điêm này thì Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi.
Thất bại thì dân gánh, tiền thì vẫn vào túi nhóm lợi ích.

Người dân thường còn hiểu được tín rủi ro và bấp bênh của dự án này, đừng nói gì đến các nhà kinh tế, quan chức cấp cao.

Vậy, thưa các ngài, thí điểm cùng lúc 2 dự án tại hai địa điểm khác nhau là vì mục đích gì vậy?

PVH


Monday 1 April 2013

MẠNG NHỆN



Thường thì khi gặp khúc mắc rắc rối gì, người Việt thường nói "rối như tơ vò", "rắc rối như ma trận", "chằng chịt như mạng nhện", "phức tạp như mê cung".

Thực ra nói như vậy tức là mới nhìn vào hình thức bên ngoài thôi chứ thực ra mỗi  "cuộn tơ", "ma trận", mạng nhện", "mê cung" đều được thiết kế hết sức tinh vi, khoa học, có chủ đích.

Nếu cần nói gặp khó khăn, khúc mắc, rắc rối...ta nên dùng từ "rối như đụng cơ chế" (nếu ở Việt Nam). Thực ra chưa có ai ở Việt Nam thông hiểu được "cơ chế" một cách tận đầu tận đuôi. Làm gì ở đất nước này cũng bị giới hạn, đụng chạm, vướng mắc, khó khăn,...trăm bề, cũng chỉ được giải thích bằng một từ đơn giản "do cơ chế".

Không biết "cơ chế" hình thù ra sao mà có uy lực ghê gớm đến như vậy?

PVH