Saturday 29 September 2012

“NHẤT CỬ LƯỠNG TIỆN”





Tranh chấp về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện nay đang bùng lên, tạo nên những quan ngại cho tất cả những ai quan tâm.

Điều chúng ta quan tâm là Trung Quốc đang tranh chấp với Nhật Bản, một cường quốc đệ tam thế giới về kinh tế và có thể là quân sự nữa.

Ngược với cách hành xử chừng mực và điềm tĩnh của người Nhật, chính phủ Trung Quốc đã có những phản ứng “khó lý giải”; phải chăng họ đang ra "chiêu" để đe dọa những ai đang có tranh chấp biển đảo với họ. Chúng ta phải hết sức cảnh giác.

-   Trung Quốc đã bật đèn xanh để các cuộc biểu tình chống Nhật mang hơi hướng bạo động xảy ra.
-   Trung quốc đã liều lĩnh, bật đèn cho người dân tấn công xe Đại sứ Nhật tại Bắc Kinh.
-   Hô hào và ủng hộ người gốc Trung Hoa bơi tới đảo tranh chấp.
-   Dùng lời lẽ đe dọa về mặt ngoại giao.
-   Huy động một loạt tàu hải giám có trang bị vũ khí tới sát đảo tranh chấp.
-   Sử dụng các lực lượng phi qui ước hòng chiếm ưu thế trong cuộc tranh chấp này.
-   Sử dụng diễn đàn Liên Hiệp Quốc để "lu loa bị cướp"  và PR cho "chính nghĩa của 1,2 tỉ dân Trung Hoa lục địa.
-  

Ngẫm lại, nước Việt chúng ta cần có kế hoạch và kế sách đối phó lâu bền. Mạnh như Nhật Bản mà họ không coi ra gì, huống hồ ...


PVH

Friday 28 September 2012

TẾ NHỊ



Tính e dè là một tình cảm bình thường của con người, là chất liệu tạo hành tính tế nhị. Ðó là về mặt nội dung, còn về hình thức thì đó là tiếng nói và lý trí của lòng tốt con người.Những con người tự cao tự đại thì không có nhiều chất tế nhị, vì ở nơi họ không có sự tương quan giữa khả năng và quyền lợi của mình với khả năng và quyền lợi của người khác.
Ðiều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình đừng làm cho người được xem là tiêu chuẩn để làm thước đo tính tế nhị. Bởi vì trước khi mình định làm một việc gì đó, không những cần xem xét nó có chính đáng hay không? Có hợp đạo lý làm người hay không ? Mà còn cần phải xét xem những người chung quanh mình cảm nhận được hành động đó như thế nào? Hãy thử đặt mình vào địa vị đối tượng hành động của mình để biết cảm giác của họ sẽ ra sao? Người biết cách cư xử tế nhị sẽ mang lại sự hòa thuận vui vẻ với mọi người ở chung quanh.
Như là:
• Hãy kìm nén sự nóng giận của mình và dùng những lời lẽ thật tế nhị thuyết phục người khác nhận ra lỗi của mình.
• Trước hết, hãy tự trách bản thân mình vì bạn không phải là người hoàn hảo. Như người xưa đã dạy: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân".
• Luôn luôn giữ thể diện cho đối phương của mình, bởi vì chỉ khi bạn tôn trọng người khác thì bạn mới được họ tôn trọng lại.
Sự lễ độ là một trong những nét chủ yếu của văn hoá ở một con người.
Sự lễ độ cùng với cách cư xử tế nhị và những cử chỉ tao nhã sẽ tạo thành cho bạn một phong cách lịch sự khiến cho mọi người chung quanh vô cùng quý mến và nể phục.Tế nhị không bao giờ là sự giả dối, thủ đoạn, những cái mà người ta khinh ghét nhất. Giữa tế nhị với sự khôn vặt, giả dối có một lằn ranh nhất định. Tính tế nhị đi liền với sự chân thành và lòng tôn trọng người khác.
Người tế nhị cũng là người khiêm tốn. Không kín đáo đến mức khó hiểu, biết im lặng khi cần thiết. Không xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác, cũng không tò mò thóc mách, không chế giễu người khác trước mặt cũng như sau lưng. Ngược lại, tế nhị cũng không phải bày tỏ lòng quan tâm quá mức cần thiết. Nhưng tuyệt nhiên tế nhị không đối lập với tính nguyên tắc, không đối lập với lòng can đảm đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, đặc biệt là đối với những vấn đề lập trường, quan điểm sống, quan điểm đạo đức. Cần phải biết phản ứng đúng lúc đối với những điều xúc phạm con người - vì đó cũng là một sự tế nhị với yêu cầu cao nhất. Chúng ta cần có sự tế nhị mang tính nguyên tắc chứ không cần sự tế nhị bao che, giản đơn. Con người tế nhị bao giờ cũng mang vẻ đẹp của lòng nhân hậu, tinh thần cao thượng và sự hiểu biết giàu có trong đời sống.

Đức Nhân

Wednesday 26 September 2012

TRUNG THU CÙNG EM



Tôi vẫn chưa quên được ngày trung thu cách đây mấy  năm. Ngày mà tôi lần đâu tiên đi làm tình nguyện, thức dậy với một tâm trạng háo hức, sắp xếp những chiếc bánh trung thu ngộ nghĩnh với nhiều hình thù, trong đầu tôi hiện ra hình ảnh gương mặt trẻ thơ vui vẻ khi nhận được quà. Phấn khởi tập trung tại trường cùng cả lớp xuất phát đến địa điểm tổ chức hoạt động tình nguyện. Cả một đoàn xe máy bon bon hơn 20km và điểm dừng làm 1 ngôi chùa . Khi bước chân  đầu tiên vào ngôi chùa thì hình ảnh tưởng tượng ban đầu của tôi đã sụp đổ. Những gương mặt bầu bình, ngây ngô ,tròn xoe mắt nhìn tôi và đôi lúc lại mỉm cười một cách vô thức, có cả những gương mặt sợ hãi núp vào góc tường khi chúng tôi đến, và cả những đứa trẻ chỉ nằm co quắt trên giường vì chất độc dioxin đã làm chi tứ chi không phát triển hay khối u não đã dần dần to ra làm không thể cử động đầu ....Những đứa trẻ ở đây là những mãnh đời bất hạnh được các sư cô giang rộng vòng tay đón nhận : có đứa khi sinh ra vì hình hài dị tật mà bố mẹ chúng không nhìn nhận ; có đứa mắc bệnh tim bẩm sinh vì bố mẹ không có tiền chữa trị nên đành bỏ trước cổng chùa ; có đứa mắc chứng tự kỉ được sư cô bảo bọc vì nó luôn trốn tránh mọi người xung quanh và sợ hãi khi bước ra ánh sáng ;... Dường như đối với những đứa trẻ này thì ngày trung thu cũng như bao ngày bình thường, không giống bao đứa trẻ khác trông đến ngày trung thu để xem múa lân, nhận bánh trung thu hay nghe những câu chuyện về chú cuội và chị Hằng. Niềm vui của những đứa trẻ này chỉ là những câu hò ru của những sư cô cho chúng có giấc ngủ say hay đưa mắt nhìn chiếc máy quạt xoay vòng trên trần nhà. Tôi không nghĩ rằng trên trái đất này lại tồn tại những mảnh đời quá đỗi bất hạnh như vậy ! Cả một ngày vui vẻ, chăm sóc và tập làm cô giáo dạy bảng chữ cái cho tụi trẻ, tôi cảm thấy ngày trung thu năm đó thật ý nghĩa vì đã mang lại một phần nho nhỏ của cuộc sống này cho các em.

PK

Monday 24 September 2012

GIẢM GIÁ VỐN




Tiền nào cũng là tiền. Tiền đắt hay rẽ bởi là do lãi suất tiền gửi là cao hay thấp. Khi lãi suất cao, người ta nói tiền có giá, khi lãi suất thấp, người ta noi giá tiền thấp hay không hấp dẫn, người giữ tiền khi đó tìm cách chuyển tiền có được sang "dự trữ" có sức hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, gần đây, khi lãi suất cho vay vẫn còn ở mức cao, có chuyên gia ngân hàng từng công tác lâu năm ở nước tư bản hùng mạnh đề xuất là ngân hàng nhà nước VN nên cho ngân hàng thương mại vay với lãi suất 2-3%/năm, sau đó ngân hàng cho vay lại với lãi suất 5-6%/năm, mục đích là để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn, nhờ đó kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn.

Tất nhiên, đó là một đề xuất đầy mạo hiểm với kinh tế VN bây giờ.

Tiền ra nhiều hơn, có nghĩa là với từng đó hàng hóa, do hàng tồn kho quá nhiều có nghĩa là lạm phát sẽ tăng lên một cách nhanh chóng.
Khi có tiền giá rẽ, nhiều doanh nghiệp sẽ sử dụng không có hiệu quả, như vậy  đẩy giá thành sản phẩm lên, góp phần làm tăng lạm phát.

Do ngân hàng muốn giảm nợ xấu, sẽ có nhiều hồ sơ vay nhưng dùng tiền không đúng mục đích, ví dụ đảo nợ hay tiếp tục đầu tư vào bất động sản...như vậy sẽ hình thành một nguy cơ khủng hoảng mới ở phía trước như kinh nghiệm đã từng cho thấy trước đây.

Chắc chắn sẽ tác động tới tỉ giá, và làm cho tiền vn đồng bị mất giá, trước mắt thì có lợi cho xuất khẩu nhưng lâu dài thì có hại, vì mặt bằng giá mới cũng sẽ được nâng cao dần, làm cho ưu thế của tỉ giá không bù lại được cho tín thiếu cạnh  tranh do giá thành sản phẩm cao.

Cuối cùng, vnd không giống usd, NHNN ta không giống Fed, cơ chế điều hành ngân hàng cũng giống như tiềm lực kinh tế hai quốc gia là rất khác biệt nhau. Không thể lấy lãi suất của Fed duy trì ở mức 0-0.25% để áp dụng cho xứ ta được.

Cần phải xem lại đề xuất thiếu căn cứ này.

PVH

Friday 21 September 2012

CÁCH XIN LỖI




Thật dễ dàng để viết câu này xuống giấy. Nhưng khi phải thốt ra với một ai đấy, ta thường cảm thấy "nghẹn nghẹn" trong cổ họng, như danh ca Elton John có bài hát Sorry Seems To Be The Hardest Word

Xin lỗi là sự công nhận chúng ta đã làm một điều sai trái - dù đấy là một lời bình phẩm vô tình, một hành động nông nổi hay một cử chỉ không đẹp. Bằng lời xin lỗi, chúng ta muốn đưa ra thông điệp như sau: "Mình cảm thấy vô cùng ân hận và giày vò vì việc mình đã làm. Mong bạn hãy tha thứ cho mình!". Cũng chính vì điều này mà khi xin lỗi, chúng ta thường cảm thấy bản thân quá... "nhỏ nhoi", thấp bé", rằng xin lỗi là dấu hiệu của sự yếu đuối, của sự mất quyền lực và để cho nguời khác "nắm đầu"
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là "nhân vô thập toàn", không có ai trên cuộc đời này dám vỗ ngực tự hào là mình hoàn hảo cả. Cho nên, việc bạn sẵn lòng nhận lỗi lầm, đối diện thẳng thắn với nó và hành động để đưa mọi việc vào trật tự tốt đẹp như cũ, cho thấy nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao và cá tính tuyệt vời của bạn. Bạn bè (người thân, đồng nghiệp, cha mẹ v.v...) sẽ không đánh giá thấp những nỗ lực của bạn. Ngược lại, họ sẽ đánh giá bạn cao hơn, mở rộng lòng hơn cho sự tha thứ và bỏ lại đàng sau quá khứ những niềm đau, nỗi buồn.

Đức Nhân

Wednesday 19 September 2012

ÁNH TRĂNG


  
Nhờ có sự cố cúp điện giữa đêm, tôi mới có dịp nhớ lại hoài niệm về ánh trăng ngày trước.

“Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng,
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn”.

Sống giữa lòng thành phố với hạ tầng tiện nghi đầy đủ, ta thường không thấy giá trị của điện, nước...cho tới khi các dịch vụ này đột nhiên bị  người ta, hay thiên tai ...cắt đi.

Mùa hè nóng nực, giữa đêm bị cúp điện, nóng ơi là nóng, lúc đó mong sao mình đang được ở làng quê giữa đêm khuya thanh vắng sau vụ mùa bội thu...năm nào!.

Ánh trăng vàng rực, len lõi đến từng nhành lúa gặt đang phơi ở góc  sân. Cơn gió nhẹ đưa hương vào tận chiếc giường kê nơi hiên nhà, thoang thoảng mùi lúa mới, dấu hiệu của sự no ấm nhà nông.

Tịnh không thấy một ánh đèn trong làng, người dân quê đã tắt hết đèn như để thưởng thức vẽ đẹp của ánh trăng rằm, như nét kiêu sa của thiếu nữ tuổi dậy thì.

Làng xóm tịnh không một tiếng động, như sợ ánh trăng sẽ vụt biến đi nếu bị đánh thức bởi những âm thanh lạ lẫm trong đêm thanh.

Chỉ một vài ký ức đó thôi cũng đã là kỹ niệm hết sức thiêng liêng của bao người, trong đó có những người-do hoàn cảnh sẽ không còn có cơ hội để được chiêm ngưỡng ánh trăng trong đêm thanh làng quê thêm lần nào nữa.

Tất cả là kí ức dĩ vãng, bổng nhiên tuôn quay về trong một đêm cúp điện của một đô thị nhỏ nóng nực.

Buồn nao lòng, ôi ánh trăng xưa...

PVH

Monday 17 September 2012

“BIỂU TÌNH”





Tại Trung Quốc.
Đây không phải là hành động biểu tình chống nhà nước, mà là cuộc biểu tình chống nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản.  Nghe nói đợt biểu tình này đã xảy ra trên 50 thành phố của Trung Quốc và chưa có dấu hiệu kết thúc. Lý do biểu tình là: phản đối chính phủ Nhật đã thông báo việc mua lại quần đảo Senkaku đang tranh chấp chủ quyền với TQ từ tư nhân và khẳng định chủ quyền của Nhật đối với quần đảo và vùng nước xung quanh.

Là dân của một nước, được truyền thông quốc gia cho biết quần đảo đó vốn là của nước mình, nay bị nước khác ngang nhiên chiếm giữ, ai có tinh thần ái quốc mà không quan ngại và tức giận sao được. Vì vậy việc biểu hiện thái độ yêu nước bằng cách tuần hành, phản đối là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên theo dõi kỹ các bản tin, và hình ảnh phát đi của các hãng thông tấn trong và ngoài nước, có thể thấy rằng biểu tình của nước “bạn” không giống ta, như sau:

-   Người biểu tình ở ta không đập phá, đốt cờ, phá hoại tài sản của doanh nhân, hoặc có nguồn gốc, hoặc liên quan đến nước bị phản đối.
-   Người biểu tình của họ không bị lực lượng chức năng khống chế, dọa nạt, bắt bớ, hành hung thậm chí bắt giữ ngay khi có hành động bạo động, phá hoại…
-   Chưa có một “lệnh khởi tố” nào được phát ra, ngay cả khi màn hình chiếu cảnh một tòa nhà kinh doanh hàng điện tử PANASONIC cao 4-5 tầng của người Nhật bị người biểu tình đốt cháy rụi (tin báo chí trong nước đăng tin là có hôi của nữa).
-   Có nhiều nghi ngờ rằng: hoạt động biểu tình này có sự bật đèn xanh của nhà nước TQ, vì qui mô, tính tổ chức, trang bị, đồng phục, khẩu hiệu…không thể tự phát mà làm được trong 1-2 ngày.
-  

Thế mới thấy, cùng một vấn đề thể hiện lòng yêu nước, biểu tình ở nước "lạ" không giống ở ta cái gì sất.

Đúng là ở nước “lạ” mọi thứ đều “lạ”.

PVH

Saturday 15 September 2012

CẤM!




Ở nước ta, cứ cấm cái gì thì thứ đó lại càng nở rộ, coi như không có điều cấm đó tồn tại bao giờ.

-   Cấm đái bậy;
-   Cấm đổ rác;
-   Cấm hái hoa bẻ cành;
-   Cấm đứng lên cỏ;
-   Cấm hút thuốc;
-   Cấm vượt đèn đỏ;
-   Các điều cấm các vị…không được làm;
-   Cấm tặng quà…
-   Cấm…
-   Cấm…
-  

Thực ra, trong xã hội văn minh, dân trí cao, chế độ pháp quyền rõ ràng và đồng bộ, thể chế trách nhiệm minh bạch thì việc cấm đoán sẽ ngày càng ít đi, và bị đẩy lùi vào dĩ vãng.

“Cấm” để mà “cấm tiệt” được thì thật là một chuyện rất khó trong thời điểm hiện nay ở xứ ta. Cấm để rồi dân tình cứ làm ngược lại các điều CẤM  thì nên chăng chúng ta cùng hoan nghênh việc ban hành các lệnh  CẤM sau:

-         Cấm NGHÈO;
-         Cấm ĐAU ỐM;
-         Cấm LẠC HẬU;
-         Cấm NGU DỐT;
-         Cấm ĐÓI;
-         Cấm KHÁT;
-         Cấm KHẨU;
-         Cấm CHẾT;
   Có thể sau khi ban hành lệnh “cấm” này một thời gian, xứ ta sẽ trở thành “đệ nhất thiên hạ” về mọi mặt do đối tượng “bị cấm” sẽ tìm cách làm ngược lại.
Ở xứ ta nó khác xứ người như vậy đó./.

PVH

Friday 14 September 2012

TRẺ EM CHẾT NƯỚC




Mới đây tin  tức loan báo về việc 8 em học sinh ở Hà nội chết nước do đi tắm hồ đã gây bàng hoàng dư luận. Tại sao các em lại ra đi tức tưởi như vậy?. “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”; “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em”; “Bảo vệ quyền lợi trẻ em”…Chúng ta có nhiều “khẩu hiệu” và “chính sách” quan tâm đến trẻ em. Thế mà vẫn có trường hợp “các em phải đu dây qua sông tới trường”; “cởi áo quần bơi qua sông để đến lớp học”; “phải bỏ học do các khoản đóng góp quá cao”; “chịu cảnh bị bạo hành trong gia đình”, hay “bị lạm dụng tính dục”. Và mới đây thôi một số em chết đuối đầy tang thương cũng chưa phải là trường hợp hy hữu trong thời gian vừa qua ở nước ta.
Thử tìm nguyên nhân trẻ em chết nước tăng tại một quốc gia nhiều sông hồ, bờ biển dài và chịu cảnh lũ lụt do mưa lớn hàng năm.

- Trường học không đủ điều kiện và cơ sở  để dạy các em học bơi, trong khi các dòng sông vốn trong xanh, nay dần bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt.

- Tác động của lũ lụt ngày càng nhiều và tăng dần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều đô thị bổng chốc biến thành sông với bao mối hiểm họa rình rập các em nhỏ.

- Các công trình thi công trên phố một cách vô trách nhiệm, cũng trở thành những bẫy cái chết người đối với các em nhỏ sau cơn mưa lớn.

- Tiềm lực kinh tế gia đình không cho phép phụ huynh có thể cho con em đi học bơi ở các trung tâm thể thao, làm cho tỉ lệ số trẻ em biết bơi rất thấp. Các phong trào phổ cập bơi cho trẻ em chưa thực sự vươn tới các vùng, địa phương có hoàn cảnh khó khăn.
Người ta nói “ Có bột mới gột nên hồ”, trong việc dạy cho trẻ em Việt Nam biết bơi, coi như chúng ta thiếu quá nhiều “bột” làm sao có thể “gột nên hồ” được đây?


PVH

Wednesday 12 September 2012

SẺ CHIA TẤM LÒNG



"Ba sẽ là cánh chim, đưa con bay thật xa. Mẹ sẽ là nhành hoa, cho con cài lên người". Thế nhưng không được hạnh phúc như bao đứa trẻ khác, cháu H.Q.H  phải sớm chịu sống "cảnh mồ côi" bố mẹ cùng với bà ngoại trong một nhà tạm đơn sơ dột nát.
Cháu Q.H năm nay đã được 5 tuổi. Sống tại đường Chi Lăng, TP Huế. Hiện cháu đang học mẫu giáo tại trường địa phương. Ngoài thời gian đi học một ngày một buổi, cháu chỉ biết thui thủi một mình cùng với bà ngoại. Trong khi đó bố cháu thì đang ở trại nghiện và đang cận kề bên cái chết, còn mẹ thì đành đoạn bỏ rơi con thơ mà theo chồng mới ở Sài Gòn. Cuộc sống của hai bà cháu vốn đã ngặt nghèo nay lại càng heo hút thêm. Bà ngoại của cháu tuy đã già nhưng là chỗ dựa duy nhất về tinh thần và nuôi cháu ăn học. Nhiều lần bà tâm sự: bây giờ dì còn sức khỏe còn kiếm được đôi đồng để lo cho cháu, không biết một khi trái gió trở trời thì cháu sẽ ra sao, ai sẽ lo cho cháu.
Cơ duyên đã đưa chúng tôi đến với hoàn cảnh gia đình hai bà cháu trong chương trình vay vốn Buôn Bán Đường Phố. Qua việc tìm hiểu, khảo sát khách hàng, chúng tôi đã lắng nghe những nỗi lòng, tâm sự và rất cảm thông cho hoàn cảnh tần tảo sớm hôm buôn bán đường phố của Bà, và hình ảnh  côi cút, bất hạnh của cháu H có cả bố và mẹ mà như không. Để chia sẽ bớt những khó khăn của Bà, và động viên tinh thần hai bà cháu có thêm nghị lực sống, chúng tôi đã trao tặng cho cháu H.Q.H số tiền 300,000đ, với mong muốn hai bà cháu sẽ vượt qua thử thách này.

H.S

Monday 10 September 2012

ĐÀ LẠT




 Người ta từng nói Đà lạt nay khác xưa nhiều. Tôi không biết ngày xưa Đà lạt ra sao, nên chỉ ghi lại một số cảm nhận về Đà lạt trước & nay theo cảm nhận cá nhân.

Lần đầu tôi tới Đà lạt là vào mùa hè 1993 cùng các bạn đồng niên. Lúc đó đã cảm nhận được một Đà lạt rất thơ mộng ngay tại trung tâm, với dãy nhà bằng gỗ; quán cà phê nhỏ nép ven rừng thông; rau xanh ngút ngàn, tràn ngập các bữa ăn; bản “Con gà” của người dân tộc anh em không xa trung tâm thành phố là bao; các thác đều rất sạch; đồi Cù mộng mơ e thẹn nép bên hồ Xuân Hương. Rời Đà lạt mà lòng còn lưu lại mãi cảm giác lưu luyến không muốn xa.

Lần tiếp tới Đà lạt là vào năm 2000. Lúc đó Đà lạt vẫn còn rất thơ mộng,  đẹp và hữu tình.

Lần gần đây nhất tới Đà lạt là tháng 9/2011. Một Đà lạt khác nhiều so với trước. Tôi và người thân đã mượn một chiếc xe máy để đi tìm lại dấu ấn xưa của khách sạn đã trú lại trước đây, của Đồi Cù, Đại học Đà lạt, hồ Trung tâm…nhưng không gian còn đó mà tình cảm nhạt nhòa quá đỗi, sự hụt hững này thật khó lý giải vì thuộc cảm xúc của cá nhân mỗi con người.

Đổi mới là cần thiết, nhưng cái hồn thì nên giữ, vì đó là "đặc trưng" của Đà lạt mộng mơ.
Không biết khi nào mới thấy lại được hình bóng Đà lạt trước đây?


PVH

Friday 7 September 2012

BẮT CÁ LỚN



Bắt cá lớn thường khó hơn bắt cá bé. Vì ngoài việc phải có ngư cụ, công cụ thích hợp thì người bắt cá lớn phải có kinh nghiệm và thể lực dồi dào hơn nhiều.

Cá lớn đã “thoát” trong một lần truy bắt nào đó thì việc bắt lại nó rất là khó khăn. Nếu “cá” này là thuộc loại tham nhũng cở bự, quan hệ với cấp cao chằng chịt thì việc bắt được nó rất là khó khăn, có thể nói là “không tưởng”.

Thế mà cơ quan điều tra đã làm được việc này một cách ngoạn mục. Thì ra, phải có cách bắt. Hãy cùng phỏng đoán việc truy bắt này.

Con “cá” này có cái “bớt đỏ” ở cằm, rất dễ bị nhận diện nếu ở VN, nên nó phải thoát ra nước ngoài.

Do khó đi bằng đường không, nên nó phải đi đường biển hoặc đường bộ, nên nó chỉ loanh quanh ở Châu Á là cùng, không đi xa hơn được, rất nguy hiểm.

Do có sự che chắn quá chắc chắn, sự nghiệp trên đà thăng tiến, không nghĩ có ngày bị “thộp” nên sự chuẩn bị cho việc “lặn” sâu và lâu của “cá” không kỹ càng.

Vì vậy, sự đào thoát cũng chỉ loanh quanh VN, tức là các nước Đông Nam Á. Người Việt hay “duy tình” nên “cá” sẽ lặn tới chỗ nào có nhiều người VN sinh sống.

Chắc cơ quan điều tra ít nhiều cũng đã khoanh vùng nghi vấn “ban đầu” các địa bàn như trên.

Tuy nhiên, do “cá” chắc chắn có kẻ mách nước, nên rất nhạy về thông tin của lực lượng truy đuổi “cá”. Vì vậy, làm cho “cá” và “bè lũ mách nước” bị nhiễu thông tin dẫn tới “chủ quan, lơ là” là rất cần thiết để “tóm” được “cá”. Vì vậy các thông tin làm nhiễu sau đã được tung ra:

-   “Cá” đã qua Hoa Kỳ rồi về Singapore nhờ được cấp visa đặc biệt.
-   “Cá” hình như đã lặn qua Canada.
-   “Cá” hiện đang tung tăng an dưỡng trên một hòn đảo bí mật nào đó.
-   “Cá” đã bị bắn chết rồi, tin chính xác…
-  

Thế rồi đùng một cái, tin “cá” bị bắt ngày 4/9, chắc là để kịp cho ngày nhập trường thường được tổ chức ngày 5/9 của các cháu, để “cá” có thêm thời gian học “lặn” không “sủi tăm”.

Bắt “cá” lớn có khác.


PVH

Wednesday 5 September 2012

TRƯỜNG HỢP THƯƠNG TÂM Ở THUẬN LỘC



Chị Kim Anh – CTV phường Thuận Lộc của chương trình là một người năng động và nhiệt tình trong công việc, công tác thu hồi rất tốt. Thời gian vừa qua chị mắc bệnh ung thư buồng trứng đã điều trị bằng hóa chất 1 lần,  trong lần điều trị đầu tiên, anh ruột của chị đã thế chấp giấy tờ nhà để lấy tiền giúp chị điều trị và căn bệnh cũng thuyên giảm phần nào, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn chị không có điều kiện để bồi dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh nên sau 2 năm căn bệnh của chị lại tái phát và di căn. Đến thăm nhà của chị thấy điều kiện ăn ở không được tốt cho lắm, trần nhà thấp nên mùa hè rất nóng và ngột ngạt không bảo đảm sức khỏe đối với người mang bệnh nặng như chị. Vừa rồi bác sĩ thông báo phải xạ trị để cứu chữa với số tiền hơn 40.000.000 đồng, đối với hoàn cảnh của chị chồng làm phụ hồ với thu nhập 1.500.000 tháng và chị được 1.050.000 đồng nuôi 3 đứa con ăn học thì thực sự quá khó khăn. Khi biết số tiền thuốc điều trị nhiều quá chị đã không chịu truyền thuốc nữa, chị biết căn bệnh của mình sẽ không qua khỏi nên không muốn chữa trị vì khả năng kinh tế của chị lúc này không cho phép. Mấy anh chị em trong cơ quan đã động viên chị hết lời, mọi người cùng nhau quyên góp giúp chị điều trị để tiếp tục sống lo cho các con còn nhỏ.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị, chúng tôi đã báo cáo đến Tổng giám đốc để xin hỗ trợ cho trường hợp này. Được sự nhất trí của TGĐ chúng tôi đã đến thăm và động viên chị cố gắng để chữa bệnh và đồng thời tặng chị 1.000.000 đồng để góp thêm tiền vào việc chữa trị. Chị rất cảm kích trước sự quan tâm kịp thời của chương trình và cám ơn rất nhiều, chị mong muốn nhanh hồi phục sức khỏe để có thể tiếp tục làm việc với chương trình.

Khánh Linh

Monday 3 September 2012

DÂN LÀ GỐC





Cuộc cải cách nào, kết quả chỉ thật sự tốt khi quyền lợi của người dân được cọi trọng, đời sống được cải thiện, được dư luận nhân dân đồng lòng, ủng hộ.

Những năm qua, các “nhóm lợi ích” đã cấu kết với nhau để hưởng lợi trên mồ, hôi nước mắt của người dân. Cho đến năm nay hệ quả về lòng tham của các nhóm lợi ích đã quá rõ, nhân dân ta phải gánh chịu tất cả các hậu quả đó. Còn gì đau đớn hơn!.

“Nhóm lợi ích” là rất giàu có về tài chính, quan hệ rộng, tác động  đến cấp có thể  ra được chính sách có lợi cho chúng. Do là lũ ăn trên ngồi tróc, nên chúng muốn hưởng khung cảnh an nhàn và làm sao bảo tồn được của cải đã vơ vét được, không bị suy suyển do “xáo trộn”.

Tôi tự hỏi, trong khi bao nhiêu người dân Việt Nam sục sôi phản đối chính sách và hành động xâm lấn của TQ ở biển Đông bằng cách biểu hiện thái độ một cách dứt khoát đúng lý thì các “nhóm lợi ích” này đã làm được gì để giúp bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Liên hệ tới việc bắt bớ những người biểu tình ôn hòa, không biết đây là chủ trương chính thức của Đảng và Nhà nước ta theo cách xử lý thuộc  “tầm cao chiến lược” hay là có sự “giật dây” của “nhóm lợi ích” vốn “ăn sung, mặc sướng”, “ngồi mát, hưởng bát vàng”.

Đến lúc, những người có trách nhiệm cao nhất ở nước ta phải trả lời cho người dân biết chính kiến của họ về việc này. Người dân biểu thị thái độ của mình đối với nhà nước là một việc bình thường, đúng với qui định của hiến pháp, hơn nữa người đóng thuế có quyền dò hỏi về việc tiền mình đóng có được sử dụng một cách hợp lý hay là không?

Vô nhẽ cứ coi dân không phải là gốc, như cương lĩnh chính trị từng nêu? Dân là gốc hay là “chi” đây?


PVH