Thursday 28 June 2012

Tình người



Có những người luôn hiểu rằng trong cuộc sống còn có nhiều thứ quý giá hơn tiền bạc – đó là tình người với người. Tình yêu thương là một nét đẹp của nhân cách con người, hướng con người tới đỉnh cao của chân- thiện- mĩ.
Tình người có muôn hình vạn trạng, như viên đá ngũ sắc, mỗi mặt mỗi cạnh đều lung linh một sắc mầu khác nhau. Tình người là vô hình nhưng sự hiện diện của nó lại hữu hình, nó len lỏi vào từng góc nhỏ của cuộc sống thường ngày. Có thể là vô hình, cũng có thể là cố ý mà chúng ta không nhận ra, biểu hiện giản dị, gần gũi nhất của tình yêu thương con người chính là tình yêu thương cha mẹ, hay người thân trong gia đình. Hay nói cách khác, đó là tình thân. Con người ta sinh ra ai cũng có sẵn lòng yêu quý mẹ cha, yêu thương con người mang cùng dòng máu. Chúng ta mang nó vào đời và đặt bên cạnh nó một thứ tình cảm khác- tình bạn. Sau những buồn vui của tuổi thơ, những sự sẻ chia của cuộc sống, môt sợi dây vô hình đã kết nói những người xa lạ lại thành một người bạn, một phần quan trọng của cuộc sống. Tình bạn- sự cảm thông. thấu hiểu, sẻ chia hay đồng cảm, xét cho cùng, cũng là một biểu hiện không cầu kì không ồn ào mà rất tự nhiên, giản dị của tình yêu thương. Bên cạnh đó, có thể nói rằng, tình yêu đôi lứa, sự đồng điệu của hai tâm hồn cũng là một phần của tình yêu thương. Và khi Tú Xương, Xuân Diệu, hay Huy Cận,...... viết nên những vần thơ ca ngợi tình yêu thương giữa con người với con người thì chính là cảm hứng nghệ thuật đang thăng hoa trong tình yêu thương. Khi xét trên một nghĩa rộng lớn hơn, không có chiếc túi thần kì nào chứa hết tìh yêu thương nhân loại. Chúng ta yêu những gương mặt thân quen mà ta vẫn gặp mỗi ngày, cho dù giữa ta với họ không hề có một mối liên giao nào, đơn giản bởi vì chúng ta cùng chung sống trên cùng nột mảnh đất, cùng chung một tổ quốc, chung tiếng nói... chung màu da.... Chúng ta thương những đứa bé mồ côi không cha không mẹ, lo lắng cho cuộc sống của con người nơi vừa xảy ra trận bão lớn....... Chúng ta cảm thông, đau xót, lo lắng cho cả những người chưa từng gặp mặt bởi tình yêu thương của con người là vô cùng tận. Có những người đã bỏ bao tâm huyết để chăm lo cho các em nhỏ ở cô nhi viện, ở các trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, trẻ em bị nhiẽm bệnh AIDS......... Họ làm việc một cách âm thầm không cần được đền đáp công lao, cũng không cần được biểu dương. Họ làm chỉ vì tình yêu thương đối với những con người, những cuộc đời nhỏ bế, bất hạnh. Không giấy bút nào ghi danh cho hết những con người mang trong mình nhân cách cao đẹp đó. Bên cạnh đó, trong guồng quay vội vã ủa cuộc sống ồn ào, còn có rất nhiều người không có tình yêu thương. Họ sống cho cái tôi của mình, bỏ mặc những thứ xung quanh họ. Họ có thể dửng dưng trước hoàn cảnh đáng thương nhất. Thậm chí có người chỉ biết yêu chính bản thân mình mà không hề biết sa sẻ tình yêu thương cho bất kì ai khác. Những người như thế không nhiều nhưng là một hiện tượng đáng phê phán trong xã hôi bởi:” Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Tình yêu thương tôn vinh cho nhân cách con người, trong khi sựu vô cảm hạ bệ con người xuống vực sâu của sự thảm bại. Tình yêu thương là một nét phẩm chất cao quý trong nhân cách đạo đức.

Tuesday 26 June 2012

THAM NHŨNG CHÍNH TRỊ



Mọi học thuyết chính trị rồi đây sẽ được lịch sử kiểm chứng. Mọi chính thể rồi đây sẽ được hậu thế đánh giá. Và vai trò của cá nhân lãnh đạo, quân vương qua các thời kỳ lịch sử của mọi quốc gia rồi đây sẽ được nghiên cứu thấu đáo.

Từ khi có cuộc cách mạng dân tộc dân chủ tháng 8 1945, nước ta đã chuyển từ chế độ quân chủ phong kiến sang nền dân chủ cộng hòa, có nghĩa là quyền lực trước đây từ “Hoàng đế” từ nay sẽ chuyển sang “Nhân dân”, những người thực sự làm chủ đất nước và vệnh mệnh của họ. Đó là sự đổi thay lớn nhất của đất nước hàng ngàn năm từ ngày hình thành. Điều này có được  xuất phát từ ý nghĩa và bản chất của một cuộc cách mạng.

Từ cuộc cách mạng đó, nhà nước đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân với bộ máy nhân viên hành chính của mình được gọi là công bộc của nhân dân. Nhà nước của dân giúp xóa đi được hình ảnh bóc lột dân thậm tệ của vua quan ngày trước.

Trải qua hai cuộc kháng chiến rồi hòa bình lập lại, hai miền Bắc-Nam thống nhất, đất nước bắt tay vào hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc; khi đó trong xây dựng đất nước, do thiếu kinh nghiệm quản lý kinh tế nên xã hội đã xuất hiện nhiều cán bộ xấu phạm tội tham nhũng. Đến nay tệ nạn này đã đáng báo động, nhất là sai phạm của một số  cán bộ quản lý ở những tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước, các dự án sử dụng  một số vốn rất lớn của nhà nước, vốn vay nước ngoài và vốn việ n  O D A...

Kinh tế thường gắn liền với chính trị. Kinh tế nào thì chính trị đó. Kinh nghiệm một số nước cho thấy: đã có tham nhũng kinh tế, thì ắt hẵn phải có “tham nhũng chính trị”. Nếu không có sự quản lý bởi luật pháp chặt chẽ, kinh tế sẽ lũng đoạn chính trị, và hệ quả chính trị đến mức nào đó sẽ quay lại lũng đoạn kinh tế.

“Tham nhũng chính trị” là một khái niệm mới. Cần phải đặt nó trong bối cảnh có sự tham nhũng kinh tế và các quan hệ ràng buộc nhân-quả mới tìm ra được những “phương thuốc đặc trị” trước khi tình hình chưa đi tới mức báo động đỏ.

Ngày hè nóng nực.


PVH

Thursday 21 June 2012

TIÊU CỰC VÀ BỆNH THÀNH TÍCH TRONG GIÁO DỤC




Trong cuộc sống đang bộn bề, biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hôi, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên học sinh giỏi giang, tài đức. Và ngay từ bây giờ, học sinh- được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình. Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học với không đúng khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một “căn bệnh” xâm nhập vào học đường đang hoành hoành, gây xôn xao ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Vâng, đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục.
Những ngày gần đây, báo chí, đài truyền thanh, truyền hình cũng nói đến nhiều vụ tiêu cực trong kỳ thi tại Bắc Giang, nhưng rồi tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp PTTH tại tỉnh này đạt 99,4% quả đáng bất ngờ. Đó là một trong những tiêu cực trong kỳ thi bị phát hiện tại phòng thi này, còn những phòng thi khác nếu các thí sinh khác quay cóp mà không bị phát hiện hoặc phát hiện mà được bỏ qua thì sao!!! Và tỷ lệ đạt tốt nghiệp được bao nhiêu phần trăm. Nói vậy, không phải vơ đũa cả nắm, có những thí sinh làm bài bằng thực lực của mình, các em nổ lực để nhận kết quả xứng đáng với bản thân, nhưng cũng có những em chỉ đến trường học qua loa đối phó, nhưng điểm số và kết quả học tập thì rất cao- đó là những biểu hiện cụ thể, triệu chứng của bệnh “chuộng” thành tích. Nhiều lúc ta cảm thấy ngạc nhiên trước lối học của một số hoc sinh, lên lớp thì nghệch ngoạc vài chữ, ngáp lên ngáp xuống, học theo kiểu “ cưỡi ngựa xem hoa”, về nhà thì vở vất đầu giường. Thế nhưng, không hiểu sao cứ đến kì thi lại có không ít người rất tự tin cầm bút vào phòng thi, rốt cuộc “may mắn” làm sao, điểm vẫn trên trung bình, danh sách học sinh tiên tiến, học sinh giỏi ở các trường vẫn “ thừa thắng xông lên”.

Tại sao lại có sự mâu thuẫn đến như vậy?

Thật là khó lí giải. Các em thông minh đến nỗi không cần học bài , hiểu bài cũng có thể thi, làm kiểm tra điểm cao. Và rồi khi bước vào kì thi đại hoc thật sự, kết quả lại khiến nhiều người sửng sốt, bất ngờ. Có chăng chỉ là những học sinh tiêu biểu đó đã gặp may mắn trong khi quay cóp, tài liệu hay là do thái độ ỷ lại vào bạn bè, sự dễ dãi của một số thầy cô trong các kì thi,...Cũng có thể thầy cô không nỡ nhìn học sinh của mình buồn khi nhận những con điểm kém, kết quả tồi nên họ đã làm ngơ trước một vài điều hay là với tâm lí sợ trò học không giỏi một phần là do thầy cô dạy không hay, có trường hợp nhiều học sinh đỗ xô đi học một giáo viên A, B,.. nào đó không chỉ đơn thuần là giáo viên đó dạy giỏi, giảng hay mà còn vì giáo viên đó “thương” học trò và biểu hiện ra đó là cho học sinh biết trước những đề kiểm tra, khi cho điểm thi lại hết sức nhẹ nhàng với học trò “ tại gia” của mình. Xin nói thẳng chính vì thương kiểu đó mà đã có không ít những kết quả sai lệch, học giả nhưng điểm thật. Và những thầy cô đó có thật sự thương học sinh của mình mà đang huỷ hoại dần vốn kiến thức và ý thức học tập của hcọ sinh, dần dần họ cứ nghĩ rằng cứ có thật nhiều tiền mua quà chăm sóc thầy cô hay có một chỗ ngồi êm ấm trong nơi học thêm thì sẽ dễ dàng với việc học, thi, kiểm tra. Thật là sai lầm!
Ông bà ta đã từng nói: “Không học thì làm sao có tương lai”. Tương lai đó không thể mua bằng tiền, bằng những mẹo vặt khi làm bài hay sự nài nỉ của một ai đó... Tương lai là do chính bản thân mình nắm lấy, mình bắt giữ, phải đổ mồ hôi, nước mắt trong học tập thật sự thì mới có một tương lai tươi sáng. Trong kì thi đại học năm 2011 vừa qua đã có không ít “ sĩ tử” thành “tử sĩ” chỉ vì học không đúng với bản thân, hổng kiến thức trầm trọng, thặm chí có những bài văn chúng ta đọc và cười ra nước mắt, thế nhưng trong các năm học trứoc hay thi tốt nghiệp vẫn luôn là “ giỏi”. Chính lúc bước vào kì thi chung của cả nước, kì thi đại học gắt gao thì khả năng của mỗi học sinh mới được thể hiện thật sự chính xác, ai giỏi có cố gắng thì sẽ đậu, ai mà chỉ biết mánh khoé, học giả dối thì phải nhận kết quả thấp,hi vọng rằng họ sẽ không than vãn là “ học tài thi phận”. Không biết rằng trước kết quả đáng buồn của học sinh mình, thầy cô có hối hận hay không, vì đã quá dễ dãi trong việc dạy dỗ học sinh của mình.
Tuy nhiên, nói cho công bằng trách nhiệm cũng không nên đỏ hết cho thầy cô, đó còn là sự học buông thả của một số học sinh, không chuyên tâm vào học hành, chỉ biết học đối phó, qua loa và cách dạy có thể chưa hợp lí, làm học sinh thích thú...Không thể để khối u nhột- bệnh thành tích này hoành hành và phát triển trong học đường. Gia đình và thầy cô giáo cần kiểm tra về kiến thức và việc học của học sinh chặt chẽ hơn nữa, tạo ra nhiều phương pháp học khiến học sinh thích thú nên hạn chế những lối học “thầy đọc, trò chép” khô khan. Hơn hết quan trọng nhất là ý thức của mỗi học sinh, sự nỗ lực và cố gắng của từng bạn, lúc đầu có thể khó khăn nhưng về sau bạn có thể có được niềm vui đích thực khi đón nhận những điểm số tốt xứng đáng với sức mình bỏ ra. 

D.N

Monday 18 June 2012

CẢNH GIÁC THỰC PHẨM BẨN VỈA HÈ




Không biết từ bao giờ ẩm thực vỉa hè đã trở thành thói quen của người dân Việt ở hầu hết mọi lứa tuổi. Bởi lẽ tính chất của ẩm thực vỉa hè là tiện lợi, nhanh gọn và thoáng mát. Hơn nữa là thời gian bán rất linh động, người ăn có thể ăn bất kể thời gian nào: sáng, trưa, chiều, tối, đêm....bất kể lúc nào có thể. Chính những điều này đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp thực khách. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi đó thì ẩm thực vỉa hè là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe của bản thân người tiêu dùng vì một số loại thực phẩm không đảm bảo tính hợp vệ sinh trong các khâu bảo quản và chế biến.
Ở Việt Nam ta nói chung và tại Thành Phố Huế nói riêng thì ẩm thực vỉa hè đang ngày càng một phát triễn và được người dân hết sức ủng hộ. Điều này rất dễ nhận thấy thông qua hoạt động thực tiễn của các hàng quán vỉa hè mọc lên ngày một nhiều. Đi đến đâu, bất kể con đường nào thì chúng ta cũng đều bắt gặp những hàng quán vỉa hè, những quán ăn di động với đa dạng các loại thực phẩm:nào là bún, phở, cơm, nước mía siêu sạch, chân gà nướng.... Điều này cho thấy người dân chúng ta rất chuộng loại hình “ẩm thực vỉa hè” này. Bởi vì “cung” nhiều ắt hẳn phải có “cầu” nhiều. Chính sự “ủng hộ” nhiệt tình của người dân mà các thực phẩm bẩn ngày càng được bày bán lan tràn, gieo vào bản thân những mầm mống của bệnh tật.
Đằng sau những loại thực phẩm được bày bán đa dạng tại vỉa hè với mừi vị thơm phức ấy là cả một công đoạn phù phép để thịt ôi cũng biến thành thịt thơm. Bởi vì như chúng ta đã biết thì thức ăn vỉa hè là loại thực phẩm mà các cơ quan chức năng khó kiểm soát nhất. Vì vậy mà chất lượng của các loại thực phẩm này đạt đến đâu là cả một dấu hỏi lớn.
Mặc dù hầu hết mỗi chúng ta đều lường trước được rằng, thức ăn vỉa hè thường không được đảm bảo vệ sinh cho lắm qua các công đoạn chế biến. Nhưng vì tính tiện lợi hơn nữa giá cả lại rẻ nên mỗi chúng tay đều nhắm mắt cho qua.
Nhưng chúng ta cũng đừng nên xem nhẹ sức khỏe của bản thân mình, đặc biệt trong mùa nắng nóng này. Đây là mùa được xem là mùa nhạy cảm nhất của các loại bệnh: ngộ độc thức ăn, tiêu chảy......Vì vậy, mỗi chúng ta hãy cảnh giác trong quá trình ăn uống để đảm bảo sức khỏe của bản thân bằng cách hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh được bày bán tại các vỉa hè...

Phan Thị Mến

Friday 15 June 2012

LÃNG PHÍ & TIẾT KIỆM



Nguồn gốc của sự giàu có và thịnh vượng chắc chắn có yếu tố tiết kiệm.
Nguồn gốc của sự nghèo khó, có bóng dáng của sự lãng phí.

Đất nước ta còn nghèo, nhưng nhìn vào hiện tượng mua sắm và tiêu dùng hàng hiệu thì thế giới phải trố mắt ngạc nhiên. Không phải chỉ là các đại gia chợi trội, nhiều công dân với thu nhập bình bình cũng có khuynh hướng tiêu dùng hàng đắt tiền để thể hiện “đẳng cấp”. Nhiều người dùng điện thoại chủ yếu để gọi, trả lời cuộc gọi và nhắn tin, với chức năng từng đó một điện thoại khoảng 500 ngàn là xài tốt rồi, nhưng người “sành điệu” có nhu cầu mua điện thoại giá gấp 5 gấp 10, mục đích là thể hiện đẳng cấp hoặc làm “le” với thiên hạ.

Ông bà ta nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” thì nhiều người lại nghĩ ngược lại, vì vậy dù không cần phải làm đẹp từng xăng-ti-mét nhưng lại mua sắm những thứ không cần thiết, đắt tiền trang bị từ tai cho tới ngón chân. Đối với một số người người hành động mua sắm này được lặp lại một cách liên tục và thường xuyên (tất nhiên đây là những người có tinh thần bình thường, không có dấu hiệu bệnh lý).

Chúng ta có thể thấy được sự lãng phí đáng kinh ngạc ở tầm mức lớn hơn (vĩ mô):
- tàu mới mua về thì cũng là lúc tới thời hạn thanh lý vì không thể đăng kiểm trong nước do hết đát sử dụng;
- nhà máy xi-măng thì nhập toàn công nghệ lạc hậu- đồ phế thải của người ta;
- đường lớn xây xong đi chưa được bao lâu thì ổ voi ổ gà xuất hiện hằng hà sa số;
- cầu xây mới xong thì lại phải sửa chữa vị lún hoặc mặt cầu bị rạn và rách như bánh tráng;
- đập thủy điện chưa hết thời gian bảo hành lại có nguy cơ phải tháo nước để xử lý rò rĩ;
- nhà máy tầm cỡ châu lục lại thỉnh thoảng phải tạm dừng máy để duy tu (một cách liên tục);
- người ăn lương thì nhiều mà người làm thực sự không bao nhiêu (khoảng 30%);

Còn lãng phí thời gian thì không thể tính hết; lãng phí chất xám thì chắc cũng nhất nhì thiên hạ. Với sự lãng phí đó, đất nước ta không nghèo thì mới lạ.

Ở xứ ta, chỉ có người nghèo mới có ý thức tiết kiệm và tìm cách tránh lãng phí. Bài học từ lãnh tụ qua những câu chuyện “ Viên gạch hồng” hay “Ăn cơm nắm”, “Cách vắt áo quần sau khi giặt” là bài học lớn về tiết kiệm và chống lãng phí từ gương sáng Bác Hồ.

Cứ nhìn vào bất cứ một gia đình trung bình nào của Việt Nam ta thấy các cách thức tiết kiệm được áp dụng rất triệt để:
- Mở vòi nước rỉ nhỏ, không bao giờ mở xòa mạnh;
- Điện ánh sáng và quạt...chỉ bật khi thật cần thiết;
- Chất đốt luôn được tận dụng từ lá cây, ngọn cỏ, bã mía, củi mục nhặt ở ngoài đường;
- Đi đoạn đường gần thì không bao giờ dùng xe máy;
- Cơm và thức ăn bao giờ cũng nấu ở mức vừa phải, không bao giờ dư thừa;
- Áo quần chỉ mua khi thấy thật cần thiết: Tết, Lễ, Cưới hỏi;
.....

Quan điểm tiêu dùng của dân ta là « ăn chắc, mặc bền”.
Mong nhà nước ta trong hoạt động quản lý vĩ mô cũng thấm nhuần phương châm đó, ngõ hầu tránh lãng phí, đưa lại cuộc sống hạnh phúc và bền vững cho trăm họ.


PVH

Tuesday 12 June 2012

SỰ HẤP DẪN CỦA BÓNG ĐÁ



Hiếm có môn thể thao nào hấp dẫn như môn túc cầu, người ta gọi đó là môn thể thao Vua, có nghĩa là chiếm vị trí độc tôn trong các môn thể thao được nhiều người trên hành tinh này quan tâm và hâm mộ.
Hãy thử tìm một sự lý giải cho việc này.

Có thể nói đây là môn thể thao dễ chơi nhất, chỉ cần một vật vo tròn lại, dùng chân đẩy đi là có thể hình thành nên trò chơi gọi là bóng đá - tức dùng chân để đá một vật tròn tròn gọi là quả bóng. Ngày xưa đó có thể là một quả bồng, quả bưởi tròn, là lá chuối khô, rơm khô, hay bao ni lông cuộn tròn lại. Hoặc nếu sang hơn thì là bóng dái lợn hay trâu bò thường được cho lũ trẻ chầu chực xin bằng được mỗi khi trong làng, trâu xã có người hạ mổ súc vật.

Đó cũng làm một môn chơi cần sự hợp lực của nhiều người, được phân công cụ thể cho từng vị trí: thủ môn, hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo...và có tính đối kháng rất cao để giành chiến thắng. Cuộc ganh đua thường phải tiến hành 90 phút, đôi lúc có thể kéo dài hơn đối với những trận mang tính knock-out, như thế  kịch tính của trận đấu được đẩy lên cao độ. Khi cuộc chơi bất phân thắng bại, phương thức sút phạt đền thường được sử dụng đến, và lúc này tài nghệ của thủ môn và thần may mắn làm cho sự thắng thua khó mà đoán trước được. Cái hay của bóng đá và sự hấp dẫn có thể là ở điểm này chăng?

Không phải ngẫu nhiên mà cầu thủ túc cầu thường được là “nghệ sĩ sân cỏ”. Chơi trên sân cỏ, mang quần đùi áo số mà vẫn được gọi là nghệ sĩ thì thật là kỳ lạ. Nhưng nếu chứng kiến những pha đi bóng lắt léo của những cầu thủ như Pele, Maradona, Platini, hay Zidan, Messi và Ronaldo...thì mới thấy được sự lãng mạn của bóng đá trong một trận đấu không thiếu sức mạnh và bạo lực sân cỏ  (vì thế mới có trọng tài và các loại thẻ vàng, thẻ đỏ...).

Bóng đá là mãnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo đâm chồi nãy lộc. Không có đường banh nào giống đường banh nào, không có trận đấu nào lập lại một cách chơi y chang lần trước; và sự sáng tạo này đã làm cho kết quả của một trận cầu rất khó đoán định.

Phải chăng, tổng hợp của những điều nêu trên với hình ảnh những sân túc cầu khổng lồ với vài vạn người đang hò hét cổ vũ như một đấu trường giác đấu thời La Mã cổ đại cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã ghi lại tất cả sự hấp dẫn từng trận đấu trên mọi góc nhìn chính là nét quyến rũ của môn thể thao Vua này?

Mùa Euro 2012

PVH

Friday 8 June 2012

VỊ CHỦ TỌA CỦA NHÂN DÂN



Trong phòng xử án, chủ tọa trầm ngâm suy nghĩ trước những cáo buộc của các công tố viên đối với một cụ bà vì tội ăn cắp tài sản. Bà bị buộc phải bồi thường 1 triệu Rupiah. Lời bào chữa của bà lý do ăn cắp vì gia đình bà rất nghèo, đứa con trai bị bênh, đứa cháu thì suy dinh dưỡng vì đói.Nhưng ông chủ quản lý khu vườn trồng sắn nói bà ta cần phải bị xử tội nghiêm minh như những người khác.

 Thẩm phán thở dài và nói :” Xin lỗi, thưa bà…” Ông ngưng giây lát, nhìn ngắm bà cụ đói khổ “Nhưng pháp luật là pháp luật, tôi là người đại diện của Pháp luật nên phải xử nghiêm minh. Nay tôi tuyên phạt bà bồi thường 1 triệu Rupiah cho chủ vườn sắn. Nếu bà không có tiền bồi thường, bà buộc phải ngồi tù 2 năm rưỡi.”
Bà cụ run run, rướm nước mắt, bà đi tù rồi thì con cháu ở nhà ai chăm lo. Thế rồi ông thẩm phán lại nói tiếp.

“Nhưng tôi cũng là người đại diện của công lý. Tôi tuyên bố phạt tất cả những công dân nào có mặt trong phiên toàn này 50.000 Rupiah vì sống trong một thành phố văn minh, giàu có này mà lại để cho một cụ bà ăn cắp vì cháu mình bị đói và bệnh tật.”Nói xong , ông cởi mũ của mình ra và đưa cho cô thư ký “Cô hãy đưa mũ này truyền đi khắp phòng và tiền thu được hãy đưa cho bị cáo.”

Cuối cùng, bà cụ đã nhận được 3,5 triệu Rupiah tiền quyên góp, trong đó có cả 50.000 Rupiah từ các công tố viên buộc tội bà, một số nhà hảo tâm khác còn trả giúp 1 triệu Rupiah tiền bồi thường, bà lão run run vì vui sướng. Thẩm phán gõ búa kết thúc phiên toà trong hạnh phúc của tất cả mọi người.

 Đây là một phiên tòa xử nghiêm minh và cảm động nhất mà tôi được biết, vì tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm với cuộc sống xung quanh chúng ta, vị thẩm phán đã không chỉ dùng luật pháp mà còn dùng cả trái tim để phán xét.
N.T (st)

Wednesday 6 June 2012

DẤU HIỆU KINH TẾ BẤT THƯỜNG




CPI tháng 5 được thống kê ở mức thấp. So với tháng 5 năm ngoái chỉ số CPI tăng chưa vượt quá 9%, lần đầu tiên xuống dưới 2 con số trong mấy năm. Nếu xét về thành tích kiềm chế lạm phát thì đó là một thành quả đáng mừng.

Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2012 trình quốc hội, chính phủ buộc phải thêm cụm từ : xuất hiện dấu hiệu đình lạm...cho thấy nền kinh tế nước ta không phải đã phát triển lạc quan như dự đoán.

Phát triển tín dụng của các ngân hàng đã không như dự kiến. Toàn hệ thống ngân hàng đang dư tiền. Tiền không thể tới tay doanh nghiệp được, trong khi doanh nghiệp đang khát vốn, một số không cầm cự nổi đã phải phá sản hay ngừng hoạt động, cũng phải có tới mấy ngàn doanh nghiệp đã phá sản hay ngưng hoạt động trong mấy tháng đầu năm.

Hàng tồn kho không bán được rất nhiều. Có nghĩa là doanh nghiệp đang chịu lỗ nếu  không bán được hàng, vì tiền vay ngân hàng vẫn cứ phải trả đúng hạn. Nhiều doanh nghiệp liên quan đến tạo một số lượng lớn công ăn việc làm như: sắt, thép, xi măng, gạch, ngói...mà dừng hoạt động thì công nhân thất nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều. Nếu ngành Bất Động Sản mà đóng băng thì các ngành liên quan tới đầu vào của sản xuất như đã nói trên sẽ hoạt động cầm chừng, không hoạt động hết công xuất là cái chắc.

Hiệu quả sử dựng vốn của các doanh nghiệp nhà nước rất thấp. Sau Vinashin, Vinaline đã làm thất thoát một khoản tiền ngân sách rất lớn, cùng với  EVN, TVN...đây là những doanh nghiệp “xài tiền” thuế của dân bạo nhất, mà ít hiệu quả nhất, gây hậu quả cho nền kinh tế và nợ quốc gia lâu dài nhất...

Thống kê xuất nhập khẩu các tháng đầu năm cho thấy mức nhập siêu là không nhiều, thông thường đây là điều đáng mừng, nhưng đối với tình trạng hiện nay điều này cho thấy do hàng bán không được nên các doanh nghiệp không có nhu cầu nhập nguyên liệu. Có thể thấy sức sản xuất của toàn xã hội đã bị thu hẹp một cách đáng kể. Như vậy việc làm cũng đã bị cắt giảm rất nhiều một cách tương đương.

Bất động sản đã đóng băng, một  số nói đã hóa đá rồi, còn tệ hơn đóng băng nữa, vì không có cơ hội chờ “rã băng”. Tức là một số doanh nghiệp kinh doanh B Đ S đã “chết” chỉ còn chờ thủ tục khai tử nữa thôi.

Đó chính là các dấu hiệu kinh tế bất thường điểm được theo thông tin báo chí.

Mùa hè nóng nực.

PVH

Monday 4 June 2012

KHỐN KHỔ VỚI "XE BUS ĐẨY"



Trong lúc mọi người đang chờ chuyến xe bus sẽ xuất phát lúc 05:45 ngày 2 tháng 5 năm 2012 tại bến xe bus huyện Phong Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế đi vào hướng bến xe phía Nam, để kịp giờ đến trường học, bệnh viện, nơi làm việc,...thì rất ngạc nhiên với tiếng thản nhiên của bác tài xế từ trên xe vọng xuống: Xe đề không nổ được, mọi người nam phải đến đẩy giúp thôi. Vì sợ trể giờ nên mọi người ai nấy đều xông xáo đến đẩy xe trong trang phục áo quần, giày dép chỉnh tề.         
Mọi người đều rất mệt, ướt đẩm mồ hôi trong không khí mùa hè nhưng cũng may là xe bus đã nỗ máy sau vài vòng đẩy.Trên chuyến xe bus ấy dường như không còn chổ cho mọi người chen chúc nữa. Từ bến xe bus huyện Phong Điền đến bến xe phí Nam tỉnh Thừa Thiên Huế phải bỏ qua hầu hết các trạm đón xe bus từ Thị Trấn Phong Điền trở vào, không đón khách vì trên xe người đã chật ních. Do vậy, những người đó phải chờ chuyến xe bus khác. Vậy thì giờ giấc, công việc của họ sẽ được đảm bảo ra sao? Có ai chịu trách nhiệm giúp họ chăng?
Khốn khổ, vất vả là thế nhưng nhiều người vẫn chọn giải pháp đi xe bus vì nó tiện và lợi. Bà con rất cần sự quan tâm của các ban ngành liên quan để xe bus được nâng cấp và cải thiện, giúp họ đỡ khốn khổ hơn.
                                                                                                                                H.S

Friday 1 June 2012

HOẠT ĐỘNG TẶNG QUÀ NHÂN NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI Ở LỚP HỌC GHÉP - ĐẬP GÓC






            Hôm nay, nhân ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập đã trích một khoản kinh phí mua bánh, kẹo để tổ chức liên hoan nhằm bù đắp một phần thiệt thòi cho các em ở Đập Góc. Mặt dù buổi liên hoan được tổ chức rất đơn giản, chỉ có một ít bánh kẹo nhưng đã thu hút rất đông các em tham gia, không chỉ các em đang theo học ở “lớp học ghép” mà còn các nhỏ đang đi học mẫu giáo và cả các em vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học. So với các em ở các nơi khác thì điều kiện sống, sinh hoạt và học hành của các em ở đây còn thiệt thòi hơn rất nhiều, tuy là ngày quốc tế thiếu nhi và chúng tôi cùng thầy Hòa đã thông báo là sẽ tổ chức liên hoan cho các em, nhưng một số em vì hoàn cảnh khó khăn nên phải lên thuyền theo bố mẹ đi đánh cá, vì điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn nên các em không thể vui vẽ cùng bạn bè. Tuy chỉ là một ít bánh kẹo nhưng buổi liên hoan đã diễn ra rất vui vẽ, ấm cúng có em còn nói với chúng tôi rằng: “Đây là lần đầu tiên em thấy bánh kẹo nhiều như vậy”, vì đa số các em ở đây từ trước đến nay chưa bao giờ có được một ngày quốc tế thiếu nhi ý nghĩa như vây. Và để cho buổi liên hoan diễn ra thêm phần sôi động, Thầy Hòa đã đem cây đàn organ mà chúng tôi đã tặng cho lớp trước đây ra đánh đàn để cho các em hát, tuy chỉ mới học đánh đàn và đánh chưa hay, chưa đúng điệu lắm nhưng thầy đã rất rất nhiệt tình để đánh cho các em hát, và để hưởng ứng sự nhiệt tình của thầy các em cũng hăng hái xung phong lên hát cho các bạn nghe. Buổi liên hoan đã để lại cho các em một kỷ niệm đẹp, và hy vọng sau buổi liên hoan này, các em đang theo học ở lớp học ghép cũng như các em ở trong làng sẽ cố gắng vượt qua khó khăn để học tập tốt hơn nữa. Thay mặt cho các em, thầy Hòa xin gửi lời cám ơn chân thành đến Trung tâm đã quan tâm đến đời sống tinh thần cho trẻ em nghèo ở Đập Góc.


Nguyễn Xuân Quý

VẤN ĐỀ ĐẠO ĐỨC VÀ LỢI NHUẬN TRONG KINH DOANH



Nền kinh tế của nước ta đang từng bước đổi mới và đi lên. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho xã hội của chúng ta nếu như không kéo theo đó là những hệ lụy về đạo đức trong kinh doanh, buôn bán đang ngày một xuống cấp và suy đồi.
Như chúng ta đã biết thì đạo đức và trách nhiệm đối với xã hội là những vấn đề không thể thiếu đi trong quá trình kinh doanh hay buôn bán.
Nếu như mọi doanh nghiệp và những người kinh doanh hay buôn bán đều xem đạo đức và trách nhiệm xã hội là một phần thiết yếu trong chiến lược kinh doanh của mình thì xã hội của chúng ta sẽ ngày càng đi lên theo hướng văn minh. Từ rất lâu rồi trong kinh doanh của người Việt đã chú trọng đến yếu tố đạo đức. Người kinh doanh, buôn bán luôn lấy lời nói, uy tín của mình ra để đảm bảo, “đặt cược” để khách hàng an tâm lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ của mình. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi giá trị cốt lõi trong kinh doanh đó là đạo đức. Tình hình thực tế hiện nay cho thấy, vấn đề đạo đức và lợi nhuận đang có xu hướng tỷ lệ nghịch với nhau.
Hiện nay trên thị trường người dân đang rất hoang mang trong quá trình tiêu dùng thực phẩm. Bởi lẽ trên các phương tiện truyền thông đại chúng hàng ngày cứ nhan nhãn các thông tin về các loại thực phẩm bẩn. Nào là thịt heo siêu nạc, cá nhiễm chất độc, kinh doanh các nội tạng động vật đã thối rữa, các loại nem chả chứa các chất phụ gia độc hại, thải các chất độc hại ra môi trường trong quá trình kinh doanh...
Thiếu vắng nền tảng văn hóa và đạo đức trong kinh doanh, chỉ nhắm mắt chạy theo lợi nhuận là nguyên nhân dấn đến tình trạng như trên. Tuy nhiên, mọi người vì cái lợi trước mắt mà quên rằng lợi nhuận có được từ kinh doanh là ngày càng có nhiều khách hàng đến với sản phẩm của mình chứ không phải nguồn lợi bất chính từ việc kinh doanh các loại thực phẩm bẩn. Đó chỉ là cái lợi trước mắt.
Mong rằng những người kinh doanh theo kiểu như trên nghĩ lại để người tiêu dùng ngày càng có nhiều sự lựa chọn và yên tâm hơn trong quá trình tiêu dùng sản phẩm. Mong rằng những người kinh doanh nên đặt vấn đề lợi nhuận ngang bằng với giá trị đạo đức đừng để giá trị đạo đức bị xói mòn theo tháp lợi nhuận.

Phan Thị Mến