Wednesday 30 May 2012

HOẠT ĐỘNG GIÚP ĐỠ Ở LÀNG NIÊM PHÒ – XÃ QUẢNG THỌ




Với số tiền 250USD của nhà hảo tâm gửi tặng để giúp đỡ cho làng Niêm Phò, trong tháng này chúng tôi đã sử dụng số tiền này để tiến hành hoạt động tặng quà cho những hộ có hoàn cảnh thương tâm và tặng học bổng cho những em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng đạt thành tích cao trong học tập. Trong tổng số tiền 250USD này, chúng tôi đã sử dụng 150USD để tặng cho 10 hộ nghèo ở trong làng, đa số những hộ được chúng tôi tặng quà lần này là những hộ thuộc diện già cả, neo đơn, tàn tật, đau ốm..., có hoàn cảnh rất đáng thương, phần lớn những hộ này đều không thể làm làm ra tiền nên cuộc sống rất khó khăn. Họ sống dựa vào sự cưu mang, giúp đỡ của người thân hay của bà con hàng xóm nên rất cần nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng và những tấm lòng hảo tâm.
Số tiền 100USD còn lại chúng tôi đã sử dụng để tặng 4 suất học bổng cho 3 em sinh viên và 1 em học sinh ở trong làng. Gia đình các em rất khó khăn, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với nguồn thu nhập này thì không đủ để trang trãi các chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, chứ nói gì đến chuyện lo cho con cái ăn học. Vì thế để có tiền lo các em ăn thì bố mẹ các em phải thức khuya, dậy sớm làm việc để kiếm tiền, mẹ thì lo việc đồng áng, lo kiếm thức ăn cho con lợn, con gà để tiết kiệm chi phí hoặc đi cắt cỏ thuê cho người khác, còn bố thì đi phụ thợ nề, các em ngoài giờ học ở lớp các tranh thủ thời gian rãnh để giúp đỡ bố mẹ các công việc nhà như nấu cơm, cho lợn, gà ăn.... Mặc dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn và điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn, nhưng các em này đều có thành tích học tập rất suất sắc, trong nhiều năm liền các em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Tuy số tiền chúng tôi tặng cho những hộ nghèo và cho các em học sinh, sinh viên không phải là lớn nhưng đã góp phần động viên những hộ này cố gắng vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, còn các em học sinh, sinh viên thì cố gắng học tập ngày càng tốt hơn nữa để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn. Thay mặt cho những người được nhận quà, chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành đến các nhà hảo tâm đã tài trợ kinh phí cho chúng tôi tiến hành hoạt động đầy ý nghĩa này.


Nguyễn Xuân Qúy


Tuesday 29 May 2012

LỄ TỔNG KẾT TRƯỜNG MẪU GIÁO QUẢNG TẾ




Vào những ngày cuối tháng 5 này, cũng như những trường khác  trường Mẫu Giáo Quảng Tế ở phường Trường An do Sư cô Diệu Tân làm hiệu trưởng cũng tổ chức buổi lễ tổng kết phát thưởng cho các em học sinh mầm non  vào sáng thứ Bảy ngày 26/05/2012. Tôi nhận thấy rằng, trên gương mặt các em ánh lên niềm vui khi nhận được phần thưởng của các cô trao tặng. Trong buổi lễ tổng kết, có tổ chức chương trình các tiết mục văn nghệ múa hát cho các em học sinh và các cô giáo tự biểu diễn nhằm góp phần cho không khí buổi lễ càng vui tươi, hấp dẫn  và sống động. Trong phần nhận thưởng, để tránh ánh nắng gay gắt buổi sáng, chỉ các em lớp lớn chuẩn bị ra trường vào lớp một mới được đứng lên bục của trường nhận thưởng, còn các em lớp nhỏ hơn chỉ nhận phần thưởng tại lớp. Kết thúc buổi nhận thưởng, các em cùng đồng ca hát bài tạm biệt búp bê rất chi là dễ thương.
Chúng tôi cũng biết rằng, có một doanh nghiệp đóng gần trường đã tặng  khoản tiền 1,5 triệu đồng để hỗ trợ trường  mua thêm phần thưởng cho các cháu trong lễ tổng kết.

Đây là trường mẫu giáo mà chương trình vay vốn của Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập có phổ biến cho vay đối với các cô dạy trong trường.
Các cô đã vay  mức  4 triệu đồng cho mỗi người sau khi đã hoàn thành trả tốt mức vay 3 triệu trong 12 tháng ở vòng trước. Các cô  giáo mong muốn ở vòng tiếp theo sẽ được vay với mức cao hơn mức vay hiện giờ khi tiếp tục trả tốt cho chương trình.
Các cô cũng cám ơn chương trình đã đưa nguồn vốn vay đến trường để giúp các cô có điều kiện nâng cao thu nhập khi với mức lương không cao lắm của giáo viên mầm non ở nơi đây.
Tôi cũng cám ơn các cô đã đem kiến thức và công sức của mình để chăm sóc và dạy cho các em học sinh mầm non ở khu vực này. Và tôi cũng hy vọng rằng, không chỉ một mong muốn mà nhiều mong muốn khác của các cô giáo chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

Tú Như

Monday 28 May 2012

CẢM NHẬN BUỔI HỌC VỀ CHƯƠNG TRÌNH EXCEL



Sáng ngày 24/05/2012 chúng tôi đã tham gia chương trình giảng dạy của Cô Tường Vi về việc sử dụng phần mềm Microsoft Excel chương trình học kéo dài 4 tiếng. Sau buổi tự giới thiệu về bản thân cũng như đang công tác tại các hội đoàn của từng cá nhân, là đến phần giảng dạy của cô Tường Vi.
Phần mềm sử dụng trong chương trình dạy của cô Tường Vi là sử dụng Hàm SUMIF và SUMIFS và khóa password các sheet tức là hàm cộng có điều kiện (=sumif(range,criteria,sumrange)) hàm này cho phép cộng các giá trị phù hợp.
Cách dạy của cô Tường Vi rất hay làm người học dễ tiếp thu. Nhưng thời gian giảng của cô qua ngắn nên chưa trình bày hết ý của bài giảng được.
Tuy vậy, theo tôi nhận xét thì phương pháp này nếu áp dụng cho Trung Tâm của chúng ta thì chưa được. Với lý do, là hàm điều kiện với điều kiện không thay đổi. Loại hàm này tôi cũng đã sử dụng tại Báo Cáo Tài Chính Tháng 04 vừa rồi nhưng chỉ được một số mục và những mục đó mình phải có quy ước riêng cho chính mình nên cũng rất khó để người khác hiểu được. Ví dụ: trong BCTC tháng 04 vừa rồi tôi sử dụng hàm sumif cho việc trích thưởng TTT, ta có công thức Sumif(Phạm vi dò,điều kiện,phạm vi cộng) với công thức như vậy thì phạm vi dò ta đã có, phạm vi cộng ta đã có, nhưng điều kiện thì không được vì điều kiện là Trích thưởng TTT nhưng do báo cáo tài chính của TT rất chi tiết như là trích thưởng TTT 001-002/VHA rồi Trích thưởng TTT 005/VYD. Mà hàm sumif thì điều kiện phải rõ ràng cho nên việc cộng hàm sumif của trich thuong TTT 001-002/VHA cũng như trích thưởng TTT 005/VYD là không thể cộng được. Ngoài ra tôi cũng có cộng hàm này cho việc tính tổng lãi tại các ngân hàng, đối với việc cộng tổng lãi tại các ngân hàng thì có thể sử dụng được vì điều kiện rõ ràng là “lãi tất toán”. Còn việc khóa hoặc mở password thì tương đối dễ người sử dụng excel căn bản cũng có thể sử dụng được.
Theo tôi đối với chương trình này ta rất hữu ích nếu có thể áp dụng cho thủ quỹ của TT, vì hằng tháng thủ quỹ chi giải ngân nên có thể tính tổng giải ngân trong tháng và tính tổng giải ngân của từng nhân viên trong tháng đó là bao nhiêu.
Trên đây là một số cảm nhận của tôi về buổi giảng dạy của cô Tường Vi.
DN


Sunday 27 May 2012

TẤN CÔNG TỘI PHẠM


Gần 30 năm trước, tại thành phố Huế thơ mộng và thanh bình xảy ra một vụ trọng án làm chấn động dư luận cả nước thời đó.

Một bảo vệ khách sạn Hương Giang không chịu được tiếng ồn của quán cà phê nhà hàng xóm, sau nhiều lần góp ý không có kết quả đã xách súng bắn lấy đi mấy mạng người trong gia đình này. Sau đó tên sát nhân đã uy hiếp một nhân viên của Xí nghiệp đông lạnh Sông Hương đang trên đường về nhà và bắt người này chạy xe máy chở hắn trốn vào Đà Nẵng. Bằng sự mưu trí và quả cảm, người bị bắt làm con tin tên là Tôn Anh Dũng đã quật ngã tên giết người đang ngồi sau xe và dí súng vào hông anh trên đường trốn chạy.
Không dừng lại ở chỗ ngăn chạy hành vi tẩu thoát và có thể tiếp tục gây án của kẻ sát nhân nguy hiểm có mang theo súng, sau khi quật ngã nó và cho xe máy đỗ xuống đường anh Dũng  lập tức dũng cảm rượt đuổi theo và đã một mình khống chế tên giết người khát máu đang hung hăng và bị kích thích cực độ tại một con hẽm cụt ở đường Hùng Vương, trung tâm thành phố Huế.

Hành động tấn công tội phạm đến cùng của anh Tôn Anh Dũng đã dấy lên một phong trào của toàn dân hồi đó. Bản thân anh Dũng là tấm gương sáng khởi đầu cho phong trào này. Anh đã được Trung Ương Đoàn tặng danh hiệu “ Tuổi trẻ dũng cảm”. Là một thiếu niên đọc và nghe tin về vụ án, hồi đó tôi rất ngưỡng mộ anh.

So sánh với tình hình hiện nay, thấy nhiều người bàng quan với tội phạm diễn ra hàng ngày, hàng giờ trước mắt mình nhiều người không khỏi lo âu về tình hình trị an của xã hội. Thấy kẻ trộm móc ví trên xe bus, im lặng ngó lơ; thấy cưới giật trên đường phố, coi như không thấy; chứng kiến đánh nhau nơi công cộng, nhanh chóng đi vòng đường khác; thấy người dân bị kẻ xấu ức hiếp, không dám can dự và lên tiếng bênh vực ủng hộ; và nhiều sự việc khác không tiện nêu ra ở đây...

Với tình cảnh này, chắc Bộ Công An phải phục hồi lại phong trào toàn dân tích cực tham gia tấn công tội phạm như đã từng có trước đây.

Có như vậy, xã hội mới ổn định, người dân mới an tâm làm ăn sinh sống.


PVH

Wednesday 23 May 2012

THĂM VÀ TẶNG ĐÀN TRƯỜNG MẪU GIÁO THỦY XUÂN 2




          Nằm khuất sâu trong một xóm nhỏ nghèo, đường đi vào lớp học nhỏ khá lổm chổm, gồ ghề do chưa có kinh phí để xây dựng, đâu đó vang lên tiếng tíu tít của các em nhỏ tung tăng đến lớp, đến trường. Ngôi Trường mang tên Mẫu giáo Thủy Xuân 2 được xây làm 2 phòng riêng biệt, một phòng có thể nói là đảm bảo cho một lớp học mẫu giáo, nói như vậy để thấy được cơ sở vật chất vẫn còn thiếu rất nhiều, chưa đủ điều kiện cho các em nhỏ học tập và vui đùa cùng nhau; phòng còn lại dùng để làm nhà bếp, đựng các vật dụng của trường, làm phòng họp, phòng tổ chức hành chính, kế toán, thủ quỹ …
          Khuôn viên trường khá bề bộn do chưa được chỉnh trang vì thiếu kinh phí khá lớn, điều đáng chú ý hơn tất cả là số cháu đến trường khá đông, gồm 33 cháu nhỏ từ 2 đến 5 tuổi mà chỉ sử dụng chung một toilet chưa đến 6 mét vuông, gồm một bệ ngồi toilet nhỏ và phòng tắm nhỏ chật hẹp. Nghe cô giáo kể rằng chúng tôi thường khuyên các cháu nhỏ đi vệ sinh trước ở nhà để hạn chế đi vệ sinh tại trường do chỉ có một toilet mà các cháu thì quá đông, không đủ sức khi nhiều cháu cùng sử dụng chung và nếu dùng các bô nhỏ để đi toilet thì khá mất vệ sinh, ảnh hưởng đến các cháu khác trong trường.
          Hình ảnh các cô giáo đang chơi đùa và ru các cháu nhỏ ngủ vào buổi trưa hè nóng bức, nhiệt độ lên đến 39-40oC đủ cho biết tình cảm các cô giành cho các cháu như con của mình. Các cô luôn mong muốn mọi điều tốt nhất và cũng mong muốn có được một cơ sở tốt để đem lại niềm vui và tiếng cười cho con trẻ.
           Để động viên việc dạy và học của cơ sở này, ông Saito cùng gia đình, một người bạn của TTKKTL Huế đã tặng lớp học một cây đàn Organ hiệu CASIO. Đối với một lớp học nghèo thì đây là một món quà rất quí giá. Sau chúng tôi mang đàn đến và ráp nối xong cô giáo tiến hành kiểm tra đệm thử thì các cháu tỏ ra rất vui và đồng loạt vỗ tay theo nhịp nhạc. Niềm phấn khích thơ ngây của con trẻ thật là đẹp và không gì sánh được.
          Xin cảm ơn ông Saito cùng gia đình đã quan tâm giúp đỡ nâng cao điều kiện dạy và học cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn tại Phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

     Quốc Huy

Monday 21 May 2012

HOẠT ĐỘNG TẶNG ĐÀN CHO LỚP HỌC GHÉP Ở ĐẬP GÓC





            So với các em học sinh ở các nơi khác thì điều kiện học tập của các em ở Lớp học ghép còn thiếu thốn hơn rất nhiều, các em ở đây chủ yếu học hai môn Toán và Tiếng Việt, còn các môn khác thì các em không không có điều kiện để học nên kiến thức của các em còn rất nhiều hạn chế, đây là điều thiệt thòi rất lớn nếu sau này các em có điều kiện đi học ở các trường khác. Vì thế để giúp các em ở đây bớt thiệt thòi so với các em ở các nơi khác, thông qua sự tài tài trợ kinh phí mua đàn organ của các nhà hảo tâm chúng tôi đã đề nghị thầy Hòa đi học thêm lớp đánh đàn organ để dạy thêm môn nhạc cho các em, và để việc dạy nhạc cho các em được tốt hơn, vào sáng 21/05/2012 chúng tôi đã trao tặng cho lớp học ghép một cây đàn organ. Hy vọng với cây đàn mà chúng tôi trao tặng thì thầy và trò của lớp học ghép sẽ có điều kiện để học môn nhạc được tốt hơn.
Trước đây, do trình độ dân trí của các bậc phụ huynh ở đây còn thấp và hoàn cảnh khó khăn nên khi chưa có lớp học ghép, phần lớn các em ở trong thôn dù lớn hay nhỏ đều theo bố mẹ lên thuyền đi đánh cá chứ không được đi học. Vì vậy để giúp các em ở trong thôn biết được cái chữ để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn,  thầy Hòa đã mở ra lớp học ghép này và trực tiếp giảng dạy cho các em ở trong thôn, các em học ở lớp học này không đóng bất kỳ một khoản kinh phí nào, phần lớn sách, vở, bút...phục vụ cho việc học của các em đều do thầy Hòa tự đi xin các nhà hảo tâm hoặc xin sách củ của các em ở các nơi khác. Mặc dù các bậc phụ huynh và thầy Hòa rất muốn con em mình được học hành đây đủ, nhưng vì cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn, gia đình lại đông con nên không thể lo cho con cái đầy đủ được. Vì thế mà mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm dù lớn hay nhỏ đều có ý nghĩa rất lớn cho thầy và trò ở đây, góp phần giúp các em có đều kiện để học tập tốt hơn.


Nguyễn Xuân Quý

KIẾN THỨC PHÁP LUẬT : GIÁM HỘ



Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan Nhà nước (gọi là người giám hộ) được pháp luật qui định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bênh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi là người được giám hộ).
Trước đây trong Luật Hôn nhân - Gia đình 1986 có qui định chế độ đỡ đầu ( từ Điều 46 đến Điều 50), song Luật HN - GĐ và gia đình 2000 qui định cụ thể việc giám hộ giữa các thành viên trong gia đình thành chương riêng (chương IX, từ Điều 79 đến Điều 84).
Người được giám hộ bao gồm:
+ Người chưa thành niên không còn cha mẹ, không xác định được cha mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn  chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có điều kiện chăm sóc giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha mẹ có yêu cầu.
+ Người mất năng lực hành vi dân sự.
Đối với người chưa thành niên dưới 15 tuổi, người bị bệnh tâm thần không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì bắt buộc trong mọi trường hợp phải có người giám hộ.
Để thực hiện việc giám hộ với mục đích là chăm sóc, bảo về quyền lợi của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần của như đại diện cho người được giám hộ khi tham gia các giáo dịch dân sự nên pháp luật dân sự qui định người giám hộ phải đảm bảo những điều kiện nhất định.
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Có tư cách đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa bị xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
+ Có điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện việc giám hộ.
* Các loại giám hộ:
- Giám hộ đương nhiên: là hình thức giám hộ do pháp luật qui định. Quan hệ giám hộ này được xác định bằng qui định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của họ.
+ Giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên.
* Trong trường hợp anh, chị, em ruột không có thoả thuận khác thì anh cả, chị cả đã thành niên phải là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh, chị cả không đủ điều kiện thì những anh, chị tiếp theo đủ điều kiện làm người giám hộ.
Ngoài ra pháp luật còn qui định khi quyết định các vấn đề liên quan đến nhân thân, tài sản của em chưa thành niên thì anh, chị là người giám hộ của em phải tham khảo ý kiến của những người thân thích và ý kiến của em (nếu từ 9 tuổi trở lên ). Quy định này nhằm hạn chế sự lạm quyền của người giám hộ, đảm bảo lợi ích của người được giám hộ (Khoản 2 Điều 83 Luật HN-GĐ 2000).
* Trong trường hợp không có anh, chị ruột hoặc có nhưng đều không đủ điều kiện thì ông bà nội ngoại đủ điều kiện phải là người giám hộ. Trong trường hợp này ông bà nội ngoại thoả thuận cử một bên làm người giám hộ.
+ Giám hộ đương nhiên của người mắc bênh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình.
* Đối với vợ chồng: Chồng đủ điều kiện phải là người giám hộ cho vợ; ngược lại vợ đủ điều kiện phải là người giám hộ cho chồng.
* Đối với cha mẹ và con: Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự thì người con cả đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ, nếu người con cả không có đủ điều kiện thì những người con kế tiếp đủ điều kiện làm người giám hộ. Đối với con đã thành niên mà không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình mà chưa có vợ, có chồng hoặc đã có nhưng không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha mẹ đủ điều kiện phải là người giám hộ.
Trong trường hợp này cha mẹ thoả thuận với nhau về việc đại diện theo pháp luật cho con trong các giao dịch dân sự và lợi ích của con.
- Giám hộ cử: Trong trường hợp không có giám hộ đương nhiên thì những người thân thích của người được giám hộ cử một người đủ điều kiện để giám hộ; nếu không cử được thì UBND xã phường, thị trấn có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị với tổ chức từ thiện đảm nhận việc giám hộ.
Ngoài qui định trên thì Luật HN-GĐ còn qui định việc cha mẹ cử giám hộ cho con trong trường hợp không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Cha mẹ và người giám hộ thoả thuận về việc người giám hộ thức hiện một phần hay toàn bộ việc giám hộ (Điều 81 Luật HN- GĐ 2000).
b. Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ
Giám hộ là chế định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Do vậy, pháp luật dân sự qui định rõ các quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với từng đối tượng cụ thể từ Điều 65 đến Điều 69 BLDS 2005.


Tình huống: Anh A và chị B kết hôn năm 1990 có hai con chung đều dưới 15 tuổi. Năm 2002 anh A bị tai nạn nên bị chấn thương não mất khả năng nhận thức và Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Tháng 6/2006 do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên chị B đã bán chiếc xe máy là tài sản chung của vợ chồng và một số tài sản khác của anh A được bố mẹ cho trước khi kết hôn để lấy tiền lo cuộc sống cho chồng và hai con. Sau đó bố đẻ của anh A là ông H biết được việc mua bán đã làm đơn yêu cầu huỷ bỏ hợp đồng trên vì cho rằng anh A là con đẻ của ông không nhận thức được nên chị B chỉ được bán tài sản khi được ông đồng ý. Được biết chị B có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Căn cứ vào các qui định của pháp luật xác định yêu cầu của ông H được chấp nhận không? Vì sao?

Đ.N


Friday 18 May 2012

VĂN HÓA ẨM THỰC VỈA HÈ



Có lẽ không nơi đâu có được sự phục vụ thân thiện như quán vỉa hè, nơi đó người ăn không khe khắt, người bán cũng chẳng đòi hỏi quá cao. Quán ngoài đường không cần quảng cáo mà tên tuổi đã gắn liền với tên món ăn...
Đã là người Việt thì hầu như ai cũng có kỷ niệm gắn liền với món ăn đường phố. Thậm chí ăn ngoài phố, vỉa hè từ lâu đã trở thành một thói quen không hề khắt khe và vô cùng thú vị đối với mọi lứa tuổi.
Sống và lớn lên trên mảnh đất cố đô còn lắm nhiều bụi nắng và gió cát, ắt hẳn chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những hình ảnh về những quán ăn bên lề đường, vỉa hè của các mệ, các bác và các cô đã trở nên khá quen thuộc đối với người dân xứ Huế. Nhìn những dãy hàng ăn bốc khói nghi ngút đủ hương thơm khiến cho du khách thập phương phải nén dừng lại trong chốc lát để cảm nhận và thưởng thức hương vị của món ăn hè phố.
Bên cạnh những nguồn dư luận trái chiều về việc món ăn hè phố không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay làm mất thẫm mỹ quan hè phố như lấn chiếm lòng lề đường hay làm ô nhiễm môi trường sống thì có thể nói bỏ qua những điều trên văn hóa ẩm thực vỉa hè đã định hình từ lâu trong tiềm thức của người Việt nói chung và người dân Huế nói riêng.
Nói đến món ăn đường phố thì không thể nói hết một ngày một bữa, đó là một thế giới ẩm thực dân dã đặc biệt.  Không chỉ có những gánh hàng rong mang món ăn vặt đi khắp thị thành, những chiếc xe kéo, xe đạp, xe đẩy tự chế cũng làm phận sự mang hàng ăn đi khắp nơi. Cũng không phải tình cờ mà thực khách duy trì thói quen ăn ngoài phố. Từ gánh hàng rong cho đến những quán ăn có đẳng cấp, thôi thì đủ các món, bao giờ cũng chọn những nơi có phố xá rộng rãi, vỉa hè thông thoáng tiện lợi cho thực khách tạt ngang vào hoặc chí ít vỉa hè cũng đặt được dăm chiếc bàn lộ thiên. Cái sự mát mẻ của khí trời, thoáng đãng của không gian, náo nhiệt của phố phường là ngọn lửa tiếp thêm cho các món ăn ấy. Ngoài ra một điểm thú vị hấp dẫn của thú ăn ngoài đường phải nói đến là sự thoải mái hưởng thụ mọi âm thanh cuộc sống. Bạn có thể vừa thưởng thức tô bún nghệ, cháo lòng nóng hổi thơm phưng phức vừa có thể ngắm dòng người qua lại khi đó mới thấy hết cái sự thong thả của ẩm thực vỉa hè. Thêm vào đó có cảm tưởng rằng hình như chỉ ngồi quán vỉa hè, người ta mới cho phép mình trút bỏ hết mọi rào cản suy nghĩ, lối sống và vai vế trong xã hội. Ai cũng như ai, thân thiện và bình dị như hàng xóm láng giềng. Một điểm độc đáo nữa là quán ăn ngoài đường cũng chẳng cần quảng cáo mà tên tuổi đã gắn liền với tên món ăn, thực khách tuổi nào cũng đã không ít lần tự đặt tên cho hàng ăn đường phố như quán bà Mập, quán ông Râu…Vỉa hè còn là nơi xuất phát những kiểu cách chạy bàn độc đáo hoặc những câu nói bất hủ kiểu “ 15 ngàn một bát vừa rẻ vừa ngon đây”!
Có thể nói, người ta chọn ăn ngoài phố không chỉ vì ngon, bổ, rẻ trong thời giá đắt dỏ mà còn vì một thói quen không bỏ được của tình yêu cuộc sống dung dị, giản đơn. Những bận rộn hối thúc của cuộc sống nơi đô hội ồn ào đã bỏ lại sau lưng để ngồi lại bên góc phố bằng một tâm thế thật yên bình, tĩnh lặng và thưởng thức dư vị đậm đà truyền thống của quê hương.
Ngọc Thủy

Wednesday 16 May 2012

HOẠT ĐỘNG TẶNG TỦ SÁCH CHO CÁC EM Ở LỚP HỌC GHÉP - ĐẬP GÓC





Với số tiền 3.000.000VNĐ mà nhà tài trợ gửi tặng cho lớp học ghép ở Đập Góc, vào này 11/05/2012 chúng tôi đã sử dụng số tiền này để mua một tủ sách tặng cho lớp học ghép, thay thế cho tủ sách củ không con sử dụng được nữa. Lý do mà chúng tôi và thầy Hòa quyết định sử dụng số tiền này để mua tủ sách là do ở trong lớp học này vẫn còn một số em chưa có nhà để ở phải ở trên thuyền. Chiếc thuyền vừa là phương tiện để đánh bắt thủy hải sản vừa là nơi ăn, ở, sinh hoạt của cả gia đình, vì thế mà sách vở, dụng cụ học tập của các em cũng rất dễ bị ướt, bị rách do rơi xuống nước, đặc biệt là về mùa mưa lũ thì việc sách vở, dụng cụ học tập của các em ở đây bị mất hay bị ướt, bị rách xảy ra thường xuyên, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em. Vì vậy để hạn chế tình trạng sách vở, dụng cụ học tập của các em bị mất hay bị rách, bị ướt... chúng tôi cùng với thầy Hòa đã quyết định sử dụng số tiền mà nhà tài trợ gửi tặng để mua tủ sách tặng cho các em. Trước đây, sau giờ học các em phải tự mạng sách vở về nhà và tự bảo quản, còn bây giờ với tủ sách này các em sẽ không còn mang sách vở về nhà nữa mà sẽ để lại trong tủ sách ngay tại lớp để thầy Hòa bảo quản giúp.
So với các em ở các vùng khác thì điều kiện học tập của các em ở Đập Góc còn thiếu thốn hơn rất nhiều, đa phần các em ở đây là con em của những người sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản nên phần lớn thời gian trong ngày lênh đênh trên sông nước, không có thời gian để quan tâm đến việc học hành của con cái, các em ngoài giờ học ở lớp còn tranh thủ thời gian rãnh rỗi để theo bố mẹ lên thuyền đi đánh cá kiếm thêm thu nhập. Vì vậy các em ở đây rất cần sự quan tâm hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm và của cộng đồng. Thầy Hòa và các em ở lớp học ghép rất vui mừng và cám ơn hai nhà tâm đã bỏ tiền mua tủ sách tặng cho lớp học ghép, các em cũng hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ sự quan tâm giúp đỡ của những nhà hảo tâm trong suốt thời gian vừa qua.


Nguyễn Xuân Quý

Monday 14 May 2012

CUỘC SỐNG CẦN LẮM NHỮNG TẤM LÒNG!



Xã hội của chúng ta ngày càng phát triễn, đất nước ta ngày một đi lên và đời sống của người dân cũng dần được cải thiện từ cái ăn đến cái mặc. Tuy nhiên, ở đâu đó xung quanh ta vẫn còn tồn tại những mãnh đời cơ cực, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, trẻ không được cắp sách đến trường....cái đói nghèo cứ đeo bám cuộc đời họ. Đôi lúc họ chẳng biết bám víu vào đâu. Bởi trong xã hội hiện đại này, mỗi người trong chúng ta  đều đang mải mê bon chen với cuộc sống, suốt ngày cơm áo gạo tiền lo cho bản thân, gia đình. Và cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống cứ quay vòng theo thời gian, cuống chúng ta vào cái vòng xoáy đó. Chúng ta sống luôn hướng về phía trước để vươn lên. Vậy thì, đã có bao giờ bạn và tôi thử ngoảnh lại phía sau lưng mình để biết rằng: vẫn còn đó những cuộc đời bất hạnh cần được giúp đỡ.
Theo năm tháng, trước cuộc sống mưu sinh hằng ngày với đầy sự khó khăn, con người chúng ta luôn tìm cách hơn thua nhau, tranh dành nhau trong mọi việc ... Thế nhưng có bao giờ chúng cảm thấy chạnh lòng trước những em bé bán vé số, những em bé đánh giầy, những đứa trẻ mồ côi, những cụ già đang ngày đêm vật lộn với cuộc sống mưu sinh trong khi chúng ta được ăn ngon, mặc đẹp...
Vâng, cuộc sống này cần lắm, rất cần những tấm lòng hảo tâm đến với người nghèo, bất hạnh.
Và tại Trung tâm Khuyến khích tự lập của chúng tôi cũng đã, đang và sẽ là “cần câu” để giúp cho những người nghèo vượt qua khó khăn bằng chính đôi tay của mình bằng cách giúp người nghèo có số vốn để buôn bán, kinh doanh. Và hằng năm, Trung tâm của chúng tôi có các hoạt động khác như phát học bổng cho các trẻ em nghèo, chương trình áo ấm đến trường ... và thực hiện các dự án nhỏ giúp trẻ em nghèo...Chúng tôi thực hiện được các chương trình này là nhờ các mạnh thường quân chung tay góp sức.  Tuy nhiên, đó chỉ là những đóng góp nhỏ nhoi thôi cho sự nghiệp vì người nghèo của đất nước. Những hoạt động của chúng tôi chỉ như những hạt cát trên biển. Bởi vì những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống này còn nhiều, nhiều lắm.
Vì vậy, mỗi chúng ta hãy chung tay góp sức để những người bất hạnh có được niềm vui trong cuộc sống, để niềm vui được lan tỏa  ra cho khắp những mãnh đời bất hạnh.  

Phan Thị Mến

Friday 11 May 2012

VĂN PHÒNG BỘ “LỘ”


  
Dư luận đang nóng về đề xuất kinh phí 12.000 tỉ dự định xây văn phòng Bộ GTVT.
Không biết xây để làm gì? mục đích là gì? Là gì? Tầm nhìn là gì ? Là gì ? Là gì ?

Số tiền đó sử dụng để xóa đói giảm nghèo thì sẽ giúp được bao nhiêu hộ thoát nghèo?

Tiền đó, đầu tư cho trường học, mẫu giáo, phụ cấp giáo viên khó khăn thì sẽ  giúp được bao nhiêu cơ man là người?

Trụ sở xây dựng khang trang có giúp ích gì cho việc cải thiện tình trạng giao thông của đất nước không? Tiền ai sẽ trả? Có phải đi vay không? Trụ ở cũ có còn sử dụng được không? Vì sao lại phải xây trụ sở mới trong lúc này, dù rằng tầm nhìn là cả 20-30 năm sau?

Các nước Nga, Mỹ, Nhật, Trung...giàu có hơn ta, có trụ sở cấp bộ nào  tốn tiền như vậy chưa?

Xin quý vị dề xuất dự án bình lặng xét lại lương tâm khi tái trình dự án này tới chính phủ. Chính phủ, Thủ Tướng có đồng ý mà dân bất bình thì nên dừng lại, vì dân là người đóng thuế nuôi chính phủ.

Mà dân ta đang nghèo nhiều lắm, tội lắm, đáng thương lắm! Ai đó  đề xuất dự án vô tâm quá đi thôi!

Nên miễn thuế cho dân, qua đó miễn thông qua đề án này đến vài chục năm sau nữa.
Mong sao, mong sao...


PVH

P S:
http://vietbao.vn/tp/Bo-GTVT-can-12174-ty-dong-xay-tru-so-moi/2917316/

Wednesday 9 May 2012

TRI ÂN THÂN HỮU



Dưới đây là bài viết của Cô Thu-Lê, Chủ tịch TTKKTL Huế sau buổi thăm làng Đập Góc vào đầu tháng 4 vừa rồi.

Số tiền 6,675,000 DVN Minh Ngọc nhờ anh chị Vừa+Trà đem đến Trung Tâm Khuyến Khích Tự Lập (TT) để giúp đỡ cho các trẻ em nghèo thì các cháu ở TT vẫn giữ để chờ Lê về rồi mới quyết định làm gì. Mình dùng số tiền đó để tặng quà cho 2 trường mầm non nghèo. Sáng nay mình cùng các cháu ở TT đi mua một ít sách vở, giấy bút cùng một số tiền mặt đến làng Đập góc, Phú Mỹ để tặng cho lớp học ghép của làng. Thầy Hòa sẽ dùng số tiền đó mua sắm thêm những vật dụng cần thiết cho lớp học.

Làng này quá nghèo, cha mẹ không đủ tiền gởi con cái đến trường ở làng bên cạnh nên các em không được đi học, cả ngày ở nhà trông nom các em nhỏ hoặc ra đồng mò tôm bắt cá với cha mẹ. Trong làng có 1 người có học tình nguyện bỏ thì giờ để dạy cho các trẻ em trong làng, đó là thầy Hòa. Ban đầu thầy dựng một cái chòi bên cạnh nhà để dạy các em tập đánh vần. Sau đó có một hội từ thiện ở Mỹ tài trợ để xây một lớp học, thầy cho xây ngay bên cạnh nhà, trên mãnh đất của thầy. Gọi là lớp học ghép vì có 2 lớp học một lần. 1 lớp ngồi quay mặt về hướng Nam, 1 về hướng Bắc. Lớp học hoàn toàn miễn phí, buổi sáng thầy dạy lớp 1 và lớp 2, khoảng 25 cháu. Buổi trưa thầy dạy cho phụ huynh lớp "chống nạn mù chữ", khoảng 15-20 người, nay đã biết đọc sơ sơ. Buổi chiều thầy dạy lớp 3 và lớp 4, khoảng 20 cháu. Buổi tối và cuối tuần thầy cùng với vợ lo việc đánh cá, nuôi tôm. Vợ của thầy ra đồng làm lụng suốt ngày để nuôi 4 người con cho thầy rãnh để dạy học không công cho cả làng. Trung tâm đã giúp đỡ mua sách vở giấy bút cho các lớp học nhiều lần, ngoài ra TT còn cho các hộ dân trong làng vay vốn để sắm sửa vật liệu nuôi tôm nuôi cá vì cả làng sống về nghề thủy sản. Họ luôn luôn trả tiền lại cho TT rất đúng hạn mỗi tháng.

Thầy Hòa sẵn sàng giúp đỡ mọi người trong làng. Có lần bà cụ già neo đơn bị bênh (ở trong ngôi nhà, hình số 12, bà cụ ra đồng mò cua khi mình tới thăm nên không gặp. Mình có gởi lại cho bà cụ ít tiền và nhờ thầy Hòa đưa lại), thầy phải dùng vài sợi dây để nịt bà cụ sau lưng thầy để cụ khỏi bị té khi thầy chở cụ bằng xe honda đến bệnh xá làng bên cạnh để khám bệnh.

Thay mặt các cháu nghèo, cám ơn Minh Ngọc có lòng giúp đỡ.”

Sau khi nghe tin về lớp học này, một người bạn của cô Thu Lê đã gửi tặng lớp học 3 triệu đồng. Nhân viên Trung tâm chúng tôi đã bàn với thầy Hòa và thầy mong muốn mua một tủ đựng sách vở mới thay cho tủ sắt cũ đã bị hoen gỉ không thể sửa chữa được.

Thay mặt thầy Hòa và phụ huynh cùng các học sinh học viên lớp Đập Góc, xin chân thành cảm ơn các nhà hảo tâm đã quân tâm giúp đỡ động viên lớp học tình thương vượt lên khó khăn đời thường.

Huế mùa Phật Đản 2012

Monday 7 May 2012

NGUỒN CỘI


  
Con chim có tổ, con người có tông.
Con hổ có hang, con sóc có hốc.
Thú đi hoang có rừng, người đi hoang còn có tình đồng loại.

Mọi thứ trên đời này tồn tại được là do có sự dựa dẫm lẫn nhau, loài càng gần nhau thì sự nương tựa nhau càng lớn. Ngoài ra, các loài khác nhau cũng nhờ nương tựa vào nhau mà tồn tại vững bền, nương tựa vào tự nhiên như hang, hốc, rừng...như thế cũng được coi là gắn bó  mật thiết.
Khi một mắt xích gắn bó này bị chặt đứt, sự tồn tại chung sẽ bị yếu dần đi, do nơi nương tựa bị mai một.
Con người là động vật bậc cao, thông minh nhất, có ngôn ngữ và chữ viết, có tư duy và có sức mạnh siêu việt. Tuy nhiên trong thời đại vật chất, loài người đã có những hành xử thiếu thông minh, tự gây ra hiểm họa cho bản thân mình mà không hay biết. Ví dụ:
- Khai thác tài nguyên vô độ;
- Hủy hoại nguồn nước;
- Thải ra môi trường hàng đống phế thải có hại không qua xử lý;
- Khuyến khích tôn sùng vật chất và danh vọng;
- Làm băng hoại tình đồng loại bằng hận thù, mâu thuẩn sắc tộc, đàn áp bất đồng đối lập, gây chiến, tạo ra các thể chế với chính sách gây ra mẫu thuẩn  và bất ổn xã hội nghiêm trọng.
...

Loài người ngày càng quên đi nguồn cội của mình.
Đó là một nguy cơ thực sự đối với toàn hành tinh của chúng ta.


PVH

Wednesday 2 May 2012

NIỀM HY VỌNG



Tôi tin rằng khi bặn đọc câu chuyện này bạn sẽ rút ra những điều có ý nghĩa và kỳ diệu trong cuộc sống.

“Có một người duy nhất sống sót trong một tai nạn đắm tàu và trôi dạt trên một hoang đảo nhỏ. Kiệt sức, nhưng cuối cùng anh đã gom được những mẩu gỗ trôi dạt và tạo cho mình một túp lều nhỏ để trú ẩn và cất giữ một vài đồ đạc còn sót lại. Ngày ngày anh nhìn về chân trời cầu mong được cứu thoát, nhưng dường như vô ích.

Thế rồi một ngày, như thường lệ anh rời khỏi chòi để tìm thức ăn trong khi bếp lửa trong lều vẫn cháy. Khi anh trở về thì túp lều đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao, Điều tồi tệ nhất đã xảy đến. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh chết lặng trong sự tuyệt vọng: “ Sao mọi việc thế này lại xảy đến với tôi hả trời!”.

Thế nhưng, rạng sáng hôm sau anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” – Anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.

Thật dễ dàng chán nản và thất vọng khi sự đời xảy đến ngoài ý muốn. Nhưng cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, cách đón nhận của bạn, sẽ quyết định mức độ trầm trọng của sự việc, quyết định quan điểm và sự hạnh phúc của bạn. Một trong những bí mật vĩ đại của cuộc đời đó chính là hãy tìm thấy một “ánh sáng hy vọng” trong đám khói đen của sự rủi ro”.

Câu chuyện kết thúc bằng một thông điệp muốn gởi đến chúng ta rằng “ Một trong những bí mật vĩ đại của cuộc đời đó chính là hãy tìm thấy một thứ ánh sáng hy vọng” trong đám khói đen của sự rủi ro”. Do vậy đừng bao giờ đánh mất hy vọng, hãy can đảm và có nghị lực sống cho dù phải đối mặt với bao những khó khăn trong cuộc sống  gần như tuyệt vọng. Nhưng hãy luôn tin và nhìn vào tương lai, tất điều kỳ diệu và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta.

Ngọc Thủy

Tuesday 1 May 2012

NGƯỜI DÂN HAY NGƯỜI DƯNG (MAY DAY)


Gần đây dư luận lại xôn xao về chuyện cưỡng chế ở một địa phương miền Bắc.
Lực lượng cưỡng chế rất hùng hậu, được trang bị vũ khí, hơi cay, đạn khói...cứ như bắt đầu vào một trận đánh quyết liệt vậy.
Vài trăm người dân phản đối cưỡng chế  thì tự trang bị gậy, liềm, gạch đá...quyết sống mái với lực lượng cưỡng chế.

Khói lửa mịt mù, tiếng la hét huyên náo, đội quân cưỡng chế dàn quân như chiến binh La Mã hoặc Thế chiến Hai. Bên kia người dân cũng chuẩn bị đối phó với những gì có được, tuy nhiên đó là thế trứng chọi đá, làm sao ngăn nổi lực lượng hùng hậu phía bên kia?
Sự thất thế và tháo lui của bên yếu thế hơn là điều đã được dự đoán trước.
Tuy nhiên, tại sao người dân lại làm như vậy?
Tại sao nhà nước lại làm như vậy?
Có cách gì để tránh xung đột hay không?
Có cách gì để hóa giải các mâu thuẩn hay không?
Ai là người bị thiệt hại nhiều nhất trong vụ cưỡng chế này? Nhà nước hay người dân?
Dư luận trong nước ra sao về dự án này? Dư luận ngoài nước ra sao?
Có nơi nào trên thế giới này có sự cưỡng chế với qui mô lớn như vậy không?
Người biết đủ thông tin về dự án Ecopark sẽ xây dựng trên đất cưỡng chế sẽ có bình luận gì?
Các nhà kinh tế, hoạt động xã hội, đại diện hội nông dân, đại biểu quốc hội địa phương có cưỡng chế, các tổ chức xã hội dân sự...sẽ có quan điểm như thế nào về vụ cưỡng chế này.
Và còn nhiều câu hỏi nữa chưa được nêu ra hết.
Phải đặt câu hỏi như vậy vì một bộ phận nhân dân trên quê hương ta, cũng là một phần máu thịt của dân tộc. Khi họ có niềm oan khất nào đó thì toàn thể người dân ta cần có tiếng nói để giải oan, nếu thực sự họ chịu oan khất, phải đi khiếu kiện nhiều lần.
Nếu có sự quan tâm đối với họ, người dân với nhau sẽ không như người dưng.

PVH